Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/04/2010 09:04 # 1
anhlatuan
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 29/100 (29%)
Kĩ năng: 101/110 (92%)
Ngày gia nhập: 02/03/2010
Bài gởi: 479
Được cảm ơn: 651
Hà Nội: Những cây cầu nối chiều dài thế kỷ


Những chiếc cầu nối đôi bờ sông Hồng từ bao năm đã gắn bó với số phận hàng triệu con người đất Thăng Long, số phận thành phố Hà Nội và cả Tổ quốc Việt Nam. Những chiếc cầu nối liền không gian một đất nước, nối dài lịch sử xuyên hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ của một dân tộc.
Hà Nội yên bình và giàu sức sống. Nơi đây, có những điều âm thầm trải nghiệm với thời gian để làm nên giá trị cho cuộc đời. Bởi vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau ấn tượng của người khách phương xa về một thành phố giàu sức phát triển lại là kỉ niệm về câu chuyện thú vị với những cụ già uyên thâm và nhân hậu bên bàn cờ tướng, là tâm hồn non nớt biết yêu thương của em bé bán hàng rong, là dòng sông Hồng bồi đắp phù sa nặng trĩu ân tình người trồng hoa ven bãi, là… những điều bình dị nhất. Và cả những cây cầu trải dài qua thế kỉ thầm lặng làm nên đời sống người Hà Nội và mảnh đất Thăng Long.
Câu chuyện bắt nguồn từ 100 năm trước
Được biết đến như một cây cầu “già cỗi” nhất, cầu Long Biên đã có 105 năm tuổi kể từ ngày khánh thành. Cầu được xây bởi người Pháp từ năm 1898, bởi vậy còn có tên là cầu Paul Doumer. Thật là may mắn, là niềm vui cho những ai thuộc lớp người đầu tiên thuở ấy được qua lại trên chiếc cầu đầu tiên, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương bấy giờ, bắc qua dòng sông nổi tiếng có tên gọi đầy hình tượng và sắc màu – sông Cái, sông Hồng.
Ha Noi Nhung cay cau noi chieu dai the ky
Cây cầu "trăm tuổi" Long Biên bắc qua "sông Cái". Ảnh: Lê Anh Dũng
Trải qua bao thăng trầm của nhiều cuộc đời con người trong thành phố thân thuộc, cây cầu cùng họ trở thành chứng nhân lịch sử cho những thời kỳ đau thương và oai hùng của cả đất nước. Đó là hàng đoàn người với những bước chân thất thểu, đói rét đi trên cầu năm Ất Dậu – 1945. Là từng đoàn Vệ quốc quân và Tự vệ thành Hà Nội lặng lẽ luồn qua cầu để rút lên Việt Bắc những đêm đông năm 1946. Là sự trở về trong niềm kiêu hãnh của đoàn quân chiến thắng và niềm hân hoan mong đợi của người Hà Nội vào mùa thu năm 1954.
Cây cầu còn là hiện hữu của một thời kì lửa đạn khốc liệt và oai hùng của cả dân tộc. Sự tồn tại của cây cầu như một trong những biểu tượng của sức sống kì diệu trên mảnh đất Hà Nội – Thăng Long. Gánh chịu và vượt qua bom đạn từ những pháo đài bay tối tân và hung hãn nhất, cầu Long Biên đã trụ vững để hoàn thành sứ mệnh lịch sử một thế kỷ với một cây cầu.
Giờ đây, khi chiến tranh và thời gian đã bào mòn vẻ bề ngoài và làm biến dạng “con rồng sắt” duyên dáng xưa kia, cầu Long Biên ngày qua ngày vẫn đứng đó giữa không gian mênh mông của nước trời Hà Nội như thể một chứng tích cổ xưa trưng bày trong viện bảo tàng thành phố. Người Hà Nội vẫn nhắc tới với sự gắn bó trong từng câu nói và mỗi ánh mắt nhìn. Ngày ngày, chiều Hà Nội xế bóng trên từng thanh sắt đã rỉ màu thời gian, người già chậm rãi thả từng vòng xe đạp lên cầu, ngắm nhìn thành phố đã in sâu cả cuộc đời, suy ngẫm những gì đã trải qua cùng với cây cầu. Các cô gái, chàng trai làm mới không gian sẫm màu chiều bằng nhiều nụ cười tươi rói, như không băn khoăn ngày mai, tay trong tay ngắm mặt nước sông Hồng mênh mông xa tít, như thể tương lai của họ đã rạng ngời tới mênh mông.
Cuộc sống lắng đọng nơi đây, yên bình nơi đây. 100 năm đã trôi qua, những giá trị cuộc đời vẫn được bồi thêm cho Hà Nội từ chiếc cầu ấy, theo cách này hay cách khác. Trong tương lai không xa, “con rồng sắt” sẽ được khoác lên mình tấm áo mới, hoành tráng và đẹp đẽ hơn, nhưng chắc sẽ vẫn giữ những nét xưa, duyên dáng, lộng lẫy của kiến trúc châu Âu, vẻ đẹp đã in sâu vào tiềm thức người Hà Nội.
Hiện tại và quá khứ cùng soi bóng trên một dòng sông
Đứng trên cầu Long Biên nhìn về phía hạ lưu, sẽ thấy một sự “đầu tiên” khác nữa, đó là cây cầu Chương Dương nối liền quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thiết kế và thi công. Thành công đầu ấy đã được khẳng định bằng hàng triệu lượt người qua lại trong 21 năm qua và đã là một minh chứng rằng, với khối óc và bàn tay người Việt Nam, mọi việc đều có thể!
