Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/10/2014 08:10 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
TÌM HIỂU NÉT ĐẶC SẮC TRONG BÀI THƠ "NGƯ NHÀN" CỦA KHÔNG LỘ THIỀN SƯ


Không Lộ đi tu từ nhỏ, chuyên nghiên cứu Thiền tông, Mật tông, ông thường cùng Thiền sư Giác Hải đi thưởng ngoạn ở những nơi có nhiều danh lam thắng cảnh.

 

TÌM HIỂU NÉT ĐẶC SẮC TRONG BÀI THƠ "NGƯ NHÀN" CỦA KHÔNG LỘ THIỀN SƯ

                                                           Nguyễn Thành Khánh – GV Khoa KHXH &NV

Sư Không Lộ tên thật, năm sinh và quê quán chưa ai biết rõ, những nhà nghiên cứu cho rằng ông người Hương Hải Thanh, tổ tiên làm nghề chài lưới. Không Lộ đi tu từ nhỏ, chuyên nghiên cứu Thiền tông, Mật tông, ông thường cùng Thiền sư Giác Hải đi thưởng ngoạn ở những nơi có nhiều danh lam thắng cảnh. Ông mất ngày 03.06 năm Kỷ Hợi (tức ngày 12.07.1119) đời Lý Nhân Tông. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài thơ. Bài thơ Ngư nhàn do Đinh Gia Thuyết phát hiện và công bố trong bài:Một vị thánh tăng của Ninh Bình, đăng trên báo Đức Tuệ số 75.

Bài thơ tả ông chài ngủ say giữa khung cảnh trời nước bao la, giữa một vùng “ ngàn dâu san sát, khói phủ mênh mông”. Cảnh thiên nhiên êm ả và có sức quyến rũ lạ thường.

Qua bức tranh cảnh vật, người đọc dễ dàng nhận thấy tư tưởng của tác giả nhà sư chứa đựng tâm hồn phóng khoáng của một nhà thơ, nhà sư đã vượt ra khỏi khuôn khổ giáo lý của đạo Phật, thả hồn hài hòa giữa thiên nhiên với một tình cảm chân thành mà sâu lắng, một ý vị say sưa mà trong trẻo.

Ngư, tiều, canh, mục là một đề tài quen thuộc mà chúng ta thường gặp trong hệ thống thơ cổ, tùy theo từng thời điểm lịch sử  của dân tộc, mỗi tác giả đều có cách thể hiện khác nhau, nhìn chung đa số các nhà thơ đều miêu tả cảnh ông già đánh cá nhưng tâm hồn thường gởi vào cảm xúc trước thiên nhiên đồng thời đây cũng là một cách để nhà thơ bộc lộ tâm hồn mình, ( Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Bến đò xuân đầu trại của Nguyễn Trãi …), tuy nhiên ở mỗi bài thơ đều có cái hồn riêng của nó, chất liệu hiện thực được miêu tả trong thơ là cơ sở để nhà thơ trình bày triết lý sống của mình nên hàm nghĩa khái quát ẩn náu nơi tầng sâu của ngôn từ, nếu cảm nhận người đọc ở góc độ thông thường, không có chiếc chìa khóa suy tưởng thì khó có thể giải mã được. Bài thơ Ngư nhàn của Không Lộ Thiền sư là một minh chứng tiêu biểu:

“Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,

Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.

Ngư ông thụy trước vô nhân hoán,

Quá ngọ tĩnh lai tuyết mãn thuyền.”

Bài thơ hiện ra trước mắt người đọc một ông già đánh cá đang ngất ngây trước vẻ đẹp của làng quê, sông nước, đất trời trên con thuyền đầy tuyết phủ. Với cảm nhận của một nhà sư, ngoài những rung động trực cảm của tâm hồn nó còn chứa đựng một triết lý về nhân sinh, về cuộc đời, về Phật pháp … Đây là một trong những nét đặc trưng của thơ văn đời Lý – Trần do chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Thiền tông về thế giới quan. Vạn vật hiện ra trước mắt nhà thơ vừa thật, vừa ảo :

“Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,

Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.

(Trời xanh nước biếc muôn trùng.

Một thôn sương khói, một vùng dâu đay.)

                                                (Kiều Thu Hoạch dịch)

Ở đây, cái hữu hạn và cái vô hạn như hòa lẫn vào nhau khó mà phân biệt được.

