Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/10/2019 23:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Cách Viết CV Từ Chuẩn Thành Chuẩn Hơn


Chào các bạn, lại là My đây.
Đợt này có nhiều chia sẻ về cách viết CV rất hữu ích. My cũng muốn thêm thắt một vài kinh nghiệm cá nhân có được từ thực tế và sách vở để CV từ chuẩn (standard) thành nổi bật (outstanding). À mà mấy cái này áp dụng được cho cả xin việc và xin học đó. Ừm, để coi. Bài viết sẽ hơi dài vì My sẽ đưa ra các ví dụ khá chi tiết nhé, tập trung vào việc lựa chọn điểm mạnh. My thích tìm hiểu bản chất cẩn thận một chút, dễ cho việc tối ưu hoá về sau.
Bắt đầu nhé, theo My thì một CV tốt sẽ được bắt đầu từ việc nghĩ tới hội đồng xét duyệt cần gì trước rồi mới xem xem mình có gì.
Thông thường, có ba điều mà họ cân nhắc, đó là:
- Eligibility (khả năng): bạn đáp ứng được bao nhiều phần yêu cầu ? Trình độ học tập và các kĩ năng mềm ra sao?
- Potential (tiềm năng): Những thành tựu bạn đã đạt được trong quá khứ? Liệu nó có giúp ích gì cho tương lai?
- Suitability (sự phù hợp): Có học bổng thiên về thành tích học tập (Erasmus, MEXT,…); có cái ưu tiên khả năng lãnh đạo, phát triển cộng đồng (Chevening, SISS,…). Xác định được sứ mệnh cụ thể của từng loại học bổng rồi xem mình hợp với chương trình nào hơn rồi tập trung cho nó. Thật sự thì My không khuyến khích việc rải hồ sơ tứ phía vì nó không giúp làm tăng xác suất đậu mà có thể gây mất động lực và mất thời gian, công sức. Trong cùng 1 đợt, nộp 3 cái là nhiều.
Nhìn chung là thế, vậy viết CV như thế nào để gây ấn tượng trong 10-30s ngắn ngủi đây (thời gian trung bình cho một CV ở vòng gửi xe)? Đọc tiếp một vài lưu ý của My dưới đây nhá:
1. Xác định thương hiệu cá nhân
Cái này My cũng đã nói qua trong bài viết trước (https://www.facebook.com/notes/mimy-pham/chevening-4-bài-luận/2476873682368821/). Một lần nữa, cùng dành một tí thời gian nghĩ xem bạn muốn hội đồng xét duyệt cảm nhận bạn là người như thế nào.
- Một người muốn mang khoa học gần hơn với cộng đồng?
- Một người liều lĩnh với các start-ups đem tới nhiều giá trị và ý tưởng mới mẻ
- Một người tận tâm với giáo dục đặc biệt cho trẻ em cơ nhỡ?
- Một người tập trung vào việc học để trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nào đó?
Tất nhiên sẽ có thật nhiều điều các bạn muốn kể, nhưng tốt hơn cả là chọn một tới hai điều rồi tập trung truyền tải thông điệp cực mạnh.
2. Lựa chọn và sắp xếp dữ liệu
Một CV chỉ nên dài tối đa 2 trang, việc lựa chọn thông tin lúc này sẽ dễ hơn một chút khi bạn xác định được hình ảnh mình muốn hướng tới. Không nên viết theo kiểu liệt kê, những công việc hoặc khoá học ngắn hạn nào (tầm 1-3 tháng) không có các tiêu chí : Công ty nổi tiếng khó xin, đề tài hay ho, bạn đạt được thành tựu hoặc bài học thú vị nào đó, thì bỏ qua để tránh gây loãng. Nếu thấy tiếc có thể cho vào cover letter kiểu “ngay từ khi vẫn còn đi học, tôi đã đầu tư kì nghỉ hè của mình vào việc trở thành tình nguyện viên/ thực tập sinh tại công ty A/B/C. Những kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian đó đã giúp tôi có được một vị trí tại công ty (lớn hơn) D/E/F”.
Các CV hiện tại đang được viết dưới dạng “theo thời gian” (chronological) thay vì “theo kĩ năng” (skills-based) nên việc sắp xếp cũng trở nên đơn giản hơn. Bạn có thể linh động cho mục Education trước Work experience hoặc ngược lại. Sáng tạo trong việc đặt “tag” cũng có khả năng tạo sự khác việt. Ví dụ sử dụng cụm “Professional and volunteering achievements” hoặc “Key internships”.
Với học bổng Erasmus, My thấy các bạn cần sử dụng CV theo europass. Trong mục kĩ năng, My có một số gợi ý nhỏ như sau:
a. Communication skills:
Chắc hẳn không ít người kĩ ngay tới kĩ năng giao tiếp đúng không? Cẩn thận kẻo bỏ lỡ cả kĩ năng viết lách nữa nhé.
- Với NÓI: cần làm nổi bật rằng bạn có thể giải thích mọi thứ rõ ràng, diễn đạt được ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt với từng đối tượng, dễ nghe dễ hiểu.
+ thuyết trình trước lớp, trước trường
+ dạy thêm, làm thêm (công việc đòi hỏi trao đổi nhiều với đối tác, khách hàng)
+ tham gia câu lạc bộ hoặc cuộc thi về diễn kịch, tranh biện, hùng biện
+ vận động chiến dịch tình nguyện hay vì cộng đồng
->Một số động từ hay để bắt đầu: informed, debated, explained, expressed, publicised, campaigned, briefed, taught, reported.
- Với VIẾT: cần cho thấy bạn có sự chắc chắn trong ngữ pháp, bố cục, lập luận, thuyết phục được người đọc.
