Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/07/2020 23:07 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Câu Hỏi Thường Gặp Khi Phỏng Vấn: “Tại Sao Chúng Tôi Nên Tuyển Bạn?”


 

Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn rằng “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?”, họ thực chất đang muốn hỏi “Điều gì khiến bạn phù hợp với vị trí này?”. Câu trả lời của bạn đối với câu hỏi này cần phải ngắn gọn, súc tích và giải thích rõ bạn có thể mang lại lợi ích gì cho công ty.

 

Nhà tuyển dụng thực chất muốn biết gì qua câu hỏi đó?

Nên nhớ một điều rằng các công ty tuyển dụng nhân viên để giúp họ giải quyết vấn đề; bất kể đó là tăng doanh số, hoạch định chiến lược kinh doanh hay xây dựng thương hiệu; câu trả lời của bạn phải đi đến trọng tâm là bạn có khả năng giải quyết vấn đề. Người phỏng vấn hỏi câu hỏi vì sao nên tuyển bạn chỉ để đánh giá sự phù hợp và khả năng của bạn với công việc này.

 

Làm thế nào trả lời câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?”

Điều đầu tiên, giữ một tinh thần vững vàng. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc liên kết trình độ chuyên môn của bạn (kinh nghiệm, bằng cấp…) với yêu cầu công việc, suy nghĩ xem trình độ chuyên môn đó đã đóng góp được những gì trong thực tiễn, xét lại tổng thể quá trình làm việc của bạn để hôm nay bạn đã sẵn sàng có mặt với tư cách là một ứng viên. Ở mỗi bước, chúng ta có thể ghi chú một chút và sau đó tìm cách tổng hợp tất cả thành một câu trả lời súc tích và chính xác.

Khi chuẩn bị tham dự buổi phỏng vấn, hãy dành một ít thời gian để xem lại bảng mô tả công việc. Lập một danh sách những yêu cầu cần thiết cho vị trí ứng tuyển, bao gồm năng lực cá nhân, kĩ năng cần thiết và trình độ chuyên môn; sau đó lập ra một danh sách nữa về khả năng của bạn cũng như sự tương thích với vị trí bạn muốn ứng tuyển.

 

 

Mẹo nhỏ: Lựa chọn ra 5 đến 7 điểm mạnh của bản thân, những điều có sự tương thích cao với yêu cầu công việc; lấy đó làm dàn ý để trả lời cho câu hỏi trên, điều này sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong dàn ứng viên.

Nếu bạn không chắc phải bắt đầu từ đâu, hãy cân nhắc việc liên kết trình độ chuyên môn của bạn (kinh nghiệm, bằng cấp…) với yêu cầu công việc. Đừng ngại thể hiện bản thân nhiều hơn ngoài những yêu cầu công việc, tận dụng những kỹ năng và thành tựu mà bạn đã đạt được để minh chứng bạn là một ứng viên sáng giá trong cuộc ứng tuyển này.

Ví dụ, việc có một bằng cấp cụ thể sẽ giúp bạn trở nên am hiểu hơn về sản phẩm của công ty hơn một nhân viên thông thường. Khi đề cập đến điểm mạnh của mình, hãy giữ một nguồn năng lượng tích cực, liên tục thể hiện niềm đam mê của bạn đối với công việc và công ty.

 

Ví dụ về những câu trả lời xuất sắc

Cùng xem qua một vài ví dụ để bạn có thể tham khảo và đa dạng hóa cho câu trả lời của mình.

 

Ví dụ 1:

Dựa trên những gì ngài chia sẻ và những nghiên cứu của tôi, công ty ngài đang tìm kiếm một trợ lý giám đốc có thể mạnh về mặt nhân sự cũng như công nghệ. Tôi tin rằng những kinh nghiệm tích lũy mà tôi có sẽ phù hợp với vị trí này. Tôi là một người giao tiếp hiệu quả với khả năng trình bày đầy thuyết phục, tương tác tốt qua điện thoại và liên lạc thông qua email. Tôi cũng thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong công việc, như phần mềm quản lý hay bảng tính. Tôi vô cùng mong muốn có thể dùng những kỹ năng của mình để cống hiến cho quý công ty.

