Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
01/05/2015 09:05 # 1
jullyna2713
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 6

Kinh nghiệm: 5/80 (6%)
Kĩ năng: 29/60 (48%)
Ngày gia nhập: 04/11/2014
Bài gởi: 285
Được cảm ơn: 179
Cấp cứu nạn nhân điện giật


1. Đặt vấn đề

 

Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, nạn nhân bị điện giật có thể đến phòng cấp cứu với các tổn thương nhiều mức độ khác nhau, từ không có triệu chứng đến tử vong. Đa phần nạn nhân nếu không chết ngay sau điện giật thì rất hiếm tử vong sau đó. Tổn thương do điện giật thường nặng nề và để lại di chứng về sau.

Điện giật là hiện tượng xảy ra khi cơ thể vì một lí do nào đó có tiếp xúc với một dòng điện, từ đó xảy ra hai hiện tượng: tổn thương tế bào do dòng điện (tổn thương tim, cơ, mạch máu, thần kinh và các tạng); bỏng do nhiệt sinh ra từ dòng điện.

Có hai loại điện: điện cao thế và hạ thế. Cường độ dòng điện là nguyên nhân gây tử vong trong khi hiệu điện thế lại gây bỏng.

2. Sinh lý bệnh của điện giật

 

Dòng điện qua cơ thể có thể gây tổn thương theo 2 cách: tổn thương do nhiệt và thay đổi sinh lý học

Dòng điện 1mA gây cảm giác tê, dòng điện có cường độ 10mA có thể gây co cứng cơ và nạn nhân bị dính vào dòng điện, cường độ trên 50mA làm nạn nhân rất đau và khó thở, cường độ dòng điện 100mA gây rung thất

Các yếu tố quyết định tổn thương do điện giật là:

- Loại dòng diện

- Điện thế

- Điện trở của cơ thể

- Vị trí điện giật

- Thời gian tiếp xúc

- Chấn thương kèm theo khi ngã.

 

2.1. Loại dòng điện

Đại đa số các tổn thương nguy hiểm vì điện đều là do điện xoay chiều, nguy hiểm gấp 3 lần điện một chiều. Điện xoay chiều có thể gây co cứng cơ, khiến nạn nhân dính chặt vào nguồn điện, trong khi đặc điểm này không xảy ra ở ở điện một chiều.

 

2.2. Điện thế

Điện thế càng cao thì tổn thương càng lan rộng, nhưng cũng phải nhớ rằng cường độ dòng điện qua cơ thể còn phụ thuộc vào điện trở của cơ thể. Điện thế cao khi > 1000V; điện thế < 50V (tần số 50Hz) chưa được chứng minh là có hại.

2.3. Điện trở

Các mô khác nhau có điện trở khác nhau khi dòng điện đi qua. Xương có điện trở cao nhất sau đó theo thứ tụ giảm dần là mỡ, gân, da, cơ, mạch máu và thần kinh. Tuy nhiên, điện trở da thay đổi rất lớn tùy theo độ ẩm da, sạch hay bẩn, độ dày và phân bố mạch máu của da. Chính vì vậy ẩm ướt được xem như là yếu tố chính trong hơn một nửa trường hợp điện giật chết.

2.4. Vị trí điện giật

Tiên lượng tổn thương dựa vào vị trí dòng điện đi qua cơ thể là không đáng tin cậy. Một số nhận xét rằng tỉ lệ tử vong chiếm 60% khi dòng điện đi từ tay này sang tay kia và 20% nếu dòng điện chạy từ đầu xuống chân. Khi dòng điện chạy từ tay này sang tay kia (hay từ tay xuống chân) chỉ có 5% dòng điện qua tim. Nếu dòng điện chạy từ chân này sang chân kia thì dòng điện không qua tim.

2.5. Thời gian tiếp xúc với điện

Thời gian tiếp xúc càng dài thì khả năng tổn thương càng lớn. Đa số thời gian tiếp xúc đều rất ngắn và nạn nhân thường bị giật ngã nên tách ra khỏi dòng điện. Điều này có thể gây chấn thương cho nạn nhân.

3. Đặc điểm lâm sàng

Tổn thương do điện giật tương tự như bị đè nát. Các tổn thương ở dưới da luôn luôn nặng hơn phỏng đoán ở ngoài da. Điện trở xuyên qua các cấu trúc điện trở thấp tạo nên hoại tử từng mảng cơ, mạch máu, thần kinh và tổ chức dưới da.

Biểu hiện lâm sàng khác bỏng ở một số đặc điểm là: Tác dụng trực tiếp lên tim và thần kinh; Ảnh hưởng đến các cấu trúc sâu.

3.1. Bỏng

Khi điện qua da, năng lượng tạo thành nhiệt, diện tích tiếp xúc càng nhỏ, mật độ điện càng lớn, tạo nhiệt và phá hủy da và các mô lân cận.

