Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
01/10/2020 21:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] "Sống Như Vầng Thái Dương": Dù Bạn Là Ai, Hãy Tỏa Sáng!


Cuộc sống vốn chưa bao giờ là dễ dàng, bởi nó luôn ngập tràn bất công và thử thách. Tuy nhiên, chỉ cần giữ vững niềm tin và ý chí, bạn sẽ sớm tiến được đến “vầng thái dương” của mình. Trong tác phẩm Sống như vầng thái dương, hai nhà văn Trung Hoa - Lương Nguyệt Lượng và Bắc Thần - đã khơi dậy nguồn cảm hứng của độc giả bằng ngôn từ vừa trong sáng vừa mạnh mẽ của họ. Trong bài viết này, tôi xin được giới thiệu những nội dung khiến tôi tâm đắc nhất sau khi đọc tác phẩm. 

1. Nguồn gốc dẫn đến thất bại của con người: 

Sống trên đời, không phải lúc nào chúng ta cũng nghe được những điều dễ chịu. Có những lời động viên, nhưng cũng có những lời nói chỉ khiến chúng ta chùn bước. Theo tác giả Bắc Thần, có tổng cộng sáu câu nói kinh điển có thể kéo con người xuống đáy của tuyệt vọng. 

“Tôi không tin, không có cha thì liệu anh ta có ngày hôm nay không?” - Đây ắt hẳn là một câu nói kinh điển mà những người có bố mẹ thành đạt thường xuyên nghe được. Mọi người thường quan niệm: Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh - bố mẹ mà có tài năng hoặc có điều kiện thì con cái ắt sẽ thành đạt. Nhưng thực tế vốn dĩ không phải như vậy. Thành công của một người đến từ năng lực của người đó, xuất thân gần như không có ảnh hưởng nhiều. Trong chương thứ hai này, tác giả đã kể câu chuyện về Lý Trạch Giai, đối tác Trung Quốc trẻ tuổi nhất của ngân hàng đầu tư Toronto tại Canada. Mặc dù ai cũng biết bố anh Lý là một doanh nhân thành đạt, nhưng họ chưa bao giờ cho rằng thành công của anh đến từ bố - bởi họ hiểu anh có được thành quả như ngày hôm nay đều là nhờ thực lực của bản thân. Từ khi anh Lý còn rất nhỏ, bố anh đã luôn nhắc nhở con mình rằng:

Cái gì của cha thì là của cha, của con thì là của con. Thứ con muốn thì đừng nghĩ sẽ đạt được từ tay cha, mà phải do chính con giành lấy.

Những người sáng suốt sẽ luôn hiểu được: chẳng ai giàu ba họ, khó ba đời, bởi lẽ thế giới không ngừng tiến hóa. Con người có sáng tạo, có lao động sản xuất thì nhân loại mới có được như ngày hôm nay. Nếu con cháu chỉ hưởng thụ những thành quả của đời trước thì không thể phát triển được, bởi chẳng có gì được phát minh hay tìm tòi. 

Trên danh sách những người giàu có do Tạp chí Hồ Nhuận thống kê năm 2018, cứ 50 người Trung Quốc giàu nhất thì có 44 người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. 44 người đó không có cha mẹ kiệt xuất, nhưng lại đứng được ở vị trí mà các cậu ấm cô chiêu chẳng thể với đến được. Nói một cách khác, thứ quyết định thành bại của một người thực sự không phải là xuất thân.

[...] Thử nghĩ mà xem, cậu cũng có cơ hội được giáo dục, tại sao người khác thi đỗ các trường đại học hàng đầu thế giới còn cậu thì không? Phải chăng là do khi người khác đang thức khuya dậy sớm học thuộc lòng, làm bài tập, cậu lại trốn học đi chơi game hoặc lo chuyện yêu đương? Người khác vì muốn tỏa sáng mà không ngừng tích lũy kiến thức, còn cậu thì không. Lẽ dĩ nhiên, trí tuệ của cậu sẽ chẳng thể bì với người ta.

