Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/02/2014 09:02 # 1
Nguyenthitham
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 104/120 (87%)
Kĩ năng: 52/70 (74%)
Ngày gia nhập: 17/09/2013
Bài gởi: 764
Được cảm ơn: 262
Tùy bút, tản văn viết về Tết và mùa xuân


TẾT CỦA HỒI ỨC

Bùi Việt Phương

 

Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy. Mà nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lời bê tông; như hương bồ kết, dậu cúc tần, bồ kết, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái. Bởi thế, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh sẽ chẳng có gì lạ. Trừ khi biết được Tết chính là điều bí ẩn thách thức ta suốt cuộc đời. Tết như thể dấu tích minh chứng một điều: những kỉ nguyên, hệ hình văn hóa xưa đã “thác” vào trong đó.

Người Việt giờ nhận ra nhiều hạn chế vốn là thói quen của đời sống nông nghiệp khi hòa nhập vào đương đại. Gạt sang một bên những tập tính, sở dục đó, phải thừa nhận rằng, nề nếp ấy cũng tương sinh, biến hóa thành những phẩm chất trong thời đại mới. Khi các dân tộc trên thế giới giờ đã qua thời điểm học tập kĩ nghệ, đã nắm được quy trình thì giờ là cuộc đụng độ của những nền văn hóa tiềm tàng trong ý tưởng, khả năng tiên liệu hay khắc chế nhược điểm của trí tuệ. Người Nhật, người Mĩ, hay người Pháp đều chứng tỏ được điều ấy khi sản xuất xe hơi, làm phim, đá bóng… chợt đi đến cùng cực của kĩ nghệ lại gặp tinh túy của thủ công, đi hết mạch kết nối lại thấy những bản sắc được phong kín.

“Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra. Nó tựa như cái hậu trường của một nhà làm phim kì công, như một dòng sông chảy ngược về những hạt mưa nguồn rời vào từng kẽ, từng lạch nước rồi mới ra đến đại dương mênh mông. Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ. Sức nóng của hai phía khiến tất cả mọi người cùng buông cuốc, bỏ cày, gác bút, quay mũi thuyền buôn, ngưng tiếng tràng, đục, lơi tay trên dây tơ đàn… Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế. Không chỉ là với những sĩ, nông, công, thương, xướng ca ấy mà đến cả răm ba đứa trẻ cũng kiếm cái gì cho mình đón Tết. Không hiểu sao những ngày của Tết xưa ấy, tôi thích nhất là được phụ bà sắm sửa, thu dọn. Dù thuộc lòng những việc năm nảo năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn muốn được sai đi mua thứ này, làm việc kia để được nhập vào cái sự vội vã, bị động mà hồn nhiên của người lo tết.

Tảng sáng là tiếng con lợn nằm ườn trong chuồng bị đem ra chọc tiết. Con vật ngộ nghĩnh trong tranh dân gian đó kể ra cũng đến lạ. Tiếng kêu thảm thiết to tát là thế lại thường dự báo những việc vui nức lòng người dân Việt. Nhìn cái thủ lợn ngậm bông hồng trên mâm sôi, nhìn cái tảng thịt má, cái tai to béo bị xẻo để gói giò xào lại thấy như nó chẳng oán trách gì ta mà đang biến mình vào một cuộc trốn tìm của những biểu tượng. Sáng rõ mặt người thì càng rõ chú lợn kia đã góp cho xóm, làng họ mạc một ngày hội nhỏ. Thịt lợn xiên lạt tre treo bên rào, tiếng gọi nhau ý ới, người dân của văn minh lúa nước thiên về cấy hái, trồng trọt coi sát sinh gia xúc là chuyện hệ trọng cả khi đã ít tế thần linh. Những người đàn ông bé nhỏ nhưng cứng rắn đã ngà rượu sau khi xả xong phản thịt, những miếng ngon nhất được luộc chín giành cho sự cần mẫn thức giấc từ canh tư thui rơm đỏ mắt. Tết về làng thật rồi, con gà trống đứng trên ngọn cây rơm gáy liên hồi làm bà chủ đảo mắt từ rổ thịt bên giếng nước sang cái mào đỏ tía của nó. Tiếng gáy ấy sẽ lặn vào cái dáng béo ngậy ngậm bông hồng của đêm ba mươi, những chiếc lông cánh kiêu hãnh kia làm lông chiếc cầu chinh cho lũ trẻ trai; lũ trẻ gái thì có chiếc chổi phất trần cả năm lau dọn nhà cửa.