Ha Noi Nhung cay cau noi chieu dai the ky
Đi trên cầu Chương Dương, ai cũng vội vàng, hối hả. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khác với cảm giác xưa cũ mà cầu Long Biên gợi lại, vào buổi tối, đứng sát thành cầu Chương Dương nhìn về xuôi sẽ thấy màn đêm như cuộn sóng. Gió lồng lộng…hình như thổi tạt đi mọi sự yên tĩnh có thể tồn tại, ngay cả sự yên tĩnh trong tâm hồn. Đi trên cầu Chương Dương, ai cũng vội vàng hơn, hối hả hơn, như thể sự gấp rút ấy mới nối liền hai bờ sông chứ không phải do chiếc cầu dài hơn 1200 mét.
Nằm cách cầu Long Biên 11 km về phía thượng lưu sông Hồng, cầu Thăng Long là một công trình mang tính thế kỷ, không chỉ bởi tầm cỡ và vai trò của cây cầu mà bởi nó được xây dựng nên trong thời kỳ quan hệ với các nước bao năm là bè bạn anh em trải qua những sóng gió khôn lường. Nhưng vượt qua thác ghềnh, cầu cũng được hoàn thành kịp cùng đất nước đi vào hành trình hòa nhập với toàn thế giới để đổi mới suy nghĩ và hành động, đổi mới đất nước.
Ha Noi Nhung cay cau noi chieu dai the ky
Cầu Thăng Long nối Hà Nội với những phương trời xa. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đến bây giờ, cảm giác khi đi trên cầu Thăng Long cũng rất khác, không còn cảm thấy như mình đang dạo quanh thành phố thân yêu như đi trên cầu Long Biên và Chương Dương, mà vẫn rất mới mẻ. Có lẽ bởi đó là nơi nối Thủ đô với những hành trình dài đến mọi nơi trên thế giới, cũng là nơi đầu tiên đón nhận những bước chân lạ có, quen có từ phương xa đến với Hà Nội và từ Hà Nội trở về.
Khi màn đêm buông xuống, đứng trên con đường vắng nhìn toàn cảnh cầu Thăng Long phía xa xa, thấy như một dải sáng thần tiên trót để quên chốn trần gian. Cuộc sống vẫn ồn ã trên cây cầu lớn ngày đêm đón người qua lại mọi miền này, nhưng lòng người lại thấy một vẻ đẹp lung linh, giàu sức sống mà không phù phiếm. Cây cầu trở thành món đồ trang sức tinh tế cho màn đêm Hà Nội.
Và câu chuyện của ngày mai đã bắt đầu
Cuộc sống của Thủ đô ngày càng hiện đại, càng tăng tốc vươn lên, điều đó thể hiện qua nhiều mặt phát triển và qua cả đời sống những cây cầu.
Được coi là dự án lớn nhất Đông Dương hiện nay, cầu Thanh Trì đã được thông xe vào tháng 2 năm 2007, trở thành nhịp cầu rút ngắn những quãng đường xa xôi, cũng là cây cầu đang được trông đợi về nhiều mặt của người Hà Nội, đồng bằng Bắc bộ và người dân cả nước.
Ha Noi Nhung cay cau noi chieu dai the ky
Cầu Thanh Trì, biểu tượng sống động của thời kỳ đổi mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Do những điều không thật vui khi thi công cây cầu này - cầu xây xong mà đường lên cầu chưa xây kịp, nên nay để đến được cầu phải đi qua một con đường dài đầy khói bụi. Nhưng khi lên cầu rồi thì không gian mở ra vô cùng rộng lớn, trong lành và một cảm xúc thú vị bỗng ập đến. Cầu đủ dài, đủ rộng và đủ đẹp để quên đi chặng đường khách tham quan vừa mới đi qua. Xe đi chậm rãi bên phía sát thành cầu được thiết kế đơn giản nhưng khá đẹp mắt, sẽ thấy thơ hiện về trong thực tại: “Xanh xanh bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc”. Con đường rộng thênh thang đang vươn dài về phía trước, nhưng không gian hai bên là cảnh đồng quê châu thổ sông Hồng bao đời vẫn trải ra êm đềm, đẹp đẽ.
Cây cầu đầu tiên được xây dựng trong thời kỳ đổi mới ấy để lại nhiều suy ngẫm, suy ngẫm về sức trẻ Việt Nam và ý thức con người trong thời kỳ hội nhập, về cái có thể và không thể, về nhiều điều cho một ngày mai phát triển!
Ha Noi Nhung cay cau noi chieu dai the ky
Cầu Vĩnh Tuy gấp rút vươn qua sông Hồng. Ảnh Lê Anh Dũng
Cầu Vĩnh Tuy với những chiếc cột cao đang mọc lên giữa sông Hồng. Cầu Nhật Tân đang chờ ngày khởi công… Mỗi sự ra đời ấy lại thêm một niềm vui, một niềm hy vọng, một lần khẳng định và nhìn nhận những điều đã qua, những việc mới sắp tới, mỗi cây cầu đều lắng đọng nhịp thời gian, lặng lẽ viết thêm những trang sử mới.
Từ chiếc cầu cổ nhất - cầu của dĩ vãng - cầu Long Biên, đến chiếc cầu mới nhất - cầu của tương lai - cầu Nhật Tân, những chiếc cầu nối đôi bờ sông Cái, sông Hồng, nối một Thăng Long cổ kính với bề dày lịch sử ngàn năm và một Hà Nội hiện đại, nối chiều dài lịch sử một dân tộc xuyên qua hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ, kết nối những thế hệ, những số phận, đời người...




...
...TƯƠNG LAI ƠI MI LÀ TẤT CẢ CỦA TA...

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024