Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/01/2013 23:01 # 1
anhtaicit
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 23

Kinh nghiệm: 137/250 (55%)
Kĩ năng: 210/230 (91%)
Ngày gia nhập: 13/01/2010
Bài gởi: 3137
Được cảm ơn: 2740
Giới thiệu cảm nhận của một du khách về Đà Nẵng


 

Mình không có thân thích ở Đà Nẵng nên cảm nhận của mình về thành phố này không vướng bất kỳ một định kiến nào.

Lần đầu tiên mình vào Đà Nẵng là năm 2006 cùng vợ. Cảm giác đầu tiên là thành phố này xinh xắn và gọn gàng và đặc biệt là sạch sẽ. Mình ngạc nhiên khi trên nhiều đường phố không có những bịch nilon rác như những thành phố khác. Hỏi người ở đây sao ít người đổ rác ra đường thì họ nói cách phạt của Đà Nẵng cực nghiêm.

Đọc báo thấy nhiều chính sách của Đà Nẵng khá mạnh tay, thậm chí gây tranh cãi. Nhưng kết quả thì đáng mừng. Những khu quy hoạch mới vuông vức bàn cờ, thuận tiện. Cảm giác thật nhẹ nhàng vì mình đang đi trên đường phố có chủ. Đúng vậy, vào gia đình nào thấy sắp đặt nhếch nhác, biết ngay trong nhà không bảo được nhau. Nói Đà Nẵng có chủ là như vậy.

Tối trên biển Mỹ Khê, (bãi biển được tạp chí gì đó của Tây bình chọn là bãi biển đẹp nhất thế giới. Quả thực, độ thoải của bờ cát là số 1 Việt nam) vợ chồng mình tản bộ thanh thản.

Vụt hiện phía trước có một bóng đen. Một chú bé rách rưới chạy lên hỏi: Phiền cô chú cho cháu hỏi mấy giờ rồi ạ?

Nhìn quần áo bẩn bẩn thì chắc là con một ai đó bán đồ ăn rong cho khách du lịch trên bãi biển.

Mình bấm điện thoại rồi đáp: 8 giờ 15 rồi.

Nói xong mình cũng không bận tâm mà đi thẳng. Vốn mình quá quen với việc người hỏi giờ sau khi nhận câu trả lời thì không một lời cảm ơn. Chính xác ra thì có rất ít người nói cảm ơn. Phần lớn là hỏi xong rồi đi luôn. Có người thì trả lời bằng câu: Thế à? Hết.

Mình không đợi sự lặng im hay "thế à". Mình tiếp tục bước đi.

Nhớ ngày xưa, một đại ca của mình vì quá khó chịu thái độ dửng dưng không thèm cảm ơn của người hỏi giờ nên thường trả lời nhanh: Đồng hồ chết.

Không nói gì thì bảo khinh người, trả lời tử tế thì không cảm ơn.

Với đại ca thì "Tôi sinh ra không phải để hầu ai chuyện mấy giờ". Vì thế câu "đồng hồ chết" đắc dụng không ai trách được. Tất nhiên, mình không đến nỗi khó tính như thế.

Chú bé rách rưới lại chạy lên chặn đường, khoanh tay cúi đầu nói: Cảm ơn cô chú!

Giật cả mình và hơi ngượng. Mình thật lỗ mãng. Nhưng mình cũng không đủ lịch thiệp để xin lỗi chú bé. Bắt đầu cảm thấy yêu mến nơi này. Muốn biết ở đâu thân thiện, hãy nhìn vàotầng lớp cần lao.

Khi mỏi chân, vợ chồng mình ngồi nghỉ trên cái ghế đặt sẵn ven biển. Một người đàn bà ngũ tuần ra mời uống nước dừa. Mình hay bị "chém" ở những khu du lịch khác nên hỏi luôn giá của nước và giá ghế ngồi cho nhanh. Chị bán hàng nói giá rẻ giật mình. Còn ghế thì không tính tiền với tinh thần cô chú ngồi đến lúc nào chán thì thôi. Thái độ của người đàn bà khi nghe hỏi giá tiền ghế thì có vẻ ngạc nhiên như nghe một chuyện cười từ hành tinh khác. Trời! sao ghế thì có gì mà tiền?

