Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/08/2018 19:08 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời || Hey, Pianist! Can You Play Me A Memory?


Sâu trong một quán bar nọ, tiếng piano vang lên từ những đầu ngón tay của một nghệ sĩ nhạc jazz. Những phím đàn gõ lên làn khói thuốc mơ màng, tan đi trong vị cocktail mát dịu như một cơn mưa bụi. Tất cả những con người tới đây im lặng nhấp một điếu thuốc, chìm đắm trong một bản nhạc của một thời đã xa, như thể muốn cuộn tròn tạm bợ trong một góc bên con hẻm nhỏ rẽ ngang hiện thực, hớp lấy chút ảo giác ướt đẫm, để ngày mai lại có thể tiếp tục hòa vào những ngả đường đông đúc và lầy lội. Sau khi họ đi rồi, điều duy nhất còn để lại chứng minh rằng họ đã từng ngồi đây, chỉ là vết son môi đỏ nhạt nhòa vương mùi rượu rum pha lẫn chanh tươi in trên ly thủy tinh mỏng tang trong suốt, hay là đầu mẩu thuốc đã tàn như một cái xác còn hơi ấm.

 

 

Đời bao giờ cũng có một người đợi, và một người đi.

 

"Cậu cũng biết đây là một quán bar, khách đến khi họ muốn và đi khi họ muốn. Tớ chỉ có một việc là chờ đợi thôi."

 

Đã qua rồi cái khoảng thời gian cứ mua Murakami về là không kiềm chế được phải đọc ngay. Bây giờ mình thường để dành những cuốn sách của ông đến một ngày mình nghĩ tâm trạng đã phù hợp, thời tiết đã phù hợp. Cũng không có một mường tượng chính xác về việc thời tiết sẽ phải như thế nào, có khi là một chớm mùa thu mưa lâm thâm nhưng không đủ ướt, có khi là một đêm hè không sao, cũng có khi là một chiều êm đềm gió và mây cùng khiêu vũ điệu waltz dưới ánh mặt trời. Thật ra chỉ cần nỗi buồn đã đủ chơi vơi, như một ly rượu vang đỏ sóng sánh nhưng không đủ để trào ra ngoài, là có thể lảo đảo bước vào thế giới của Murakami rồi.

Đó là một ngày thứ 7 sau khi phải làm một công việc không hề yêu thích, mình chạy trốn tới một quán cafe quen thuộc và ngồi lỳ cho đến khi nắng tắt và đọc một mạch từ đầu tới cuối Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời. Mình không phải là dạng có thể đọc đến mức quên mất xung quanh đang diễn ra cái gì, thi thoảng mình vẫn đảo mắt nhìn lên thấy người ta đến, và đi. Có một vài người đi theo nhóm, một vài người đi theo đôi, có người cũng đi một mình như mình, không biết họ có đang đợi ai không? Có lẽ là không. Cũng có thể là có. Cũng có thể ngày nào họ cũng đợi ở đây, nhưng người họ đợi không tới nên họ vẫn cứ đợi. Họ đã đợi bao nhiêu ngày? Họ còn đợi bao nhiêu ngày nữa? Thật kỳ lạ biết bao! Mỗi con người bé nhỏ nhường ấy, lại có cả một thế giới của riêng mình không ai chạm vào được. Khi đặt chân ra khỏi quán cafe này, họ sẽ lại gặp gỡ bạn bè, đi mua sắm, tán dóc về đời tư của các ngôi sao, họ sẽ lại bước đi sôi nổi và hối hả, nhưng đó là chuyện lúc họ đã ra khỏi quán cafe, còn lúc này, họ đang ngồi đây, lười biếng sưởi ấm trong ánh nắng yếu ớt lọt qua khung cửa kính, trầm ngâm trong một thoáng buồn phảng phất, lang thang trong triền miền mộng ảo. Giống như Hajime, điều đó khiến họ thấy, dù chỉ trong vẻn vẹn vài phút giây thôi, mình tồn tại.

