Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/01/2015 18:01 # 1
oanhoanh2122
Cấp độ: 15 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 55/150 (37%)
Kĩ năng: 12/110 (11%)
Ngày gia nhập: 20/03/2014
Bài gởi: 1105
Được cảm ơn: 562
Sử dụng Mask thanh quản (Laryngeal Mask Airway)


SỬ DỤNG MASK THANH QUẢN

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn


Mask thanh quản cổ điển do bác sỹ Archie Brain phát minh 1981 và đưa vào sử dụng từ năm 1988, từ đó đến nay MTQ đã được cải tiến nhiều lần và có nhiều loại MTQ khác nhau trên cơ sở MTQ cổ điển 

Vì sự tiện lợi và tính chất kiểm soát đường thở dễ dàng hơn nhiều so với ống NKQ nên MTQ đã được chính thức đưa vào phác đồ kiểm soát đường thở khó, đặc biệt là trong tình huống “không đặt NKQ được, Không thông khí được” (No Intubate, No ventilate) 

Ngày nay việc sử dụng MTQ không chỉ giới hạn trong các tình huống đặt NKQ khó nữa mà nó là một xu thế mới trong việc kiểm soát đường thở trong gây mê và cấp cứu hồi sức. MTQ đã được sử dụng rộng rãi để thay thế các biện pháp kiểm soát đường thở truyền thống như ống NKQ hay dùng mask hở, kể cả những trường hợp trước đây NKQ được coi là phương tiện kiểm soát đường thở tiêu chuẩn như Gây mê trong phẫu thuật nội soi, gây mê trong phẫu thuật Tai mũi họng… 
1. Mask thanh quản cổ điển (Classic Laryngeal Mask Airway - cLMA) 


Figure Classic LMA 3
Bác sỹ gây mê người Anh Archie Brain phát minh ra MTQ cổ điển (cLMA) từ 1981 được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ 1983 
- CLMA bao gồm ba phần chính 
+ Ống thở (airway tube) làm bằng silicone trong suốt 
+ Mặt nạ (mask): mặt trước có hình lòng máng hướng về tiểu thiệt có những thanh chắn (apertures) nằm dọc theo lỗ thở, mặt sau là silicone nửa cứng, có bóng chèn (cuff) viền xung quanh 
+ Đường bơm khí (mask inflation line): dùng để bơm khí vào cuff 
- Mask được giữ tương đối chắc trong khoang miệng bởi các cơ thắt vùng hạ hầu ở mặt bên và vùng hầu nhẫn (cricopharyngeus) phía dưới. Khi đặt đúng LMA nằm trong khoang miệng, hướng lỗ thở ở mặt trước về phía tiểu thiệt, đầu xa cuff nằm ngay trên phần bắt đầu của thực quản và cuff bịt kín xung quanh đường vào thanh quản. Vị trí lý tưởng của cLMA là đầu xa của cuff nằm ngay phía trên cơ thắt trên thực quản, sau sụn nhẫn 
1.1 Lựa chọn kích cỡ mask, kiểm tra trước khi sử dụng và vệ sinh 
- cLMA có 7 cỡ đánh số từ 1 - 6 phù hợp với tất cả các bệnh nhân. Lựa chọn kích cỡ chủ yếu dựa vào cân nặng ở trẻ em, còn ở người lớn thì thông thường là cỡ số 3, 4 cho nữ và số 4,5 cho nam. Trong trường hợp cỡ không thích hợp thì có thể thay cỡ khác dựa vào nhiều đánh giá trên lâm sàng. 
Thông thường khi có hai loại cỡ mask có thể dùng được cho môt bệnh nhân thì cỡ mask to hơn thường cho kết quả tốt hơn mặc dù việc đặt có khó hơn 
- cLMA được thiết kế để dùng nhiều lần. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì một ống cLMA có thể dùng 40 lần dựa vào nghiên cứu sự thay đổi đặc tính hóa lý của silicone.Tuy vậy trên thực tế có thể sử dụng > 100 lần mà không có vấn đề gì - Kiểm tra cLMA kỹ trước khi sử dụng là điều bắt buộc bao gầm 
+ Nhìn toàn bộ mask, dây nối, ống thở có hình dạng bình thường 
+ Loại trừ vât lạ trong ống 
+ Làm xẹp cuff tối đa và quan sát, nếu cuff hỏng thì bóng chèn sẽ nhanh đầy hơi trở lại 
+ Bơm hơi từ từ kiểm tra hoạt động của van đường bơm khí 
+ Gập ống nhẹ nhàng kiểm tra hư hại của ống thở 
- Sau khi sử dụng xong phải rửa sạch và để khô sau đó hấp. cLMA được thiết kế để hấp tự động. Có một số quan ngại vì việc vệ sinh hàng ngày không làm sạch hết các Proteine bám vào mask nhưng không có bằng chứng rằng những Protein đó gây nên nguy cơ nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Nếu thêm vào nước rửa 2 mg/L Potassium permangate (Thuốc tím) có thể loại trừ 90% protein bám vào cLMA. Sau khi tiệt trùng phải bảo quản cLMA ở tình trạng vô khuẩn 