 

Vì sao câu trả lời trên đem lại hiệu quả: Câu trả lời thể hiện tốt sự liên kết trình độ chuyên môn (kinh nghiệm, bằng cấp…) với yêu cầu công việc mà công ty đưa ra; giúp nhà tuyển dụng thấy được sự phù hợp của ứng viên với vị trí ứng tuyển.

 

 

Ví dụ 2:

Quý công ty có miêu tả trong bảng tin việc làm là đang cần một trợ giảng đặc biệt, tràn ngập lòng kiên nhẫn và tình yêu thương đối với trẻ em. Hai năm trước, vào kì nghỉ hè, tôi từng làm gia sư hỗ trợ trẻ em mắc chứng khó đọc. Tôi đã phát triển được nhiều kĩ năng, bao gồm khả năng kiên nhẫn nhưng đồng thời vẫn giúp các em nhỏ đạt được nhiều thành tích học tập. Kinh nghiệm giảng dạy về ngữ âm cho các em lứa tuổi 6 đến 18 đã dạy tôi một chiến lược khi làm việc cùng trẻ nhỏ, dù ở bất kỳ độ tuổi và khả năng tiếp thu nào, đó là: hãy luôn mỉm cười.

Vì sao câu trả lời trên lại hiệu quả: Với cách trả lời này, ứng viên đã lồng ghép kinh nghiệm thực tiễn của họ để làm nổi bật trình độ chuyên môn. Bạn nên thể hiện rõ ràng hơn về khả năng của bản thân trong trường hợp này bằng cách chứng minh qua câu chuyện, thay vì chỉ trình bày đơn giản.

 

Mẹo nhỏ: Bất cứ khi nào bạn nói về việc ứng dụng kĩ năng và năng lực của mình vào công việc thực tế, hãy nhớ kết thúc câu chuyện với bất kì kết quả tích cực nào mà bạn đã đạt được nhờ vào kĩ năng và năng lực bản thân.

 

Ví dụ 3:

Kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là duy trì và cập nhật các website, là yếu tố quyết định tại sao tôi lại là mảnh ghép phù hợp nhất cho vị trí này. Vai trò trong công việc gần đây nhất của tôi là chịu trách nhiệm duy trì nền tảng website của công ty mình; tính chất công việc cũng yêu cầu tôi cập nhật những nhân viên tiềm năng và chăm chỉ, chia sẻ thông tin về những sự kiện sắp tới. Lúc rảnh rỗi, tôi học thêm cách lập trình bằng Javascript và Swift; sau đó ứng dụng những kĩ năng đã học vào việc hoàn thiện website của công ty và nhận được tán dương từ cấp trên. Tôi rất sẵn lòng dùng những kỹ năng và đam mê tìm tòi công nghệ mới của mình để cống hiến cho quý công ty.

 

Vì sao câu trả lời trên đem lại hiệu quả: Nhà tuyển dụng muốn biết điều gì làm bạn nổi bật hơn trong số vô vàn ứng cử viên ngoài kia. Cách trả lời trên tập trung vào những ưu điểm và sự ưu tú của bạn - điều đã  tạo nên sự khác biệt so với đại đa số người cùng ứng tuyển.

 

 

Quý ngài đã đề cập rằng công ty đang cần một nhà điều hành kinh doanh có khả năng quản lý hiệu quả nhiều nhân viên. Bằng 15 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi có những kỹ năng thúc đẩy động lực nhân viên cũng như gắn kết tinh thần đồng đội. Tôi từng hai lần đoạt giải quản lý tốt của năm nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt, cùng các đồng đội đạt được những chỉ tiêu của quý. Nếu được tuyển dụng, tôi nhất định sẽ dùng khả năng dẫn dắt và những chiến lược của mình để đem lại hiệu quả tốt cho quý công ty.