 

Vì đã quen với một Murakami cùng những câu chuyện quái gở dồn dập nối tiếp nhau kéo con người như đi trên một sợi dây mảnh nối hai đầu hư và thực, nên khi đọc Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, mình có một chút lạ lẫm cho dù ông vẫn tái sử dụng phong cách viết văn trên nền nhạc hay phong cách gọt dũa nỗi cô đơn bên trong đời sống thành thị tấp nập ồn ào. Đây có lẽ là cuốn sách mang tính hiện thực đầu tiên của Murakami mà mình từng đọc, trước đó mình đã đọc Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, nhưng ngay cả cuốn sách đó cũng không hiện thực như cuốn sách này. Và thay vì làm người ta choáng ngợp bởi sự tưởng tượng điên rồ độc đáo cùng nồi lẩu thập cẩm triết học, siêu hình và đủ thứ lằng bà nhằng khác, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời chỉ là một áng văn mỏng và đẹp như một dải lụa trơn tuột khỏi tay, nhưng làm người ta mê đắm bởi thứ ngôn ngữ đầy tính điện ảnh của nó, một thứ ngôn ngữ dè dặt và thăm dò, sử dụng những hình ảnh ngoại cảnh làm bức phông màn thúc đẩy dần dần từng lớp sóng cảm xúc, đưa đẩy giác quan của người đọc như một thước phim nghệ thuật bậc thầy. Mình khá thắc mắc vì sao tới bây giờ người ta vẫn chưa dựng phim cho cuốn sách này.

 

Hajime hẳn là đã yêu Shimamoto bằng tình yêu ngây thơ như một đứa trẻ yêu bông hoa tuyết. Khi lớn lên, một đứa trẻ sẽ dần quên đi cái cảm giác chờ đợi bông tuyết đầu tiên của mùa đông rơi xuống, nhưng rồi khi nó đã đủ lớn, khi nó đã tận hưởng tất cả cái gọi là tuổi trưởng thành, nó bỗng dưng lại nhớ đến tuyết, nó bỗng dưng lại nuối tiếc tuyết, nó bỗng dưng lại chờ đợi tuyết. Trong mắt Hajime, Shimamoto luôn đẹp, bất kể cô có đi khập khiễng hay không, cô vẫn đẹp, không hẳn vì gương mặt đẹp của cô, mà vì gương mặt của cô đã đi rất xa anh. Cái gì đã đánh mất thì luôn có ý nghĩa.

 

Thoáng chốc của tuổi trẻ nằm trong một cái nắm tay chỉ kéo dài mười giây, rồi cuộc chia tay không một lần cáo biệt, chỉ là ngại tìm đến nhau nữa và thế là xa. Có những lúc ta cứ tưởng là mình đã quên rồi đấy, nhưng chỉ cần nghe lại một đoạn nhạc xưa yêu dấu, nhìn thấy một bóng hình quen quen lướt đi trên phố đông người, những hoài niệm chừng như đã tan biến lại đột nhiên ùa về như tất cả mới chỉ xảy ra hôm qua, hôm kia. Hình như chúng ta luôn nhớ thanh xuân vì ai cũng từng sống tốt hơn khi còn trẻ.

 

Khi còn trẻ ấy mà, chúng ta chưa có một căn nhà thật khang trang và rộng rãi. Chúng ta sống trong một căn nhà thuê chật hẹp thôi. Chúng ta ăn, ngủ, tiếp khách trong cùng một phòng. Mà chắc chẳng có khách khứa nào đến thăm chúng ta cả. Khi ấy, chúng ta khóc hàng đêm vì cuộc đời như một cái bập bênh mà chúng ta không thể giữ thăng bằng. Chúng ta nằm nghe một bài hát về nỗi cô đơn và thấy như thể nó được viết riêng cho mình. Chúng ta chẳng có gì hơn ngoài mớ cảm xúc hỗn độn này. Và cuộc đời còn dài lắm, còn đủ thì giờ để chúng ta sẵn sàng tốn một ngày 4 giờ cho việc tự thấy bản thân bất hạnh và chẳng ai có thể hiểu mình. Chúng ta tự nhủ mình sẽ không bao giờ kết hôn đâu.

