Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
03/05/2018 15:05 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 191/400 (48%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 7991
Được cảm ơn: 2114
Vượt qua câu hỏi phỏng vấn “Nói cho tôi nghe về bản thân bạn”


"Nào, hãy kể cho tôi nghe một chút về bản thân bạn."

"Ummmm ..."

"Tôi đến từ Hà Nội, tôi có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với ba đứa con và tôi rất thích thiết kế đồ hoạ."

Hầu như tất cả mọi người đều lo lắng trước những buổi phỏng vấn xin việc. Nhiều khi sự lo lắng này lại khiến chúng ta bối rối với cả những câu hỏi tương tác cơ bản nhất. Đó là lý do tại sao câu hỏi Giới thiệu bản thân thường là phần khó nhất trong buổi phỏng vấn của rất nhiều người.

 

 

Kể cả bạn đang phỏng vấn cho vị trí giám đốc hay vị trí trợ lý điều hành cấp cao thì đều phải đối mặt với những câu hỏi chắc chắn sẽ được đưa ra. Đứng đầu trong danh sách những câu hỏi đáng sợ đó là: "Hãy nói cho tôi biết về bản thân bạn."

Mặc dù trên thực tế, bạn là người có khả năng nhất để trả lời câu hỏi này (hãy đối mặt với sự thật rằng - không có ai hiểu về bản thân bạn hơn chính bạn) nhưng nhiều người vẫn  gặp khó khăn khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này.

Câu hỏi này cũng có thể được đặt ra dưới nhiều hình thức khác như:

  • Hãy cho tôi xem lý lịch của bạn.
  • Bạn thực sự là ai?
  • Bạn hãy nói gì đó về bản thân mình.
  • Bạn muốn tôi biết gì về bạn?
  • Hãy giới thiệu bản thân bạn.
  • Những người khác sẽ mô tả về bạn như thế nào?

Đây là những câu hỏi thường gặp khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn trước khi bạn đến với những vấn đề nghiêm túc hơn như kỳ vọng của bạn về công việc, mức lương và những khả năng của bạn.

Nhiều người sợ câu hỏi này vì họ không thực sự hiểu rõ người phỏng vấn đang tìm kiếm điều gì trong mỗi câu trả lời. Bạn nên nói về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, bối cảnh và điều kiện giáo dục của gia đình hay bạn nên trả lời mỗi thứ một tí? Và bạn nên trả lời trong bao lâu?

Đây chỉ là một vài vấn đề mà bạn nên nghĩ đến khi nhận được câu hỏi này.

Tin tốt là nếu bạn có sự chuẩn bị chu đáo, bạn có thể biến câu hỏi này trở thành lợi thế của bạn. Vì nó thường được đưa ra khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn có thể sử dụng nó để xây dựng nền tảng cho buổi phỏng vấn và nêu bật những điểm mạnh của bạn ngay từ đầu.

Đối với hầu hết mọi người, câu hỏi này nghe có vẻ giống một hoạt động làm quen và là một cách để ứng viên kể về những câu chuyện trong cuộc sống của họ. Một câu hỏi thực sự cần quan tâm là: đó có phải là điều mà nhà tuyển dụng tiềm năng - người đang ngồi ở phía đối diện của bạn đang tìm kiếm?

Việc đặt câu hỏi này ở đầu cuộc phỏng vấn khiến nó trở thành một câu hỏi vô cùng quan trọng. Nếu bạn không trả lời tốt câu hỏi này, nó có thể dễ dàng làm hỏng phần còn lại của buổi phỏng vấn.

Đó là lý do tại sao bạn phải có sự chuẩn bị chu đáo cho câu hỏi này. Phải mất một chút thời gian để thực hành nó thật tốt, nhưng bạn sẽ rất hài lòng vì những gì bạn làm được. Đây là kết quả xứng đáng cho sự chăm chỉ của bạn. Bởi vì, cuộc phỏng vấn có khởi đầu tốt đẹp sẽ giúp bạn có thêm tự tin, đánh tan đi lo lắng và khiến bạn dễ dàng thuyết phục hội đồng tuyển dụng  rằng bạn là người phù hợp với công việc này.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là người phỏng vấn không muốn biết mọi thứ về cuộc sống của bạn từ lúc bạn sinh ra. Tuy nhiên, việc bạn tiết lộ quá ít thông tin có thể khiến họ đặt nghi vấn rằng bạn đang che giấu điều gì.