Chưa cần đến lúc mặt trời đứng bóng, tất cả các bếp trong làng đều lam ngọn khói, những sân gạch đều bày biện một màu xanh của lá bánh, đỗ xanh vàng tươi, thịt lợn trắng hồng. Bánh gói tay nhanh hơn gói khuôn, sống, gáy mềm, góc không vuông vắn nhưng dễ bóc. Bánh gói khuôn vuông cạnh, sắc góc, mỏng áo kiểu gói từ Hà Thành nhập về theo chân những người một thời gia mưu sinh nơi kẻ chợ.

Sẩm tối, chợ quê lại nháo nhác mà vui đến lạ, cái lạ của buổi chợ chiều duy nhất trong năm ở làng tôi chứ không tan từ xế trưa như mọi ngày. Người mua thêm khoanh giò, bó lạt, kẻ muộn màng vẫn còn hớt hải mua vội gói lá dong. Cái người ngày đã sẵn trong nhà từ lâu thì người kia lại thiếu. Vẫn là năm cũ, chả ngại kiêng kị gì, có người rỉ tai nhau về qua nhà tôi bên mé đình tôi chia cho phân nửa…

Những bác thợ thuyền xa quê trở về là lạ lẫm nhất. Làng bây giờ dẫu chợ không còn vóc dáng quê, dẫu đường đổ bê tông, máy cày, xe cộ thì dáng những người đàn ông lầm lũi đi về vẫn thế. Một năm xa quê trông họ khác đi nhiều, kẻ béo đen ra, người gầy xanh nhưng không hẳn, bà cụ móm mém nhai trầu bảo vì ăn nước lạ nên nhìn tướng mấy nhà bác này khác thế đó. Ánh mắt họ không đảo khắp cảnh quan, chỉ nhìn về phía những ngõ nhà quen thuộc. Thi thoảng vẫn không quên chào bà con họ mạc, những tay nải lép kẹp cái trống rỗng của đời bôn ba nhưng háo hức những hi vọng vận mới làm thay đổi gia cảnh từ sáng mai thức dậy trên ổ rơm, giường ấm nhà mình.

Đêm ba mươi đến rất nhanh, chẳng nhà nào quên bữa cơm chiều vội vã. Giờ người ta tụ tập đông đủ, ăn uống linh đình trong bữa cơm đó nhưng người Việt xưa thường không có thứ vui sớm đó mà phải là thu dọn nhà cửa, thả hạt mướp, chuẩn bị nhóm lửa bánh trưng cho một đêm đỏ lửa thâu sang năm mới. Ngọn lửa của chiếc bếp lớn được thắp lên, những sân gạch tối tăm cả năm rực sáng, lũ trẻ chỉ trực thế mà ùa ra lĩnh cái phần trông suốt đêm để được chơi đùa quanh sân, được đánh tam cúc, nướng củ khoai hay chí ít là được gà gật bên ngọn lửa,

Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng. Lũ trẻ dường như cũng nín lặng, chỉ còn tiếng con meo đang quật đuôi vồ bóng, tiếng chuột rúc ríc ngoài bờ rào… những âm thanh lạ mà quen, như từ ngàn xưa đọng lại trong tâm thức của người Việt. Mai là năm mới, lại sửa soạn đi chúc họ hàng, chòm xóm, rồi vãn cảnh chùa, đi hội làng mình rồi làng bên…

 

ĐÊM GIAO THỪA BÊN HỒ GƯƠM

Vũ Đảm

 

Đã thành thông lệ từ cả trăm năm, giao thừa năm nào cũng vậy, người dân Hà Nội lại nô nức đổ về các điểm bắn pháo hoa để đón giao thừa và thưởng ngoạn những màn pháo hoa rực rỡ tại các điểm như hồ Tây, công viên Thống nhất, trung tâm một số quận, huyện nhưng có lẽ đông nhất vẫn là hồ Gươm. Ngay từ 20- 21giờ, các ngả đường đổ về hồ Gươm đã chặt kín người, xe máy. Xung quanh hồ Gươm bị cấm ô tô, xe máy, các điểm trông giữ xe mọc lên như nấm nhưng cũng chặt chém người gửi xe từ 20-50 ngàn cho một chiếc xe máy.

