Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/02/2014 21:02 # 1
QuinNguyen
Cấp độ: 7 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 41/70 (59%)
Kĩ năng: 27/40 (68%)
Ngày gia nhập: 25/08/2013
Bài gởi: 251
Được cảm ơn: 87
Văn học cho tuổi mới lớn hiện nay


 

Năm 2005, Ban văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn  Việt Nam ,đã có một cuộc hỏi ý kiến các em học sinh đang sinh hoạt các lớp năng khiếu ở Cung thiếu nhi Hà Nội .Kết quả thu được rất nhiều bất ngờ, thú vị…

 

  Có  lẽ sẽ kể ra không thể hết những mong mỏi của trẻ em, đặc biệt là sự mong mỏi về loại sách cho “Tuổi học trò”, “tuổi choai choai”, “ tuổi ẩm ương”…những cuốn sách này các em mong muốn “được viết bằng văn xuôi về những câu chuyện vui buồn của tuổi học trò, những rắc rối rất nhỏ mà cũng rất lớn”. Bìa sách là hình ảnh “… những cô cậu học trò với sự thể hiện thắc mắc trên khuôn mặt”.

 

  Điều  đáng quan tâm ở đây là bạn đọc tuổi mới lớn đang khao khát được thoả mãn việc đọc những trang viết đi sâu vào tâm tư tình cảm, khơi động những băn khoăn trăn trở của một  lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa của đời người.Các nhà văn đã chú ý viết cho lứa tuổi này chưa?

 

Có lẽ một tác giả đầu tiên đã vượt lên cách viết cho thiếu nhi thông thường để đi vào đề tài

“ tuổi mới lớn”, đó là Nguyễn Nhật Ánh với những “Bồ câu không đưa thư”, “ Bong bóng lên trời”, “Hạ đỏ”, “Mắt biếc”, “ Trại hoa vàng”… Nhà văn đã biết diễn tả được một thời tình cảm chợt đến của tuổi thơ , Nguyễn Nhật Ánh đã viết:

 

“…Khi lần đầu tiên đón nhận nỗi buồn, tôi hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết. Nó  đã bay xa. Đoá phượng cuối cùng của mùa hè năm nay chưa kịp rã cánh, tôi đã vội chia tay với ngày tháng vô tư. Tôi đã trở về thành phố với nỗi lòng sầu mộng. Sẽ chẳng ai hay. Sẽ chẳng giãi bày…” (Trích Hạ Đỏ)

 

Lâu nay trong quan niệm viết cho thiếu nhi, nhiều người thường cho rằng cần nhiều yếu tố vui hóm, ngộ nghĩnh và ngay cả với Nguyễn Nhật Ánh, người ta vẫn cho rằng anh thành công vì biết “pha trò cười”. Có lẽ bạn đọc trẻ không đơn giản như vậy, các em vẫn cần đủ mọi cung bậc tình cảm đôi khi không phải dễ nhận ra mà nằm ẩn sâu trong từng câu chữ, trong từng tình tiết của cốt truyện.

 

   Trong một vài năm gần đây Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra đời loại sách “Tuổi mới lớn” với sự tham gia của hàng chục tác giả , với rất nhiều tên tuổi lần đầu tiên xuất hiện. Nếu mở những trang sách này người đọc tham gia vào một cuộc trình  diễn “ thể hiện tâm hồn trẻ” tuy lặng lẽ như một tiếng đàn vô thanh nhưng vô cùng hào hứng và sôi nổi.

 

  Các tác giả trẻ hiện nay có thể đã được giải phóng ra khỏi sự kìm nén trong việc thể hiện nội tâm ,họ đã trải rộng tâm hồn trên trang giấy để miêu tả những nỗi lòng vân vi, những tình cảm e ấp, những khắc khoải đợi chờ, những rung động tinh tế được gửi vào nắng miền Tây , vào mưa Sài Gòn, vào mây Đà Lạt, vào gió cao nguyên, vào tiếng sóng biển dội vào bờ Mũi Né…Rồi tiếng dòng sông Vàm cỏ đông, Vàm cỏ tây nào đang động cựa làm chuyển cả giấc mơ đầu tiên của một đêm thiếu nữ.

 

  Đó là những cảm nhận khi đọc Nguyên Hưong (Đắk lắk), Tú Trinh ,Nguyễn Thu Phương, Phan Hồn Nhiên (Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Thuý Loan (Hà Nội), Nguyễn Thiên Ngân (Tây Nguyên), Hồ Việt Khuê (Bình Thuận),Chu Quang Mạnh Thắng, Vũ Đình Giang (TP Hồ Chí Minh)…

 

  Đặc biệt với Nguyễn Ngọc Thuần và hai cuốn sách “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”(Nhà xuất bản Trẻ) và “ Một thiên nằm mộng”( Nhà xuất bản Kim Đồng) đã khiến dư luận ban đầu có nhiều ý kiến trái ngược .Sự mới lạ ở việc thể hiện ngôn ngữ tiếng Việt trong những lối tự sự và biểu cảm hoàn toàn khác với tất cả các nhà văn đã viết trước.Nguyễn Ngọc Thuần đã viết tự nhiên,hoàn toàn không vì một sự “cố gắng làm ra vẻ độc đáo” , mà có khi chỉ bắt nguồn từ những cảm nhận  về thế giới bên ngoài  non xanh và thôn dã , người viết đã trình bày tâm hồn tuổi thơ như một sự khám phá nội tâm mà bạn đọc mới được làm quen lần đầu.