“Anh ta có ngày hôm nay, chẳng qua chỉ là mèo mù vớ cá rán mà thôi” - câu nói thường nhảy múa trên những đôi môi đố kỵ. Tác giả có đưa ra một câu chuyện về hai người cùng đi câu cá. Một người luôn ghen tị với người còn lại vì anh ta luôn câu được nhiều cá hơn - cứ như thể chỗ anh ta không bao giờ thiếu cá vậy. Thế nhưng người hay ghen tị ấy lại không biết được rằng bạn của anh ta đã tốn bao nhiêu công sức lựa chọn cần câu, mồi câu, nghiên cứu kỹ năng câu cá. Tương tự như vậy, dù bạn có thanh minh hay không, những kẻ đố kỵ sẽ không bao giờ hiểu được bạn đã chịu vất vả thế nào. Thế nhưng, điều đó không thể ngăn cản được ý chí của bạn. 

Thời gian đầu là giai đoạn thoát nghèo, giải quyết nhu cầu cơ bản về ăn, ở, đi lại. Giống như khi mới tốt nghiệp, cậu phải có tiền ăn cơm, mua quần áo, thuê nhà trọ, đó gọi là nuôi sống bản thân. Sau đó cậu bắt đầu rèn giũa giá trị bản thân, khiến nó phát huy nguồn năng lượng lớn đủ để giúp đỡ bản thân và những người xung quanh. Bước thứ ba là cậu phải thể hiện được giá trị xã hội lớn hơn, trở thành một người thực sự hữu ích cho xã hội. Người thành công trên thế giới này chẳng có ai là không như vậy. 

Thành công của họ đến từ mô thức tư duy tốt đẹp và sự quyết đoán, năng lực thực hành mạnh mẽ. Họ luôn đi về hướng có ánh sáng, cuối cùng được ánh sáng bao phủ, thậm chí bản thân cũng bắt đầu tỏa sáng lấp lánh. Còn cậu luôn cho rằng đó là vì anh ta đón đầu xu thế, may mắn lắm mới gặp được thời cơ. Làm gì có chuyện thành công dễ dàng như thế?

“Giờ thì giỏi giang rồi, chẳng đoái hoài gì tới chúng tôi nữa” - đây có vẻ là một lời trách móc. Tác giả đã giải thích rằng: những người ưu tú sẽ muốn dành thời gian để theo đuổi những điều có giá trị hơn với họ. Họ cần có nhiều mối quan hệ khác nhau, đặc biệt là với những người cùng mục tiêu và trình độ. Kể cả khi đã có những mối quan hệ mới, nhiều người vẫn cố gắng duy trì những mối quan hệ cũ - chỉ là quỹ thời gian và sức lực mỗi người là có hạn. Và tác giả cũng cảnh tỉnh những người hay nói: ”Tôi mà quen biết người này người nọ thì đã tốt rồi”. Nghe thì có vẻ tàn nhẫn, nhưng hai người với hai tầm nhìn không tương xứng thì quen biết cũng chẳng có lợi ích gì - giống như đưa một chiếc máy tính tân tiến cho một người mù chữ vậy. Đây là lời nhắn nhủ mà Bắc Thần gửi đến độc giả:

Còn cậu, nếu như muốn duy trì mối quan hệ với đối phương thì đừng để bản thân giậm chân tại chỗ, lạc hậu, sa sút, thậm chí tụt lùi khi người ta đang giương cánh bay cao. Theo kịp bước tiến của người khác mới là nhiệm vụ cấp bách nhất. Giả sử cậu không chịu thua kém người khác, đến một ngày cậu bỏ rơi anh ta ở phía sau rất xa, cậu sẽ hiểu được vì sao ngày hôm nay anh ta chẳng buồn quan tâm đến cậu.