Trên vỉa hè, trong lòng đường Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ người mỗi lúc đổ về một đông, có chỗ chặt cứng người không thể nhúc nhích được nữa. Thôi thì đủ cả, già trẻ, trai gái, đông nhất vẫn là thanh niên có đến vài vạn người chen nhau từng bước từng bước quanh hồ Gươm. Những đứa trẻ không chen chân được thì được bố hoặc mẹ cho ngồi trên vai, chúng cũng đang háo hức nhìn mọi người. Nhìn khuôn mặt trẻ thơ bầu bĩnh với đôi mắt tròn xoe, ai cũng thích thú mỉm cười đáp lại hay chạm tay vào má. Hạnh phúc nhất có lẽ là những đôi trai gái đang yêu nhau hay mới cưới, tay trong tay, mắt nhìn tình tứ, họ như trôi vào nhau, vào đêm giao thừa ngây ngất.

Thời tiết đêm giao thừa lạnh nên ai ai cũng khoác trên người nào áo len bên trong, áo khoác bên ngoài, khăn quàng cuốn cổ, mũ bịt tai, chân xỏ tất đi giày, tay đeo găng thế mà đó đây vẫn nghe thấy nhiều tiếng suýt xoa kêu lạnh. Có người lạnh quá và cũng có thể thích quá nên sà xuống ngồi bên bếp than củi di động của bà bán ngô nướng hay mực nướng đang tỏa mùi thơm phức.

Trời giá lạnh nhưng ai cũng hân hoan chờ đón giây phút giao thừa thiêng liêng. Rất nhiều người, rất nhiều gia đình bao gồm vợ chồng, con cái đã có thói quen cứ đến đêm 30 Tết là lại đưa nhau đến hồ Gươm để đón giao thừa và xem bắn pháo hoa. Không chỉ có người dân Hà Nội mà người dân các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và cả những người nước ngoài đang làm việc hay du lịch ở Hà Nội cũng tìm đến hồ Gươm để thưởng thức cái không khí giao thừa của người Hà Nội. Điều này cũng dễ hiểu vì hồ Gươm là biểu tượng của thủ đô, vì hồ Gươm thiêng liêng có Tháp rùa, có đền Ngọc Sơn, và đặc biệt có cụ Rùa hơn 600 trăm tuổi đang sinh sống. Có nhiều năm, vào đúng thời khắc giao thừa, cụ Rùa đã bất thần nổi lên lượn vài vòng trên mặt nước lạnh giá hay bơi vào sát bờ, ngểnh đầu như chào đón, chúc mừng người dân một năm mới tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Ngàn người, vạn người hân hoan chào đón cụ Rùa và trong tâm khảm mọi người được nhìn thấy cụ Rùa linh thiêng trong đêm giao thừa linh thiêng thì năm nay bản thân mình, gia đình mình sẽ gặp nhiều may mắn. Có lẽ trên thế giới này duy nhất ở Việt Nam và ở Việt Nam thì duy nhất ở hồ Gươm mới có cụ Rùa hiện hữu bằng xương bằng thịt đấy nhưng lại phủ trên người một truyền thuyết về việc cho Lê Lợi mượn kiếm thần đánh giặc Minh cứu nước và sau khi đánh tan quân giặc mang lại độc lập cho dân tộc thì cụ Rùa đã nổi lên đòi lại thanh kiếm vì thế hồ Gươm còn có tên gọi là hồ Hoàn Kiếm!