Hãy cùng tìm hiểu cách tốt nhất để bạn có thể chuẩn bị tốt cho câu hỏi phỏng vấn này.

NGƯỜI PHỎNG VẤN MUỐN BIẾT ĐIỀU GÌ Ở BẠN?

Lý do tại sao câu hỏi có vẻ đơn giản này lại trở thành một điều khó khăn đối với nhiều ứng viên là vì nó có quá nhiều hướng diễn biến tiếp theo có thể xảy ra.

Tại sao họ lại hỏi về bản thân tôi?

Họ quan tâm đến những gì trong câu trả lời của tôi? Đó là cuộc sống cá nhân? Hay là cuộc sống công việc?

Làm thế nào để đưa ra cho họ câu trả lời họ đang tìm kiếm mà không cung cấp quá nhiều thông tin không cần thiết?

Hãy bắt đầu bằng việc tìm ra lý do tại sao họ lại đặt câu hỏi này.

Đầu tiên, câu hỏi này tốt cho việc xây dựng mối quan hệ. Nó giúp bạn cởi mở trao đổi và người phỏng vấn bạn có thể hiểu về cá tính của bạn từ những phản hồi bạn đưa ra.

Tuy nhiên, đó thật sự không phải là trọng điểm mà nhà tuyển dụng muốn đạt được ở câu hỏi này.

Đây là những gì họ thực sự muốn biết:

  • Những giá trị gì thật sự quan trọng với bạn?
    Mục đích của câu hỏi này là để bạn tiết lộ cá tính của bản thân. Điều gì có giá trị nhất đối với bạn? Đó là công việc? Bằng cấp? Hay gia đình? Nó cũng có thể được sử dụng để kiểm tra xem bạn có thực sự hiểu về công việc được đăng tuyển. Họ có thể sử dụng câu trả lời của bạn để tìm hiểu rằng bạn nghĩ đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất của ứng viên lý tưởng.
  • Bạn tự đánh giá mình là người thế nào trong môi trường chuyên nghiệp?
    Đây là câu hỏi về bạn, vì vậy bạn phải tự tạo được ấn tượng tốt nhất về bản thân mình. Câu trả lời của bạn sẽ cho thấy bạn tin tưởng vào bản thân và kỹ năng của mình đến mức nào.
  • Bạn hy vọng sẽ cung cấp giá trị cho công ty như thế nào?
    Hiểu được vai trò của công việc bạn đang ứng tuyển là một việc quan trọng, nhưng quan trọng không kém là hiểu được kinh nghiệm và kỹ năng của bạn phù hợp như thế nào với vị trí đó. Người phỏng vấn hy vọng bạn có nhìn thấy một bức tranh tổng thể về những điều có thể làm để giúp công ty phát triển.
  • Bạn có thể tùy cơ ứng biến và trả lời một câu hỏi không theo cấu trúc thông thường không? 
    Câu trả lời của bạn quan trọng đã đành, nhưng cách bạn trả lời nó cũng nói lên rất nhiều về khả năng ứng biến với áp lực trong vai trò mới của bạn. Họ không muốn nhân viên của mình sẽ lúng túng trước mặt khách hàng. Vì vậy, người phỏng vấn sẽ để ý bất cứ cử chỉ nào của bạn để lộ ra rằng bạn đang cẳng thẳng.
  • Bạn coi trọng điều gì hơn? 
    Nhu cầu của công ty hay nhu cầu của bạn. Cũng giống như bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống, mọi người đều quan tâm đến nhu cầu riêng của họ. Người phỏng vấn sẽ sử dụng câu trả lời của bạn để nhận ra nếu bạn đặt nhu cầu cá nhân lên trên nhu cầu của công ty. Có thể đó là điều đương nhiên. Tuy vậy, việc đặt nhu cầu cá nhân của bạn sang một bên được chứng minh rằng sẽ có lợi cho bạn. Bạn nên trả lời cả thông tin cá nhân và thông tin liên quan đến công việc để cho thấy bạn đã hiểu về hoạt động và những giá trị cốt lõi của công ty.
  • Những người gặp bạn lần đầu tiên có ấn tượng gì về bạn?
    Một khi được tuyển dụng, bạn sẽ trở thành người đại diện của công ty bất cứ khi nào bạn thi hành nhiệm vụ. Với suy nghĩ này, người phỏng vấn sẽ kiểm tra ấn tượng về bạn với tư cách lần đầu tiên họ gặp bạn. Bạn tự tin và ăn nói lưu loát hay bạn có vẻ bối rối và lạc lõng?
  • Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại?
    Các câu hỏi không có cấu trúc giống như câu hỏi này khiến bạn phải suy nghĩ. Người phỏng vấn sẽ kiểm tra xem bạn là người học thuộc lòng thông tin như một con rô bốt hay là một người có thể truyền tải niềm đam mê trong bài trình bày của mình. Việc đọc nguyên văn sơ yếu lý lịch sẽ không phải là một cách hay.

