Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/09/2018 23:09 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Bookademy] Review Sách “Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài”: Bạn Chọn Là Một Nhà Lãnh Đạo Hay Trở Thành Một Người Tầm Thường?


 Bạn là ai? Bạn đang làm gì trong chính cuộc đời của mình? Và hơn hết, bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo hay mãi mãi chỉ là một người tầm thường?

Đứng trước câu hỏi này ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến trả lời rằng tôi không cần là một nhà lãnh đạo nhưng tôi cũng không phải một con người tầm thường. Tại sao lại phải phản biện hai chiều như vậy trong khi câu hỏi rất rõ ràng, bạn chỉ cần lựa chọn một trong hai đáp án. Đơn giản vì đa số chúng ta không ai nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà lãnh đạo, chúng ta không dám mơ ước vì cho rằng đó là những điều viển vông, nhưng chúng ta lại sợ biến thành một người tầm thường, tẻ nhạt trong mắt bao người khác.

Nắm bắt được điều này, tác giả Robin Sharma -  một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về huấn luyện lãnh đạo và phát triển bản thân đã cho xuất bản cuốn sách “Đời ngắn đừng ngủ dài” với mục đích đánh thức và định hướng cho khả năng lãnh đạo tiềm ẩn của mỗi người. Robin Sharma luôn tâm niệm lãnh đạo là không cần chức danh và thoải mái phát huy cao nhất năng lực của mình, bạn không cần phải là giám đốc hay trưởng phòng nhưng bạn vẫn được gọi là một nhà lãnh đạo giỏi khi biết rèn luyện bản thân, làm được những việc tốt nhất trong khả năng của bạn.

Cuốn sách bao gồm 101 bài học ý nghĩa được trình bày rất ngắn gọn, cụ thể đúng như phương châm và phong cách sống đơn giản của tác giả. Mỗi bài học là một câu chuyện, một tình huống nhỏ ông đã trải qua và viết lại như những thông điệp nhỏ muốn truyền tải tới bạn đọc. Là một tác giả của 8 cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản như "The Monk Who Sold His Ferrari", "The Leader Who Had No Title",... và là một nhà sáng lập của công ty đào tạo với các đối tác nổi tiếng như Microsoft, Nike nhưng những gì Sharma viết đều rất chân thành, mộc mạc và dễ hiểu để áp dụng. Các câu chuyện với nội dung phong phú nhưng cuối cùng cũng chỉ xoay quanh 3 điều quan trọng nhất trong cuộc sống của con người, cũng là 3 điều đơn giản nhất mà chúng ta thường vô tình quên mất.

 

 

Gia Đình

Tác giả tin rằng Gia Đình là điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người, đó là nơi chúng ta được yêu thương, được chia sẻ và được vỗ về. Những giây phút cao quý nhất chính là những giây phút khi ta được chia sẻ với những người thân yêu trong cuộc đời mình. Nhưng có bao giờ bạn nhận ra rằng người mình yêu thương nhất lại luôn là người mình thường bỏ lơ? Chúng ta dễ dàng dành thời gian cho những người xa lạ chỉ vì hai chữ “Công việc” nhưng lại dành rất ít thời gian với gia đình chỉ vì ta tưởng rằng họ luôn ở cạnh bên mình. Thực tế họ sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng ai mà nói trước được điều gì khi mỗi sớm mai thức dậy, sẽ lại có một câu chuyện mới lại được viết lên.

Trong những mẩu chuyện của mình, có nhiều mẩu chuyện được Sharma viết lại khi đang đi với con của mình, tác giả không hề tự hào khi mình là một nhà lãnh đạo tài giỏi hay một doanh nhân giàu có, nhưng ông không hề che dấu niềm hãnh diện khi mình có thể dành thời gian để trở thành người cha tốt. Đối với ông, một nhà lãnh đạo không ở ngay đâu xa xôi khi mà gia đình nhỏ bé vẫn đang cần anh ta chèo chống, và những đứa trẻ nhỏ sẽ là những phiên bản đời thực của chính anh ta về sau này.

Vai trò lãnh đạo bắt đầu từ ngay trong gia đình. Gia đình là một tổ chức cần được yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ nếu chúng ta thực sự nhắm đến một cuộc sống hạnh phúc mà chúng ta đáng được hưởng.

 

 
Sức khỏe

 

Đa số chúng ta thường chỉ thấy quý trọng Sức khỏe khi đã mất đi nó, đó là sự thật. Cũng như lời nhắc nhở về gia đình, tuy Robin Sharma không chỉ ra cụ thể nhưng ông không ngừng đề cập tới những lời khuyên để bảo vệ sức khỏe xuyên suốt cuốn sách. Chúng ta luôn ngỡ sức khỏe là hiển nhiên của chúng ta mà quên mất rằng nếu không chăm sóc và giữ gìn thì mọi thứ đều có thể biến mất.

