Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/10/2016 15:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh trong kế toán quản trị


3.1.1 – Phân loại chi phí sản xuất, kinh doanh theo đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh ở doanh nghiệp.

Nếu nghiên cứu chi phí ở phương diện đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh thì toàn bộ chi phí sản xuất – kinh doanh được chia thành chi phí ban đầu và chi phí luân chuyển nội bộ.

3.1.1.1- Chi phí ban đầu.

Chi phí ban đầu là các chi phí doanh nghiệp phải lo liệu, mua sắm, chuẩn bị từ lúc đầu để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chi phí ban đầu phát sinh trong mối quan hệ của doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài nên còn được gọi là các chi phí ngoại sinh.

Căn cứ tính chất kinh tế và hình thái nguyên thuỷ của chi phí, các chi phí ban đầu được chia thành các yếu tố chi phí khác nhau, không kể chi phí đó dùng để làm gì và phát sinh ở địa điểm nào. Toàn bộ chi phí ban đầu được chia thành các yếu tố chi phí sau:

–   Chi phí nguyên liệu, vật liệu: Bao gồm các chi phí nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản…

–  Chi phí nhân công: Là các chi phí về tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động và các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn trên tiền lương, tiền công.

–   Chi phí khấu hao tài sản cố định: Là toàn bộ chi phí khấu hao của tất cả tài sản cố định trong doanh nghiệp.

–   Chi phí dịch vụ mua ngoài: Là số tiền phải trả cho các dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

–   Chi phí khác bằng tiền: Là các chi phí khác bằng tiền phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh ngoài các yếu tố chi phí nói trên.

Chi phí ban đầu bao gồm các yếu tố chi phí có nội dung kinh tế khác biệt, không thể phân chia được nữa về nội dung kinh tế, vì vậy mỗi yếu tố chi phí là các chi phí đơn nhất.

3.1.1.2- Chi phí luân chuyển nội bộ.

Chi phí luân chuyển nội bộ là các chi phí phát sinh trong quá trình phân công và hiệp tác lao động trong nội bộ doanh nghiệp, chẳng hạn: Giá trị lao vụ sản xuất phụ cung cấp cho nhau trong các phân xưởng, bộ phận sản xuất phụ và cung cấp cho các phân xưởng sản xuất chính; giá trị bán thành phẩm tự chế được sử dụng làm vật liệu trong quá trình chế biến…

Như vậy, chi phí luân chuyển nội bộ phát sinh do có sự kết hợp các yếu tố đầu vào của quá trình SXKD: Sự kết hợp giữa lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động. Vì vậy, chi phí luân chuyển nội bộ là các chi phí tổng hợp, được cấu thành bởi nhiều yếu tố chi phí đơn nhất ban đầu.

Phân loại chi phí sản xuất – kinh doanh thành chi phí ban đầu theo yếu tố và chi phí luân chuyển nội bộ có ý nghĩa rất quan trọng đối với quản lý vĩ mô cũng như đối với quản trị doanh nghiệp.

–  Chi phí sản xuất kinh doanh ban đầu theo yếu tố là cơ sở để lập và kiểm tra việc thực hiện dự toán chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố; là cơ sở để lập các kế hoạch cân đối trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như ở từng doanh nghiệp (cân đối giữa dự toán chi phí với kế hoạch cung cấp vật tư, kế hoạch lao động – tiền lương, kế hoạch khấu hao TSCĐ…).

–  Là cơ sở để xác định mức tiêu hao vật chất và tính thu nhập quốc dân của doanh nghiệp, ngành và toàn bộ nền kinh tế.

3.1.2- Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh theo mối quan hệ của chi phí với các khoản mục trên báo cáo tài chính.

Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất kinh doanh được chia thành chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ.

3.1.2.1- Chi phí sản phẩm.

Chi phí sản phẩm là những khoản chi phí gắn liền với quá trình sản xuất sản phẩm hay quá trình mua hàng hoá để bán. Như vậy chi phí sản phẩm bao gồm chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

Nếu sản phẩm, hàng hoá chưa được bán ra thì chi phí sản phẩm sẽ nằm trong giá thành hàng tồn kho trên Bảng cân đối kế toán. Nếu sản phẩm, hàng hoá được bán ra thì chi phí sản phẩm sẽ trở thành “giá vốn hàng bán” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

3.1.2.2- Chi phí thời kỳ.

Chi phí thời kỳ là các chi phí để hoạt động kinh doanh trong kỳ, không tạo nên hàng tồn kho mà ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lợi nhuận của kỳ mà chúng phát sinh.