1.2 Sử dụng hàng ngày 
Ưu điểm lớn nhất của cLMA so với các dụng cụ kiểm soát đường thở trên thanh môn khác (SADs) là tính dễ đặt ngay cả với những người chưa có kinh nghiệm, cho phép kiểm soát đường thở nhanh chóng, người gây mê thì được “rảnh tay” . Trong một nghiên cứu trên 11.000 bênh nhân, cLMA cho phép kiểm soát chắc chắn đường thở trong 98,5% trường hợp. 
Một số ưu điểm khác của cLMA so với dùng mask hở là đảm bảo cung cấp O2 tốt hơn, 
cLMA ít gây ra phản xạ ho rướn như thường thấy khi dùng NKQ. Nó không hoặc ít gây ra phản xạ giao cảm ( tăng Huyết áp, tăng nhịp tim) so với khi đặt hoặc khi rút NKQ. 
cLMA cũng làm giảm nhu cầu thuốc mê và giảm tỷ lệ đau họng so với NKQ 
1.3 Lựa chọn bệnh nhân 
cLMA thích hợp với hầu hết các phẫu thuật nhỏ, ngắn, vùng can thiệp “ngoại vi” ở những bệnh nhân khỏe mạnh. Với những người có kinh nghiệm thì việc sử dụng cLMA có thể mở rộng. cLMA không thích hợp với các bệnh nhân béo phì, bệnh nhân có nguy cơ trào ngược cao 
1.4 Chỉ định và chống chỉ định 
1.4.1 Chỉ định 
- Thay thế mask hở trong gây mê thông thường và cấp cứu 
- Thay thế nội khí quản trong phẫu thuật có chuẩn bị khi xét thấy đặt NKQ không cần thiết 
- Đường thở khó tiên lượng trước hay bất ngờ 
1.4.2 Chống chỉ định 
- Vì nguy cơ trào ngược và hít sặc không nên dùng cLMA trong trường hợp sau 
+ Bệnh nhân không nhịn hoặc không xác định chắc chắn 
CỠ LMA 
Cân nặng Cỡ 
<5kg 1 
5-10kg 1.5 
10 - 20kg 2 
20 - 30kg 2.5 
30 - 50kg 2 - 4 
Người lớn nữ 3 - 4 
Người lớn nam 4 - 5 5
+ Bệnh nhân béo phì 
+ Bệnh nhân chấn thương 
+ Bệnh nhân sử dụng opioids trước mổ 
+ Bệnh nhân có thai 
+ Bệnh nhân cần thông khí với áp lực đỉnh >20 cmH2O 
- Trong các tình huống cấp cứu hoặc trong trường hợp đường thở khó cần cân nhắc lợi ích của việc kiểm soát đường thở và nguy cơ trào ngược và hít sặc 
1.5 Đặt cLMA 
- Phải đảm bảo độ mê: đặt cLMA đòi hỏi độ mê sâu hơn đặt canyl Guedel nhưng thấp hơn đặt NKQ. Độ mê sâu quyết định đến thành công của việc đặt cLMA vì những cử động trong khi đặt sẽ làm khó khăn thao tác đặt, gây ra chấn thương hầu họng, gây ra phản xạ có hại (đặc biệt là phản xạ co thắt thanh quản) sai lạc vị trí của ống 
