Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/12/2014 14:12 # 1
oanhoanh2122
Cấp độ: 15 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 55/150 (37%)
Kĩ năng: 12/110 (11%)
Ngày gia nhập: 20/03/2014
Bài gởi: 1105
Được cảm ơn: 562
Bệnh học ngoại cảm thương hàn (Phần 1)


BỆNH HỌC NGOẠI CẢM THƯƠNG HÀN
PGS.TS Phan Quan Chí Hiếu

Mục tiêu 
Sau khi học xong, sinh viên phải
1. Định nghĩa được bệnh thương hàn theo Đông y.
2. Trình bày được qui luật truyền biến của bệnh thương hàn.
3. Liệt kê được những triệu chứng chính của từng bệnh cảnh của Lục kinh.
4. Liệt kê được tên, thành phần cấu tạo bài thuốc chính cho từng bệnh cảnh và phân tích được cơ sở lý luận của bài thuốc sử dụng.
1. Đại cương 
1.1. Tác giả 
Trương Trọng Cảnh còn có tên là Trương Cơ, người Niết Dương, Nam Quận đời Đông Hán (nay là huyện Nam Dương, Hà Nam, Trung Quốc). Sinh vào khoảng 142 - 210 thời Hán Linh Đế (168 - 188), làm quan cho đến đời Vua Kiến An (198 - 219)
Ông học rộng, tài cao, nổi tiếng liêm khiết. ông được 2 thầy thuốc truyền nghề là Hà Ngung và sau đó là Trương Bá Tổ.
Dòng họ ông rất đông, hơn 200 người, nhưng chỉ trong hơn 10 năm (thời Kiến An) chết mất hơn 2/3, trong đó 70% vì thương hàn. Đó là động cơ thúc giục ông nghiên cứu, tìm hiểu và viết sách về bệnh thương hàn.
1.2. Tác phẩm 
Trương Trọng Cảnh có 2 tác phẩm: Kim quỹ yếu lược và Thương hàn luận (Thương hàn tạp bệnh luận).
Quyển Thương hàn luận được ông đúc kết kinh nghiệm lâm sàng từ đời Hán trở về trước, dựa vào Nội kinh mà biên soạn thành.
Thương hàn luận nguyên bản đã thất lạc. Hiện nay chỉ còn lại bản của Vương Thúc Hòa (đời Tây Tần) biên tập gồm 10 quyển, 22 thiên, 397 pháp và
113 phương; vận dụng khoảng 80 vị thuốc vào điều trị (*)
Bộ sách gồm có hai phần
• Phần bệnh sốt ngoại cảm với sáu loại bệnh cảnh.
• Phần tạp bệnh: đề cập đến hơn 40 loại bệnh nội, ngoại, phụ, sản khoa.
1.3. Đặc điểm chung 
−“Thương hàn” có hai nghĩa
Rộng: là tên gọi chung tất cả bệnh ngoại cảm có sốt, do lục dâm gây bệnh.
Hẹp: là tên gọi những bệnh ngoại cảm chỉ do phong hàn tà gây ra
−“Thương hàn luận” là cách khảo sát diễn tiến bệnh ngoại cảm theo sáu giai đoạn chính yếu.
Sáu giai đoạn bệnh bao gồm
+ Thái dương
+ Dương minh
+ Thiếu dương
+ Thái âm + Thiếu âm
+ Quyết âm.
−Những giai đoạn này phản ảnh
+ Mối tương quan giữa sức đề kháng của cơ thể (chính khí) và tác nhân gây bệnh (tà khí ).
+ Vị trí của bệnh: ở biểu, lý hoặc bán biểu bán lý. Nói chung, vị trí bệnh ở sâu bên trong nặng hơn, khó chữa hơn bệnh ở ngoài nông.
 