Theo hệ thống kế toán hiện hành, chi phí thời kỳ bao gồm:

–  Chi phí bán hàng.

–  Chi phí quản lý doanh nghiệp.

Như vậy, chi phí sản phẩm và chi phí thời kỳ khác nhau ở chỗ: Chi phí thời kỳ phát sinh ở thời kỳ nào được tính ngay vào kỳ đó và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi tức của kỳ mà chúng phát sinh. Ngược lại, chi phí sản phẩm chỉ phải tính để xác định kết quả ở kỳ mà sản phẩm được tiêu thụ, không phải tính ở kỳ mà chúng phát sinh. Tuy nhiên, chi phí sản phẩm cũng ảnh hưởng đến lợi tức của doanh nghiệp, có thể đến lợi tức của nhiều kỳ vì sản phẩm có thể được tiêu thụ ở nhiều kỳ khác nhau.

3.1.3- Phân loại chi phí sản xuất kinh doanh căn cứ vào mối quan hệ của chi phí với quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm và quá trình kinh doanh.

Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm:

–  Chi phí cơ bản.

–  Chi phí chung.

3.1.3.1- Chi phí cơ bản:

Là các chi phí có liên quan trực tiếp đến quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm, như chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công sản xuất sản phẩm: khấu hao tài sản cố định dùng trực tiếp vào sản xuất, chế tạo sản phẩm.

3.1.3.2- Chi phí chung:

Là các chi phí dùng vào tổ chức, quản lý và phục vụ sản xuất có tính chất chung. Thuộc loại này có chi phí quản lý ở các phân xưởng (đội, trại) sản xuất và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Cách phân loại này giúp các nhà quản trị doanh nghiệp xác định được phương hướng và các biện pháp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đối với chi phí cơ bản là các chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình công nghệ sản xuất sản phẩm, thiếu chúng thì không thể sản xuất; chế tạo được sản phẩm, vì vậy không thể cắt bỏ một loại chi phí cơ bản nào mà phải phấn đấu giảm thấp các định mức tiêu hao vật liệu, lao động, khấu hao… hoặc cải tiến công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, tìm kiếm vật liệu thay thế, v.v… Ngược lại, đối với chi phí chung, cần phải triệt để tiết kiệm, hạn chế và thậm chí loại trừ các chi phí không cần thiết, tăng cường quản lý chi phí chung theo dự toán tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu, v.v…

3.1.4- Phân loại chi phí sản xuất, kinh doanh theo mối quan hệ và khả năng quy nạp chi phí vào các đối tượng kế toán chi phí.

Theo tiêu thức này, chi phí sản xuất kinh doanh được chia thành chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.

3.1.4.1- Chi phí trực tiếp:

Là những chi phí chỉ quan hệ trực tiếp đến việc sản xuất một loại sản phẩm, một công việc, lao vụ hoặc một hoạt động, một địa điểm nhất định và hoàn toàn có thể hạch toán, quy nạp trực tiếp cho sản phẩm, công việc, lao vụ,… đó.

3.1.4.2- Chi phí gián tiếp:

Là các chi phí có liên quan đến nhiều sản phẩm, công việc, lao vụ, nhiều đối tượng khác nhau nên phải tập hợp, quy nạp cho từng đối tượng bằng phương pháp phân bổ gián tiếp.

Cần phân biệt cặp chi phí cơ bản – chi phí chung với cặp chi phí trực tiếp – chi phí gián tiếp. Các chi phí cơ bản thường là chi phí trực tiếp, nhưng chi phí cơ bản cũng có thể là chi phí gián tiếp khi có liên quan đến hai hay nhiều đối tượng khác nhau. Chi phí chung là chi phí gián tiếp nhưng cũng có thể là chi phí trực tiếp nếu phân xưởng (hoặc doanh nghiệp) chỉ sản xuất một loại sản phẩm.

Cách phân loại này có ý nghĩa thuần tuý đối với kỹ thuật hạch toán. Trường hợp có phát sinh chi phí gián tiếp, bắt buộc phải áp dụng phương pháp phân bổ, lựa chọn tiêu thức phân bổ phù hợp. Mức độ chính xác của chi phí gián tiếp tập hợp cho từng đối tượng phụ thuộc vào tính hợp lý và khoa học của tiêu chuẩn phân bổ chi phí. Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp phải hết sức quan tâm đến việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí nếu muốn có các thông tin chân thực về chi phí và kết quả lợi nhuận từng loại sản phẩm, dịch vụ, từng loại hoạt động trong doanh nghiệp.

Nguồn: dankinhte.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024