Vì sao câu trả lời trên đem lại hiệu quả: Câu trả lời trên chú trọng vào những kinh nghiệm, thành công và trình độ chuyên môn cụ thể, được tô điểm bằng thành công nhất định trong quá khứ.

 

Mẹo để có câu trả lời đặc sắc

 
  • Trình bày rõ bạn có thể đem lại giá trị gì cho công ty. Với mỗi khả năng và điểm mạnh mà bạn đề cập, chú ý dẫn dắt một ví dụ thành công cụ thể. Nghĩ về bất kì kỹ năng nào của bạn có khả năng "tô điểm" cho các giá trị mà bạn đem lại; hay trình độ học vấn, phẩm chất cá nhân, trải nghiệm cống hiến cho cộng đồng. Những điều này sẽ càng giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Sau cùng, đây là cơ hội để bạn khiến nhà tuyển dụng tin rằng mình là một nhân viên vô giá.
  • Chú ý giữ câu trả lời được ngắn gọn và súc tích. Bạn sẽ muốn đưa ra một câu trả lời giống như một bản tóm tắt tất cả thông tin liên quan. Vậy thì hãy chọn ra 1 đến 2 năng lực đặc biệt của mình để nhấn mạnh giá trị bản thân. Nếu không chắc phải chọn năng lực nào, hãy nhìn lại bảng mô tả yêu cầu công việc, dựa vào khả năng phân tích của mình, quyết định xem đâu là điều mang lại nhiều giá trị nhất cho công ty.
  • Biết cách kể chuyện. Bằng trình độ chuyên môn của mình, chia sẻ một câu chuyện về một thời điểm bạn từng áp dụng thành công những kĩ năng và kinh nghiệm của mình để giải quyết một vấn đề trong quá khứ. Mở đầu bằng cách nêu ra những điều mà bạn tin là nhà tuyển dụng đang cần, sau đó giải thích; dùng câu chuyện của mình để minh chứng rằng bạn hoàn toàn phù hợp vị trí đó. Câu trả lời lúc này không nên dài quá 2 phút.
 

Không nên nói gì?

 
  • Đừng trả lời phỏng vấn như đang trả bài. Dù việc trả lời trôi chảy là quan trọng, song, bạn không nên học thuộc lòng câu trả lời. Sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị tốt những gì mình đang nói, đồng thời, hòa hợp với nhịp điệu của cuộc phỏng vấn. Ví dụ, người phỏng vấn tỏ ý muốn biết thêm về những phẩm chất và kỹ năng của bạn - những yếu tố có thể đem lại nhiều giá trị cho tổ chức; khi đó, bạn hãy tự linh động bổ sung vào câu trả lời của mình nhé.
  • Đừng chỉ nói về bản thân. Điều mà nhà tuyển dụng muốn biết là bạn có thể cống hiến gì cho họ, không phải họ có thể giúp gì cho bạn. Tập trung thể hiện điểm mạnh và trình độ chuyên môn của mình sẽ tốt hơn là chú trọng vào những lợi ích bạn có được ở vị trí ứng tuyển.
 

Những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi tiếp theo

 

Tại sao chúng tôi không nên tuyển bạn?

Tại sao bạn là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này?

Bạn có thể đóng góp gì cho công ty?

 

Những từ khóa cần “mang theo”

 
  • Tìm hiểu về công việc và công ty mà bạn ứng tuyển

Khi bạn biết càng nhiều, bạn càng dễ dàng định hình câu trả lời khi phỏng vấn.

 
  • Đừng lặp lại sơ yếu lý lịch của mình

Nhà tuyển dụng đã có trong tay bản sơ yếu lý lịch của bạn rồi, vì thế hãy tập trung nói về những điểm mạnh để có thể gia tăng khả năng trúng tuyển.

 
  • Tập trung vào những điều bạn sẽ đóng góp

Đừng để những câu trả lời mang tính cá nhân hóa, hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sẽ cống hiến những gì cho công ty khi trúng tuyển.

----------

Tác giả: ALISON DOYLE

Dịch giả: Phương Hạnh - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024