Tâm trạng lo âu và stress dai dẳng chính là những gì đổ dầu vào những cơn thay đổi tâm trạng và thiếu hụt năng lượng, và nếu ta không chủ động thay đổi vấn đề này, ta sẽ sớm lâm vào tình trạng sức khoẻ bị đe doạ.
Đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 làm gián đoạn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đối với nhiều người, chắc hẳn đây là một quãng thời gian khó khăn vì dường như sự lo âu và không chắc chắn đang chiếm lấy cuộc sống. Đó là lý do tâm trạng và mức năng lượng của chúng ta thay đổi chóng mặt, nhưng thể mỗi ngày là một chuyến tàu lượn siêu tốc.
Đây là 8 cách nâng cao tâm trạng mà bạn có thể áp dụng ngay bây giờ để có thể tăng cao tâm trạng và năng lượng của bạn.
Nếu bạn kiên trì thực hiện theo 8 chiến lược này thì nó sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi, tăng cường tâm trạng và năng lượng của bạn. Khả năng định hướng bước đi của bạn để vượt qua sự gián đoạn và bấp bênh của cuộc sống đến từ sức mạnh thay vì sự bối rối!
1. Tập Thể Dục và Ăn Uống Lành Mạnh
Việc “tuột mood” có thể xảy ra với bất kì ai nhưng chỉ cần bạn thay đổi một chút cũng có thể khiến bạn trở nên yêu đời hơn. Việc đi bộ nhanh, chơi tennis hoặc tham gia lớp tập thể dục ngắn 30 phút là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để khiến bản thân không cảm thấy tuột mood, và rất hữu ích trong việc nâng cao tâm trạng cũng như năng lượng của bạn.
Tuy nhiên, sự kiên trì tập thể dục thường xuyên mới là cách tốt nhất để duy trì và quản lý hiệu quả tâm trạng và mức năng lượng của bạn trong cả một chặng đường dài. Cùng với việc tập thể dục, các bữa ăn có dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh là chìa khóa để duy trì mức năng lượng của bạn.
Hãy tránh đồ ăn vặt, đồ ngọt và rượu bằng mọi giá khi bạn cảm thấy chán nản và thiếu năng lượng.
Tập thể dục và ăn các bữa ăn cân bằng cũng góp phần làm giấc ngủ thêm ngon - một cách đáng kể, giấc ngủ cũng chính là yếu tố thiết yếu cho một cuộc sống lành mạnh và ổn định.
2. Thiền
Thiền tạo ra những thay đổi trong não, thúc đẩy cảm xúc tích cực và giảm cảm xúc tiêu cực - chẳng hạn như sợ hãi và tức giận. Thiền có thể giúp điều hoà nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, nồng độ adrenaline và cortisol. Cortisol là một loại hormone được tiết ra để phản ứng với căng thẳng.
Kiên trì ngồi thiền thường xuyên là một chiến lược tuyệt vời để kiểm soát căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống của bạn.
Có nhiều cách khác nhau để tiếp cận môn thiền và bạn có thể mất một khoảng thời gian kha khá để tìm ra một cách tiếp cận phù hợp với mình. Hãy chuẩn bị để khám phá và thử một vài phương pháp thiền cho đến khi bạn tìm thấy một phương pháp phù hợp với mình.
Bạn có thể coi tập yoga là bước đầu tiên. Yoga là một cách tuyệt vời để bạn tiếp cận việc thiền và tập thể dục. Ngoài ra còn có các lớp học thiền, đĩa CD sách hoặc ứng dụng điện thoại có thể giới thiệu cho bạn những phương pháp thiền thích hợp.
3. Học Cách Thư Giãn Bằng Cách Thở
Khi lo lắng và căng thẳng, chúng ta có xu hướng thở nhanh và ngắn bằng phần trên của phổi. Nếu chúng ta thở kiểu này trong thời gian dài, chúng ta có thể tình trạng mất cân bằng giữa việc hít và thở - thật đáng sợ!
