Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/09/2016 10:09 # 1
tuthithuygiang
Cấp độ: 19 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 180/190 (95%)
Kĩ năng: 16/30 (53%)
Ngày gia nhập: 30/05/2016
Bài gởi: 1890
Được cảm ơn: 46
Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng!


Cuốn luận văn mà bạn vất vả làm trước khi ra trường bây giờ đang ở đâu? Nó nằm im trên giá sách hay thậm chí đã bị ném đi không thương tiếc? Bạn có biết về giá trị của nó - một điểm cộng sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng?

 

Bây giờ đang là đầu tháng 9, tức là sau hơn 3 tháng sinh viên ĐH tốt nghiệp, ra trường và phần lớn, đều đang trên con đường tìm kiếm một việc làm phù hợp. Nhiều người đã tìm thấy nhưng chắc chắn, có rất nhiều thất bại. Bằng chứng là theo bản tin thị trường lao động quý 2/2016 công bố ngày 17/8 mới đây, cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Điều đáng nói là nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất, chính là nhóm có trình độ đại học trở lên với 191.300 người.

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 1.

Nếu thường xuyên theo dõi những con số thống kế về tỉ lệ thất nghiệp qua các năm hoặc các quý, bạn sẽ thấy rằng, càng vào những tháng cuối năm, khi một lượng lớn sinh viên ra trường, con số này càng tăng cao (số người thất nghiệp nhóm có trình độ ĐH, quý 3/2015 là 225.500 cử nhân).

Chúng ta có thể ngồi và liệt kê ra hàng loạt lý do khiến sinh viên thất nghiệp. Thế nhưng, khi nhìn nhận lại gốc rễ vấn đề, nhiều người lại cho rằng, thất bại trên con đường chinh phục nhà tuyển dụng, có lẽ bắt đầu ngay từ quá trình bạn theo học tại trường ĐH.

Sau 3 tháng ra trường, bạn đã làm gì với luận văn của mình, thứ mà bạn đã bỏ công, bỏ sức nghiên cứu tỉ mẩn trong quãng thời gian cuối đời sinh viên? Đã bao giờ bạn nghĩ, đó sẽ là tấm vé thông hành đầu tiên, đưa bạn đến gần hơn với cơ hội việc làm và giúp bạn, gây một ấn tượng sâu sắc với nhà tuyển dụng?

"Luận văn ư - Mình chẳng còn nhớ nổi đã viết những gì trong đó"

Đem những thắc mắc phía trên đi hỏi nhiều sinh viên, kết quả tôi thu được gần như giống nhau, không ai nghĩ luận văn tốt nghiệp là một điều gì đó quan trọng hơn việc giúp họ ra trường với điểm số đẹp. Ngay từ khi nộp lại cho các thầy cô hoặc bảo vệ luận văn thành công, rất nhiều bạn trẻ đã quên bẵng đi rằng, từng có mấy tháng trời, họ ngồi ở nhà, nghiên cứu về đề tài luận văn như một công trình khoa học giá trị.

Thu Thảo (một bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tâm sự: "Mình nghiên cứu về "Gói tin tức trên báo mạng điện tử" và thực sự đây là một hình thức truyền tin rất mới ở Việt Nam, ít được áp dụng nên gần như không gắn nhiều với thực tiễn".

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 2.

Những cuốn luận văn tâm huyết của nhiều bạn trẻ...

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 3.

... Chỉ sau 3 tháng ra trường đã không còn nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của họ.

Hiện tại, Thảo vẫn đang là CTV cho một cơ quan báo chí. Công việc tuy chưa ổn định nhưng cô cũng không hề nghĩ rằng, cuốn luận văn của mình sẽ giúp Thảo tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Lý do Thảo dốc sức tìm và dịch tài liệu nước ngoài, tiến hành khảo sát nhiều tờ báo... cũng chỉ bởi, làm luận văn, chắc chắn điểm sẽ cao hơn thi tốt nghiệp. Thảo muốn ra trường với một tấm bằng loại khá nhưng có lẽ, chính cô cũng không nghĩ rằng, thậm chí ngay cả yếu tố bằng cấp, giờ đây cũng không giúp được gì cho Thảo trên hành trình tìm kiếm việc làm.