 

Nhưng bắt đầu từ khi nào chúng ta không còn trẻ nữa? Hajime đã yêu Yukiko thực sự, nhưng nó không còn như một đứa trẻ yêu bông tuyết trắng. Yukiko giống như một người phù hợp đến vào một thời điểm phù hợp. Những giấc mộng dần thay thế bằng một cuộc đời thực tế, những con người thực tế. Đôi khi, anh hoài nghi không biết đó có thật là mình, nhưng dù thật hay không thì anh vẫn phải tiếp diễn cuộc sống đó. Có lẽ chúng ta không còn trẻ từ khi chúng ta cảm thấy thời gian chẳng còn lại bao nhiêu để mà hoài phí tháng ngày vào việc nhìn ngắm một cơn mưa và nhớ tới một người ta đã từng yêu chân thành nhưng không bao giờ còn tương ngộ.

 

Hajime nói quán bar Robin's nest anh mở ra cũng giống như một khu vườn tưởng tượng, nơi các vị khách đến và đắm chìm trong tưởng tượng một chốc trước khi quay trở lại đấu tranh với cuộc sống thường nhật khốc liệt và tàn nhẫn. Còn chính Hajime, trong khu vườn tưởng tượng ấy, đã gặp lại Shimamoto, người con gái năm 12 tuổi cùng anh nghe những đĩa nhạc cổ điển qua chiếc stereo đời mới trong phòng khách nhà cô. Có phải chăng rằng, cả nàng nữa cũng chỉ là một ảo ảnh tưởng tượng chỉ tồn tại trong đầu anh?

 

Những ký ức đẹp và buồn, nơi quán bar Robin's nest, từ việc chỉ nằm trong giai điệu một vài bài hát xưa cũ của tuổi xuân, dần đậm đặc và biến thành một hình bóng sắc nét và rõ ràng: Shimamoto-san. Nàng đến vào những ngày mưa và khi đi chỉ để lại một vệt son màu đỏ. Nàng không bao giờ nói về mình và tất cả những gì Hajime biết về nàng vẫn chỉ là những gì anh đã biết từ cái ngày hai người ly biệt từ hơn hai thập niên trước. Nàng là bóng ma quá khứ của anh.

 

Câu chuyện của Hajime rõ ràng là câu chuyện của một con người thành thị, một nỗi hoang mang rất thành thị, một nỗi cô độc rất thành thị, một nỗi nuối tiếc xa xỉ chỉ dành cho những kẻ đã đủ đầy vật chất và bắt đầu đua đòi đi tìm cái tôi. Có lẽ nếu Hajime có thật thay vì chỉ là một nhân vật trong truyện, người ta sẽ không thể thông cảm cho anh được (kỳ lạ thay người ta rất dễ thương cảm cho một số phận hư cấu nhưng lại dễ dàng chỉ trích một số phận ngoài đời). Họ chắc sẽ cho rằng tay Hajime này sướng quá hóa rồ, vợ đẹp con khôn, tiền bạc rủng rỉnh, nhưng lại mải miết đuổi theo những mộng mị hoa niên mà không biết trân trọng thực tại. Phần lớn mọi người mặc định rằng khi đã thừa mứa và thành đạt, người ta phải thấy vui. Ừ thì cũng có lúc họ nói giàu chưa chắc đã sướng, nhưng là với một ý nghĩa khác, ví dụ như giàu thì khó kiếm bạn không chơi với mình vì giàu, giàu thì luôn phải lo làm giàu hơn, giàu thì lo giữ của, nhưng những vấn đề họ chỉ ra cũng chỉ nằm ở khía cạnh vật chất. Người ta coi ai cũng giống như một con robot, chỉ cần tra đủ dầu là nó sẽ hoạt động tốt không vướng mắc hay đòi hỏi gì thêm. Nhưng con người không giống như robot, con người giống như một bồn tắm với một lỗ rò. Ta cứ phải đổ nước liên tục để giữ nước đầy. Khi ta thôi không đổ nữa, nó sẽ trống rỗng. Luôn có một khoảng trống người ta muốn san lấp trong miền ký ức để mình trở nên hoàn chỉnh, nhưng bất lực.

