Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/11/2021 20:11 # 1
Ngolamnhi
Cấp độ: 19 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 135/190 (71%)
Kĩ năng: 6/10 (60%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1845
Được cảm ơn: 6
Hiểu thêm về thơ ca chống Mỹ


Xin chào tất cả mọi người!

Vào những năm 1958 -1959 khi Mỹ - Diệm lê máy chém khắp miền Nam, thực hiện các cuộc hành quân càn quét để tìm diệt cộng sản thì nhạc sĩ Văn Ký có bài hát Bài ca Hy vọng. Bài hát này được ca sĩ Khánh Vân (người Sài Gòn) thể hiện lần đầu. Chị không chỉ hát trên Đài TNVN mà còn hát bằng loa phóng thanh ở vĩ tuyến 17 cho người dân Quảng Trị và binh lính Việt Nam cộng hòa nghe.

 

Không gươm súng, chỉ nhớ thương của miền Bắc đối với miền Nam, chỉ ngọn lửa của niềm tin và hy vọng đã xóa tan mùa đông và mây mù, thắp nên ánh sáng soi đường trong những tháng ngày đen tối đó. Bóng cây Kơ-nia (Ngọc Anh – Phan Thanh Nam – Phan Huỳnh Điểu) cũng vào dịp đó nói lên tình cảm tha thiết, trung trinh của miền Nam đối với miền Bắc, nơi có Bác Hồ, có suối nguồn cách mạng Em hỏi cây Kơ-nia/Gió mày thổi về đâu/ Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây Kơ-nia/ Rễ mày uống nước đâu/ Uống nước nguồn miền Bắc…

Những người trong khám lớn Chí Hòa, trong ngục tù Côn Đảo mà sau này chúng tôi có dịp gặp như Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng…, kể lại những năm tháng đó, các anh chị có sức mạnh để chiến thắng là nhờ nhiều ở những bài hát cách mạng, nhờ thơ Tố Hữu, Kinh Nhật tụng - thơ của Khương Hữu Dụng, Mồ anh hoa nở của Thanh Hải…

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn học luôn là một đạo quân mang sức mạnh thần kỳ. Trên bờ sông Như Nguyệt, bài thơ Nam quốc sơn hà đã vang lên làm nức lòng quân sĩ, giúp Lý Thường Kiệt nhanh chóng phá tan quân Tống. Thơ ca không chỉ là vũ khí thắng giặc, mà qua mỗi cuộc chiến, còn trở thành những di sản văn hóa vô giá gửi lại cho đời sau. Văn chương, binh pháp Trần Hưng Đạo, thơ Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, thư dụ hàng dịch, thơ và Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi… đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên văn hóa Việt, con người Việt yêu nước, tự cường, nhân ái.

 

Chúng tôi muốn nhìn lại thơ ca chống Mỹ, không chỉ như một sự tri ân đáng có của các thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đã cầm súng và cầm bút ; mà còn nhìn đúng tầm vóc và những giá trị nghệ thuật mà nền thơ chống Mỹ đã tạo dựng được, xứng đáng là một kỳ đài trong thơ Việt nghìn năm.

 

Nếu hiểu nền văn học lớn là nền văn học hội tụ được những tài năng lớn, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của dân tộc mình, làm giàu có cho văn hóa, trong đó đặc biệt có ngôn ngữ; nền văn học mang tầm nhân loại trên tinh thần nhân bản và những vấn đề cả thế giới quan tâm thì nền văn học Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một nền văn học lớn.

 

Ý chí, nguyện vọng nóng bỏng của dân tộc ta lúc đó là đánh đuổi xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện nổi bật nhất của thế giới trong những thập kỷ đầu của nửa sau thế kỷ XX là Việt Nam đánh Mỹ; mong đợi của lương tri loài người là Việt Nam thắng Mỹ.

 

Thời chống Mỹ là thời Việt Nam có một đội ngũ nhà văn tài năng và đông đảo chưa từng có trong lịch sử. Ngoài những tài năng lớn được khẳng định trước cách mạng (1945) và trong Phong trào Thơ Mới như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân…; những đại thụ của văn học cách mạng có nhiều thành tựu từ trong kháng chiến chống Pháp như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… là trùng trùng đội ngũ những cây bút vô cùng sung sức và tài hoa như: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Anh Đức, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm…

 

Có ý kiến cho rằng, thơ chống Mỹ nhiều khi còn mang tính đơn giản, sơ lược. Điều đó không sai. Nhiều chiến sĩ cầm bút làm thơ, viết văn như một cách ghi nhật ký: Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Họ ghi lại những điều họ biết, họ gặp, họ nghĩ; cho riêng họ và người thân. Vì nhiều nguyên nhân và vì điều kiện ngặt nghèo ở chiến trường nên những trang viết ấy thô ráp, giản đơn. Ngay cả Phạm Tiến Duật làm thơ nhiều khi cũng như một bản tin Việt Nam thông tấn xã: Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng/ Về số máy bay rơi và tàu chiến cháy/ Nha khí tượng tin cơn bão tan/ Bộ Nông nghiệp tình hình vụ cấy… (Công việc hôm nay, 1967). Nhưng những người ra trận không ít người là trí thức, có lý tưởng, tâm hồn và cuộc sống cao đẹp nên dù là nhật ký, cũng có thể là tác phẩm văn học lớn làm thế giới kinh ngạc như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, như câu thơ tự sự của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