Có trong tay một cuốn luận văn giàu giá trị thực tiễn hơn là "Nghiên cứu phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến" nhưng sau khi ra trường, Nam Chính, tốt nghiệp ngành CNTT, Viện ĐH Mở Hà Nội, hiện vẫn chưa tìm được việc làm.

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 4.

Rất ít người nghĩ rằng, luận văn là chiếc chìa khóa đầu tiên giúp họ đến gần hơn với công việc đúng chuyên môn theo học.

Chính cũng chia sẻ thật rằng vì luận văn của cậu nghiên cứu về đề tài không quá mới nên có tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu. "Mình cũng có copy-paste một chút vì con trai nên văn vở rất kém. Thực sự là sau khi ra trường, mình còn không nhớ viết gì trong luận văn chứ đừng bảo là đem nó đi tìm việc làm", Chính nói thêm.

Ở trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền của Thảo, những cuốn luận văn xuất sắc thường được giữ lại trên thư viện như một tài liệu tham khảo. Trong khi đó, rất nhiều trường khác, đông sinh viên, điều này lại không hề được chú ý. Sau 3 tháng ra trường, gần như 100% sinh viên không ai còn đả động đến luận văn và họ cũng quên luôn rằng, mình đã nỗ lực như thế nào vì nó. Nhiệm vụ của luận văn đã hoàn thành, nhiều sinh viên đã nhận được mức 9, 10 điểm tốt nghiệp và họ hài lòng vì điều ấy.

Nhà tuyển dụng nói gì về những cuốn luận văn bạn đã thẳng tay xếp vào một xó?

Trong khi các bạn đang thẳng tay ném cuốn luận văn của mình vào một xó xỉnh nào đó thì ở một góc độ khác, đối với nhiều nhà tuyển dụng, đây lại chính là một điểm cộng vô cùng lợi hại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc tư vấn Sunshine Holding, đồng sáng lập Elite PR School cho rằng, luận văn là những công trình nghiên cứu khoa học quý giá, có sự kết hợp giữa lý thuyết mới mẻ, phông nền kiến thức 4 năm của các bạn sinh viên và các khảo sát có giá trị thực tế. Mỗi công trình nghiên cứu này đều mang một dấu ấn riêng của từng bạn trẻ và thể hiện tầm hiểu biết cũng như mức độ chăm chỉ, công sức mà họ đã bỏ ra. Vì thế, đứng trên cương vị nhà tuyển dụng, ông Thành có thái độ thực sự trân trọng nó và coi đây là điểm cộng quý giá mà nhiều bạn sinh viên nên biết cách tận dụng.

"Thay vì chỉ quan tâm đến điểm số và loại bằng cấp mà các bạn có được, chúng tôi lại quan tâm đến luận văn. Điều đó nói cho chúng tôi biết rất nhiều điều về bạn. Ví dụ là khi ở trường, bạn đã quan tâm đến vấn đề gì, bạn có khả năng nghiên cứu một cái gì đó thật tâm huyết hay không, bạn có tầm nhìn rộng và tư duy hệ thống, có sáng tạo khi theo đuổi những đề tài mới hay không...".

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 5.

Theo ông Thành, nhà tuyển dụng sẽ "đọc vị" được rất nhiều thứ từ những cuốn luận văn.

Ông Thành đưa ra lời khuyên rằng thay vì xếp luận văn vào một góc trên giá sách, bạn hãy để nó đồng hành cùng mình trên con đường chinh phục nhà tuyển dụng. "Nếu bạn tốt nghiệp và định làm một công việc có liên quan đến chuyên ngành mình theo học, luận văn chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn". Tất nhiên chúng ta không thể mang cả cuốn sách dày cộp đến gặp nhà tuyển dụng nhưng bạn có thể cô đọng lại nó trong khoảng 1.200 chữ, khái lược lại những gì bạn đã nghiên cứu để nhà tuyển dụng thực sự có ấn tượng tốt về bạn.