Hồ Gươm thường ngày vốn đã linh thiêng là vậy, đêm giao thừa, hồ Gươm lại càng thêm linh thiêng hơn còn bởi trời đất giao hòa, bởi lòng người an lành, ấm áp. Người ta chào hỏi nhau, trò chuyện với nhau vui vẻ, dành cho nhau những nụ cười, ánh mắt thân thiện. Bao lo toan, vất vả trong năm cũ như được cái không khí đêm giao thừa bên hồ Gươm gột tẩy đi hết.

Trước giao thừa, hàng ngàn người len lỏi đi đến đền Ngọc Sơn để thắp hương cho Phật, cho đức thánh Trần hay đến thắp hương ở đền thờ vua Lý Thái tổ, vua Lê Thái Tổ và đền bà Kiệu là nơi thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Trong làn khói hương thơm nghi ngút, họ cầu mong sang năm mới sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc.

Từ 23 giờ trở đi thì xung quanh hồ Gươm và các con đường bao bọc đông kín người, dòng người gần như đã ngưng chuyển dịch, họ đã tìm cho mình được một chỗ đứng, người ta hồi hộp hướng về phía không gian hồ Gươm để đón chờ pháo hoa. Rồi cái giây phút thiêng liêng nhất của một năm cũng đã đến.

- Ùng, oàng!

Khi những tiếng pháo hoa vang lên, khi những chùm pháo hoa đủ các màu, đủ các hình hài rực sáng trên cao mặt hồ Gươm thì vạn vạn tiếng trầm trồ cũng vang lên:

- Đẹp quá, đẹp quá!

Đêm giao thừa bên hồ Gươm rực rỡ pháo hoa, rạng rỡ gương mặt của hàng vạn người đang tràn đầy niềm tin, hy vọng vào một năm mới tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cho thủ đô, cho đất nước.

 

KHÁT VỌNG MÙA XUÂN          

Tùy bút Phạm Văn Thúy

 

Trải qua mười mùa dệt gấm thêu hoa. Xuân Giáp Ngọ này, nhân dân Cần Thơ mừng xuân no ấm, mừng Đảng quang vinh, mừng ngày hội lớn; chúng ta bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử đó, thời khắc cách đây mười năm, Cần Thơ náo nức đón tin vui: “Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”.

Ngày đó, nhân dân Cần Thơ, bè bạn Cần Thơ, ai ai cũng mừng, ai ai cũng nghĩ, cũng bảo: Vận hội là đây! Ấm no hạnh phúc là đây! Và cam go, thử thách cũng là đây! Vâng, hạnh phúc ấm no lẽ đương nhiên không phải tự dưng mà có! Hạnh phúc ấm no là mơ ước ngàn đời, là động lực nội tâm, là đích đến của khát vọng giàu đẹp, văn minh. Vì vậy phải trải qua muôn vàn mưa nắng đắng cay, hạnh phúc ấm no mới mới kết tinh, mới bền lâu, mới cho mùa bội thu trái ngọt hương lành.

Sự khởi đầu bao giờ cũng gặp muôn vàn mới lạ, khó khăn. Bởi còn đó trăm góc khuất, sức ì trong lòng người và trong thói tục, mà chúng ta từng bước phải vượt qua. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi gặp ghềnh thác, trở ngại, gian truân, lòng ta không nản chí, dạ ta chẳng buông xuôi. Trăm cái khó sẽ nảy vạn cái khôn. Đó là thuộc tính, đó là bản lĩnh của người Cần Thơ cần cù, thủy chung và nhân hậu.

Mười năm qua dước sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, đặc biệt là sự lãnh đạo kiên quyết, năng động và sáng tạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, chúng ta đã gặt hái được những mùa vàng bội thu trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đó là thành quả của mười năm nhân dân và cán bộ Cần Thơ biết chung sức đồng lòng, biết lấy tâm sáng làm nền, lấy tài năng làm trọng, lấy cái chung đặt lên trên mọi riêng tư. Và luôn biết nuôi dưỡng những mầm non, hạt giống cho cuộc sống hôm nay và mai sau.