- Đặt LMA có thể không dùng thuốc giãn cơ. Điều kiện đủ để đặt LMA là 
+ Bệnh nhân ngủ 
+ Dấu hiệu trễ hàm và không còn phản ứng khi kéo góc hàm 
- Propofol là thuốc thích hợp nhất cho việc đặt LMA vì ức chế rất tốt phản xạ hầu họng. 
- Các thuốc mê khác cũng có thể sử dụng với độ sâu cần thiết. Thuốc mê bốc hơi cũng thích hợp với việc sử dụng LMA cho trẻ em như Halothane, Servorane 
- Sử dụng thuốc nacotics có tác dụng nhanh (fentanyl 1-2mcg/kg I.V) trước khi đặt là cần thiết để làm giảm phản xạ có hại khi đặt LMA 
- Cũng có thể sử dụng thuốc tê dạng phun niêm mạc 
- Tư thế bệnh nhân 
+ Nằm ngửa giống như tư thế đặt đèn soi thanh quản, có thể dễ dàng hơn nếu một người trợ giúp kéo hàm dưới xuống. Một tay người đặt cố định đầu và cổ, tay kia cầm MTQ ở vị trí nối giữa cuff và ống LMA (giống như cầm bút chì). Luồn LMA theo chiều cong giải phẫu của vòm họng cho đến khi thấy có sức cản tức là đầu của phần cuff đã nằm đúng vị trí hạ họng dưới sụn nhẫn ngay đầu trên của thực quản 
+ Kỹ thuật đặt khác: bơm cuff nhẹ, kỹ thuật xoay (giống như đặt canyl guedel) 
+ Bơm cuff và cố định 
- Những Test đơn giản kiểm tra vị trí đúng của LMA 
+ Cảm nhận sức cản khi đặt 
+ cMLA trồi nhẹ khi bơm cuff 
+ Phần trước cổ phình lên một ít khi bơm cuff 
+ Vạch đen ở mặt sau ống cLMA nằm nguyên ở vị trí phía sau 6
+ Không nhìn thấy cuff trong khoang miệng 
- Luợng khí bơm cuff thường được ghi trên cLMA tùy theo từng loại cỡ. 
Lưu ý đây là lượng khí tối đa khuyến cáo. Thường thì không nên bơm quá ½ lượng khí đó. Áp lực trong cuff không được phép vượt quá 60 cm H2O. Bơm cuff căng quá có thể dẫn đến những tổn thương của hầu họng, đặc biệt là tổn thương thần kinh (nhánh tiểu thiệt, nhạnh hạ họng, nhánh luỡi, nhánh quặt ngược) hoặc gây ra tắc nghẽn đường thở 
- Chuyển động của cổ và đầu ít ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của cLMA sau khi đã đặt và bơm cuff mặc dù có thể ảnh hưởng đến áp lực trong cuff và áp lực kín đường thở. Sử dụng N2O trong gây mê có thể làm tăng áp lực cuff trong vòng 30 phút đầu do khuyếch tán của N2O vào trong lòng cuff. 