“Quan hệ giữa chúng tôi ấy à, đến vài đồng cũng không mượn được” - đây là lời nhắc nhở của tác giả về vấn đề tiền bạc. Mượn tiền của người khác, dù thân quen đến mấy, cũng là điều rất khó khăn. Thứ nhất, tiền do mọi người kiếm được không ngừng lưu động và luôn có việc dùng đến, không phải là để chờ đợi cho người khác vay. Thứ hai, việc cho vay phải dựa vào khả năng chi trả của đối phương - nếu không việc cho vay này là vô nghĩa. Thứ ba, nếu người đi vay không biết cảm ơn thì không khác nào đang xúc phạm người giúp đỡ mình. Tác giả Bắc Thần chỉ ra:

Sau khi trưởng thành, cha mẹ còn chẳng có nghĩa vụ nuôi nấng cậu nữa, huống hồ là người khác. Một người trưởng thành nhất định phải nghĩ cách để bản thân tỏa sáng chứ không phải đi đến đâu cũng muốn nhờ cậy. Nhất định phải khiến cho bản thân có giá trị thực tế chứ không phải lôi kéo quan hệ, nói chuyện tình nghĩa, la lối om sòm hay chơi xấu để lợi dụng người khác. Nếu không, sớm muộn gì cậu cũng rơi vào đường cùng.

“Mấy người cứ chờ xem, hắn chẳng huênh hoang được lâu đâu, sớm muộn cũng thê thảm thôi” - đây hẳn là câu nói thường trực của những kẻ ghen ăn tức ở. Không ai có thể chấp nhận được những người không những không cố gắng mà còn ganh ghét với người khác. Tác giả cho rằng đó là những kẻ “thấp kém, hèn mọn, bất kham và vô dụng nhất” - những kẻ luôn bảo thủ và chẳng bao giờ có cơ hội thành công. 

“Mấy năm nay tôi đã làm bao nhiêu ngành nghề mà vẫn không ổn, nếu không chắc chắn sẽ hơn hẳn cậu ta” - đây là điều tác giả khuyên mọi người nên tránh. Khi chuẩn bị bước vào thị trường lao động, suy nghĩ nghiêm túc về công việc tương lai là ưu tiên hàng đầu. Chuyển đổi một ngành nghề - trừ khi đã suy nghĩ kỹ - chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tác giả đã nêu ra ba lý do một người không nên chuyển nghề. Thứ nhất, bối cảnh và xu thế của ngành nghề chỉ ảnh hưởng đến các tập đoàn và công ty lớn, không phải các doanh nghiệp nhỏ. Thứ hai, xu thế của ngành nghề sẽ có thay đổi - chỉ là bạn chưa gặp thời. Thứ ba, khi đã có thâm niên trong một ngành nghề, bạn sẽ có lợi thế và dễ thành công hơn là một ngành nghề hoàn toàn lạ lẫm. 

Những người vừa mới thấy công việc không thuận lợi đã muốn thay đổi thì mãi mãi chẳng làm được chuyện gì. Đâu đâu cũng mở quán ăn, lỗ vốn chẳng ít, kiếm ra tiền cũng rất nhiều. Nghĩ kỹ một chút, ngành nghề nào chẳng như vậy? Làm trong giới truyền thông, có người hàng tháng kiếm được hàng triệu, có người vất vả hàng năm trời vẫn chưa thấy tiền đâu. Cho nên thay vì oán trời trách đất, than thở ngành nghề, thì chi bằng hãy nghĩ kỹ xem làm sao để nâng cao năng lực bản thân, làm sao để làm tốt mọi việc. Nếu con người chỉ biết than trời trách người, không biết suy xét lại chính mình thì cả đời sẽ sống trong bóng tối.  

2. Luôn vững vàng: 

Tác giả Bắc Thần hẳn là một người tinh tế, bởi ông đã lồng ghép những bài học cuộc sống quý giá vào một bức thư người cha gửi đến con trai. Những dòng thư giàu tình cảm và đầy sẻ chia - không chút cứng rắn hay nghiêm khắc - khác với những điều người đọc thường hình dung về cách người bố dạy con trai. Điều đầu tiên người cha dạy con mà tôi chú ý là phải biết tôn trọng và yêu quý bản thân mình. Người cha khuyên rằng biết yêu quý bản thân là người biết trân trọng mạng sống và sẽ sống một cách trọn vẹn nhất. 