 

Nhưng thôi đó lại là một chuyện khác mà mình chẳng muốn bàn nhiều.

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời với mình có lẽ là một câu chuyện về sự đợi chờ. Luôn là Hajime ở đó và đợi chờ Shimamoto. Năm 12 tuổi, là Shimamoto đã nắm lấy tay Hajime. Rồi 25 năm sau, lại là anh đợi cô nơi quán Robin's nest. Là anh đợi cô khi cô thả tro bụi của đứa con xuống dòng sông chảy vào biển cả. Là anh đợi cô trong một buổi sáng thanh bình tại Hakone nơi cô sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Lần duy nhất anh đuổi theo cô thay vì đợi là giữa khu đô thị sầm uất, nhưng rồi chẳng đủ can đảm để gọi lại, cuối cùng lại thụ động đợi cho cô bỏ đi trên chiếc taxi. Bởi vậy mà dù Hajime luôn khẳng định tình yêu anh dành cho cô là mãnh liệt, nhưng mình thấy nó rất mơ hồ. Như đã nói, nó đúng như một đứa trẻ giờ đã lớn, không cần tuyết lắm đâu nhưng vẫn muốn có tuyết cho đủ sắc thái một ngày đông trong trí tưởng tượng của mình. Và vì nó lửng lơ mơ hồ, nên nó lại trở thành một ám ảnh day dứt khôn nguôi.

 

Những câu hỏi không đáp án luôn khiến người ta băn khoăn. Shimamoto với Hajime cũng là một câu hỏi không đáp án. Năm ấy, anh đã làm đúng khi không tới thăm cô nữa, hay anh đã làm sai? Tại sao cô lại ra đi trong lặng lẽ mà không giải thích rõ nguyên do? Tại sao, tại sao, tại sao? Hajime cứ tự ngồi lắp những mảnh ghép ấy như chơi trò puzzle, rồi anh lại đợi Shimamoto dù biết rằng cô sẽ không tới. Mình phải nói rằng Murakami có khả năng mô tả tâm lý chân thực một cách run rẩy. Mình biết như thế bởi vì vài năm trước, mình cũng có một người bạn kiểu như vậy. Mọi thứ đang rất tốt đẹp và rồi một ngày nọ, tất cả đột nhiên tan biến. Thỉnh thoảng mình rất muốn nhắn tin hỏi nhưng rồi lại thôi. Không biết rằng câu chuyện ấy đã đứt gãy từ chỗ nào? Và không biết, người bạn ấy có còn nhớ tới mình không? Chỉ biết rằng, một thời gian sau, đến bạn bè trên facebook cũng không còn là nữa. Mỗi khi đi qua con đường về nhà của cậu ấy, mình vẫn nhìn vào con ngõ nhỏ có căn nhà của cậu mà mình chưa từng đặt chân vào. Nhưng khi nghe những bài hát mà cậu ấy từng hát, mình lại chẳng còn cảm thấy dù chỉ một chút bâng khuâng. Trước đây, mình vẫn luôn an tâm cho rằng dẫu mình và cậu ấy có quên đi sạch, thì ký ức vẫn là thứ không thể thay đổi và sẽ mãi mãi nguyên vẹn ở đó. Nhưng sau khi đọc Phía nam biên giới, phía tây mặt trời, mình lại không chắc lắm về chuyện này. Bắt đầu từ đâu thì một sự kiện trở nên có thật? Trí nhớ chẳng qua chỉ là một sản phẩm của đầu óc, không thể đem trí nhớ ra để đối chất với quan tòa, luôn phải có một vật chứng nào đó để khẳng định điều đó là thật, không phải tôi bịa ra đâu. Bỗng nhiên mình thấy mình thật vô sản. Mình luôn đinh ninh dù mình chả có gì nhưng vẫn còn rất nhiều mảnh ký ức, nhưng biết đâu đấy ký ức chỉ là bức tranh do tự tay mình tô vẽ nên? Vẫn biết mình chỉ là một kẻ vô hình, nhưng hóa ra mình vô hình thật.