Xuân Giáp Ngọ này, du khách thập phương đổ về thành phố Cần Thơ để tham quan thưởng ngoạn, mọi người đều ngỡ ngàng khi gặp những đường phố, những công viên: xanh - sạch - đẹp, như đại lộ Hòa Bình, đường Nguyễn Trãi, đường Võ Văn Kiệt, công viên Ninh Kiều… Thành phố Cần Thơ rợp một màu xanh tinh khiết non tơ. Màu xanh của nghĩa tình nối vòng tay bè bạn trăm ngả đến. Màu xanh của tình yêu đôi lứa. Màu xanh của nhạc họa thi ca… nên cuộc sống càng thêm đẹp tươi và lãng mạn. Hơn thế nữa, đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp những ánh mắt đầy yêu thương, là biết lòng người rộng mở và thân thiện đến nhường nào! Chúng ta gặp cây xanh trái ngọt là biết đất xứ “gạo trắng nước trong” màu mỡ và nhân hậu biết bao! Và, gặp những gương mặt cười biết cuộc sống ấm no.

Kỷ niệm mười năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, như ngày hội lớn, người người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rạng rỡ hân hoan trong niềm vui khôn xiết. Không mừng vui sao được! Khi những nhà máy, xí nghiệp hiện đại dược dựng lên san sát; khi những trường đại học, những trung tâm dịch vụ thương mại, nhà hàng khách sạn mọc lên như hoa mùa xuân; khi những cách đồng mẫu lớn trải màu xanh thẳng cánh cò bay. Không vui mừng sao được! Bởi khát vọng mùa xuân - khát vọng ấm no - khát vọng đổi đời, nay đã thành hiện thực trong từng mái ấm gia đình; trong từng ánh mắt nụ cười; trong từng con đường, hẻm phố… Có được thành quả như hôm nay, chúng ta bồi hồi nhớ công ơn ông cha thuở trước. Uống nước nhớ nguồn, đó là đạo lý, đó là lương tâm, đó là trách nhiệm. Bời vậy, mỗi người chúng ta đều tự nhủ lòng mình: Ăn trái ngọt ta phải biết gieo trồng muôn trái ngọt, uống nguồn trong biết khơi mở vạn nguồn trong.

Đi dưới nắng xuân vàng như mật, thành phố Cần Thơ - thành phố yêu quý của chúng ta đã và đang bước vào những mùa hoa đầy sắc thắm hương thơm, đầy niềm tin yêu và khát vọng mùa xuân tươi thắm.

 

TẾT BẰNG HỮU

Nhân Trạch Xuân

 

Bạn bè giờ đây tứ tán khắp bốn phương trời, hội ngộ gặp nhau trở thành chuyện hiếm. Chỉ có dịp Tết là tề tựu. Sau những cái tay bắt mặt mừng là hàn huyên đủ thứ chuyện, trên trời dưới đất gì cũng bàn, đủ để vui, đủ để gợi lại những ký ức không thể nào quên, đủ để ngẫm ngợi, đủ để phấn đấu.

Mình ít ra ngoài nên mỗi lần đi đâu chơi thấy lạ là trố mắt ngạc nhiên, mà có xa xôi gì, ngay trong làng mới tức cười, thằng Tê bảo mi như Đông Ki ra thành phố ấy. Mỗi lần sum họp bạn bè cũng thế, mình chỉ biết ngồi nghe rồi cười hô hố như thằng dở người. Khen sao tụi nó gì cũng biết, gì cũng tường. Chúng bảo mi ngày mô cũng lên mạng mà mù bỏ mẹ chẳng biết thời cuộc gì cả. Thời cuộc gì trên mạng chớ, tao chỉ chăm coi thời sự 19 giờ thôi, mạng miệc chỉ toàn tin giật gân chém, giết, hiếp, ngồi tù, rồi phòng the, hở vú, lộ hàng ngấy tận óc, chuyện hay thì ít chuyện tạp nham thì nhiều. Đúng ra thì đó chỉ là một phần thôi, chẳng qua là con sâu làm rầu nồi canh. Phải biết gạn lọc chớ!