Khi chúng ta ở giai đoạn này, cơ thể của chúng ta đang ở trong trạng thái được gọi là “Trạng thái khẩn cấp” và chúng ta có thể gặp các triệu chứng khó chịu về thể chất trong cơn hoảng loạn này.
Có tin tốt cho bạn là bằng cách thay đổi nhịp thở, bạn có thể đảo ngược các triệu chứng này. Khi thay đổi nhịp thở và cách thức thở, bạn có thể kích thích "phản ứng phó giao cảm" (parasympathetic response) của cơ thể. Đây là hệ thống mạnh mẽ ngang ngửa và đối lập với “Phản ứng khẩn cấp” của cơ thể và thường được gọi là “Phản ứng thư giãn” hoặc thường được gọi là “Phản ứng bình tĩnh”.
Đây là một số kỹ thuật thở khác mà bạn có thể thử sử dụng khi gặp căng thẳng hoặc sợ hãi.
Kỹ thuật “Thở Thư giãn” là một trong nhiều kỹ thuật thở có thể giúp bạn khi bạn đang thiếu năng lượng, sợ hãi, bối rối hoặc lo lắng. Nó có thể giúp cải thiện tâm trạng và năng lượng của bạn.
Kỹ thuật này cần thời gian để trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Vì vậy, hãy sẵn sàng đổ sức luyện tập vì khi biết cách thở đúng cách, bạn sẽ kiểm soát được cuộc sống của mình nhiều hơn!
Kỹ thuật “Thở Thư giãn”
- Hít một hơi dài và chậm bằng mũi, đầu tiên làm đầy phổi dưới rồi đến phổi trên.
- Giữ hơi thở của bạn đến nhịp đếm thứ ba.
- Từ từ thở ra bằng cách mím môi, đồng thời thư giãn các cơ ở mặt, hàm, vai và bụng.
4. Giao Lưu
Khi bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng và chán nản, có lẽ điều cuối cùng bạn muốn làm là ra ngoài và giao lưu với mọi người. Thỉnh thoảng mới bạn làm việc này cũng ổn thôi nhưng nếu bạn đang trong tình trạng tự cô lập, thì điều đó sẽ không giúp ích được gì cho bạn.
Cách ly xã hội rồi cũng dẫn đến cảm giác cô đơn và điều đó thúc đẩy tâm trạng buồn bã của bạn. Dành thời gian cùng người khác sẽ giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. Loài người luôn mang hơi hướng "xã hội" và khi ở cùng với người khác, chúng ta sẽ dễ dàng lãng quên đi việc suy nghĩ về bản thân.
Nếu bạn đang cảm thấy thấp thỏm, hãy cố gắng liên hệ với một người bạn hoặc thành viên gia đình mà bạn yêu quý - những người có năng lượng tích cực. Hãy ra khỏi nhà và sắp xếp thời gian gặp họ, đi uống cà phê hoặc nhấc điện thoại lên, nhắn tin hoặc gọi video cho họ. Hãy cam kết với bản thân rằng, bạn sẽ chủ động liên lạc hoặc giao lưu với ai đó mỗi khi cảm thấy chán nản.
Nếu bạn không có ai đó để dành thời gian, hãy chủ động tham gia một nhóm hoặc tìm một sở thích mới, tham gia một lớp học mới. Bạn phải tự gánh lấy trách nhiệm. Bạn có quyền lựa chọn những gì bạn có thể làm để nâng cao mức năng lượng và tâm trạng của mình.
Hãy đưa ra quyết định, nhấc chân ra khỏi nhà và kết nối với mọi người bằng một cách nào đó!
5. Tìm Mục đích và Ý nghĩa Của Cuộc Sống
Việc sống không có sự rõ ràng hoặc không biết những gì bạn muốn có thể góp phần tạo nên một mức năng lượng thấp và cảm xúc chán nản với cuộc đời. Sống có mục đích và ý nghĩa rõ ràng sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và giữ cho bạn một tinh thần minh mẫn.