Bỏng nhiệt do điện có đặc điểm chung là dòng điện thoát ra ngoài từ điểm tiếp xúc lan ra nền xung quanh. Điều này thường gây ra bỏng rộng ở da và các mô bên dưới.

Bỏng điện có thể từ độ 1 đến độ 3. Vùng bỏng do điện điển hình có một điểm cháy đen ở trung tâm, bao quanh một vùng phù và đỏ da.

3.2. Tim

Rung thất là nguyên nhân thường gặp và gây chết đột ngột khi điện giật và xảy ra vào ngay lúc bị giật. Loạn nhịp gây tử vong sau đó rất hiếm gặp. Thường gặp nhịp nhanh xoang. Nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện sau điện giật.

3.3. Hệ thần kinh

Sau điện giật thường có biến chứng thần kinh cấp hay muộn. Biến chứng cấp thường gặp bao gồm: co giật, rối loạn ý thức, hôn mê, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ. Tổn thương muộn bao gồm: tổn thương tủy sống với teo cơ cục bộ, và các dấu hiệu thần kinh khác.

Tổn thương thần kinh ngoại vi thường kết hợp với tổn thương mô mềm rõ rệt. nếu không có tổn thương mô mềm kèm theo thì tiên lượng thường tốt hơn.

3.4. Thận

 Suy thận cấp do tiêu cơ vân, điện giật làm hủy hoại tế bào cơ, giải phóng myoglobin và creatine, phosphokinase tương tụ như hội chứng vùi lấp. Thiểu niệu tạm thời, đái máu, đái myoglobin rất thường gặp.

3.5. Mạch máu

 Trong điện giật có hình thành các huyết khối trong động mạch, tĩnh mạch lớn và phá hủy các mô. Điện giật có thể gây huyết khối động mạch, tĩnh mạch sâu và xuất huyết thứ phát.

3.6. Cơ – xương – khớp

 Co cứng cơ có thể dẫn đến gãy các thân đốt sống, xương dài và trật khớp. Chấn thương thứ phát thường do ngã hơn là bị điện giật.

3.7. Thai phụ bị điện giật

Chưa có nghiên cứu chính xác về tỉ lệ cũng như tổn thương thai phụ bị điện giật, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong đa số trường hợp điện giật thai phụ không có nguy cơ cao cho thai nhi.

Các biến chứng lên thai nhi bị điện giật gồm có: thai chậm phát triển, nước ối ít, sảy thai.

Sốc điện điều trị như rung thất và chống co giật là an toàn với thai nhi vì trong điện giật dòng điện đi qua tử cung trong khi trong sốc điện không có dòng điện qua tử cung.

4. Xử trí cấp cứu điện giật

 

4.1. Trước khi vào bệnh viện

 Mục tiêu chính là hồi sinh tim phổi.

Điều quan trọng nhất, người cứu hộ phải tránh để không trở thành nạn nhân tiếp theo. Ngắt nguồn điện khẩn cấp, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách dùng các vật cách điện như cao su, gỗ, hay bất cứ vật gì không dẫn điện.

 Tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức nếu nạn nhân ngừng tuần hoàn. Khi bị điện giật, rung thất là biến chứng gây tử vong thường gặp nhất và phá rung sớm đem lại hiệu quả cao.

4.2. Tại phòng cấp cứu

Đa số nạn nhân sau điện giật còn đến được bệnh viện đều tương đối an toàn. Sau khi đánh giá tổn thương ban đầu và thứ phát nên làm điện tim cho nạn nhân. Không có chỉ định theo dõi điện tim liên tục nếu nạn nhân không có triệu chứng và điện tim bình thường. Đa số nạn nhân ổn định và ra viện trực tiếp từ phòng cấp cứu.

Các loạn nhịp tim thường tự khỏi, các loạn nhịp gây nguy hiểm về sau thường do có bệnh lý tim mạch trước đó.

Sau khi bị điện giật nạn nhân thường bị đau cơ với nhiều mức độ khác nhau do hiện tượng co cứng cơ trong điện giật. Chỉ cần dùng các thuốc giảm đau thông thường.

Tổn thương mô mềm trong điện giật tương tự hội chứng vùi lấp, mô mềm thường bị phá hủy lan rộng. Điều trị tại phòng cấp cứu bao gồm bù đủ dịch, điều chỉnh toan kiềm máu, điều trị đái myoglobin, hội chẩn chuyên khoa bỏng

Nguồn: Bài viết được trích từ cuốn sách Cấp cứu tai nạn thương tích do PGS. Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chủ biên.

 



Jullyna2713

[[= TA CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT. HÃY TIN VÀO BẢN THÂN VÀ CỨ CỐ GẮNG HẾT MÌNH =]]


 
Các thành viên đã Thank jullyna2713 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024