Thật dễ chịu ngồi đón gió như thế này. Đêm sâu thẳm. Phía xa, ẩn hiện đèn của thuyền câu mực. Ánh đèn mong manh. Những con sóng dài cỡ trăm mét ầm ầm đuổi nhau tràn vào bờ như những con trăn trắng khổng lồ tạo cảm giác thật là rợn ngợp. Trông nó thật đáng sợ mà sao trong lòng thấy rất bình yên thế. Sự bình yên có lẽ bắt đầu từ con người nơi này. Nước rút đi làm chân ai cũng nhột nhột rất thú vị.

Sáng hôm sau, vợ mình phải làm một số việc nên giải phóng cho mình đi chơi đơn thương độc mã cả ngày. Đi chơi một mình cũng là cái thú không phải ai cũng có. Đi chơi riêng thì tốt nhất phải có bạn là thổ dân. Phải kiếm một anh xe ôm nào đó.

Khoảng 8h sáng, mình lững thững trước công khách sạn Mỹ Khê, vừa ngắm cảnh vừa tìm kiếm một anh xe ôm làm bạn. Đi khoảng 30 m thì có một bác xe ôm đen nhẻm như thợ mỏ cỡ 60 tuổi rẹt qua mời. Mình hỏi bác xem có những chỗ nào đi chơi?

Bác bảo: Ở Đà Nẵng thì có Ngũ Hành Sơn là nên đi.

Mình bảo: Cháu muốn đến Ngũ Hành Sơn. Sau đó quay lại, vào thành phố. Chú thả cháu ở một nơi nào đó là xong việc.

Bác xe ôm tính một cái giá khá nhẹ nhàng.

Ngũ Hành Sơn không hùng vĩ lắm, nhưng ở đây có khá nhiều thứ chế tác từ đá. Bác xe ôm chỉ cho mình lối lên rồi hẹn đợi mình ở lối xuống bên kia núi, cũng hay. Mình lượn một vòng núi, mua đủ thứ chế tác từ đá rồi xuống, lên xe ôm và tiếp tục hành trình. Bác xe ôm hỏi mình muốn đi đâu?

Mình bảo: Cháu chỉ thích xem chỗ nào là chỗ Đã Nẵng cũ nhất, muốn xem thói quen sống của người ở đây. Có lẽ hay nhất là chú thả cháu ở một cái chợ nào đó.

Bác xe ôm đáp : Dạ.

Hành trình tiếp tục. Chợ không chỉ là nơi để mua bán. Đối với dân du lịch thì mua bán chẳng quan trọng lắm. Cái chợ là nơi lưu giữ văn hóa, thói quen sống, tính cách của vùng miền. Vì thế nên vào chợ.

Xe phanh ở chợ. Mình thanh toán tiền và tạm biệt bác xe ôm.

Đi chán chê mới nhớ ra là cái túi mang theo cùng khá nhiều thứ mua ở Ngũ Hành Sơn đã để quên trên giỏ xe của bác kia. Mình quay lại để xem bác ấy có đợi mình không. Tìm loanh quanh một lúc thì mình xác định là bác ấy chắc chắn đã đi xa rồi.

Ngẩn ngơ một lát, mình xác định là hôm nay là lần cuối cùng nhìn thấy cái túi đó và lại tiếp tục đi ngó nghiêng dân tình.

Sau cơm trưa, lại tiếp tục lững thững. Khi mỏi chân thì có một anh xe ôm khác ra chào.

Mình bảo: Em có nhu cầu anh cho lượn quanh những khu cũ của Đà Nẵng. Khi nào thấy thích thì dừng lại ngắm. Rồi lại đi. Khi nào mệt thì ngồi uống cà phê. Em muốn anh vừa đi vừa giải thích những điểm đến như hướng dẫn viên du lịch được không?.

Anh xe ôm đáp: Dạ được.

Thế là đôi bạn mới lại lên đường. Đi đến đâu, anh cũng chỉ dẫn chỗ này trước giải phóng là gì, thời mở cửa thì thành cái gì v v... Mình rất ấn tượng về khả năng ngôn ngữ diễn đạt thông thái của anh.

Khi nghỉ tại một quán cà phê. Trò chuyện sâu hơn thì biết anh vốn đã tốt nghiệp tú tài năm 1970. Tình cờ trên TV của quán có ca sĩ Hải Ngoại trong trang phục quân đội Sài Gòn hát. Anh nhìn rất lâu vào cái logo trên quân phục và thốt lên: Sư đoàn 1 đó.

Mình chẳng biết sư đoàn 1 thì có ấn tượng gì. Nhưng nhìn ánh mắt tự hào của anh thì đoán rằng sư đoàn đó là đơn vị đẳng cấp của quân đội Sài Gòn.