Figure: đặt cLMA

Video hướng dẫn đặt Mask thanh quản nhấn vào nút Play ở giữa để xem
 
 
- Kiểm tra khả năng thông khí qua cLMA: 
cLMA chỉ đảm bảo một áp lực kín thấp (airway sealed pressure) xung quanh thanh quản. Nếu áp lực đường thở lớn hơn áp lực kín này sẽ gây ra hiện tượng thoát khí ra ngoài (air leaking). Một số test đơn giản để đánh giá khả năng thông khí của cLMA là: 
+ Thông khí bằng bóp bóng nhẹ qua cLMA thấy ngực lên tốt, không có tiếng rít hay xì. Khi thở ra thì nhanh chóng làm đầy bóng khí dự trữ (air bag) 
+ đường biểu diễn ETCO2 có hình vuông (square wave). ETCO2 có hình dốc (slope wave) gợi ý đến hiên tượng tắc nghẽn đường thở 
+ Nếu bóng dự trữ không trở về đầy thì có thể có hiện tượng hở hoặc tắc nghẽn một phần đường thở 
+ Nếu có hiện tượng hở nhiều hoặc tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng thì phải rút cLMA và đặt lại 
- Cố định cLMA chắc chắn để tránh hiện tượng trồi ra ngoài. Khi gắn cLMA với hệ thống mê phải chú ý để sức nặng của nó không làm dịch chuyển vị trí của cLMA. Nên sử dụng biện pháp chống cắn (đặc biệt khi hồi tỉnh có thể gây nên tắc nghẽn đường thở, chấn thương răng lợi và hư hỏng ống) 
- Khi sử dụng kiểu thở điều khiển (controlled ventilation), áp lực đường thở tối đa (peak airway pressure) ở người lớn bình thường và trẻ em không nên vượt quá 10 -14 cmH2O. Tránh áp lực đường thở trên 20cmH20 vì với áp lực này khí không những thoát ra ngoài mà còn đi vào cả thực quản, dạ dày gây nên nên hiện tượng dạ dày chướng, làm tăng nguy cơ trào ngược và hít sặc phổi 
- Không nên để tự thở qua cLMA với trẻ nhỏ trong các trường hợp phẫu thuật kéo dài vì cLMA làm tăng nhẹ sức cản đường thở và việc hút chất tiết ở đường thở không tốt bằng ống NKQ. Tuy nhiên việc thông khí điều khiển lại tương đối dễ dàng vì ở trẻ em cLMA tạo ra áp lực kín đường thở cao hơn người lớn 
- cLMA thường đảm bảo đường thở và hiếm khi phải điều chỉnh. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra hiện tượng dịch chuyển ống đặc biệt khi bệnh nhân tỉnh, khi thay đổi tư thế 
- Rút cLMA khi bệnh nhân tỉnh và há miệng theo lệnh vì khi đó mới có phản xạ bảo vệ đường thở. Việc hút hầu họng hay đặt bệnh nhân nghiêng thường là không cần mà còn có thể gây ra biến chứng như tắc nghẽn đường thở hoặc co thắt. 
- Ở trẻ em có hai kiểu rút 1, rút khi tỉnh hoàn toàn có thể làm gia tăng biến chứng về đường thở như ho sặc và co thắt 2, rút khi ngủ sâu có thể gây ra tắc nghẽn đường thở và thiếu O2. Dù áp dụng phương pháp nào cũng không nên rút cLMA khi trẻ chưa tỉnh hẳn 
1.6 Phòng tránh trào ngược và hít sặc 
- cLMA không bảo vệ được đường thở khỏi hiện tượng hít sặc khi có trào ngược từ dạ dày vì vậy không nên sử dụng cLMA trong các trường hợp có nguy cơ trào ngược và hít sặc cao. Một số biện pháp làm hạn chế trào ngược và hít sặc khi sử dụng cLMA là: 
- Lựa chọn cLMA cho những trường hợp không có nguy cơ trào ngược và hít sặc.Những trường hợp nguy cơ trào ngược và hít sặc cao như: dạ dày đầy, có bệnh trào ngược dạ dày-thục quản, béo phì…thì không nên dùng cLMA 
- Đặt cLMA khi đã cho ngủ đủ sâu 
- Tối ưu hóa kỹ thuật đặt và kiểm tra vị trí đúng của LMA 