Giai đoạn bệnh
  3 kinh dương 3 kinh âm
Mối quan hệ chính - tà Tà khí thịnh, chính khí chưa suy Chính khí suy yếu
Vị trí bệnh Biểu hiện bệnh ở biểu, ở ngoài, ở phủ Biểu hiện ở lý, ở tạng
Tính chất Chủ yếu nhiệt chứng, thực chứng Chủ yếu hàn chứng, hư chứng

(*)Nguyễn Trung Hòa - Giáo trình Thương hàn và Ôn bệnh học - Hội YHDT Tây Ninh tái xuất bản năm 1985 - Lưu hành nội bộ, trang 8 - 11
Quá trình truyền biến của bệnh 
−Truyền biến của Thương hàn luận
Truyền là bệnh phát triển theo quy luật nhất định.
Biến là thay đổi, cải biến tính chất dưới điều kiện đặc biệt nào đó.
Nói chung truyền và biến luôn phối hợp chung với nhau và chịu ảnh hưởng bởi ba nhân tố
• Chính khí thịnh suy: chính khí thịnh, sức chống đỡ của cơ thể mạnh, bệnh tà sẽ không truyền được vào trong. Ngược lại, nếu chính khí suy hư, bệnh tà sẽ dễ dàng truyền được vào sâu bên trong. Ngoài ra, nếu bệnh tà đã vào trong, nhưng khi chính khí được phục hồi, chống được tà, sẽ làm bệnh từ âm chuyển dương, từ nặng chuyển sang nhẹ.
• Tà khí thịnh suy: tà khí mạnh là yếu tố thuận lợi để bệnh chuyển vào trong, trở thành nặng.
• Điều trị không thích hợp
−Quy luật truyền biến của Thương hàn luận
Có 4 kiểu truyền biến
Tuần kinh (Truyền kinh): thông thường bệnh ngoại cảm sẽ được truyền từ kinh này sang kinh khác theo diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Có những cách truyền kinh sau: (xem sơ đồ)
• Có thể tuần tự từ Thái dương sang Thiếu dương; tiếp đến là Dương minh; tiếp đến là Thái âm; tiếp đến là Thiếu âm và cuối cùng là Quyết âm.
• Hoặc cũng có thể chuyển ngay từ kinh dương bất kỳ nào sang hệ thống kinh âm.