 

Nếu chỉ nhìn thấy sự đơn giản, khía cạnh tuyên truyền… của văn học trước đây mà cho rằng nó thiếu đi tính nhân bản, thiếu chiều sâu nội tâm, suy tư triết học thì hoàn toàn sai. Văn học chống Mỹ là một nền văn học có tầm vóc nhân loại, mang tính nhân bản cao vì nó không chỉ vì sự nghiệp giải phóng một dân tộc mà còn vì sự nghiệp giải phóng nhân loại; vì chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

 

Ngay cả đến bây giờ, vẫn có người cho người cộng sản, người chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam gần giống như một thứ người máy, khô cứng, chỉ biết chấp hành mệnh lệnh, không có những rung cảm con người. Không! Người chiến sĩ thời ấy có những sợi tơ lòng dễ rung trước chỉ một làn gió nhẹ và không giấu những nỗi buồn: Đêm Hà Nội buốt tê/ Phố dài nghe sấu rụng(Chính Hữu);Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/ Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy/ Không che được nước mắt cô đã chảy/ Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời/ Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi (Nguyễn Mỹ). Trên đường hành quân đánh giặc, anh luôn nghĩ về hòa bình, về nụ mầm sự sống: Thoảng mùi hoa thiên lý của nhà ai/ Một tiếng chim khuya gọi mùi vải đỏ/ Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ/ Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm (Lưu Quang Vũ). Không chỉ đi sâu vào cái tôi, đề cao cá nhân mới là nhân bản. Đây là một tình cảm nhân bản, một giá trị người gấp triệu lần: Chúng mang bom nghìn cân/ Dội lên trang giấy/ Mỏng như một ánh trăng ngần… Nếu em sống lại/ Anh đi một nghìn đêm/ Để giành lấy cho em/ Một ngày không sợ hãi (Chính Hữu).

 

Vẻ đẹp trong thơ chống Mỹ, ngoài vẻ đẹp lý tưởng, là vẻ đẹp của lòng yêu nước, của tình yêu và những tình cảm con người. Những vẻ đẹp ấy nhiều khi quyện chặt vào nhau. Đất nước là thiêng liêng. Tình yêu lứa đôi cũng thiêng liêng. Vì đất nước người ta hy sinh, đất nước cũng sinh ra để vì tình yêu đôi lứa: Anh yêu em như yêu đất nước (Nguyễn Đình Thi); Đất nước là nơi ta hò hẹn (Nguyễn Khoa Điềm); Đất nước theo em ra ngõ một mình(Hữu Thỉnh)…

 

Phải bản lĩnh và tự tin lắm mới viết được những câu thơ như vậy!

 

Người chiến sĩ mang theo lòng yêu nước, mang theo tình yêu mà ra trận. Trên đường ra trận, họ còn nhận thêm tình yêu Ngọn đèn bọc trong ống bơ/ Để em mờ tỏ đến giờ trong tôi(Hữu Thỉnh); Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu (Phạm Ngọc Cảnh). Và cái đích cuối con đường đánh giặc của họ là làm sống lại những tình yêu, xóa sạch những đợi chờ hóa đá của cả nghìn năm trước: Anh sẽ về cho đá lại là em (Nguyễn Đức Mậu).

 

Khái niệm “đổi mới” trong văn học không chỉ dành cho bây giờ, giai đoạn từ năm 1986 đến nay. Mà thơ luôn đổi mới. Những nhà thơ chống Mỹ rất mới, rất sáng tạo và sáng tạo thành công. Nói về một thời đại “ra ngõ gặp anh hùng”, Chế Lan Viên viết: Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng. Nói về sức mạnh dân tộc dồn tụ, Tố Hữu viết: Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận. Lê Anh Xuân khắc họa một dáng đứng Anh Giải phóng quân, dáng đứng Việt Nam: Chợt thấy anh giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công . Phạm Tiến Duật thể hiện sự ung dung, bình thản, sự giác ngộ, niềm tin ở mục đích không gì lay chuyển nổi của những người ra trận: Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Viết về khả năng biểu cảm của tiếng Việt, thân phận dân tộc phổ qua ngôn ngữ, Lưu Quang Vũ viết: Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh. Nói về sự thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh, Hữu Thỉnh có câu: Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền. Lê Bá Dương cũng có câu: Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc, Một dấu chân in màu đất hai miền…

 

Để hiểu thêm về anh Giải phóng quân và thơ ca chống Mỹ, để kết cho bài viết này, xin mượn đoạn thơ của nhà thơ – chiến sĩ Anh Ngọc:

 

Họ đã sống một thời khắc nghiệt

 

Muốn sống bình thường thôi cũng phải sống anh hùng

 

Nuôi sống người là cây lá trên rừng

 

Vầng trăng đẹp nhưng bóng đêm cần cho người vượt lộ

 

Đường nhiều địch không kịp nhìn hoa nở

 

Thắng trận về chim báo đã sang xuân

 

Cái thời khắc ngàn năm qua mới có một lần

 

Ngàn năm sau chưa dễ gì có lại…

 

(Sông núi trên vai)

 

Đúng vậy, giá trị của thắng lợi, của một nền văn học chúng ta vừa nói tới là giá trị ngàn năm. Là những người đương thời – chúng ta cần tiếp thu và phát huy hơn nữa những giá trị cao cả đó!

 

30-4-2013




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024