Lời nói hay nhất trên thế gian này chẳng phải là “anh yêu em” mà là “tôi yêu chính mình”. Trên đời này nếu có ai đó không yêu con thì cũng chẳng có gì to tát, nhưng con không thể không yêu chính mình. Người biết yêu bản thân mới hiểu được cách trân trọng sinh mệnh, mới có thể sống hết mình, mới có thể sống một cách đẹp đẽ nhất.  

Ông cũng khuyên con rằng trên đời vốn không có người hay vật hoàn hảo. Do đó, không nên quá khắt khe hay tự ti về bản thân. Hơn nữa, nếu biết cách yêu cái tôi không hoàn hảo, con người sẽ dần dung nạp được cái tôi chân thực.

Mong cho con trở thành mẫu người con yêu thích chứ không phải tự ti, khắt khe với bản thân. Chẳng có ai là hoàn hảo. Rất nhiều người cứ cố vin vào việc bản thân không hoàn mỹ mà cảm thấy rất tự ti, khó chịu. Cuối cùng lại tự đẩy bản thân mình xuống vực sâu. Con đừng như vậy nhé! Phải biết rằng con người có nhược điểm là một lẽ thường tình nhất trên đời này. Chúng ta phải học cách yêu thương cái tôi không hoàn hảo, đó không phải là tự luyến mà là sự thừa nhận và dung nạp cái tôi chân thực.

Cuối cùng, điều tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhất chính là lời động viên của người cha dành cho con trai: Không vấn đề nào là không có cách giải quyết. Chỉ cần có niềm tin và nỗ lực, khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua.

Mong rằng con trở thành một người luôn tìm ra cách giải quyết mọi thứ. Cuộc sống có gian truân hơn nữa cũng chẳng thể làm con gục ngã. Cuộc đời của con người sẽ gặp phải vô vàn vấn đề nan giải, có lớn có nhỏ, nhưng chúng đều có cách giải quyết. Cho nên, dù gặp phải khó khăn đến đâu, con cũng phải có niềm tin và không được tuyệt vọng.

3. Cuộc sống này thật tươi đẹp mà cũng thật tàn nhẫn: 

Cuộc sống luôn có hai mặt rõ ràng: mặt tốt và mặt xấu. Cuộc sống tươi đẹp với những điều mới mẻ đang chờ được khám phá, nhưng cũng đầy rẫy những cạm bẫy nguy hiểm. Trong chương này, tác giả Lý Nguyệt Lượng đã gửi đến một bức thư - bức thư một người mẹ gửi gắm đến cô con gái nhỏ. Người mẹ biết con gái mình là một người lương thiện và lạc quan, và bà mong rằng thế giới cũng tươi đẹp như mong đợi của cô bé. Tuy nhiên, bà mẹ cũng không quên cảnh báo con gái mình về những hiểm nguy đang rình rập cô bé trong tương lai. Có năm điều bà mẹ mong cô bé ghi nhớ để có thể bảo vệ chính mình.

Thứ nhất, mẹ mong con gái đừng quá hấp tấp trong tình yêu. Tính mạng của con người sẽ bị đe dọa nếu yêu phải một trong ba loại người này: Nhân phẩm tồi tệ, tư tưởng cực đoan và thường xuyên không khống chế được cảm xúc. Hơn nữa, muốn biết người mình đang hẹn hò có thật lòng hay không, hãy quan sát biểu hiện của người đó khi bản thân gặp khó khăn (chịu thiệt thòi hay bị xúc phạm). Nói cách khác, tình yêu là một quá trình tìm hiểu:

Bản tính con người không phải nhìn một cái là có thể hiểu được nên đừng bao giờ sa vào lưới tình quá nhanh mà dẫn sói vào nhà.

Tình yêu là chuyện lâu dài, chờ thêm một chút nữa cũng chẳng sao.