Thanh giang      ----------->  Hữu hạn   <----------  tang giá

Thiên             ----------->  Vô hạn       <---------- yên

Dòng sông và thôn dâu là có giới hạn còn bầu trời và sương khói là không có giới hạn, tuy nhiên cái có và cái không ở đây cũng như  trong thuyết giáo của đạo Phật “ sắc sắc – không không” là không phân biệt được, sự mất còn luôn luôn chuyển hóa cho nhau thì cái “có và không” nào có nghĩa lý gì trong cuộc đời.

Nhà thơ hướng tầm nhìn vào bầu trời mênh mông, dòng sông sâu thẳm cùng sương khói tận chân trời, thôn xóm hai bên dòng sông với cuộc sống yên bình, ngàn dâu xanh ngắt … Cả không gian bao la sương khói nhạt nhòa bao phủ, tâm hồn con người như hòa lẫn vào vũ trụ. Cảnh như thực như mộng khiến lòng người không còn chút ưu phiền, phải chăng nhà thơ đã trút bỏ hết thảy những ham muốn trong cuộc đời và tâm hồn đã đạt đến cái tâm của sự thanh tĩnh.

Hai câu thơ cuối làm nên cái thần của cả bài thơ:

Ngư ông thụy trước vô nhân hoán,

Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.”

(Ông chài ngủ tít, ai lay.

Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền)

                                                                  (Kiều Thu Hoạch dịch)

“Ngư ông say ngủ và không ai lay gọi”, phải chăng nhà sư muốn nói với chúng ta rằng cứ mãi mê bon chen danh lợi trong cuộc đời trần tục mà không biết lúc dừng, bởi “không ai đánh thức” hay không tự sực tĩnh, để rồi “quá trưa” hay quá nửa cuộc đời giật mình nhìn lại mới hay rằng cuộc sống thật đẹp, thật đáng yêu nhanh chóng qua đi và tự bản thân ta đã làm cho ta đau khổ bởi “tham, sân si”, khi nhìn lại đời người ngắn ngủi sắp kết thúc mà ta chưa tận hưởng hết ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời, tất cả lợi danh chẳng qua đều là hư ảo, thấy hối tiếc có lẽ cũng đã quá muộn! Câu thơ mang một triết lý sống sâu sắc là vì vậy. 

Hình ảnh ngư ông một mình đơn độc trên con thuyền với tuyết trắng bao phủ, với dòng sông mênh mông và bầu trời bao la như nói lên sự giao cảm giữa vạn vật và con người, với quan niêm “Vạn vật nhất thể”, con người như hòa lẫn vào vũ trụ nghĩa là phủ định sự tồn tại của con người theo thuyết Vô ngã nhưng trong sự hòa đồng trên ta nhận ra được cái bản ngã đầy xúc động, phải chăng đây là cái đẹp thường hiện hữu trong thơ Thiền! Chính vì những rung động trực cảm mà thơ Thiền đã tạo nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo, đã bộc lộ rõ nét tâm hồn của nhà thơ nhiều khi mâu thuẫn hay ít ra cũng xa lạ với chính cái triết lý mà nhà thơ đang hướng tới.

Qua bài thơ Ngư nhàn, chúng ta thấy rằng triết học Thiền tông không hoàn toàn lánh tục, quan niệm “xuất thế và nhập thế” đã được các Thiền sư vận dụng một cách sáng tạo, con người vẫn hướng về cuộc sống thực nhiều hơn trong mộng tưởng và cuộc sống là kết tinh của hạnh phúc, niềm vui, nó ít nhiều xa lạ với khổ hạnh, vì vậy đạo vẫn gắn với đời, Thiền sư mới trở thành thi sĩ.

Đọc bài thơ ta càng thấy yêu mến tác giả, nhà thơ đã vẽ lại cho ta một bức tranh cuộc sống cân đối, hài hòa, thanh cao trong sáng, qua đó ta cảm nhận được tâm lý của một thời đại vui tươi, cởi mở cùng với một tâm hồn sâu lắng, yêu đời. Chính cái giật mình thảng thốt “tĩnh lai” rất nên thơ, rất nhân văn và rất đáng được trân trọng, nó là trái tim không dững dưng trước cuộc đời của Không Lộ thiền sư.

nguồn st

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024