 

Không biết nữa nhưng đúng là các mắt xích của nghệ thuật luôn có một mối liên hệ rất quái đản. Vốn dĩ chẳng liên quan gì đến nhau thế mà lại rất liên quan. Dạo này có hứng tìm hiểu hội họa đề tài Vanitas, đại khái là một thể loại hội họa thịnh hành vào thế kỷ 16, 17, với cảm hứng lấy từ sự ngắn ngủi của người, sự hư vô của cuộc đời. Nghĩ cho kỹ thì Phía nam biên giới, phía tây mặt trời cũng rất vanitas. Trong tranh vanitas, các họa sĩ thường vẽ một số thứ biểu trưng cho nhân sinh vô thường như hoa, khói thuốc, bong bóng, nhạc cụ, đồng hồ, bươm bướm... Còn trong cuốn sách của Murakami, Shimamoto thường hút thuốc và những cây đàn là vật bất ly thân của quán bar Robin's nest. Tất nhiên nếu chỉ có thế thì mình cũng chả dám gán ghép nhiều. Nhưng trong suốt gần 300 trang sách, dường như tất cả đã từng xuất hiện cứ đều lần lượt biến mất và chẳng còn lại gì: Shimamoto, chiếc phong bì 100.000 yên, chiếc đĩa Nat King Cole, những cảm xúc trên gương mặt Izumi, tro của đứa con gái của Shimamoto, cô chị họ của Izumi, chứng khoán, đến cả Robin's nest cũng được thay đổi lại hoàn toàn, và một Hajime ngày xa xưa ấy cũng biến mất, tình yêu của anh, ký ức của anh, xúc cảm của anh, ý nghĩa tồn tại một thời của anh. Như cậu bạn của Hajime đã nói: chỉ còn sa mạc là trường tồn thôi.

 

Nhưng cái làm mình buồn hơn cả không phải việc những thứ đó sẽ tan biến, mà chính là giá trị của tất cả những thứ đó trong Hajime sẽ tan biến. Mình có đọc qua một vài lời bình về tác phẩm này, họ nói Yukiko là biểu tượng của hạnh phúc giản dị mà đến cuối cùng Hajime, sau cuộc rượt đuổi quá khứ bất thành, mới nhận ra. Chắc là thế. Cơ mà quả thực là mình không muốn nghĩ vậy. Đã lâu rồi mình mới đọc về một kẻ chấp niệm quá khứ y như mình, nên càng không nỡ thả anh ta về thế giới hiện thực. Từ từ đã, làm gì mà vội, cứ ngồi đây mộng tưởng một chút có làm sao. Mình không tin là đoạn cuối Hajime đã quên được Shimamoto dù anh ta cho là vậy, bởi vì mình đã từng như anh ta rồi, cứ ngỡ là quên sạch đấy, nhưng tin mình đi, tiềm thức nhớ rất dai, nhưng vì nó là tiềm thức nên lúc bình thường đố ai nhận ra. Đọc đoạn cuối này này:

 

"Ở tận sâu bóng tối đó, tôi nghĩ đến mặt biển dưới cơn mưa. Trời mưa không tiếng động trên đại dương rộng lớn, mà không ai biết cả. Những giọt nước đập lên mặt nước im lặng, và ngay cả những con cá cũng không có chút ý thức nào về điều đó.

