Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/06/2022 16:06 # 1
Ngolamnhi
Cấp độ: 19 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 135/190 (71%)
Kĩ năng: 6/10 (60%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1845
Được cảm ơn: 6
'Nhà báo hãy tình nguyện sống phần đời khác'


Xin chào tất cả mọi người!

Câu chuyện vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái người dân tộc thiểu số cũng như trách nhiệm của báo chí nói chung với những đề tài "kén view" được nhà báo Đức Hoàng chia sẻ một cách thẳng thắn và chân tình.

Dán nhãn và kỳ thị người dân tộc thiểu số

Nhà báo Đinh Đức Hoàng mở đầu bài diễn thuyết của mình bằng câu chuyện của chính anh - một người dân tộc Tày, quê gốc ở Yên Bái nhưng được sinh ra ở Hải Phòng. Anh tự nhận mình là một người có “số phận lai”, nên anh nhạy cảm đặc biệt với các tuyên bố về chủ đề “dán nhãn” người dân tộc thiểu số.

Trong ký ức thời thơ ấu của anh, hay trong cuộc đời của bố anh, cách đây gần 30 năm trước, vẫn rất rõ nét những kỳ thị của đám đông về nhãn dán “thằng dân tộc”. 

“Nó mạnh đến mức thời thiếu niên, có những lúc chính tôi thực sự tin rằng chuyện ông nghiện rượu và các biểu hiện của bạo lực gia đình đến từ việc ông là một ‘ông dân tộc’. Tôi mất 30 năm để hiểu về sự cô độc, nỗi buồn và cả những biểu hiện trầm cảm ở ông ngày đó”.

“Sau 30 năm, tôi vẫn bắt gặp thói quen tư duy này. Nôm na là có một vài tính cách xấu xí, người ta gán cho đặc tính của dân tộc… Tôi phải thú thực là chính mình, trong tư cách một người đô thị điển hình, lắm lúc cũng bực mình với các tập quán của một số cộng đồng…”.

Hay ngược lại, cũng có một số định kiến tồn tại ở cả những lời tán dương như “người Dao hiếu học”. 

"Đằng sau số phận của nhiều con người đều là cách vận hành của một vùng đất; và đằng sau cách vận hành của một vùng đất, là cơ hội tìm thấy manh mối để cải thiện tình hình trên quy mô rộng, thay vì cá biệt hoá các tình huống, các nhân vật". Ảnh: BTC

Nhà báo Đức Hoàng nói rằng, câu chuyện này chỉ để đặt vấn đề: Anh muốn tiếp cận trẻ em gái dân tộc thiểu số dưới tư cách các nhóm dân cư của những vùng miền núi khó khăn, chứ không phải dưới tư cách sắc tộc. Tức là ảnh hưởng của chính sách, môi trường kinh tế lên cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em gái và vai trò của báo chí trong đó là gì. “Tất nhiên, khi đã đề cập đến vấn đề giới thì tập quán chắc chắn có vai trò. Nhưng tôi muốn thu hẹp lại thành vấn đề chính sách”.

Đừng cá biệt hoá các nhân vật

Nhà báo Đức Hoàng nêu ví dụ câu chuyện về cô bé Vàng Thị Nga, sinh ra ở xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang từng được đăng tải trên tờ VnExpress khi anh còn làm việc cho tờ báo này. Nga là một cô bé dân tộc thiểu số, ước mơ trở thành bác sĩ. Em từng nói rằng nếu bố bắt em nghỉ học, em sẽ tự tử ngay. Sau khi câu chuyện của Nga được đăng tải, mặc dù bài viết có 50% thời lượng nói về bức tranh kinh tế của cả huyện Hoàng Su Phì, nhưng độc giả vẫn gọi đến tòa soạn, nằng nặc đòi hỗ trợ cho em Nga - nhân vật tiêu biểu của bài viết. 

Dù vậy, Vàng Thị Nga cuối cùng cũng bỏ học và lấy chồng. “Chúng tôi rất buồn vì điều đó. Và câu hỏi của chúng ta là làm thế nào để không còn những trường hợp như Nga trong tương lai? Tầm nhìn của chúng ta không phải là giảm bớt, giảm 1 em Nga hay 50 em Nga, mà là không còn một cô bé nào muốn đi học mà không còn được đi học nữa… Làm thế nào để chúng ta có thể can thiệp vào quyền tiếp cận giáo dục của các em hệ thống và bền vững hơn”.