Thứ hai là phải luôn giữ vững giới hạn. Bà mẹ đã kể cho cô bé câu chuyện về một nhóm phụ nữ Trung Quốc vận chuyển ma túy giúp những người bạn trai ngoại quốc của mình. Những cô gái này - dù bị hải quan Malaysia bắt giữ - vẫn “vững tin” vào tình yêu của mình và chờ đợi những chàng trai ngoại quốc kia. Các cô gái khi mới yêu lần đầu thì thường kỳ vọng rất nhiều và rất cả tin - họ thậm chí dễ dàng nghe theo mọi yêu sách của người yêu chỉ để níu kéo. Thế nhưng, người mẹ đã chỉ cho con gái thấy thực tại tàn khốc ra sao. Khi người đàn ông đã kết hôn cố biến con thành “người thứ ba”, nhất định nói “Không!”. Khi người yêu rủ rê con hút chích, đua xe, chơi thuốc hay cờ bạc, tuyệt đối nói “Không!”. Khi người yêu con rủ quan hệ tình dục mà không mang bao cao su, kiên định nói “Không!”. Và tuyệt đối không gửi những hình ảnh cá nhân nhạy cảm dù người đó yêu cầu thế nào đi chăng nữa. 

Cho dù đó là người con thích đến mức nào, nếu muốn con giúp đỡ hay làm những việc con không thể chấp nhận được thì hãy từ chối.

Tóm lại, bất cứ khi nào con cũng phải kiên trì giữ vững giới hạn, không quyết định những chuyện ngu ngốc hay điên rồ. Điều đó sẽ giúp con tránh được rất nhiều tình huống cam go.

Thứ ba, dù nam nữ có quyền lợi bình đẳng trong xã hội hiện đại, họ vẫn có sự khác biệt lớn về thể chất. Tạo hóa tạo ra cơ thể nam giới to khỏe và rắn chắc hơn, trong khi nữ thì nhỏ nhắn và mềm mại hơn. Khi người phụ nữ bị nam giới tấn công, không phải lúc nào họ cũng chống lại được - có thể với những vận động viên chuyên nghiệp thì sẽ khác. Vì thế, người con gái phải cẩn thận để giữ an toàn cho bản thân mình. Hạn chế ra ngoài buổi tối, nếu phải đi thì nên có người đi cùng. Không tùy tiện đi nhờ xe. Sang nhà ai chơi cũng nên cảnh giác. Không uống rượu cùng người không thân quen. Nên cài đặt sẵn nút bấm phát ra tiếng còi cảnh sát để gây chú ý. 

Nếu chẳng may gặp phải kẻ xấu, chạy được cứ chạy, la hét được cứ la, đấu trí được thì đừng đánh nhau, mất tài sản mà được bình an thì hãy lập tức đưa cho hắn, đừng có khoe khoang.

Thứ tư là luôn báo với người có “thẩm quyền” - cụ thể là cha mẹ hoặc nhà trường - mỗi khi các cô gái bị quấy rối hoặc xâm hại. Người mẹ kể cho con câu chuyện về nữ nhà văn Lâm Dịch Hàm từng bị xâm hại bởi thầy giáo khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô gái tội nghiệp không dám kể với bố mẹ, không biết nói với ai mà chỉ có thể viết lên những câu chuyện. Và thế rồi, không thể chạy trốn khỏi bóng tối, người con gái ấy đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Bà nhắc nhở con mình rằng: Những kẻ xâm hại không ở đâu xa mà ở gần hơn con tưởng. Khi người đó càng quen biết với con, hắn càng có cơ hội để ra tay với con. Nên nhớ, mỗi khi hắn có bất cứ hành động nào cực đoan, kiên quyết tránh xa và nói “Không!”. Nếu mọi việc đi quá giới hạn, cũng không được sợ hãi hay khuất phục mà phải báo ngay cho bố mẹ. Bố mẹ có thể phân tích cho con cách giải quyết và bảo vệ con. Con không phải xấu hổ hay tự trách bản thân, bởi đó vốn không phải lỗi của con và những kẻ kia đáng bị trừng trị.  