Hãy dành ít phút mỗi ngày để tập thể dục hay chơi bất cứ một môn thể thao nào nào bạn yêu thích hoặc đã từng yêu thích. Nếu bạn nhận ra mình chả có hưng thú với điều gì cả thì bạn phải biết một sự thật rằng, chỉ ăn thôi sẽ không thể giúp bạn sinh tồn được, bạn cần phải bảo hành thường xuyên cho sức khỏe của mình, ít nhất là để sinh tồn giữa mớ công việc bộn bề chìm ngập quanh bạn mỗi ngày.

Rèn luyện thói quen phát triển sức khỏe cũng nên được coi là một công việc phải làm mỗi ngày, và một nhà lãnh đạo giỏi chỉ đơn giản là một người biết bình quân giữa những công việc có thể đặt chúng cân bằng trên chiếc cân thời gian.

 

 

 

Giá trị bản thân

Giá trị bản thân là nội dung được Robin Sharma chú trọng nhiều nhất và cũng là thành tố quan trọng nhất trong việc định hướng một con người. Như tác giả đã nói, mỗi chúng ta là một nhãn hiệu, cho dù ta có nghĩ gì đi nữa thì khi người khác nghe tên chúng ta, họ sẽ liên tưởng ngay đến một điều gì đó. Vậy bạn muốn mình là một nhãn hiệu tốt hay xấu, điều đó còn phụ thuộc vào cách bạn nâng cao giá trị bản thân mình như thế nào.

Điều đầu tiên, hãy là chính mình.

Trước khi làm mọi cách để phát triển bản thân, chúng ta cần phải biết mình đang là ai và đang làm gì. Warren Buffet đã từng nói “Không bao giờ có ai giống bạn”, vì bạn là duy nhất, chắc chắn sẽ có người luôn muốn bắt chước bạn, làm mọi điều giống bạn, nhưng cuối cùng họ cũng chỉ là thứ hai mà thôi. Chính vì vậy, bạn cũng không cần phải bắt chước theo ai cả, bạn có ước mơ của riêng bạn, có sứ mệnh của chính mình. Giữa Trái đất hơn 7 tỉ người này, bạn làm sao có sức để chạy đua theo hết người này đến người khác, hãy chọn chỉ một người để ganh đua thôi, người đó chính là bạn. Chúng ta, mỗi người trong chúng ta là một cá thể đặc biệt nhất, bạn đã nghe rất nhiều nhưng mất bao lâu để bạn chiêm nghiệm ra được điều này. Khi mà bất cứ một thất bại, thử thách hay thua cuộc đều khiến bạn chùn chân và lại e ngại về bản thân mình để rồi liên tục so sánh với những cá thể khác. Nhưng, hãy mừng rỡ vì ít ra bạn đã được gặp gỡ nỗi sợ hãi, còn biết bao nhiêu người cứ ôm mãi một nỗi hèn nhát để rồi đứng im một chỗ, chối bỏ bản thân mình. Và sau mỗi lần gặp gỡ hãy cố gắng vượt qua sự sợ hãi đáng ghét để chiến thắng bản thân của quá khứ, khi ấy bạn sẽ nhận ra được rằng không còn gì tuyệt vời hơn là bản thân chính mình.

 

 

Điều thứ hai, luôn tử tế.

Tử tế là một từ bao gồm của rất nhiều bài học mà ta đã được học ngay từ khi còn tấm bé, và có một điều chắc chắn rằng ít ai trong số chúng ta quên sạch những điều đó, chỉ là bạn có muốn sử dụng nó hay không.

Một ví dụ đơn giản nhé, bạn cảm thấy thế nào khi mình chỉ là một người bình thường, có đủ tay, chân, mắt, mũi lành lặn, chẳng có gì đặc biệt cả phải không? Nhưng thực tế có những người dành cả đời mình chỉ để khao khát trở thành một người bình thường như bạn. Nghe thì rất hiển nhiên nhưng hãy thử giành 2 phút ngay lúc này để nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang làm hết công việc một ngày mà không có đôi chân của mình, sẽ thật tồi tệ. Vậy đấy, lòng biết ơn xuất phát từ những điều đơn giản và nhỏ bé mà chúng ta thường bỏ quên hằng ngày, lòng biết ơn cũng là một biểu hiện của sự tử tế. Bạn biết ơn cơ thể lành lặn, bạn đang tử tế với chính mình. Bạn biết ơn với một người phục vụ, với những sóng gió ập đến với bạn, chính là bạn đang tử tế với cuộc đời.

Và còn rất nhiều phẩm chất cao đẹp mà chúng ta luôn được dạy như trung thực, vị tha, bao dung,..những điều tử tế này cần được áp dụng vào cuộc sống vốn đã bộn bề để giúp ta được phần nào thanh thản hơn. Tính cách của một con người chỉ bộc lộ rõ nhất khi họ đối xử với những thứ không đem lại lợi ích trực tiếp cho mình, chính vì vậy học cách tử tế với những điều khó khăn và nhỏ bé mà bạn tưởng là tầm thường cũng là việc mà những nhà lãnh đạo luôn hướng tới để phát triển giá trị bản thân của mình.