Hết nói chuyện mạng ảo lại bàn chuyện ngoài đời. Được cái biết mình đau ốm triền miên nên mỗi lần về quê là thằng nào cũng ghé mình chơi không câu nệ ngày lễ hay ngày thường. Cũng may tụi nó hiểu ý mình chẳng phải quà cáp đường sữa làm gì cho phiền, chỉ cần nhìn thấy mặt nhau tay bắt mặt mừng cười hỉ hả với nhau cho đã đời, tợp với nhau ngụm trà, ly rượu rồi tối trời ai về nhà nấy lo cho tổ mình được ấm êm, thế là nhất rồi.

Hát học xong cao đẳng cơ khí rồi vừa làm vừa học liên thông lên đại học, duyên trời đẩy đưa về làm việc tại một doanh nghiệp quốc phòng. Và giờ đây là bộ đội chuyên nghiệp đeo lon thiếu úy nhưng có thể sai khiến ông đại úy cùng phòng. Mình trố mắt bảo sao lại có chuyện ngược đời cấp dưới sai việc cấp trên? Hắn cười nói thời bộ đội làm ăn kinh tế chứ đâu phải như các cụ ngày xưa trận mạc đâu mi. Lão đại úy phòng tao hơn tao cả chục tuổi cứ ôm cái máy tính suốt ngày hết nghịch cái này rồi đến chọc cái kia chẳng biết gì mà làm. Ai đời doanh nghiệp làm ăn kinh tế thế thì chỉ có nước dập mặt. Tao phải bắt tay chỉ việc nhưng rốt cuộc lão cứ thích vượt mặt, có mỗi bản báo cáo kế hoạch cho phòng mà lão cứ hết in đi rồi in lại, in đi rồi in lại, nhẩn nha suốt cả ngày. Hỏi sao lại thế thì lão bảo thế mới có việc mà làm cho mau hết ngày chớ, mới đủ điểm công ăn lương. Bó tay. Hắn cười hì hì, thời buổi nay chỉ đạo nhau bằng năng lực chứ không phải cấp bậc, mi hiểu không, tao dù thua lão 3 sao nhưng lại là sếp của lão, tao là Phó phòng mà lị. Mình à một tiếng rồi cười hô hố với nó.

Mùa Tết, ai cũng thích lạnh, thêm tí mưa bụi lất phất nữa thì mới đúng là Tết. Lạnh để được ngồi gần nhau hơn, dù đài có báo rét đậm đến mấy thì vẫn thấy ấm áp. Nhưng nửa tháng giáp Tết trước đó thì ai cũng cầu được nắng nôi để giặt giũ phơi phóng đồ đoàn được thơm tho sạch sẽ, để đến khi bánh chưng được nấu trên lò, gà luộc xong gài cánh chầu chực trên bàn thờ tổ tiên, nói chung là công việc đã xong xuôi chỉ còn chờ giao thừa thì ai ai cũng mong trời phả xuống cái lành lạnh cho Tết được ấm cúng. Ông trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người, có năm Tết mà nắng cứ chang chang như giữa tháng sáu, nóng bức oi ả, chẳng buồn nhớ. Lạnh mới thích cái cảm giác ngửi mùi hương trầm trên bàn thờ không lúc nào tắt cho mãi tới lúc tiễn đưa ông bà. Mùi nhang phảng phất lan tỏa cùng mùi mứt gừng ấm nồng quyện trong hương trà nóng cộng thêm hương xuân, hương trời Tết ùa vào nhà khiến con người ta thấy cảm xúc dâng đến khó tả. Đấy là cảm giác Tết nhất. Ngồi với nhau lại nhắc tới một thuở hàn vi chưa biết đến cái quần sịp là gì, con trai lớn tồng ngồng lủng la lủng lẳng mà bên dưới có mỗi manh quần mỏng, đi chơi với đám con gái ngượng thấy bà.