“Biểu lý truyền nhau”, biểu lý tương truyền”
Trực trúng: bệnh tà đi thẳng vào tam âm (không từ Dương kinh truyền vào). Thường trực trúng Thái âm và Quyết âm. Thí dụ: đột nhiên nôn ói, tiêu chảy, lạnh mát tay chân, bụng đầy, không khát (Thái âm trực trúng).
Nguyên nhân: cơ thể yếu, dương khí thiếu, chính khí suy làm ngoại tà trực tiếp phạm vào tam âm (Hư hàn chứng).
Lý chứng chuyển ra biểu chứng: bệnh ở tam âm chuyển thành tam dương; bệnh ở bên trong chuyển dần ra bên ngoài; do chính khí dần hồi phục, bệnh diễn tiến tốt. Thí dụ: trực trúng Thiếu âm có nôn mửa, tiêu chảy, sau thời gian điều trị ngưng tiêu chảy và đi tiêu táo kết, phát sốt, khát. Đó là Thái âm bệnh nhờ dương khí ở trường vị khôi phục lại nhưng tà vẫn còn, do đó bệnh chuyển thành Dương minh.
Tính bệnh: chứng trạng một kinh chưa giải khỏi hoàn toàn lại xuất hiện chứng trạng một kinh khác; nguyên nhân do truyền biến.
−Những nguyên tắc điều trị chung
Tam dương bệnh: chính khí mạnh, tà khí thịnh, nguyên tắc điều trị chủ yếu là khu tà (tác động đến nguyên nhân bệnh).
Tam âm bệnh: chính khí suy, điều trị chủ yếu là phù chính (nâng đỡ tổng trạng) và tùy theo tình trạng của bệnh để khu tà.
−Một số định nghĩa
+ Bệnh chứng thương hàn có thể đơn độc xuất hiện ở một kinh; cũng có thể hai, ba kinh cùng bệnh (hợp bệnh).
+ Bệnh ở một kinh chưa khỏi; xuất hiện thêm kinh khác bệnh; có thứ tự trước sau áong bệnh).
- Bệnh thương hàn được định nghĩa theo 2 cách:
+ Rộng: là tên gọi chung tất cả bệnh ngoại cảm có sốt, do lục dâm gây bệnh.
+ Hẹp: là tên gọi những bệnh ngoại cảm chỉ do phong hàn tà gây ra
- Thương hàn luận khảo sát những bệnh ngoại cảm mà diễn tiến bệnh có qui luật theo 6 giai đoạn Thái dương, Dương minh, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm.
- 6 giai đoạn diễn biến bệnh thương hàn phản ảnh tương quan lực lượng giữa sức đề kháng của cơ thể(chính khí) và tác nhân gây bệnh (tà khí).
- Nguyên tắc điều trị chung bệnh ngoại cảm thương hàn
+Tam dương bệnh: chính khí mạnh, tà khí thịnh, nguyên tắc điều trị chủ yếu là khu tà.
+Tam âm bệnh: chính khí suy, điều trị chủ yếu là phù chính, nâng đỡ tổng trạng và tùy theo tình trạng của bệnh để khu tà.
2. Bệnh học ngoại cảm thương hàn (lục kinh hình chứng) 
2.1. Thái dương chứng 
2.1.1. Nhắc lại cơ sở giải phẫu sinh lý học Đông y của hệ thống Thái dương 
Thái dương bao gồm Túc Thái dương Bàng quang kinh và Thủ Thái dương Tiểu trường kinh. Quan hệ biểu lý với Túc Thiếu âm Thận và Thủ Thiếu âm Tâm.
Túc Thái dương Bàng quang kinh bắt đầu từ góc trong mắt đến trán, giao ở đỉnh vào não, biệt xuống cổ đến giáp tích trong lưng. Đoạn ngầm của đường kinh đi đến Thận và Bàng quang, xuống chân.
−Là đường kinh dài nhất, diện che phủ lớn nhất, thể hiện Thái dương chủ biểu toàn thân.
−Thái dương kinh đi ở lưng, song song với Đốc mạch. Đốc mạch là tổng các kinh dương, là bể của dương mạch, tương thông với Thái dương. Do đó Thái dương chủ biểu, thống soái vinh vệ, ở ngoài bì mao, kháng ngoại tà.
−Thái dương kinh đi ở ngoài biểu, trong thuộc phủ Bàng quang. Bàng quang có tác dụng chủ tàng tân dịch và khí hóa, công năng khí hóa này dựa vào sự giúp đỡ của Thận khí và không tách rời công năng khí hóa của Tam tiêu. Ngoài ra vệ khí tuy ở hạ tiêu, nhưng phải thông qua sự giúp đỡ của trung tiêu, mà khai phá ở thượng tiêu. Nó phải dựa vào sự tuyên phát của Phế để đưa đi toàn thân. Do đó công năng của Thái dương và Phế hợp đồng với nhau chủ biểu (tham khảo thêm bài học thuyết Tạng tượng).
2.1.2. Bệnh lý 
−Nguyên nhân: do phong hàn ngoại nhập
−Bệnh trình: thời kỳ đầu của ngoại cảm
−Vị trí: bệnh ở biểu
−Tính chất: thuộc dương, thuộc biểu
Triệu chứng quan trọng của bệnh ở giai đoạn Thái dương
+ Mạch phù (biểu chứng)
+ Đầu cổ cứng, đau (vùng do hệ thống kinh Thái dương chi phối)
+ Sợ lạnh (tà ở biểu, Vệ khí bị tổn thương)
Do thể chất không giống nhau, cảm tà nông sâu khác nhau, bệnh tình nặng nhẹ khác nhau, nên Thái dương chứng được phân làm hai loại
−Thái dương kinh chứng −Thái dương phủ chứng.
2.1.2.1. Thái dương kinh chứng
Triệu chứng chung: sợ lạnh, phát sốt, đầu cổ cứng đau, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Thái dương kinh chứng bao gồm hai nhóm bệnh
−Thái dương trúng phong
−Thái dương thương hàn
a. Thái dương trúng phong
−Triệu chứng: Phát sốt, đổ mồ hôi, sợ gió lạnh, đầu cổ cứng đau, mạch phù, hoãn (biểu hư chứng).
−Pháp trị: giải cơ khu phong, điều hòa dinh vệ. (Quế chi thang)
+ Bài Quế chi thang có tác dụng giải cơ phát biểu, điều hòa dinh vệ. Chủ trị: sốt, sợ gió, đau đầu, ngạt mũi, nôn.
Trần úy chú giải bài thuốc này như sau:
Quế chi tân ôn, thuộc dương. Thược dược khổ bình, thuộc âm. Quế chi lại có thêm vị tân của Sinh khương, đồng khí tương cầu có thể nhờ nó để điều hòa dương khí của chu thân. Thược dược lại được vị cam khổ của Đại táo và Cam thảo, cả hai hợp nhau để hóa, có thể nhờ nó để tư nhuận cho âm dịch toàn thân. Trương Trọng Cảnh đã dùng chúng để đại bổ dưỡng cho âm dương, bổ dưỡng cho cái nguồn của mồ hôi. Nhờ vậy, nó là loại dược căn bản để thắng tà vậy. Ngoài ra húp cháo lỏng là để hỗ trợ, tức là dùng thủy cốc hỗ trợ cho mồ hôi. Vì thế sau khi ra mồ hôi người bệnh không bị tổn thương nguyên khí”. Phân tích bài thuốc Quế chi thang: (Pháp hãn) 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Quế chi Cay ngọt, đại nhiệt, hơi độc. Trị cố lãnh trầm hàn, giải biểu
Đại táo Ngọt ôn. Bổ Tỳ ích khí, dưỡng Vị, sinh tân dịch. Điều hòa các vị thuốc
Bạch thược Chua đắng, hơi hàn. Nhuận gan, dưỡng huyết, liễm âm
Gừng sống Cay ôn. Tán hàn, ôn trung. Thông mạch
Cam thảo Ngọt, bình. Bổ Tỳ Vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc

+ Công thức huyệt sử dụng
 

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Bách hội 
 
Đại chùy
Hội của mạch Đốc và 6 dương kinh. Vì là thuần dương nên chủ biểu.
Mình nóng, mồ hôi tự ra (tả sau bổ)
Sợ lạnh, không có mồ hôi (bổ sau tả)
Giải biểu
Khúc trì 
Hợp cốc
Phối hợp Khúc trì, Đại chùy, Hợp cốc là kinh nghiệm để trị cảm sốt Hạ sốt
 
Ngoại quan Hội của Thủ Thiếu dương và Dương duy mạch Đặc hiệu khu 
phong, giải biểu 
 
Phong trì Hội của Thủ túc Thiếu dương và Dương duy mạch Đặc khu 
phong, giải biểu 
 
Phong môn Khu phong phần trên cơ thể Trị cảm, đau đầu
Trị cảm, đau cứng gáy
Nghinh hương Huyệt tại chỗ Trị ngạt mũi

b. Thái dương thương hàn
−Triệu chứng: phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, đầu cổ cứng đau, mạch phù khẩn (biểu thực chứng).
−Điều trị: Tân ôn phát hãn (Ma hoàng thang).
+ Bài Ma hoàng thang có tác dụng phát hãn giải biểu, tuyên phế bình suyễn. Chủ trị: sốt, nhức đầu, đau nhức mình, suyễn, ngạt mũi, chảy nước mũi.
Uông Ngang giải thích bài thuốc như sau:
 “Ma hoàng khí bạc tân ôn, là loại chuyên dược của Phế khí, nay chạy trong Thái dương nó có thể khai tấu lý hàn tà; Quế chi tân ôn có thể dẫn tà khí ở doanh phận đạt ra cơ biểu; Hạnh nhân khổ cam tán hàn mà giáng khí; Cam thảo cam bình phát tán mà hòa trung”.
Phân tích bài thuốc Ma hoàng thang: (Pháp hãn) 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Ma hoàng Cay đắng, ôn. Khai thấu lý, làm ra mồ hôi, lợi tiểu tiện
Quế chi Cay ngọt, đại nhiệt, hơi độc. Trị cố lãnh trầm hàn
Hạnh nhân Vị đắng, hàn. Giáng khí, tán hàn. Chữa ho
Cam thảo Ngọt, bình. Bổ Tỳ Vị, nhuận Phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc

+ Công thức huyệt sử dụng
 

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Bách hội
Đại chùy
Hội của mạch Đốc và 6 dương kinh. Giải biểu
Mình nóng, mồ hôi tự ra: (tả sau bổ)
Sợ lạnh, không có mồ hôi: (bổ sau tả)
Giải biểu
Khúc trì 
Hợp cốc
Phối hợp Khúc trì, Đại chùy, Hợp cốc là kinh nghiệm để trị cảm sốt Hạ sốt
 