 Điều thứ ba, trau dồi các kĩ năng, sống kỉ luật và có trách nhiệm.

Kỉ luật, trách nhiệm – hai từ không thể thiếu của một nhà lãnh đạo tài ba. Ở bất cứ một cương vị nào mỗi người cũng nên đặt cho mình những kỉ luật nho nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng khi bắt tay vào làm một công việc. “Cái giá của kỉ luật bao giờ cũng rẻ hơn cái giá của nỗi đau hối tiếc” (Nido Qubein). Để làm việc có kỉ luật trước hết cần những thói quen, những thói quen này không phải một sớm một chiều mà có thể hình thành ngay được. Chúng phải là những quy tắc chúng ta tự đặt ra và cố gắng thực hiện mỗi ngày, lâu dần chúng trở thành những nguyên tắc, nề nếp của mỗi người.

Nhưng một con người có nề nếp dễ bị nhầm lẫn với một con người cứng nhắc và bảo thủ. Đừng như vậy! Nhiều người dùng nề nếp để ngụy biện cho những rào cản vô hình đang hiện hữu trong mình, họ không dám đổi một công việc, một vị trí mới vì cho rằng mình đã quen với công việc này rồi. Thực tế họ làm việc theo cách sáng đến đúng giờ, làm đúng công việc, không trốn việc, cúp làm, ra về khi được cho phép và mỗi tháng nhận được số lương đúng thỏa thuận. Một khuôn mẫu điển hình và nề nếp nhất cho những người đang nhàm chán công việc hiện tại. Càng trưởng thành, chúng ta lại càng chấp nhận những niềm tin, định kiến tiêu cực, những giả định sai lầm, những nỗi sợ đó đang phá hoại thế giới quanh ta, chúng những rào cản vô hình mà một nhà lãnh đạo không được phép có.

Đừng để bản thân đi sai hướng khi vô tình tạo thêm những rào cản bảo thủ cho mình, thay vào đó hãy thiết lập những thói quen tốt như đặt tiêu chuẩn cho mọi hành động ở mức độ hoàn hảo và toàn vẹn nhất có thể, dậy sớm, ham mê học hỏi mỗi ngày, dùng một phần thời gian mỗi ngày để mơ ước và định hướng bản thân,…

Cùng với đó, hãy tâp cho mình thói quen chịu trách nhiệm, một phần không thể thiếu nếu muốn trở thành một người lãnh đạo nguyên tắc và kỉ luật. Vai trò lãnh đạo thực sự là nói đến trách nhiệm của từng cá nhân, đến việc tạo ra kết quả cao nhất, nhận lãnh trách nhiệm để hoàn thành công việc cho dù bạn đứng ở vị trí nào đi nữa. Vai trò ấy cũng chỉ bộc lộ trong những phút giây thử thách, chứ không phải trong những phút giây dễ dàng, và ở thời điểm đó, năng lực lãnh đạo của bạn mới được thể hiện qua cách bạn chịu trách nhiệm với công việc của mình.

Hãy tin rằng “Sự khác biệt giữa người tài giỏi và những người khác nằm ở thói quen. Một vài thói quen tốt sẽ tạo nên khác biệt lớn cho cuộc đời và sự nghiệp của bạn ở lúc cuối đời."

 

 

Điều thứ tư, tạo dựng và gắn kết các mối quan hệ.

Tiếp xúc với một người bạn của bạn chính là cách để thăm dò xem tính cách của bạn ra sao. Chủ thể của các mối quan hệ được ví như những tấm gương soi bản thân người còn lại, một mối quan hệ đúng đối tượng sẽ thay đổi 50% cuộc đời bạn và ngược lại. Trong các câu chuyện, tác giả đã đề cập các cách để xác định một mối quan hệ tốt đẹp và một điều cũng quan trọng là cách để duy trì nó. Việc duy trì một mối quan hệ tốt đẹp không chỉ phụ thuộc vào cách bạn học thuộc lòng các kĩ năng tới đâu mà còn phụ thuộc vào giá trị bản thân bạn thông qua những điều bạn kết hợp và làm được đã nhắc đến ở trên. Robin Sharma khẳng định rằng chất lượng các mối quan hệ làm nên chất lượng cuộc sống, và còn gì hơn là được sống trong một cuộc sống với chất lượng hoàn hảo như ý muốn của mình. Nếu chúng ta tận tâm tìm cách khiến các mối quan hệ trở nên tốt đẹp, thì chúng ta cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.

 

Và còn nhiều hơn những bài học được ẩn chứa trong 101 mẩu chuyện nhỏ, đó là những điều mà mỗi người tự rút ra cho mình để tự phấn đấu và tự thay đổi, chúng ta ai rồi cũng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo hoàn hảo nhất trong chính cuộc sống của mình.

 

 

Tác giả: Ngọc Ánh - Bookademy

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024