Mới đó mà mau thiệt mau, hầu hết đã thành cha, thành mẹ cả rồi. Riêng vợ chồng thằng Vê thì chưa có con. Mỗi dịp Tết về hỏi chuyện là lại thấy nét buồn phảng phất trên khuôn mặt vợ chồng hắn. Mình cũng dám bạo gan động viên cứ từ từ đi, tại chưa đến lúc đó thôi, cha mẹ mình ngày xưa phải đến sáu bảy năm mới có mình, tụi bây mới hai ba năm có đáng gì mà phải lo. Nó cũng ậm ừ qua chuyện. Thằng Tê bảo mi trai tân thì biết đếch chi chuyện… Mình cười trừ, ừ ha. Thằng Hát đệm vô rằng ngày nay chuyện đẻ đái dễ hơn bao giờ hết, chị gái không có trứng thì có thể cấy trứng từ em gái, ở phòng tao một cặp vợ chồng 15 năm không có con nhưng nhờ y học can thiệp thì bây giờ sinh được con cứ mừng như cha chết sống lại. Còn muốn sinh con trai hay con gái thì qua Sin-ga-po là chắc ăn, người ta sẽ chọn tinh trùng và trứng đúng loại đảm bảo thành công là tuyệt đối. Có cả chuyện đó nữa ư? Chứ sao!

Vê làm chỉ cầu đủ xài, hai vợ chồng một tháng đủ chục triệu bạc vừa đủ ăn tiêu dư dả. Nội ngoại của tụi nó đều thoải mái về kinh tế nên không phải lo phụ cấp cho các cụ nữa. Mình nói đáng ra phải tranh thủ làm thêm nhân lúc còn trẻ khỏe để tích lũy cho con cái sau này chớ. Nó bảo đến đâu hay đến đó. Vê thường xuyên nhậu lắm, mỗi lần nhậu về say làm vợ cứ tưng tức làm sao ấy, đá thúng đụng niêu. Hắn cởi truồng đứng giữa nhà rồi bảo vợ muốn đánh đấm gì thì mặc sức. Thế là hai đứa cùng cười xòa hết giận nhau luôn. Được cái Vê hiểu tâm can bạn bè, thường bênh vực kẻ yếu, sống hòa đồng nên cà phê cà pháo sáng chủ nhật nào cũng làm đầu trò, bởi vậy mà thường được lòng đám bạn, ai cũng nể hắn và quý hắn lắm. Ngày xưa khi tụi mình chưa biết gì thì hắn học cực giỏi, toàn đại diện trường đi thi học sinh giỏi huyện. Suốt thời gian đi học là chuyên làm cán sự lớp vì tầm hiểu biết và lanh lợi nên thầy cô và bạn bè rất tin tưởng. Không hiểu sao nó không phát huy cho thỏa sức một thời tuổi trẻ trong đời. Sức trẻ đâu có thể giữ mãi được.

Thằng Gờ thì khác, hồi đi học thì cũng thường thôi. Nhưng bước ngoặt của những năm cuối cấp ba và những năm đại học biết giành thời gian để học tập và làm thêm, tích lũy kinh nghiệm nên có một chỗ làm rất tốt lương lại cao. Hắn bằng cấp đầy mình, đi nhiều, thậm chí rất thường xuyên công tác nước ngoài nhưng mỗi lần gặp nhau thì ít nói lắm, càng ít nói về bản thân và công việc, hỏi thì nói không thì thôi, mà nói thì cũng qua loa. Hắn chỉ hay cười thôi, được cái là không cười hô hố dở người như mình. Nhưng mỗi lần nó cất tiếng thì ai cũng chú ý, nói tóm lại là ít phát ngôn nhưng hiệu quả. Có dạo mình ca cẩm thì hắn bảo sướng khổ là do mình cả, số má gì. Đến giờ mình vẫn ngẫm ngợi và đúng là chẳng sai tẹo nào. Biết mình chán đời nhưng hắn chẳng hỏi han chi nhiều, chỉ thi thoảng gặp nhau thì kể cho nghe người này cụt hết tay viết lách bằng chân, người kia liệt nằm một chỗ cầm bút bằng mồm, hay có người bị xương thủy tinh nhưng lại là hiệp sĩ công nghệ thông tin, vân vân và vân vân. Mình à một tiếng rồi nghe đâu da gà cứ nổi rân rân khắp người, đúng là thằng này đang bày kế khích tướng đây. Mình bị trúng kế từ dạo đó, khôn thêm từ dạo đó, đứng lên từ dạo dó.

