Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/01/2014 15:01 # 1
valentdn
Cấp độ: 31 - Kỹ năng: 32

Kinh nghiệm: 40/310 (13%)
Kĩ năng: 294/320 (92%)
Ngày gia nhập: 09/12/2009
Bài gởi: 4690
Được cảm ơn: 5254
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm, phương pháp giáo dục và vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp “ trồng người”


Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là nhà giáo, danh nhân văn hóa; Người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Chỉ riêng về giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã là một kho tàng, ở tầm chiến lược và ngày càng sáng ngời qua thực tiễn.

 
 

          

           Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15.10.1968  – 15.10. 2013), chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một vài khía cạnh trong  hệ thống Quan niệm của Người về nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục và vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp “trồng người’’.

              Như chúng ta đã biết, lớn lên trong một gia đình vốn coi trọng nền học vấn, kế thừa truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và đề cao vai trò của giáo dục – đào tạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục – đào tạo xuất phát từ mục đích cao cả của sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi, thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng, trong cuộc đời hoạt động của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy mà toàn bộ tư tưởng và cuộc đời hoạt động của Người  đều nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì con người và cho con người. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

             Ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công  Người đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chống: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” và ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để tổ chức thực hiện chống mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, “Muốn xây dựng CNXH phải biến một đất nước dốt nát thành một nước có nền văn hóa cao, khoa học phát triển”. Người cho rằng: “Học để làm việc , làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

            Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục  - đào tạo luôn thể hiện yêu cầu nội dung giáo dục toàn diện, đào tạo con người vừa có tài, có khả năng vươn lên chiếm lĩnh khoa học kỹ thuật lại vừa có đức; trong đó, Người coi đức là gốc của con người, của cách mạng, của công việc . Đây là tư tưởng then chốt của Hồ Chí  Minh về giáo dục – đào tạo. Người nhấn mạnh nhiệm vụ của nền giáo dục cách mạng là: “Phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân”. Giáo dục phải tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên”.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng  cố gắng học tập và rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.Tháng 9 năm 1945, nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ gửi thư cho học sinh, một bức thư đầy tình cảm và tâm huyết: “Các em hoc sinh! Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi…Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này trở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam ấy, theo Bác là: “Một nền giáo dục của một nước Độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” và Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Ngày 4 tháng 10 năm 1945, trên Báo Cứu quốc, Bác lại viết: “Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh, nước giàu. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”. Chính vì vậy mà trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần chăm  lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo lớp người thừa kế vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

        - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú trọng phương châm giáo dục thiết thực, cụ thể và khoa học. Như chúng ta đã biết, cách mạng tháng Tám thành công; chỉ sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập một ngày, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngay trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của buổi đầu mới giành được độc lập, mặc dù bộn bề biết bao công việc, giữa lúc kinh tế kiệt quệ, thiên tai, nạn đói hoành hành, thù trong giặc ngoài ra sức chống phá để tiêu diệt cách mạng, Bác đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chống: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” và ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để thực hiện chống mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải biến một đất nước dốt nát thành một nước có nền văn hóa cao, khoa học phát triển”. Người cho rằng: “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.Trong thư gửi các học sinh Trường sư phạm miền núi Trung ương nhân dip trường khai giảng ( ngày 13 tháng 3 năm 1955), vì đây là đối tượng đặc biệt nên được Bác quan tâm căn dặn: “ Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”; đồng thời Bác cũng giao nhiêm vụ: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần cho việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”. Bác cũng đã chỉ ra phương châm giáo dục hết sức khoa học: “giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tế”.  

       Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục, phải coi giáo dục – đào tạo là sự nghiệp của quần chúng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục (ngày 15.10.1968) Bác chỉ rõ: “ Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó…Các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”. Trong công tác quản lý giáo dục, Người đã chỉ thị: “phải đi sâu vào việc điều tra nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm. Chủ trương phải cụ thể, thiết thực, đúng đắn; kết hợp chặt chẽ chủ trương chính sách của trung ương với tình hình thực tế và kinh nghiệm quý báu và phong phú của quần chúng, của cán bộ và của địa phương”.Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn giành thì giờ để chỉ đạo cụ thể, sát sao các phong trào thi đua, điển hình như phong trào thi đua “Hai tốt”được phát động bắt đầu từ tiếng trống khai trường của trường cấp II Bắc Lý năm 1961, phong trào “kế hoạch nhỏ”, công tác Trần Quốc Toản…cho thiếu niên, nhi đồng nhằm tạo nên môi trường xã hội rộng lớn và thuận lợi cho công tác giáo dục.

        - Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là phương pháp giáo dục con người toàn diện. Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” và “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vì thế nền giáo dục cách mạng phải thực hiện phương pháp dạy và học mới để đạt được mục tiêu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

        Trong thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa ngày 31 tháng 8 năm 1960 Bác đã chỉ rõ phương pháp giáo dục là: “Phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Đây là những nhiệm vụ giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam mới. Người căn dặn: Phải có  phương pháp giáo dục tốt để giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên. Bởi vì, theo Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

        Ý thức được tầm quan trọng của dạy học trong nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ nói rất rõ: “Trách nhiệm vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.  Để đảm bảo cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển, để đào tạo nên những lớp người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đánh giá cao vai trò của người thầy giáo; Bác chỉ rõ vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục  là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo người làm công tác giáo dục thực sự yêu người, yêu nghề, hết lòng chăm sóc giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn  nghiệp vụ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

        Đến nói chuyện với lớp học chính trị của giáo viên năm 1959, Bác nói: “Các cô, các chú đều biết , giáo viên ngày nay không phải là “Gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy là rất vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ, để dạy cho con em ngày càng tiến bộ”. Người còn nói: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng. Người còn nhấn mạnh: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu…Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức…cho nên thầy (cô) phải gương mẫu”.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt người thầy giáo ở vị trí cao quý, nhưng Người cũng luôn đòi hỏi ở các thầy, cô giáo một trách nhiệm nặng nề. Trong thư gửi hội nghị giáo dục toàn quốc (tháng 3/1965), Người chỉ rõ: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người dạy học là: Chăm lo dạy dỗ con em nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Người cho rằng sự nghiệp “trồng người” là rất lâu dài, khó khăn và rất quan trọng; do đó, trong một lần đến thăm lớp bồi dưỡng chính trị cho giáo viên toàn miền Bắc (tháng 9/1958), Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong bức thư cuối cùng gửi cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới 1968-1969 mà ngành giáo dục coi như một Di chúc của Bác, Người dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật”.

        Thấu suốt những lời dạy của Người về công tác giáo dục; trong những năm qua, thành quả của sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Sự phát triển toàn diên, nhanh chóng cả về quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo của ngành giáo dục đã góp phần nâng cao dân trí. Chiến lược con người cũng luôn là mối quan tâm, bức xúc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nhà trường – gia đình – xã hội đã có sự gắn bó hơn.  Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có nhưng chuyển biến tích cực. Đầu tư cho giáo dục – đào tạo, xã hội hóa công tác giáo dục thực sự đã đạt được những kết quả nhất định.

        Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, nền giáo dục – đào tạo nước ta đang ẩn chứa nhiều yếu kém, bất cập mà biểu hiện tập trung đó là: Chất lượng giáo dục có mặt bị buông lỏng, giảm sút, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục mới quan tâm đến phát triển số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng, chưa gắn chặt giữa “dạy chữ”, “dạy người”, “dạy nghề”; nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chậm đổi mới; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn nhiều bất cập, đạo đức và năng lực của một bộ phận còn thấp; tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Khái quát lại, đúng như nhận định của Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước): “Nếu không thấy được chỗ yếu kém căn bản của nền giáo dục nước ta hiện nay chính là ở chỗ nhà trường ở tất cả các cấp học , bậc học chưa thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nhân cách cho học sinh, sinh viên thì không thể tạo ra sự đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Mà không đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thì mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chẳng thể nào đạt được”.

 

         Kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục; hoc tập,  nghiên cứu tư tưởng của Người về giáo dục và những bức thư Bác viết cho ngành giáo dục, tuy với nhiều đối tượng khác nhau, nhưng chúng ta đều cảm nhận được ở từng nội dung đều ẩn chứa những tình cảm, tấm lòng và tâm huyết của Người đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân, với nước. Những lời dạy của Bác tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp trồng người của Đảng và nhân dân ta. Do vậy, đẩy mạnh và đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới hôm nay là một yêu cầu cấp bách có ý nghĩa hết sức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để nhanh chóng đưa nước ta  “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn lúc sinh thời của Người.       

Nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Luận

http://pleiku.gialai.edu.vn



NGUYỄN THANH THANH
Smod "Sinh Viên 360"


Fb: facebook.com/Thanhvalent   Mail: valentdn@gmail.com


 
Các thành viên đã Thank valentdn vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024