Ngoại quan Hội của Thủ Thiếu dương và Dương duy mạch Đặc hiệu khu phong, 
giải biểu
Phong trì Hội của Thủ túc Thiếu dương và Dương duy mạch Đặc hiệu khu phong, giải biểu trị cảm, đau đầu

2.1.2.2. Thái dương phủ chứng
Do khí của kinh và phủ tương thông với nhau, nên Thái dương biểu chứng không giải được, bệnh sẽ theo kinh vào phủ (Bàng quang và Tiểu trường). Giai đoạn này được gọi là Thái dương phủ chứng
−Nếu tà và thủy kết, khí hóa bất lợi gây ra súc thủy chứng.
−Nếu tà và huyết kết gây ra súc huyết chứng.
a. Thái dương súc thủy
−Phát sốt, cứ xế chiều là có sốt cơn, đổ mồ hôi, phiền khát hoặc khát muốn uống, uống vào thì mửa, năm sáu ngày không đi đồng, lưỡi ráo mà khát,
Từ DướI VùNG TIM ĐếN BụNG DướI RắN ĐầY Mà ĐAU, tiểu bất lợi. (Bệnh ở Bàng quang khí phận).
−Điều trị; thông dương hành thủy, ngoại sơ nội lợi. (Ngũ linh tán).
+ Bài Ngũ linh tán có tác dụng chữa chứng Thái dương súc thủy, phá kết khí ở hung cách.
+ Phân tích bài thuốc Ngũ linh tán 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Phục linh Ngọt, nhạt, bình. Lợi thủy, thẩm thấp, bổ Tỳ định Tâm
Trư linh Lợi niệu, thẩm thấp
Quế chi Cay ngọt, đại nhiệt hơi độc, ôn hóa Bàng quang, sơ tán ngoại tà
Trạch tả Ngọt nhạt, mát. Thanh tả thấp nhiệt ở Bàng quang
Bạch truật Ngọt đắng, hơi ôn
Kiện Vị, hòa trung, táo thấp

+ Công thức huyệt sử dụng
 

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Quan nguyên Mộ huyệt của Tiểu trường. Hội của Tam âm kinh và Nhâm mạch Phá kết khí từ
Trung cực Mộ huyệt của Thái dương Bàng quang. Hội của Tam âm kinh và Nhâm mạch Hung cách đến vùng bụng dưới
Nội quan Hội của Quyết âm và Âm duy mạch
Đặc hiệu trị bệnh vùng hung cách
 

b. Thái dương súc huyết
−Thái dương bệnh 6-7 ngày biểu chứng vẫn còn, mạch vi mà trầm, người phát cuồng bởi có nhiệt ở hạ tiêu,BụNG DướI PHảI RắN ĐầY, TIểU
TIệN Tự LợI, TIêU RA HUYếT ĐEN NHáNH. (Bệnh ở Bàng quang huyết phận).
−Điều trị: trục ứ huyết. (Đế đương thang)
+ Bài Đế đương thang có tác dụng trục ứ huyết. Chủ trị: Thái dương súc huyết, bụng dưới rắn đầy, phát cuồng. Kinh nguyệt không thông lợi (thuộc chứng thực).
+ Phân tích bài Đế đương thang: (Pháp tiêu) 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Thủy điệt Khổ, bình có độc. Phá huyết, hoạt ứ. Dùng cho kinh bế, ngoại thương huyết ứ
Mang trùng Khổ, hơi hàn, có độc. Phá huyết, hoạt ứ. Dùng cho kinh bế, ngoại thương huyết ứ
Đào nhân Đắng, ngọt, bình. Phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường
Đại hoàng Đắng, hàn. Hạ vị trường tích trệ. Tả huyết phận thực nhiệt, hạ ứ huyết, phá trưng hà

* Trường hợp này có thể sử dụng công thức huyệt châm cứu như trường hợp của hội chứng Thái dương súc thủy.
 