NHỮNG SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY

Trước khi chúng ta tìm hiểu câu trả lời của bạn nên thể hiện điều gì, hãy xem một số  những sai lầm phổ biến mà các ứng viên thường mắc phải khi trả lời câu hỏi này

  • Đọc thuộc lòng tiểu sử và thư xin việc.
    Người phỏng vấn bạn đã có một bản sao của những tài liệu này. Mặc dù bạn nên nhấn mạnh một số thành tựu bạn đã làm được trong quá khứ, nhưng không nên trình bày lại những gì đã viết trong lý lịch hoặc đơn xin việc. Trên thực tế, tốt nhất là bạn có thể nói về những thành tựu có liên quan mà bạn chưa trình bày trong hồ sơ của bạn.
  • Kể chuyện về cuộc đời của bạn.
    Bạn bè của bạn sẽ rất vui khi được nghe về thời thơ ấu của bạn và tất cả những khoảng thời gian hạnh phúc cùng với những thách thức mà bạn phải đối mặt khi lớn lên, nhưng hội đồng phỏng vấn của bạn sẽ không muốn nghe những điều đó. Mục tiêu của buổi phỏng vấn là tìm được vị trí còn thiếu nên việc kể lể dông dài về quá trình lớn lên ở vùng quê của bạn không có tác dụng. Hãy chia sẻ điều đó cho đến khi bạn đã được tuyển dụng.
  • Trả lời bằng một câu hỏi.
    Khi được yêu cầu nói về bản thân, đừng trả lời bằng câu hỏi "À, anh (chị) muốn biết điều gì ạ?" Câu trả lời đó cho thấy bạn không có sự chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp.
  • Nói dông dài về bản thân mình.
    Mặc dù họ yêu cầu bạn nói về bản thân, nhưng bạn phải đảm bảo là câu trả lời của bạn ngắn gọn và súc tích. Bạn nên chia sẻ hai đến ba điều và trình bày nó trong vòng một đến hai phút. Hãy khiến cho người phỏng vấn bạn có cơ hội chọn một phần họ cảm thấy thích thú và đặt thêm câu hỏi cho nó. Đừng nghĩ rằng bạn phải cung cấp tất cả thông tin về bản thân trong một câu trả lời.
  • Đưa ra câu trả lời ngắn cụt lủn.
    Bạn cần phải trả lời ngắn gọn, đồng thời cũng cần phải cung cấp được những thông tin hữu ích cho người nghe. Câu trả lời quá ngắn cho thấy bạn là người kiêu ngạo và không hứng thú với công việc này. Vì vậy, hãy tránh những câu trả lời như "Tôi là Linh, một nhà thiết kế đồ họa đang tìm kiếm một công ty để phát triển khả năng của mình"
  • Nói về quan điểm chính trị và tôn giáo của bạn.
    Hầu hết, chúng ta muốn có cái nhìn tổng thể về tất cả mọi người với sự khác biệt của họ, một số chủ đề sẽ chỉ làm tăng nghi ngại về đạo đức làm việc của bạn. Vì vậy, trừ khi bạn được yêu cầu chia sẻ quan điểm của mình một cách rõ ràng về một chủ đề gây tranh cãi, hãy tránh nói về nó.