Trong cuốn sách Don't Sweat the Small Stuff ... and It's All Small Stuff, Richard Carlson đã chỉ ra những chiến lược đơn giản mà bạn có thể sử dụng để ngừng thổi phồng mọi thứ, ngừng lo lắng về những điều có thể xảy ra (nhưng có thể sẽ không xảy ra đâu), ngừng ám ảnh về những điều bạn không thể thay đổi, những thứ không quan trọng, và bắt đầu sống!
Richard Carlson đã viết một loạt sách về chủ đề tương tự và thông điệp chính trong tất cả các cuốn sách của ông là: Khi bạn tìm được ý nghĩa của cuộc sống, nó sẽ mang lại cho bạn khả năng tập trung vào những điều quan trọng đối với bạn - chứ không phải những điều trong cuộc sống đang kéo bạn xuống.
6. Nhảy Nhót
Khi bạn nhảy theo một bài hát bạn yêu thích, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn! Điều này một phần là do sự giải phóng endorphin và chất dẫn truyền thần kinh tích cực cơ thể bạn cảm nhận được khi khiêu vũ, đặc biệt là khi bạn nhảy theo một bài hát bạn yêu thích.
Vì vậy, khi bạn cảm thấy thiếu năng lượng và hơi chán nản, hãy bật một bài nhạc dance yêu thích của bạn và thả mình theo điệu nhảy! Đảm bảo rằng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều!
7. Ngửi mùi hương chanh hoặc tinh dầu
Khứu giác có mối liên hệ khắng khít với trạng thái cảm xúc của bạn và chanh được cho là là một loại quả giúp tăng cường tâm trạng! Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loại tinh dầu như oải hương và húng quế có thể giúp giảm căng thẳng và tâm trạng tiêu cực. Bạc hà là một loại tinh dầu giúp tăng cường năng lượng và giảm căng thẳng, va-ni và quế cũng vậy.
Khi bạn đang bị căng thẳng hoặc thiếu năng lượng, hãy xoa kem dưỡng da có mùi thơm, nhỏ vài giọt tinh dầu vào tay và hít thở đều. Nếu bạn khó ngủ, hãy cho vào vỏ gối một miếng vải có vài giọt oải hương. Hoa oải hương sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và có một giấc ngủ sâu hơn.
8. Ôm Thú Cưng Hoặc Ôm Ai Đó Đặc Biệt Với Bạn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc vuốt ve, âu yếm hoặc thậm chí chỉ cần nhìn chằm chằm vào mắt thú cưng sẽ làm tăng nồng độ oxytocin. Oxytocin là “hormone tình yêu” cũng được tiết ra khi ôm, quan hệ tình dục hoặc khi cho con bú. Nó làm giảm mức độ căng thẳng, lo lắng và tăng cảm giác thư giãn, tin tưởng và gắn kết.
Bạn càng cưng nựng thú cưng của mình và càng ôm nhiều người thì bạn sẽ càng cảm thấy tốt hơn. Vì vậy, hãy ra ngoài và âu yếm, ôm một ai đó càng nhiều càng tốt để biết rằng bạn sẽ có thêm năng lượng và cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều về cuộc sống của mình!
Lời Kết
Khi bạn thử những phương pháp này, bạn có thể cải thiện tâm trạng và năng lượng của mình. Hãy áp dụng các chiến lược cải thiện tâm trạng này trong cuộc sống của bạn để có thể xây dựng khả năng phục hồi và khả năng đối phó với những gián đoạn và bất ổn mà bạn phải đối mặt trong cuộc sống.
----------
Tác giả: Kathryn Sandford
Link bài gốc: 8 Powerful Mood Boosters to Lift Your Mood And Energy
Dịch giả: Lâm Ngọc Hân- ToMo - Learn Something New