Với kinh nghiệm tuyển dụng trong lĩnh vực truyền thông, ông Thành cho rằng mình sẽ ấn tượng nhiều hơn với những bạn trẻ để kèm một bản tóm tắt luận văn vào tập hồ sơ và nói qua về nó. Với ông, đó là công trình nghiên cứu đầu tiên có giá trị của những sinh viên mới ra trường. Việc các bạn trẻ tự hào về cuốn luận văn mình cất công nghiên cứu, chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn là họ chỉ giới thiệu mình học giỏi ra sao, dành bao nhiêu học bổng và tham gia công tác đoàn như thế nào.

"Trong khi người ta chỉ giới thiệu về thành tích học tập, kinh nghiệm làm việc thì ngoài những yếu tố đó, bạn còn có thêm cả một cuốn luận văn. Tại sao bạn không nghĩ điều ấy làm cho bạn khác biệt, giúp nhà tuyển dụng phân biệt bạn với những người khác?"

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 6.

Ông Thành cho rằng, gửi kèm thêm bản tóm tắt luận văn tới nhà tuyển dụng chính là cách bạn tạo nên dấu ấn khác biệt.

Ông Thành cũng cho rằng, luận văn chính là chiếc chìa khóa đầu tiên dẫn bạn đến nhà tuyển dụng. Lý do là khi nghiên cứu một đề tài, các bạn cũng thường tìm đến các tổ chức, doanh nghiệp để tìm hiểu thực tế. Nếu bạn làm tốt, có lẽ bạn sẽ được nhà tuyển dụng giữ lại. "Cuốn luận văn tốt là cuốn luận văn giúp bạn được nhà tuyển dụng biết đến và giữ bạn ở lại với họ".

Vì thế, thay vì chỉ đi khảo sát và nghiên cứu hời hợt, ông Thành cho rằng, các bạn trẻ nên làm việc nhiệt tình hơn. Tầm nhìn, khả năng làm việc thông qua nghiên cứu luận văn sẽ lập tức gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và giúp họ chú ý đến bạn, ngay từ khi bạn liên hệ với họ, tìm đến để xin số liệu làm nghiên cứu.

"Nếu luận văn không giúp các bạn trực tiếp tìm thấy một công việc phù hợp, bạn cũng đừng buồn và hãy nghĩ rằng, 10 năm sau, nó vẫn còn giá trị sử dụng". Ông Thành dẫn chứng về một nghiên cứu của mình từ thời sinh viên, đó là: "Yếu tố ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch tiếng Pháp". Cuốn tiểu luận ấy đã giúp ích cho ông rất nhiều trong việc xây dựng khung bài giảng về yếu tố văn hóa trong marketing và chuyên đề truyền thông liên văn hóa. 

Rất ít sinh viên sau khi ra trường còn nhớ đến luận văn - điểm cộng lợi hại với nhà tuyển dụng! - Ảnh 7.

Theo ông Thành, một cuốn luận văn tốt, 5-10 năm sau vẫn còn giá trị sử dụng.

"Nếu các bạn vẫn không biết làm gì với cuốn luận văn, bạn hãy cô đọng lại nó, đăng lên mạng xã hội, blog để nhiều người biết đến công trình của bạn. Bạn có thể giúp rất nhiều người có thêm nguồn tham khảo và tri thức mang giá trị thực tiễn", ông Thành nói thêm.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng này cũng cho rằng, để làm nên những cuốn luận văn thực sự có giá trị như vậy, các bạn trẻ nên tiến hành nghiên cứu một cách thực sự nghiêm túc, kỹ lưỡng. "Tôi cho rằng nhà trường nên có một môn học gọi là môn học làm luận văn, nên giới hạn chặt chẽ số lượng sinh viên được làm luận văn tốt nghiệp và hướng dẫn kỹ càng cho các bạn trẻ. Những bạn được làm luận văn cũng nên biết từ chối nếu cảm thấy mình không "kham nổi" hoặc nhận thấy có những điều cần được ưu tiên hơn", ông Thành nói thêm.

Tri thức trẻ



Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng ta sống


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024