[...] nếu như có người đàn ông nói hoặc có những hành động hạ lưu với con, con phải nghiêm túc thể hiện sự kháng cự. Nếu như con không dứt khoát mà âm thầm chịu đựng thì chẳng khác nào cổ vũ hắn ta ngày càng lấn tới, thậm chí còn dẫn dắt những người đàn ông khác cùng bắt chước theo. Ngược lại, nếu như bọn họ đều biết con rất có tự trọng, chẳng phải là một cô gái tùy tiện thì cũng sẽ không cư xử tùy tiện với con.

Còn nữa, nếu như người đàn ông đó dùng những bức ảnh nhạy cảm của con để uy hiếp, nhớ kỹ rằng đừng sợ hãi, càng không được khuất phục. Con hãy nói với mẹ, mẹ sẽ phân tích lợi và hại, giúp con xử lý chúng. Cho dù là bị uy hiếp hay bị người quen hoặc người lạ xâm hại, con gái ạ, nhất định phải nói ngay với mẹ. Đừng xấu hổ hoặc tự trách mình. Hãy nhớ rằng đó chẳng phải lỗi của con, con cũng không được vì thế mà xem thường chính mình.    

Thứ năm, điều cuối cùng, chính là không được vứt bỏ bản thân mình. Nói cách khác, bà mẹ đang nhắn nhủ con gái phải luôn quý trọng mạng sống của bản thân, không được tùy tiện nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Người đã vứt bỏ mạng sống của chính mình thì chẳng còn gì cứu vãn nổi - bởi mỗi người chỉ được ban cho một lần sống. Ấy thế mà mỗi ngày, số lượng người tự tử cứ tăng vọt - họ tự tử vì những lý do rất vụn vặt. Đáng buồn hơn, phần lớn người tự tử đều là học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước, những niềm hy vọng của nhân loại. Sinh mệnh lớn hơn tất cả - đây là điều mà mọi con người đều phải ghi nhớ. 

Mẹ mời con đến với thế gian này, đương nhiên là hy vọng con có thể vui vẻ, hào hứng như đến tham gia một bữa tiệc long trọng. Mẹ cho con sinh mệnh một đời, có rất nhiều điều tuyệt vời và những bước ngoặt chuyển hướng. Con nhất định phải trải nghiệm tất cả rồi mới ra đi khi không còn gì hối tiếc. Nếu như con đột nhiên không nói một lời mà tự quyết định bỏ đi trước, mẹ sẽ rất buồn và tuyệt đối sẽ không tha thứ cho con.  

4. Khi thế giới này bừng sáng… : 

Ở chương “Khi thế giới này bắt đầu bừng sáng”, Bắc Thần đã tiếp tục gửi đến cho độc giả một lá thư từ người bố gửi cho cậu con trai của mình. Cậu con đã 18 tuổi, cái tuổi mà lớp trẻ dang rộng đôi cánh để bay khỏi chiếc tổ đã bao bọc mình. Người bố rất thương con, nhưng ông biết cậu con sẽ không thể lúc nào cũng nghe theo ông mà phải có chính kiến của riêng mình. Vì thế, ông đã căn dặn con bảy điều trong bức thư:

Thứ nhất, tự do không thể vượt qua giới hạn. Có những việc nên làm, có những việc không những không được phép làm mà còn rất nguy hiểm. 

Chuyện làm hại bản thân, không được làm; Chuyện mạo phạm người khác, không được làm; Chuyện làm cho lương tâm của bản thân bất an, không được làm. Con phải giữ vững giới hạn thấp nhất của mình thì mới có tư cách bay cao.

Thứ hai, làm việc gì cũng phải tính về lâu về dài. Muốn có thành quả như ý thì phải nhẫn nại, không được nóng vội. Con người không sống trong một giờ hay một phút mà là cả một kiếp - do đó việc phấn đấu là cả một quá trình dài.