NHỮNG THÔNG TIN NÊN CÓ TRONG CÂU TRẢ LỜI CỦA BẠN

Có một điều rất quan trọng mà bạn nên nhớ khi chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn:

Không ai quan tâm tới bạn.

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác.

Nhu cầu cấp bách nhất của họ tại thời điểm đó là gì? Họ muốn tìm hiểu đủ về bạn để quyết định xem bạn có phải là ứng cử viên tốt nhất cho vị trí này hay không. Họ có những kỳ vọng nhất định và nếu bạn đã tìm hiểu về công việc một cách cẩn thận, bạn nên thể hiện rằng mình là người họ muốn tìm.

Trong rất nhiều trường hợp, kể từ khi bạn nộp đơn và nhận được lời mời phỏng vấn, và họ đã từ chối hàng trăm đơn đăng ký, họ thực sự muốn một người như bạn. Nhiệm vụ duy nhất của bạn khi ấy là cho thấy rằng họ đã đúng khi mời bạn phỏng vấn.

Làm thế nào để bạn làm được điều này?

Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn xác định những điều bạn nên đưa vào câu trả lời của mình.

BẠN ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG THÀNH TÍCH ĐẶC BIỆT GÌ?

Dành thời gian để liệt kê một số thành tích trong quá khứ của bạn. Hãy suy nghĩ lại từ thời gian bạn bắt đầu làm việc. Bạn thậm chí có thể liệt kê bất kỳ thành tựu lớn mà bạn đã có trong trường đại học hoặc trung học nếu họ có liên quan đến công việc.

Ví dụ, nếu bạn giành được giải toán học trong hai năm liền ở trường trung học, đó là một thành tích tốt để có thể đưa ra nếu công việc này liên quan đến số liệu như marketing hoặc kế toán.

Bạn có thể đưa danh sách này cho một người bạn nhờ họ kiểm tra lại để đảm bảo rằng bạn không bỏ sót bất kì điều gì.

Một khi bạn đã liệt kê được tất cả những gì  mình có, hãy chọn một thành tích có liên quan đến công việc bạn đang xin. Giả sử rằng bạn ứng tuyển cho vị trí quản lý bán hàng và bạn đã là nhân viên bán hàng xuất sắc tại công ty cũ của bạn trong sáu tháng qua. Thành tích đó có liên quan vì nó thể hiện bạn đã hoàn thiện quy trình bán hàng đảm bảo rằng bạn có những gì cần thiết để hướng dẫn những người khác khi họ cố gắng để học đạt được điều đó.

Một khi chúng ta có một thành tưu có liên quan đến công việc, hãy chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

CÔNG TY MUỐN TÌM THẤY GIÁ TRỊ GÌ TỪ BẠN?

Bạn sẽ cần phải đào sâu một số thứ cho câu hỏi này

Vào trang web của công ty và đọc nội dung ở đó. Chú ý đến tầm nhìn và sứ mệnh của công ty. Hãy xem một số thông cáo báo chí trên đó để có được một sự hình dung về bất kỳ dự án mới mà họ đang thực hiện.

Bạn cũng có thể tìm hiểu về công ty trên các trang mạng xã hội để có được một cảm nhận về những giá trị của công ty. Tìm một cách để thêu dệt nó vào câu trả lời của bạn. Đây là một ví dụ:

Cúc ứng tuyển cho vị trí Marketing Manager tại công ty ABC Inc. Sau khi kiểm tra trang web của công ty, cô thấy rằng ABC có những giá trị hiệu quả. Đây là những gì cô ấy có thể nói khi được yêu cầu tự giới thiệu về bản thân:

"Hiện tại, tôi đang làm người điều phối marketing tại marketing agency XYZ và nhiệm vụ của tôi bao gồm đánh giá tất cả các chiến dịch marketing của công ty để đảm bảo rằng chúng tôi đang nhận được giá trị tốt nhất từ số tiền đã bỏ ra. Trước đây, tôi phụ trách quản lý chiến dịch social media marketing cho các khách hàng và tôi được thăng chức chỉ trong chưa đầy một tháng. Mặc dù tôi thích công việc tôi đang làm với các khách hàng khác nhau tại XYZ, nhưng tôi muốn có cơ hội phát triển sâu hơn và làm việc với một công ty cụ thể, đó là lý do tại sao tôi rất hào hững với cơ hội này tại ABC Inc. "

Ví dụ này cho thấy rằng Cúc rất đam mê với marketing, có kinh nghiệm, đủ trình độ và cũng quan tâm đến những vấn đề về hiệu suất như ABC Inc. Cô ấy đã đề cập đến một thành tựu trong quá khứ và thể hiện ra rằng cô ấy có thể mang lại giá trị cho công ty.