- Không nên sử dụng thông khi áp lực cao trước và sau khi đặt cLMA 
- Cố định tốt cLMA tránh dịch chuyển vị trí ban đầu 
- Chuyển về kiểu thở tự nhiên càng sớm càng tốt nếu không cân thiết thở điều khiển 
- Tránh dịch chuyển cLMA trong khi phẫu thuật nếu không cần thiết 
- Rút cLMA khi bênh nhân há mồm theo lệnh 
1.7 Áp dụng trên lâm sàng và các vấn đề còn bàn cãi 
- Việc sử dụng cLMA ngày nay trở nên rộng rãi hơn so với mục tiêu ban đầu của người sáng chế ra nó. Ở một số nước LMA đã được sử dụng thay thế NKQ trong 2/3 các trường hợp kể cả trong các trường hợp trước kia gây mê NKQ là tiêu chuẩn vàng như phẫu thuật nội soi, có giãn cơ, các trường hợp cấp cứu hồi sinh tim-phổi. Tuy vậy cũng có rất nhiều tranh cãi về vai trò của cLMA ngay cả với những người sử dụng LMA có kinh nghiệm. Không nên sử dụng cLMA cho các trường hợp “phức tạp” khi chưa có kinh nghiệm sử dụng. Đánh giá nguy cơ trào ngược là vấn đề hết sức quan trọng trong an 
toàn khi sử dụng cLMA 
- cLMA có khả năng làm bít lại cơ thắt trên thực quản nhưng cũng làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của cơ thắt dưới thực quản vì sự có mặt của cLMA kích thích phản xạ nuốt. Phẫu thuật nội soi là loại phẫu thuật có nguy cơ trào ngược và hít sặc cao vì áp lực ổ bụng tăng, tư thế đầu thấp, tăng áp lực đường thở. cLMA đã được sử dụng thay thế NKQ trong các phẫu thuật cắt túi mật nội soi, nội soi phụ khoa với tỷ lệ biến chứng thấp hơn NKQ 
1.8 Biến chứng sau mổ 
- Đau họng quan sát thấy ở 6-30 % nhưng hầu hết là nhẹ và thoáng qua, không phải là vấn đề lo ngại như NKQ. Tỷ lệ cuff có dính máu lên đến 20 %. Một số biến chứng tổn thương nhánh thần kinh vùng họng miệng cũng được thông báo 
1.9 Kiểm soát đường thở khó 
cLMA là một phương tiện rất quan trọng kiểm soát đường thở khó và là phương tiện hỗ trợ đặt NKQ 
- Sử dụng trong tình huống đặt NKQ khó hay không thể đặt được NKQ 
- Thông khí thât bại hoặc đặt NKQ thất bại 
- Hỗ trợ thông khí tạm thời để đặt NKQ 
Khi sử dụng cLMA thay thế NKQ cần nhớ rằng tiêu chuẩn tiên lượng đặt NKQ không giống với đặt cLMA. Tuy vậy miệng há hạn chế là tiêu chuẩn tiên lượng việc đặt cLMA khó 
- cLMA có thể giải quyết đựợc 90% cácvấn đề tắc nghẽn đường thở trên thanh môn,vì vậy cLMA cần có sẵn bất cứ hoàn cảnh gây mê nào 
-Có thể đặt ống NKQ qua cLMA tuy nhiên cần phải chọn ống nhỏ và tương đối dài 
1.10 Cải tiến của cLMA 
Dựa trên cLMA có ba dòng LMA được phát triển thêm đó là 1, LMA mềm (flexible LMA- fLMA) 2, LMA để đặt ống NKQ (Intubating LMA-ILMA), LMA hai nòng (ProSeal LMA - PLMA). Gần đây có thêm loại cLMA sử dụng một lần ( LMA Unique –LMA-u). Loại cải tiến nhất là ILMA có gắn thêm bộ phận camera cho phép quan sát trực tiếp việc đặt ống qua LMA (C-trach) 
2. Ống fLMA 
Cấu tạo giống như cLMA nhưng phần ống thở được lót một lớp vòng xoắn (reinforced) giúp hạn chế tối đa sự di chuyển của phần cuff trong quá trình phẫu thuật. fLMA có khả năng bảo vệ rất tốt thanh quản và ngăn không cho máu và dịch tiết từ trên hầu họng xâm nhập vì thế được chỉ định rộng rãi trong các phẫu thuật tai mũi họng, vùng đầu mặt cổ 