  Viết sâu vào nội tâm, thể hiện nhưng băn khoăn trăn trở  của tấm lòng trẻ không phải là câu chuyện mới.

 

  Nhu cầu về việc thổ lộ tâm tư tình cảm , đặc biệt là tâm tư tình cảm của tuổi mới lớn đã từng là câu chuyện của muôn thuở, những chuyện rất  xưa mà mới như xẩy ra . Chính vì vậy , những câu thơ của Nguyễn Du :

     “… Buồn trông cửa bể  chiều hôm

      Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

        Buồn trông ngọn nước mới sa

       Hoa trôi man mác biết là  về đâu…”

 

    Vẫn là những cảm xúc, những tâm trạng của thời hiện đại ,và vẫn rất gần với tấm lòng bạn đọc trẻ của thế kỷ 21 này.

 

  Thiết nghĩ rằng không chỉ có lòng yêu nước đã dấy lên cả một phong trào đọc rầm rộ của thanh niên tìm đến hai cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”. Ở đây không thể không có một nhu cầu nội tâm thôi thúc. Phải chăng tuổi trẻ ngày nay cũng như tuổi trẻ của bốn, năm mươi năm trước đây lúc nào cũng cần đến những trang thể hiện tình cảm thốt lên tự đáy lòng chân thành và tha thiết những nỗi day dứt về tình bạn về tình yêu về lẽ yêu đời, về những khát vọng , những mê say, những tìm tòi có khi nguông cuồng liều lĩnh, có khi bất cẩn, có lúc kiêu sa…Sức mạnh nghệ thuật của hai cuốn nhật ký ấy là sức mạnh của tính chân thật và khát vọng hướng thiện.

 

  Tuổi trẻ ngày nay đang cần nỗi thông cảm của người lớn Các em đang phải sống, phải bơi  trước lớp lớp những làn sóng giao lưu văn hoá bốn bể dồn lên .Tôi đã được thấm cảm giác này khi đọc “Hạt cát nhỏ nhoi”(Nhà xuất bản Kim Đồng -2004) của Nguyễn Thuý Loan.Là một cây bút của thời hiện đại nhưng lại mang trong mình dòng máu của người mẹ dân tộc Nùng, Nguyễn Thuý Loan đã có những băn khoăn : “…Thứ văn hoá con mang, loại ngôn ngữ con đang sử dụng ,tư duy của con, thói tính và quan miện của con , hoàn toàn không mang dấu tích nào của con người mẹ, của dân tộc mẹ. Trong đời có những đứa con không nói được, không hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình. Đó có phải là tội lỗi không?..” Đó là nỗi trăn trở của một con người mang bản sắc của một nền văn hoá nhỏ và đang như một… “ hạt cát nhỏ nhoi cứ gồng mình chống trả những lớp sóng dào dạt cao cả của đại dương…”của các nền văn hoá lớn. Và để rồi tự nhận ra rằng:.. “ Con cũng như tất cả những hạt cát con con ấy cuối cùng đều bật khóc oà lên, đều lủi thủi quay lại hết bởi biết rằng phải trở về với mẹ mình thôi…”( trích Hạt cát nhỏ nhoi). Khi đọc những dòng chữ thể hiện tấm lòng trẻ trung ấy tôi càng thấy những băn khoăn của tuổi trẻ ngày nay là những băn khoăn không nhỏ hẹp và thiển cận. Trong mọi ứng xử nhỏ bé của mình các em đều đang phải đụng chạm đến vấn đề lớn của đất nước trong thời đại mới :hội nhập và phát triển.

 

  Các em sẽ tìm đến những trang viết thể hiện tình cảm khác giới như thế nào? Trong tình hình văn học hiện nay, kể cả văn học in thành sách và văn học truyền bá trên internet đã có không ít những trang viết gợi tả đời sống tình dục thô thiển , hạ thấp thẩm mỹ. Bạn đọc trẻ hôm nay sẽ có nhiều cơ hội để thử thách bản lĩnh nhân văn khi tiếp xúc với những trang viết đi sâu vào cõi lòng sâu kín của tình cảm con người.Điểm tựa nào sẽ giúp những người trẻ nâng niu, trân trọng những cảm xúc thật trong ,thật sáng để hiểu rằng: Tuổi xuân sẽ trở nên bất diệt trường tồn với những ngòi bút diễn tả thành công vẻ duyên dáng , sự e ấp, những khát vọng vừa mãnh liệt vừa sâu lắng, những dư âm dào dạt lưu luyến khôn nguôi…Tôi thiết nghĩ rằng chỉ có một điểm tựa duy nhất, một người mẹ sẵn lòng ôm ấp và nâng đỡ tâm hồn trẻ : Đó là người Mẹ Văn học Việt Nam.Người viết bài này tin tưởng ở một thế hệ cầm bút mới, biết thể hiện một tiếng nói mới về những chuyện muôn thủa của con người: tình yêu, hạnh phúc, lẽ yêu đời…Không phải là những giọng già nua chán chường,mà là giọng nói non xanh, rung động trẻ trung, khao khát và mạnh dạn bước vào “đời”.

 

 

Phongdiep.net



The more you learn, the more you realize how little you know

Nguyễn Thị Hương Quỳnh (Quin Nguyen)

Email: huongquynh93nthq@gmail.com/nthquynh93@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024