+ sử hữu trang blog hoặc trang mạng xã hội có nhiều bài viết hay
+ tham gia viết báo hoặc điểm tin cho trường/ cơ quan
+ biên tập viên cho toà soạn A/B/C
->Một số động từ hay để bắt đầu: corresponded, corrected, translated, published, wrote, reviewed, scripted, revised.
b. Organisational/ managerial skills:
Chỉ ra được bạn là người có khả năng nhìn nhận việc nào nên làm trước việc nào nên làm sau, lên kế hoạch và thực hiện được nó.
+ cân bằng việc học và các hoạt động xã hội/làm thêm
+ phụ trách một đề tài hay dự án lớn đã hoàn thành đúng tiến độ
+ làm việc dưới áp lực về mặt thời gian
->Một số động từ hay để bắt đầu: designed, ensured, targeted, specified, prioritised, organised, schedules, completed, mapped, implemented.
c. Job-related skills:
Ôi cái này thì nhiều lắm, vô biên, My chỉ đưa ra vài ví dụ nổi bật thôi ạ:
- Problem solving/innovations: cái này được đánh giá cao ở bất cứ vị trí nào, đề cao kĩ năng bao quát và phát hiện vấn đề; cũng như sáng tạo trong việc xử lí tình huống.
+ phát hiện ra sai sót trong việc quản lí tài chính của câu lạc bộ -> xử lí nhanh gọn
+ có ý tưởng mới cho chương trình gây quỹ
+ xử lí sự cố tránh tổn thất cho cơ quan
+ đôi khi chỉ đơn giản là chơi các trò trí tuệ như cờ vua, giải mật mã
->Một số động từ hay để bắt đầu: explored, created, invented, solved, composed, simplified, re-structured, developed, designed.
- Leadership: chú trọng vào tinh thần trách nhiệm, truyền cảm hứng, lên kế hoạch cũng như quản lí nguồn lực.
+ lớp trưởng/ khoá trưởng/ chủ tịch câu lạc bộ (nói chung là có chức có quyền một tí)
+ tham gia các hoạt động tình nguyện với trẻ nhỏ cũng là một ví dụ hay vì đối tượng này cần sự kiên nhẫn và sáng tạo nhiều hơn xíu
+ khởi nghiệp
->Một số động từ hay để bắt đầu: chaired, encouraged, represented, motivated, delegated, directed, launched, inspired, initiated.
- Persuasiveness/ negotiation: nếu công việc của bạn đòi hỏi kĩ năng thuyết phục, đặt mình vào vị trí của người khác.
+ thương thảo được hợp đồng lớn cho công ty
+ xin tài trợ cho các dự án cộng đồng
+ trúng tuyển vào vị trí nào đó nhờ bài diễn thuyết hay
+ vận động các phụ huynh vùng cao cho con em đi học
Một số động từ hay để bắt đầu: advocated, convinced, persuades, re-evaluated, assured, consulted, negotiated.
- Teamwork: úi giời, lại cần quá.
+ giúp bạn trong bài tập nhóm để đạt kết quả tốt
+ chăm chỉ luyện tập cùng toàn đội cho giải thi đấu thể thao
+ đóng góp ý tưởng cho dự án của nhóm
-> Một số động từ hay để bắt đầu: contributed, engaged, involved, supported, participated, cajoled, joined.
3. Đặt bản thân làm trung tâm của mỗi thông tin
My nghĩ là hội đồng xét duyệt chỉ biết những gì bạn viết trong CV, không hơn không kém. Thực tế thì họ không mấy khi nhận ra bạn học trường A, công ty B, câu lạc bộ C (trừ khi trường thuộc top hoặc công ty to ). Nên điều cần làm là cung cấp một ngữ cảnh vừa đủ để nhấn mạnh vai trò của bạn trong đó.
Mình bịa nhanh một ví dụ chẳng hạn:
“Worked in a team of ten to promote science to secondary school students in Hanoi. Contributed to a teacher’s guidebook for designing easy science experiments. Personally, completed writing three chapters regarding biology subject, and the book has been using in five schools since 2018”.
Như vậy chỉ với 3 câu, mình nêu ra được vấn đề khái quát, việc mình đã làm, và kết quả của nó.
4. Tạo ra vài điểm gây tò mò cho phỏng vấn (có cũng được không có cũng được)
Giả sử tất cả các bạn nộp học bổng đều học giỏi và nhiều thành tích như nhau thì thêm mắm thêm muối sẽ giúp CV của các bạn lạ lẫm hơn một tí. Ở chỗ nào?
- Dùng personal statement: cái này cần thận trọng kẻo lại thành ra tốn chỗ. Nên tránh việc trích dẫn những câu châm ngôn chung chung mà đi vào cụ thể mục tiêu của bản thân. Kiểu kiểu “ Tôi mong muốn, việc học khoa học ở trường học không chỉ dừng ở việc trồng đậu xanh” )))
- Gap- year: có bài học hay trải nghiệm thú vị gì thì đưa vào ngay
- Sở thích đặc biệt nào đó, hâm cũng được nhưng đừng hâm quá
Đấy, lại dài như viết sớ. Nhưng thôi mong là các bạn nhặt nhạnh được vài điều có ích. Với My xin học bổng cũng như tìm người yêu ấy. Tốn công, tốn tiền, tốn thời gian mà đôi khi lại chả như ý muốn. Có cái đúng ngay từ lần đầu, có cái lại cần kiên trì hơn một chút. Nhưng nhìn chung, cứ đầu tư cho bản thân thật tốt, rồi quyền lựa chọn sẽ là ở mình.
Cố lên nhá



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024