 

Tôi cứ nghĩ về biển thật lâu, thật lâu, cho đến khi ai đó đi đến sau lưng tôi và nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi.".

 

Tiềm thức như đại dương sâu thăm thẳm. Shimamoto đã từng thả tro cốt đứa con gái của nàng ra sông và tin là sông sẽ đưa nó trôi ra đại dương. Có thể Hajime cũng đã học tập nàng, thả tro cốt hình bóng của nàng ra biển cả. Nhưng kể cả khi tất cả đã chìm vào một nơi rất sâu, rất sâu, sâu như vực Mariana chẳng hạn, tức là sâu đến mức chẳng có thợ lặn nào, máy móc nào chủ động chui xuống vớt lên được, nhưng điều đó cũng không đảm bảo một trận sóng thần hay một cơn dư chấn ngày nào đó sẽ đưa tất cả trở lên bề mặt. Thậm chí, biết đâu Hajime sẽ chủ động hóa ra tro và chìm vào đại dương? Mà một khi người ta đã muốn chìm, người ta sẽ không để bàn tay nào kéo mình lên được cả.

 

Cũng giống nhiều truyện khác của Murakami, việc làm đầu tiên mình làm sau khi đọc xong là đi tìm những bản nhạc được ông nhắc tới. Có khoảng 4 bản được nhắc tên cụ thể (ý mình là những bản mình nhớ được): Bản giao hưởng đồng quê của Beethoven, Pretend của Nat King Cole, South of the border cũng của Nat King Cole và Star-crossed lover của Duke Ellington. Hai bài đầu thì mình đã biết và đã thích và đã down về từ hồi xưa, còn hai bản sau thú thực là sau khi nghe cũng không thích lắm. Nói thật là trong khi đọc Phía nam biên giới, phía tây mặt trời, mình gần như liên tục replay một bài hát khác cơ: Piano man của Billy Joel. Nếu như mình có tiền chuyển thể câu chuyện trên thành phim, mình chắc chắn sẽ dựng những cảnh bên trong quán bar Robin's nest dựa trên lời của bài hát này. (Đoạn đầu bài viết cũng chính là hình dung về Robin's nest thông qua tiểu thuyết kết hợp Billy Joel của mình.)

 

It's nine o'clock on a Saturday

The regular crowd shuffles in.

There's an old man sitting next to me

Makin' love to his tonic and gin.

He says, "Son, can you play me a memory?

I'm not really sure how it goes

But it's sad and it's sweet, and I knew it complete

When I wore a younger man's clothes.".

 

Các nhà khoa học nói khi nằm ngủ, người ta luôn có cảm giác giấc mơ trôi qua rất nhanh. Mình nghĩ có lẽ Hajime đã bắt đầu giấc mơ trong quán bar Robin's nest, trong tiếng dương cầm mơn man của người nghệ sĩ piano, bởi vì ngoài lúc mơ ra thiếu gì lúc để mà tỉnh, mơ có dài tới mấy thì sớm muộn anh cũng phải tỉnh thôi, cho nên khi đang mơ thì hãy mơ cho đã, mơ cho tận cùng giấc mơ.

 

 

Just to forget about life for a while.

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tác giả: Hiền Trang

Description: Chị Hiền Trang, một cây bút thấu cảm với vốn hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, nhưng những câu chữ của chị toát lên lại rất mực khiêm tốn và dịu dàng. Trang chị lập ra đơn giản chỉ để “muốn kết nối với những người có cùng đam mê và lan tỏa những giá trị nghệ thuật đáng để lan tỏa”. Với chị, “viết đơn giản chỉ để chắp ghép những mảnh vụn vặt của cuộc đời. Để chúng không bị rơi vãi, không bị mai một. Để một ngày nào đó nhìn lại, có thể thấy những năm tháng ấy không phải là huyền ảo…

Tác giả sách: Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ (09-2015) và Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi (09-2016)

Link bài gốc: Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời || Hey, Pianist! Can You Play Me A Memory?

Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024