Có rất nhiều việc, dục tốc thì bất đạt. Về sau con làm việc, hay làm người, đều phải có mục tiêu, nhưng cũng không thể quá coi trọng mục đích. Giống như việc theo đuổi một cô gái, nếu trực tiếp thẳng thắn bày tỏ thì sẽ dọa con nhà người ta sợ chạy mất đó. Thực ra, phương án tốt nhất là rèn luyện bản thân cho thật tốt để cô ấy bị thu hút bởi những thứ tuyệt vời nhất ở con và chủ động tiến tới. Một người có tâm thì thắng bại đều không phải là nhất thời. Sau tất cả đều có thể mỉm cười, quay đầu nhìn lại không hối tiếc điều gì mới là mục tiêu cuối cùng của chúng ta.

Thứ ba, nên nghĩ đến lợi ích của người xung quanh nhiều hơn. Bản tính con người vốn là ích kỷ, không ai lại không muốn bản thân có lợi hơn. Nhưng nếu chỉ tập trung vào lợi ích của bản thân thì những mối quan hệ xã hội sẽ không suôn sẻ.  

Thứ tư, có cá tính riêng là quan trọng, nhưng phải sống lành mạnh. Người bố kể về cuộc sống của những nhạc sĩ. Có người có phong cách khác người, có người lại rất chỉn chu gọn gàng - nhưng họ đều là những thiên tài. Ông bố cho rằng, thương hiệu đến từ năng lực và thành tựu, chứ không phải đến từ xì gà, rượu hay quán bar. Nói cách khác, mỗi người đều phấn đấu để khẳng định cá tính của mình.

Con thích âm nhạc, nhưng người chơi nhạc làm việc và nghỉ ngơi không quy củ. Nghe nói đêm khuya bất ngờ có linh cảm, thì mới có động lực sáng tác. Bố tuyệt nhiên không cho là vậy. Đó chỉ là cái cớ của những người chẳng thể quản lý tốt bản thân. Sáng sớm khi ánh mặt trời mới lên, vạn vật bừng tỉnh, chẳng lẽ không thể khiến con mắt tinh tai thính?

Thứ năm, lương thiện là điều cần thiết, nhưng phải sử dụng đúng cách và bảo vệ bản thân. Đối xử tốt với mọi người là đúng, nhưng không được mù quáng và để bị lợi dụng.

Tầng lớp và tố chất con người khác nhau nên có nhiều chuyện chúng ta khó mà đoán trước và phòng tránh được. Trước khi con muốn lương thiện thì phải học cách bảo vệ chính mình. Bất cứ sự lương thiện nào cũng không nên lấy việc làm tổn thương chính mình làm tiền đề. Nếu không bố thà chấp nhận con lạnh lùng, vô cảm còn hơn. 

Thứ sáu, không được tham lam vô độ nhưng cũng không được nghèo khổ. Người biết cách hài lòng với chính mình và biết từ bỏ thì mới nắm giữ được hạnh phúc. Kiếm tiền để trang trải cuộc sống là điều ai ai cũng làm, nhưng tuyệt đối không thể trở thành nô lệ của đồng tiền. 

[...] bố không hy vọng con trở thành nô lệ của đồng tiền, chỉ biết kiếm tiền không màng ăn ngủ. Nhưng con nhất định không được nghèo khó. Có của ăn của để thì thì trong lòng mới không lo sợ. Điều này luôn là chân lý. Điều tốt nhất con có thể tích lũy đủ là tiền tài, như thế, dù có sự cố bất ngờ nào xảy đến cũng không dễ dàng bị đánh bại.

Cuối cùng, hãy dùng ánh mắt để thưởng thức thế giới này. Kể cả khi u ám nhất, con người vẫn có thể tìm thấy ánh sáng và thấy rằng thế giới đẹp đến nhường nào.

Người thực sự hạnh phúc chắc chắn sẽ biết cách dùng ánh mắt thưởng thức để nhìn ngắm thế giới. Con thấy được thứ gì, trái tim con sẽ có được thứ đó. Dù có thế nào cũng phải sống, tại sao lại không nỗ lực trang trí cho tâm hồn những thứ đẹp đẽ. 