Nhà báo Đức Hoàng cho rằng, việc cá biệt hóa các tình huống, các nhân vật là một thói quen của báo chí. Điều đó làm cho tin tức của chúng ta hấp dẫn hơn. Nhưng điều này tạo ra 2 hệ lụy: Đầu tiên là độc giả tự dán nhãn - “người Mông họ thế mà, bỏ học suốt”. Thứ hai là nó tạo ra một phong cách can thiệp theo tình huống.

Trách nhiệm của báo chí, có lẽ là đủ nhạy cảm để tránh đi sự cá biệt hóa này, đồng thời thực sự nêu ra các vấn đề có thể can thiệp một cách có hệ thống. “Không còn cô bé người Mông thế này và cô bé người Nùng thế kia nữa. Viết như thế là rất tiện: độc giả được thỏa mãn vì làm tự thiện tình huống, còn chúng ta xong việc sớm”. 

“Nhưng đằng sau số phận của nhiều con người đều là cách vận hành của một vùng đất; và đằng sau cách vận hành của một vùng đất, là cơ hội tìm thấy manh mối để cải thiện tình hình trên quy mô rộng”. 

Theo nhà báo Đức Hoàng, lời giải không nhất thiết phải đến từ ngân sách Nhà nước. Nó có thể là một đề bài cho nhiều tổ chức xã hội. Và báo chí hoàn toàn có thể là một bên ra đề. 

“Báo chí không nhất thiết phải là những người đưa ra lời giải trực tiếp. Nhưng ngay trong cách phản ánh khách quan, cũng có thể có những thứ trở thành đề bài - mà nếu được giải quyết sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lên xã hội. Vấn đề là, việc ra đề bài là một nhiệm vụ khó khăn ngang với lời giải, và nó sẽ cần đến nhiều công sức hơn là công việc đòi hỏi”.

‘Nhà báo hãy sống một phần đời khác’

"Hãy nhìn vào mắt những đứa trẻ để thấy có một nghĩa vụ khác cần phải làm với cuộc đời này".

Nhà báo Đức Hoàng cũng nêu ra một mâu thuẫn “kinh điển” của báo chí ngày nay. Đó là mỗi phóng viên phải chịu áp lực về traffic, về view… từ phía toà soạn. “Đôi khi câu chuyện về một cô bé người Mông có bố bị tử hình vì ma tuý phải là một cái tin pháp luật, chứ không thể là bài viết về giáo dục, về chính sách được. Chắc là hầu hết các anh chị đều từng trải nghiệm cảm giác ấy. Tôi cũng từng là phóng viên, biên tập viên và chính tôi cũng từng gây áp lực lên phóng viên của mình về việc đó”.

“Nhưng có lẽ chúng ta không nên bàn về công việc ở đây. Chúng ta kiếm sống bằng nghề này, bằng việc tạo ra những sản phẩm như thế này thế kia nhưng chúng ta với tư cách của những ông bố bà mẹ, hãy nhìn vào mắt những đứa trẻ để thấy có một nghĩa vụ khác cần phải làm với cuộc đời này, ngoài việc chúng ta là nhà báo, chúng ta phải phục vụ toà soạn, phục vụ công chúng. 

Cứ coi như việc phục vụ công chúng phải thế này thế kia thì mới có quảng cáo, có view. Cũng không thể bắt các anh chị hằng ngày đến cơ quan cứ phải nói chuyện chính sách, vĩ mô, giải quyết nền tảng gốc rễ… Như thế thì cũng bị cho nghỉ sớm thôi”.

“Nhưng phần còn lại có lẽ chúng ta nên tình nguyện sống một phần đời khác, hãy thử sử dụng bộ kỹ năng về ngôn ngữ, về tác nghiệp của mình để tạo ra các giá trị khác. Có thể nó không ra tiền, không phục vụ cho sự thăng tiến của mình trong nghề nghiệp, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn”.

“Tại sao tôi lại khuyên mọi người hãy gạt đi vấn đề toà soạn để tiếp cận chủ đề này? Bởi vì, đến cuối ngày, hạnh phúc của chúng ta có lẽ là sẽ làm được cái gì, để lại di sản gì cho xã hội này. Và chúng ta ‘chẳng may’ là những người viết, ‘chẳng may’ là những người làm truyền hình, ‘chẳng may’ có bộ kỹ năng như thế thì tôi nghĩ là hãy cứ gạt đi các KPI, pageview, nhiệm vụ toà soạn, chúng ta vẫn có quyền được làm ra những sản phẩm giúp xã hội nâng cao nhận thức, cho dù là cho chính cá nhân chúng ta, cho chính hạnh phúc của chúng ta”.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024