Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/12/2019 13:12 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 41 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 320/410 (78%)
Kĩ năng: 78/210 (37%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8520
Được cảm ơn: 2178
6 điều cần lưu ý để nâng cao kỹ năng làm việc nhóm


Trong khi làm việc ở công sở, chúng ta đều ít nhiều phải tương tác với đồng nghiệp trong các nhiệm vụ chung. Do đó, nếu bạn có kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) tốt thì không những góp phần nâng cao hiệu quả công việc, mà còn thúc đẩy tích cực mối quan hệ mọi người xung quanh. Dưới đây là 6 lưu ý giúp bạn phát triển kỹ năng quan trọng này theo chia sẻ của các Chuyên viên tuyển dụng CareerLink.vn, hãy cùng tham khảo nhé.

Chấp nhận sự khác biệt

Mỗi người đều có tính cách và cách nhìn nhận mọi thứ khác nhau, do đó bạn cần học cách tôn trọng sự khác biệt. Bởi nếu từng thành viên trong nhóm đều có cách tư duy cũng như kỹ năng, sở thích giống nhau, thì sản phẩm/dịch vụ cuối cùng khó có sự độc đáo. Đừng “thành kiến” với thói quen làm việc của vài người trong nhóm chỉ vì họ không giống bạn. Nhớ rằng bạn cũng có những điều gây “khó chịu” cho người khác, nhưng tập thể vẫn có thể châm chước vì mục tiêu chung.

Tôn trọng mọi ý kiến

Có câu “chín người, mười ý”, do đó tập thể sẽ luôn nhận rất nhiều đóng góp trước mỗi vấn đề khi cần thảo luận. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đưa ra những ý kiến xác đáng, mang tính xây dựng cao, thậm chí đôi lúc có nhiều ý kiến thiếu thiết thực, vô ích.

Dù có là trưởng nhóm hay không, bạn cần phải có sự tôn trọng đúng mực đối với mọi sự đóng góp. Nghĩa là bạn không nên thẳng thừng phản bác và tránh đưa ra kiểu bình luận khiếm nhã gây sứt mẻ quan hệ. Hãy lắng nghe một cách chân thành và nhận xét rõ ràng, chừng mực trên tinh thần xây dựng, đồng thời giữ hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp.

Đối xử bình đẳng với mọi người

Sự thiên vị giống như một “liều thuốc độc” cho mối quan hệ đồng nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công việc. Bởi không ai muốn mình là nạn nhân của việc đối xử bất công, nếu bạn đem thành kiến vào mối quan hệ đồng nghiệp sẽ khiến khả năng tương tác lẫn nhau bị giảm, thậm chí gây xích mích, bất hòa.

Nếu như bạn là trưởng nhóm thì việc đối xử công bằng với mọi người trong nhóm càng quan trọng hơn. Bởi vì mỗi ý kiến, quyết định của bạn ảnh hưởng đến công việc của toàn đội. Khi mọi vấn đề đều được xử lý một cách minh bạch, các thành viên trong nhóm sẽ đặt niềm tin ở người đứng đầu và yên tâm làm việc.

Chủ động giao tiếp, học hỏi

Dù rằng ai cũng có “cái tôi” riêng, nhưng khi làm việc nhóm thì điều này nên được giữ đúng chừng mực. Nếu bạn là nhân viên mới, thì nên chủ động tích cực học hỏi đồng nghiệp để tránh sai sót. Đừng để những lỗi do thiếu hiểu biết khiến công việc của cá nhân và tập thể trở nên chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Ngược lại, nếu bạn là nhân viên lâu năm thì nên cởi mở giao tiếp, tránh chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” nhằm tạo ra bầu không khí thân thiện, xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Điều này không những góp phần cải thiện kết quả công việc của toàn đội, mà còn khiến bạn có thêm động lực làm việc khi giúp đỡ người khác.

Luôn nghĩ đến lợi ích chung

Kết quả làm việc nhóm tốt chỉ xảy đến khi bạn tích cực đóng góp vào nhiệm vụ chung. Bởi vì tất cả thành viên đều là một mảnh ghép quan trọng tạo nên sự thành công của nhóm, nên bất kì sự khiếm khuyết nào cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn đội. Điều đó có nghĩa rằng cá nhân bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, bạn cần quan niệm rằng lợi ích chung chính là điều cần phải quan tâm trước nhất. Hãy luôn quan tâm, thăm hỏi đồng nghiệp về tiến độ công việc, và chủ động giúp đỡ nếu xảy ra khó khăn ngoài dự liệu. Chắc chắn điều này sẽ giúp hiệu quả được phát huy tối đa.

Sự tin tưởng

Cuối cùng, bạn cần hiểu rằng nền tảng của mọi mối quan hệ, cũng là điều ảnh hưởng chính đến chất lượng làm việc nhóm chính là lòng tin. Bạn cần đặt niềm tin vào những ý kiến, đề xuất, sự nỗ lực và cả thiện chí của từng thành viên trong nhóm.

Bởi chính sự nghi ngờ về tính công bằng hoặc năng lực cá nhân sẽ khiến cho hiệu quả làm việc nhóm bị giảm đi rất nhiều. Đôi khi có một số thành viên hành xử không như mong đợi của tập thể, nhưng mọi người cần học cách nhìn vào mặt tích cực của họ và cho họ cơ hội sửa chữa sai lầm. Chỉ khi tin tưởng lẫn nhau và luôn hướng đến mục tiêu chung, các thành viên mới “toàn tâm toàn ý” cống hiến để cùng nhau gặt hái thành công cho tập thể.

Trung Thành

Nguồn: baomoi.com

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024