THÁI DƯƠNG CHỨNG 
- Chủ chứng (triệu chứng quan trọng) của Thái dương chứng: mạch phù; đầu cổ cứng, đau; sợ lạnh.
- Bệnh chứng ở Thái dương bao gồm Thái dương kinh chứng (khi bệnh còn ở đường kinh) và Thái dương phủ chứng (khi bệnh xâm phạm phủ).
- Thái dương kinh chứng gồm Thái dương trúng phong và Thái dương thương hàn
- Có đổ mồ hôi hay không đổ mồ hôi là triệu chứng cơ bản phân biệt giữa Thái dương trúng phong và Thái dương thương hàn
- Thái dương phủ chứng gồm Thái dương súc thủy và Thái dương súc huyết
- Triệu chứng quan trọng để phân biệt Thái dương súc thủy và Thái dương súc huyết: tiểu thông và không thông, tình chí bình thường hay không.
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Thái dương trúng phong: Quế chi thang
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Thái dương thương hàn: Ma hoàng thang
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Thái dương súc thủy: Ngũ linh tán
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Thái dương súc huyết: Đế dương thang
 

2.2. Dương minh chứng 
2.2.1. Nhắc lại cơ sở giải phẫu sinh lý học của hệ thống Dương minh 
Hệ thống Dương minh bao gồm Túc Dương minh Vị và Thủ Dương minh Đại trường. Hệ thống này có quan hệ biểu lý với Túc Thái âm Tỳ và Thủ Thái âm Phế. Hệ thống Dương minh chịu ảnh hưởng bởi khí Táo (từ trời) và hành Kim (từ đất).
−Vị chủ thu nạp, nghiền nát thủy cốc, ghét táo thích nhuận, lấy giáng làm thuận.
−Tỳ chủ vận hóa, vận chuyển chất tinh vi, thích táo ghét thấp, có khuynh hướng đi lên.
−Đại trường thải cặn bã, nhưng phải dựa vào sự túc giáng của Phế khí và sự phân bố tân dịch của Tỳ.
Quá trình thu nạp thủy cốc, nghiền nát, hấp thu, bài tiết phải dựa vào Dương minh và Thái âm, và chỉ khi quá trình này bình thường thì tinh thủy cốc mới cung dưỡng cho toàn thân mà hóa sinh khí huyết.
2.2.2. Bệnh lý 
Bệnh cảnh Dương minh thường do Thái dương tà không giải, nhiệt tà phát triển vào sâu hơn (thương lý).
Bệnh lý của Dương minh bao gồm 2 thể − Kinh chứng là chỉ nhiệt tà bao phủ toàn thân.
 Phủ chứng là chỉ Vị trường táo nhiệt, cầu táo.
2.2.2.1. Dương minh kinh chứng
 Sốt cao, đổ mồ hôi, khát thích uống nước, tâm phiền, rêu vàng khô, mạch hồng đại.
−Điều trị: thanh nhiệt sinh tân. (Bạch hổ thang )
+ Bài thuốc Bạch hổ thang có tác dụng chữa trị bệnh ngoại tà nhập vào lý, thích hợp với trường hợp kinh Dương minh bị nhiệt thậm.
Kha Vận Bá giải thích bài thuốc Bạch hổ thang như sau:
 “Thạch cao vị tân hàn; tân có thể giải nhiệt ở cơ nhục, hàn có thể thắng hỏa ở Vị phủ. Tính của hàn là trầm, giáng; vị tân có thể chạy ra ngoài; nó đóng vai Quân với vai trò nội ngoại của nó. Tri mẫu khổ nhuận; khổ dùng để tả hỏa; nhuận đóng vai tư nhuận táo khí; dùng nó dóng vai Thần. Dùng Cam thảo, Cánh mễ điều hòa trung cung, vả lại nó có thể tả hỏa từ trong Thổ. Thổ đóng vai ruộng nương cày cấy, cả hai hòa hoãn được cái hàn trong hàn dược, hóa được cái khổ trong khổ dược…”
+ Phân tích bài thuốc Bạch hổ thang (Phép thanh) 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Sinh thạch cao Vị ngọt, cay, tính hàn. Vào 3 kinh Phế, Vị, Tam tiêu. Thanh nhiệt, giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát
Tri mẫu Vị đắng, lạnh. Tư Thận, tả hỏa
Cam thảo Ngọt ôn. Hòa trung bổ thổ. Điều hòa các vị thuốc
Cánh mễ ích Vị, sinh tân

+ Công thức huyệt sử dụng
 

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Khúc trì Hợp cốc Phối hợp Khúc trì, Đại chùy, Hợp cốc là kinh nghiệm để trị cảm sốt Hạ sốt
 