Figure 4: Flexible LMA 

3. ILMA (Intubating LMA hay Fastract) 
Là loại MTQ sử dụng để đặt ống NKQ. Phần ống thở của ILMA ngắn nhưng cứng hơn cLMA, phần lòng cuff thì chỉ có một thanh chắn tiểu thiệt lớn cho phép ống NKQ đi qua dễ dàng. Đầu ngoài của ILMA gắn với một cán đặt bằng kim loại để giúp cho việc đặt dễ dàng. ILMA có kích thước cỡ từ 3-5 và thường cung cấp kèm theo ống NKQ bằng silicone có đầu hơi nhọn 


Figure 5: ILMA and ILMA tracheal tube 
4. PLMA 
Được Brain AJ cải tiến và đưa vào sử dụng từ năm 2000. PLMA có ba điểm khác biệt lớn nhất so với cLMA 
- Đảm bảo thông khí điều khiển tốt hơn 
- Khả năng tránh được hít sặc phổi 
- Có khả năng chẩn đoán được vị trí đúng của PLMA 
 


Figure 6: PLMA 

1.7.1 Cấu tạo 
PLMA có cuff mềm, sâu và lớn hơn so với cLMA. Cuff của PLMA có hai phần “bụng” (ventra cuff) và phần “lưng” (dorsal cuff). Khi bơm hơi áp lực phần cuff lưng sẽ làm cho phần cuff bụng áp chặt xung quanh thanh môn. 
PLMA có thêm một nhánh dẫn (Drain Tube) chạt từ đầu xa của ống đi qua lòng mask và chạy song song với ống thở. Nhánh DT gắn chặt với ống thở bới một bộ phận chống cắn 
Khi đặt đúng vị trí thì đầu xa của ống dẫn (DT) sẽ nằm ngay ở đầu trên thực quản và được bao quanh bằng phần nhẫn hầu (crycopharyngeous) trong khi phần chảo của mask sẽ nằm dưới đường thở vì thế cho phép thông thương cả hai đường hô hấp và tiêu hóa ra ngoài. Với cấu tạo đặc biệt này PLMA đã cô lập được đường thở khỏi đường tiêu hóa. Vì thế PLMA còn được coi như một “thanh quản nhân tạo” (artificial larynx) 
1.7.2 Lựa chọn cỡ 
- Lựa chọn cũng giống như trong cLMA. Gần đây một số nghiên cứu cho thấy cỡ số 5 cho nam và số 4 cho nữ tạo áp lực kín tốt hơn khi thông khí điều khiển 
- Cỡ 1½ - 2 ½ dùng cho trẻ em và không có phần cuff “lưng” 
- PLMA là dụng cụ sử dụng nhiều lần. Khuyến cáo của nhà sản xuất là có thể sử dụng đến 40 lần tiệt trùng. Tuy nhiên thực tế có thể sử dụng nhiều lần hơn thế. Không phải tất cả các chất protein có thể làm sạch bằng cách thông thường. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về hiện tượng nhiễm trùng chéo. 
Tuy nhiên cho đến nay chưa có thông báo nào về lây nhiễm chéo khi sử dụng LMA đã được tiệt trùng. Gần đây có nghiên cứu về việc sử dụng kỹ thuật làm sạch bằng thuốc tím (potassium permanganate) có thể giảm được tới 90% proteine tồn dư trên cLMA. Kỹ thuật này cũng có thể đạt kết quả khi làm sạch PLMA Các dụng cụ cung cấp kèm theo PLMA là dụng cụ đặt ( insertion tool) và dụng cụ xẹp cuff ( cuff-deflator) 
1.7.3 Kỹ thuật đặt 
- Có nghiên cứu cho thấy độ sâu của mê cần thiết để đặt PLMA tăng hơn so với đặt cLMA 
- Có ba kỹ thuật đặt 
+ Bằng tay: đơn giản, cho kết quả cao ngay cả người mới sử dụng 
+ Bằng dụng cụ 
+ Đặt qua nòng dẫn: đặt trước sonde dạ dày hoặc ống nhựa mềm (Gum elastic bougie -GEB) vào thực quản, sau đó luồn ống PLMA vào qua nhánh DT.Kỹ thuật này cho kết quả chắc chắn cao nhất, tránh được hiện tượng gập ống. Thủ thuật này xâm hại nhiều hơn hai kỹ thuật trên nên hay dùng trong trường hợp các phương pháp trên đã thất bại hoặc trong trường hợp đặt NKQ khó 
- Nòng ống của PLMA có gia cố thêm vòng xoắn kim loại giống như fLMA. 
Sức cản lòng ống tăng 20% so với cLMA, lòng mask sâu và không có thanh chắn cho phép quan sát thanh quản qua ống soi mềm dễ dàng 
- Một số test thử để xác định vị trí đúng của PLM 
+ Không có hiện tượng hở khi thông khí dưới áp lực 20 cmH2O, 
+ Đường biểu diễn EtCO2 hình vuông: 
+ Test bong bóng: để một chút gel vào đầu ống DT và thông khí với áp lực 20cmH2O sẽ không thấy hơi xì ra. Nếu có hiện tượng xì thì do đầu mask chưa đi vào đúng chỗ vì thế khí vào đường thở sẽ xì ngược qua nhánh DT 
+ Không thấy quá 1/3 phần chống cắn nằm ở bên ngoài 
+ Ấn ngực không thấy gel di chuyển ra ngoài. Nếu có thì gợi ý đầu ống DT nằm trong thanh môn. Khả năng tắc nghẽn đường thở có thể xảy ra 
+ Phình nhẹ hai bên mặt trước cổ khi bơm hơi vào cuff 
+ Đặt sonde dạ dày qua nhánh DT dễ dàng: Đây là test quan trọng nhất cho phép xác định vị trí đúng của PLMA và cũng là điểm khác biệt nhất của PLMA với các LMA khác 