5. Cho dù bạn là ai, hãy tỏa sáng theo cách của riêng mình: 

Trong chương “Dẫu chỉ là người bình thường, chúng ta hãy cố gắng sống như vầng thái dương”, tác giả Bắc Thần đã đưa vào một bức thư của một chàng trai gửi đến mẹ mình trước khi anh kết hôn. Có thể tóm lược câu chuyện cuộc đời của chàng trai ấy như sau: Khi anh ta còn nhỏ, mẹ anh ta luôn tự hào và khoe khoang với hàng xóm rằng anh ta là đứa trẻ tuyệt vời nhất thế giới. Chính vì sự nuông chiều của người mẹ, anh ta đã trở thành một đứa trẻ lêu lổng và lười học - tất nhiên cũng không đến mức hư hỏng. Biết bao nhiêu lần đổi giáo viên cũng chẳng làm anh học khá lên được. Trong kỳ thi cuối cấp, anh chỉ đỗ một trường bình thường, trong khi bạn cùng lớp không đỗ đại học danh tiếng thì cũng du học nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, anh làm trong ngành công nghệ thông tin với mức lương không lấy gì làm ấn tượng. Càng lớn - chính xác là từ khi anh đi học - hai mẹ con chàng trai càng trở nên mâu thuẫn. Người mẹ luôn chì chiết về thành tích của con trai và không ngừng soi mói đời sống cá nhân của anh - bạn bè, đồng nghiệp, hẹn hò, thậm chí là cả trang phục của anh ta. Chàng trai thì không chấp nhận cuộc sống ngột ngạt anh đang có. Và khi chàng trai sắp cưới người con gái mình yêu, bà mẹ cũng chẳng hài lòng và cho rằng vị hôn thê này không đủ “hoàn hảo” với con bà. Chàng trai không phủ nhận điều đó, nhưng anh ta tin rằng chính vì không “hoàn hảo” nên người con gái ấy hoàn toàn phù hợp với anh - một con người “bình thường”. Anh cảm ơn tình yêu mẹ dành cho anh, nhưng kiên quyết không sống theo kỳ vọng mẹ đã đặt ra. Chàng trai cầu xin sự chúc phúc của mẹ và khẳng định chân lý sống của mình: 

Mẹ ơi, chắc chắn mẹ biết rằng đại đa số mọi người trên đời này đều là những con người bình thường. Vậy thì bây giờ xin mẹ hãy chấp nhận một thực tế - con trai của mẹ chính là một phần của đại bộ phận ấy.

[...] Con sống cuộc sống rất sinh động, có vui, có buồn, có mệt mỏi nhưng cũng hết mình. Tuy cuộc sống này có một chút vất vả nhưng vẫn luôn có những niềm vui nho nhỏ. Mẹ à, như thế không tốt sao? Con không muốn sống như hình mẫu mà mẹ muốn, nhưng lại là hình mẫu mà bản thân con nên trở thành. 

[...] Sau này, khi con cũng có con rồi, con nhất định sẽ tôn trọng sự thực, tuyệt đối không miễn cưỡng gắn cho nó một cái mác, càng không ép nó làm những điều mà cuộc đời con chưa thể hoàn thành. Con sẽ cho phép nó được làm một người bình thường. Cho dù có bình thường hơn nữa, cũng phải cố gắng sống như vầng thái dương. 

6. Lời kết:

Sống như vầng thái dương là một cuốn sách mang tính giáo dục, nhưng không dạy những điều vĩ đại cao siêu. Cuốn sách tiếp cận người đọc bằng những dòng tâm sự và những lời khuyên vừa gần gũi lại vừa bổ ích với đời sống thường nhật. Tôi tin rằng lối văn chương giản dị của Lý Nguyệt Lượng và Bắc Thần sẽ từng bước chinh phục trái tim người đọc.

Review chi tiết bởi Thanh An Nguyễn - Bookademy

Hình ảnh: Cẩm Vân Nguyễn - Bookademy

Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024