Mình hỏi: Sau khi tốt nghiệp tú tài thì anh có học tiếp không?

Anh đáp: Không, tôi phải đi lính ngay. Tôi bị quân giải phóng bắt được năm 1972 ở Quảng Trị và bị giữ cho đến 1975 thì được thả về.

Mình hỏi: Anh có cảm giác gì thời đó?

Anh bảo: Bên giải phóng đối xử tốt, không ngược đãi gì. Cũng sợ là vì mình và quân giải phóng cùng phải hứng chịu những trận oanh kích của quân Việt Nam Cộng Hòa. Rất may không chết.

Mình hỏi đoạn sau thì anh nói: Sau khi giải phóng thì phải đi học tập chính sach mới một thời gian. Rồi những năm bao cấp khổ sở. Nhưng cũng quen.

Mình tò mò: Anh nghĩ sao về cách đối xử đó?

Anh đáp: Chuyện thường mà. Nếu tôi là bên thắng trận thì tôi cũng phải quản lý người cũ ở bên kia thôi.

Thấy anh trầm ngâm, mình hỏi: Thời đi lính có phải thời đẹp nhất không?

Anh buồn buồn: Không. Thời đẹp nhất là thời đi học.

Thật kỳ lạ. Anh không có biểu lộ gì của chữ "hận". Sự trải nghiệm của anh thật đáng nể. Quả thực, cuộc đời giống như trò chơi. Nói trắng ra là canh bạc.

Cuối giờ chiều thì mình được đưa về gần khách sạn Mỹ Khê. Mình muốn đi bộ một đoạn để hít thở gió biển. Thanh toán tiền với giá dễ chịu. Tạm biệt anh xe ôm thông thái, mình lại lững thững tản bộ về khách sạn.

Rẹt một cái, một chiếc xe ôm phanh trước mặt. Tưởng ai chào mời, hóa ra là bác xe ôm đen nhẻm hồi sáng. Bác huơ tay nói gì đó. Ngữ điệu vùng này mới nghe phải tập trung mới quen được, căng tai căng mắt một lát thì mình hiểu được câu của bác là: Túi của anh, tôi gửi chỗ lễ tân rồi đó.

Mình ngỡ ngàng và cảm ơn!

Bác xe ôm lại rẹt đi mất hút. À phải rồi. Sáng nay, bác ấy đã nhìn thấy mình từ khách sạn này đi ra.

Cô Lễ tân đưa túi cho mình và nói: Có bác xe ôm gửi túi cho anh từ sáng nhưng chờ mãi giờ này anh mới về.

Mình cảm ơn cô lễ tân và xách túi về phòng. Ngày hôm đó thật là một ngày vui trọn vẹn. Mình không hỏi tên những người đã gặp trong ngày nên khi viết bài này không có tên tuổi mà điền vào, nhưng có một điều chắc chắn họ chung nhau một cái tên là "Người Đà Nẵng". Ít ra thì đã để lại trong trí nhớ của mình một cảm giác đẹp. Muốn nói một câu: Tôi yêu Đà Nẵng! Tôi sẽ tiếp tục về đây.

(Nguyễn Lê Tâm 26 - 1 - 2011)

Nguyễn Phước Như Quỳnh - P6 (st)
sb2.vn


Contact me : 
anhtaicit

Mail : anhtai.cit@gmail.com
Yahoo / Skype : newstars_19889


Không nghe phò kể chuyện
Không nghe nghiện trình bày
Không nghe say chém gió
Không nghe chó sủa linh tinh

 
Các thành viên đã Thank anhtaicit vì Bài viết có ích:
25/01/2013 21:01 # 2
girlxinh6688
Cấp độ: 2 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 2/20 (10%)
Kĩ năng: 3/10 (30%)
Ngày gia nhập: 25/01/2013
Bài gởi: 12
Được cảm ơn: 3
Phản hồi: Giới thiệu cảm nhận của một du khách về Đà Nẵng


người dân đà nẵng tốt, thân thiện mà bạn :), mình có ng bà con ở đó, họ lành và bình yên lắm



Tiền không phải là tất cả


 
02/04/2013 15:04 # 3
hys1204
Cấp độ: 1 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 1/10 (10%)
Kĩ năng: 0/10 (0%)
Ngày gia nhập: 02/04/2013
Bài gởi: 1
Được cảm ơn: 0
Phản hồi: Giới thiệu cảm nhận của một du khách về Đà Nẵng


Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất, phát triển nhanh , cám ơn bạn đã chia sẻ du lich trung quoc




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024