Figure: vị trí của PLMA và khả năng phân lập dường thở và đường tiêu hóa 

Những cải tiến về hình thái của cuff về làm cho áp lực kín của đường thở của PLMA tăng lên đáng kể so với cLMA. Khi bơm hơi theo khuyến cáo của nhà sản xuất PLMA thường đạt được áp lực kín của đường thở khoảng 30cmH2O. Đây là áp lực kín đảm bảo để thông khí điều khiển trong thực hành gây mê. Có nhiều bằng chứng lý thuyết và trên thực hành cho thấy PLMA làm giảm được hiện tượng hở khí, giảm hít sặc và tăng cường khả năng bảo vệ đường hô hấp khi có trào ngược xảy ra so với cLMA 
Nhược điểm 
- Đặt khó hơn cLMA 
- Khi để tự thở: có hiện tượng tắc nghẽn nhẹ đường thở 
-Thực quản giãn vì khí lọt qua nhánh DT, thậm trí còn vào cả dạ dày , làm tăng nguy cơ trào ngược.Hiện tượng này khác phục bằng cách đặt sonde dd PLMA là loại MTQ mới được đưa vào sử dụng gần đây nhất. Nó có ưu điểm hơn các loại MTQ khác trong trường hợp thông khí nhân tạo. MTQ đã chứng minh được vai trò của mình trong việc thay thế NKQ trong các phẫu thuật có chuẩn thông thường cũng như trên các đối tượng có nguy cơ cao như béo phì, phẫu thuật nội soi…Tuy nhiên còn quá sớm để tổng kết vai trò của PLMA trong gây mê cũng như trong hồi sức cấp cứu 
5. MTQ dùng một lần 
Một số loại MTQ sử dụng một lần làm bằng nhựa PVC: cLMA, fLMA, ILMA. Xu hướng sử dụng MTQ dùng một lần một phần dựa trên mối lo ngại về sự truyền bệnh qua tác nhân Prion không bị tiêu diệt bởi những biện pháp tiệt trùng thông thường (là tác nhân truyền bệnh “bò điên”- Creutzfelt Jacob) 
6. Kết luận 
MTQ là một cuộc cách mạng trong việc kiểm soát đường thở trong gây mê. 
Ở một số nước phát triển MTQ đã trở thành phương tiện kiểm soát “chuẩn” thay thế ống NKQ truyền thống. MTQ cũng là phương tiện hữu hiệu trong các tình huống đặt NKQ khó hoặc thất bại trong việc kiểm soát đường thở. 
Mỗi loại MTQ có ưu và nhược điểm riêng. Việc sử dụng thành công MTQ phụ thuộc vào việc lựa chọn bệnh nhân và tình huống lâm sàng. Việc nâng cao kỹ thuật sử dụng cũng là một yếu tố quyết định trong việc đảm bảo an toàn và phát huy được những lợi ích của MTQ 

Tài liệu tham khảo 
1. Brimacombe J. The advantages of the LMA over the tracheal tube or facemask: a meta-analysis. Can J Anaesth. 1995; 42:1017-23. 
2. Caponas G. Intubating laryngeal mask airway. A review. Anaesth Int Care 2002; 30: 551-69 
3. Cook TM, Lee G, Nolan J. The ProSealTM Laryngeal Mask Airway: A review of the literature. Can J Anaesth 2005: 52: 739-60. 
4.Tim Cook. The laryngeal mask airway. Update in anaesthesia No 20 20

nguồn benhhoc.com



oanhoanh

 

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024