Câu trả lời đó cũng tạo ra cơ hội để người phỏng vấn có thể đưa ra các câu hỏi khác  nếu họ cần thêm thông tin về quá khứ của cô ấy trong khi vẫn thích hợp với công việc mà cô ấy đang ứng tuyển.

ĐÓNG GÓI CÂU TRẢ LỜI

Với tất cả những gì bạn cần trình bày trong câu trả lời của mình, có thể là thách thức để trình bày nó trong buổi phỏng vấn

Đừng lo lắng.

Chúng tôi có một công thức đơn giản mà bạn có thể sử dụng để gói tất cả các chi tiết quan trọng trong câu trả lời của bạn và trình bày nó một cách tự nhiên với người phỏng vấn để có hiệu quả tốt nhất.

Hãy bắt đầu với những gì bạn đang làm hiện nay. Nói về vai trò hiện tại của bạn và một số nhiệm vụ mà bạn được giao. Điều này sẽ khiến cho người phỏng vấn của bạn cảm thấy bạn là người đáng tin và có trách nhiệm.

Tiếp theo, nói về các vai trò trong quá khứ của bạn. Bạn có thể sử dụng cơ hội này để làm nổi bật một thành tích mà bạn đã đạt được trước đây và nhận được sự ca ngợi từ họ. Bạn cũng có thể để cho họ thấy rằng bạn có kinh nghiệm ở vị trí này trong quá khứ và điều đó có ích cho công việc sau này.

Cuối cùng, kết thúc bằng việc nói về hy vọng của bạn cho tương lai. Tất nhiên, bạn nên chắc chắn rằng vị trí mà bạn đang phỏng vấn chính là mục tiêu cá nhân của bạn. Hãy cho họ thấy sự hứng thú của bạn về vị trí này để thể hiện bạn có thái độ tích cực trong sự nghiệp. Điều đó thể hiện rất rõ ràng, bạn sẽ mang lại giá trị gì cho công ty.

CHUẨN BỊ CHO CÂU HỎI NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Chìa khóa giúp bạn dễ dàng chuẩn bị cho câu hỏi này được tóm tắt trong bốn bước sau đây:

  1. Tập trung vào trọng tâm
    Đào sâu và xác định những điều bạn muốn làm nổi bật trong câu trả lời của mình. Bạn nên để người phỏng vấn thấy được điểm sáng về kinh nghiệm hoặc kỹ năng của bạn. Bạn có muốn hội đồng tuyển dụng nhớ về bạn khi họ thảo luận về những ứng viên đã tham gia phỏng vấn? Đối với ví dụ của Cúc mà chúng tôi đã nêu ở trên, cô ấy có những thành tích đã được kiểm chứng và kinh nghiệm liên quan đến marketing.
  2. Dựa vào kịch bản của bạn
    Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể bỗng nhiên nảy ra một ý tưởng nào đó và mong muốn được trình bày nó. Việc này có thể khiến bạn thốt ra điều gì đó mà bạn chưa suy nghĩ một cách cẩn thận và nó có thể khiến bạn để lại ấn tượng xấu.
  3. Đừng nói dối
    Đừng phóng đại về những khả năng mà bạn không có để gây ấn tượng.
  4. Hãy thực hành
    Một khi bạn đã biết bạn sẽ nói những gì, hãy dành thời gian để thực hành nó trước gương. Bạn thậm chí có thể nhờ một người bạn hoặc bạn cùng phòng đóng giả là người phỏng vấn và tạo ra các tình huống giả định cho đến khi bạn tự tin vào phần trình bày của mình. Đừng học thuộc lòng, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn biết mình phải nhấn mạnh điều gì.

 

Nguồn: saga.vn

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Các thành viên đã Thank nguyenquynhtran vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024