Trong công việc thì khỏi phải nói, từ sếp đến bạn đồng nghiệp đều phục lăn Gờ sát đất. Mỗi tội là ít giao lưu bạn bè. Mình thì hiểu, tính hắn khác người thường, hắn có chí muốn làm Bill Gates thứ hai nên cày với cái máy tính hăng lắm. Độ tập trung của hắn cực cao và biết tự lập, mình thích hắn nhất điểm đó. Mà một khi giành thời gian cho sự nghiệp rồi thì lấy đâu mà bù khú với bạn bè. Đâm ra nhiều thằng không ưa. Mình thì ngược lại, mình tin hắn có thể làm nên nghiệp lớn nên chẳng than phiền gì cá tính của hắn, còn phải học hỏi hắn nữa là khác. Cách dạy con của hắn khá là hay, chẳng thấy nó quát mắng hay đánh đập con bao giờ nhưng con vẫn cứ ngoan. Đúng là nhỏ nhẹ mà hiệu quả. Hắn sống rất được lòng vợ, hắn bảo nhất vợ nhì trời mà lị, ngoài công việc thì thời gian còn lại hắn giành hết cho việc chơi với vợ con, mặc kệ bạn bè kéo nhau tăng hai, tăng ba. Hắn sống có chừng mực, chỉ cà phê cà pháo nhậu nhẹt với những người hắn nể trọng. Được cái những thằng bạn thân từ hồi có mỗi manh quần đùi là hắn không bao giờ quên.

Mới Tết đó mà lại Tết nữa. Ba trăm sáu lăm ngày cứ tưởng là dài dằng dặc nhưng nhiều khi như một cái chớp mắt thiệt mau. Tết nhất nhắc con người ta tìm về với nhau nối lại những ngày xưa cho thêm rộng vòng thời gian, nối thêm vòng đời không cạn. Tết. Lòng người hướng về cố hương, nhớ về cố nhân. Thắp nén nhang lên bàn thờ, bỗng chốc thấy cuộc đời được mất ẩn hiện đâu đó khiến người ta vẫn cứ phải khám phá, phải bươn chải. Vui vì còn được cười đùa bên nhau, lại mường tượng đến những đứa còn vắng mặt, đứa về với đất, đứa theo tiếng gọi cơm áo gạo tiền đang lẫn quất nơi phương trời ngoại quốc.

Năm nào cũng thế phải rủ nhau cho thật đông đủ để đi đến nhà thằng Huy. Học và chơi với nhau suốt gần mười hai năm trời, nhưng nó đoản mạng mất sớm vì ung thư đường ruột khi tuổi đời mới hai mươi. Lần nào tới thăm, thằng Vê cũng đại diện thắp hương lên bàn thờ gọi nó về chuyện trò cho vui. Không biết nó có chịu về không? Và lần nào cũng thế mẹ nó cứ thút thít mắt ngấn lệ. Mình thì chỉ biết ngoảnh đi nơi khác không dám nhìn vì nếu không là mình cũng òa khóc ngay. Những dịp tất niên hay họp lớp đều mời anh trai nó đến chơi cùng, coi như là người trong hội vậy. Thằng Tê lần nào cũng thế: để riêng cái bát và đôi đũa cạnh ly rượu hoặc ly bia xem như có Huy ngồi cùng. Sau một vòng cạn ly là lại chia cái ly của cu cậu ra thành những phần đều nhau, thằng Tê bảo đó là lộc ai cũng phải uống. Đã nhiều năm trôi qua rồi nhưng chưa bao giờ hội mình bỏ đi cái lệ ấy cả. Và những lần hội ngộ như thế mình vẫn thường dạo đàn guitar rồi hát:

Rung tiếng tơ gọi bước chân người xa xứ

Bạn bè ơi nơi phương xa đêm hằng nhớ

Tiếng đàn tôi vọng những đêm trăng

Gọi hồn người bạn dưới đất đến ngồi chung

Buông dạt dào những ca khúc tình nhân.

 

nguon vahocquenha..vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024