 
Đại chùy
Hội của mạch Đốc và 6 dương kinh. Chủ biểu.
Mình nóng, mồ hôi tự ra: (tả sau bổ)
Sợ lạnh, không có mồ hôi: (bổ sau tả)
Kinh nghiệm hiện nay, phối hợp Đại chùy và Khúc trì chữa sốt cao
Thập tuyên Kỳ huyệt. Kinh nghiệm chữa sốt cao bằng cách thích nặn ra ít máu Hạ sốt

2.2.2.2. Dương minh phủ chứng
 Sốt cao, tăng vào chiều tối, xuất hãn liên miên, táo bón, bụng đầy đau, sợ ấn, phiền táo, lảm nhảm, mạch trầm hữu lực.
−Điều trị: Đại thừa khí thang
+ Bài Đại thừa khí thang được dùng chữa chứng đại tiện táo kết, chữa các chứng kết nhiệt ở trong mà thành mãn, bĩ, táo, thực.
Y Tông Kim Giám chép: “các chứng kết nhiệt ở trong mà thành mãn, bĩ, táo, thực đều dùng Đại thừa khí thang để hạ. Mãn là bụng sườn trướng, đầy, cho nên dùng Hậu phác để thông khí tiết chứng đầy. Bĩ là tức cứng vùng thượng vị, cho nên dùng Chỉ thực để phá khí kết. Táo là phân táo trong ruột khô quánh, cho nên dùng Mang tiêu để nhuận táo làm mềm chất rắn. Thực là bụng đau, đại tiện bí không thông cho nên dùng Đại hoàng để công tích tả nhiệt. Nhưng phải xét trong 4 chứng đó, chứng nào nặng hơn để dụng được cái nào nhiều cái nào ít cho vừa phải mới có thể khỏi được”.
+ Phân tích bài Đại thừa khí thang (Pháp hạ) 

Vị thuốc Dược lý Đông y
Đại hoàng Đắng, lạnh. Vào Tỳ, Vị, Đại trường, Can, Tâm bào. Hạ tích trệ trường vị, tả thực nhiệt huyết phận
Mang tiêu Mặn, lạnh. Vào Đại trường, Tam tiêu. Thông đại tiện, nhuyễn kiên, tán kết.
Chỉ thực Đắng, hàn. Vào Tỳ, Vị. Phá kết, tiêu tích trệ, hóa đờm trừ bĩ.
Hậu phác Cay, đắng ấm vào Tỳ, Vị, Đại trường. Hành khí, hóa đờm trừ nôn mửa.

+ Công thức huyệt sử dụng 

Tên huyệt Cơ sở lý luận Tác dụng điều trị
Thiên khu Mộ huyệt của Đại trường Hạ tích trệ trường vị
Chi câu Kinh hỏa huyệt của Tam tiêu. Có tác dụng tán ứ kết, thông trường vị Trị táo bón
Khúc trì 
Hợp cốc
Phối hợp Khúc trì, Đại chùy, Hợp cốc là kinh nghiệm để trị cảm sốt Thanh nhiệt, hạ sốt

DƯƠNG MINH CHỨNG 
- Chủ chứng (triệu chứng quan trọng) của Dương minh chứng: sốt cao, khát nước dữ.
- Bệnh chứng ở Dương minh bao gồm Dương minh kinh chứng (khi bệnh còn ở đường kinh) và Dương minh phủ chứng (khi bệnh xâm phạm phủ).
- Chủ chứng của Dương minh kinh chứng: sốt cao, khát dữ, mạch hồng đại
- Chủ chứng của Dương minh phủ chứng: sốt cao, táo bón
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Dương minh kinh chứng: Bạch hổ thang
- Thuốc tiêu biểu trong điều trị Dương minh phủ chứng: Đại thừa khí thang
2.3. Thiếu dương chứng 
2.3.1. Nhắc lại cơ sở giải phẫu sinh lý học của hệ thống Thiếu dương 
Hệ thống Thiếu dương bao gồm Túc Thiếu dương Đởm và Thủ Thiếu dương Tam tiêu. Quan hệ biểu lý với Túc Quyết âm Can và Thủ Quyết âm Tâm bào.

(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)

Nguồn: Bệnh học và Điều trị Đông y
NXB Y Học - 2007


oanhoanh

 

 


 
Các thành viên đã Thank oanhoanh2122 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024