Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/12/2020 22:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Hành Trình Giành 4 Học Bổng Du Học Úc: Kinh Nghiệm Chọn Giáo Sư Hướng Dẫn & Đề Cương Nghiên Cứu


Mình xin chia sẽ với các bạn con đường săn học bổng của mình. Hi vọng bài viết sẽ tạo niềm cảm hứng cho các bạn trong quá trình săn học bổng của bản thân.
 
Phần 1: Mình đã dành 4 suất học bổng như thế nào?
1. Thay vì đi đường thẳng, bạn có thể đi vòng.
Bản thân mình đã có ước mơ du học từ khi còn nhỏ nhưng theo vòng xoáy cuộc đời, mình tốt nghiệp đại học rồi đi làm. Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm cho đến khi mình nhận ra bản thân vẫn còn ước mơ du học cháy bỏng.
Theo sự hướng dẫn của mentor 
Hòa Trần Xuân
, mình khoanh vùng các khu vực, các nước, xác định các yêu cầu chung và đánh giá bản thân đáp ứng được những gì. Tại thời điểm này, anh văn của mình rất yếu nên mình chưa dám nghĩ đến Úc hay Mỹ. Và thay vì đi đường thẳng đến đây, mình chọn con đường vòng.
Theo đó, mình nộp hồ sơ vào VIED để ứng tuyển HB hiệp định LB Nga, cũng như nộp học bổng giáo sư ở Hàn và Đài. May mắn thay, mình nhận được offers của cả 3 nơi. Cuối cùng mình chọn đến Hàn vì đơn giản họ cho mình học bổng nhiều nhất.
2. Tìm hiểu các tiêu chí và phấn đấu hoàn thiện
Trước khi đi Hàn, mình có tìm hiểu các yêu cầu để có thể xin học bổng PhD ở Úc. Trong đó có yêu cầu cơ bản nhất là bài báo khoa học và anh văn. Theo đó, trong khóa học ở Hàn, mình cố gắng cày cuốc để có được một số bài báo quốc tế, cũng như dành thời gian ôn luyện anh văn. Quả là trời không phụ lòng người, mình hoàn thành các mục tiêu với 3 bài báo SCI và anh văn vừa đủ yêu cầu IELTS 6.5 trước thời gian kết thúc khóa học.
 
3. Nhiều lúc bạn nghĩ bạn sẽ thành công nhưng bạn lại thất bại. Hãy có những phương án dự phòng.
Với thành tích tốt thời đại học, cao học và nhờ sự đánh giá của anh Phong Nguyen, mình quyết định nộp hồ sơ vào chương trình Endeavour của Úc. Tuy nhiên, đời không như là mơ, mình trượt vỏ chuối 1 cách chống vánh. Mình cũng nộp và lần lượt trượt HB RTP trường James Cook, Wollongong, New South Wales. Mình trượt luôn học bổng dự án trường Sydney, dù đã được vào vòng PV cuối cùng. Buồn quá, mình chuyển qua NZ. Sau một đêm rải hồ sơ, và qua vài vòng PV những ngày sau đó, mình được nhận vào một dự án ở trường đại học Auckland.
Trong thời gian này mình cũng vượt qua các vòng xét duyệt và phỏng vấn chương trình VEF2.0 để đến Mỹ. Tuy nhiên, vì mình đã được hb bên NZ, nên mình từ chối hỗ trợ này.
Cuối năm 2018, mình hoàn thành khóa học ở Hàn và từ chối học PhD ở đây để quay về VN.
4. Không vội vàng quyết định, biết đâu những thứ hay ho khác sẽ tới.
Trong tg chờ đợi trường Auckland hoàn thành các thủ tục hồ sơ, 1 vụ xả súng ở NZ làm mình sợ quá. Mình quyết định hoãn lại thời gian nhập học ở NZ và tiếp tục quay lại các trường bên Úc. Mình 1 lần nữa nộp học bổng RTP ở UTS, và Monash. Trong lúc này, một thầy mình đã liên hệ trước đây ở Adelaide vừa chuyển sang trường Texas State, Mỹ cũng gửi thư cho mình về cơ hội làm việc với thầy ở trường mới. Thế rồi, mình tiếp tục apply và thật may mắn, mình trúng cả 3 trường trong giai đoạn này.
5. Sẽ có phần thưởng cho những nỗ lực của bạn.
Trong suốt con đường mình đi, mình luôn nghĩ rằng sẽ có phần thưởng cho người thật sự cố gắng. Nghĩ vậy, nên dù có nhận lấy các thất bại, mình vẫn tiếp tục nổ lực. Và rồi quả ngọt đã đến vs mình. Vậy nên, các bạn hãy tin tưởng bản thân, hãy cố gắng, làm từng bước một và đừng nóng vội. Nhất định sẽ có học bổng phù hợp với bạn, dù là đường thẳng hay đường vòng!
 
Phần 2: Kinh nghiệm tìm giáo sư hướng dẫn
 
Tìm được một giáo sư (GS) hướng dẫn - supervisor (Sup) tốt không những giúp tăng khả năng đạt học bổng mà còn giúp chúng ta có được sự hỗ trợ, định hướng tốt trong quá trình học về sau. Dưới đây là một số kinh nghiệm của bản thân mình trong việc tìm, liên hệ và chọn giáo sư hướng dẫn!
 
1. Hãy khoanh vùng và tìm kiếm
Trước khi tìm Sups, mình thường khoanh vùng khu vực mình muốn đến học. Sau đó lên danh sách các trường tại đây và xếp hạng của các trường này. Mình thường bắt đầu bằng các trường tầm trung rồi các trường top (nếu khả quan) hoặc các trường hạng dưới (nếu không liên hệ được ai ở trường tầm trung). Có danh sách các trường rồi, mình vào trang web của khoa, tìm đến các giáo sư hiện đang làm việc ở đây. Thường thì mỗi khoa sẽ chia thành các bộ môn nhỏ hơn. Mình lần lượt xem sơ qua hồ sơ của các giáo sư ở bộ môn, lĩnh vực mình muốn nghiên cứu hoặc có thế mạnh. Cuối cùng, mình chọn ra 1-2 giáo sư - làm mình hứng thú nhất.
Người mình chọn trong bước đầu này thường thỏa các yêu cầu sau: có funding dồi dào, số lượng sinh viên tương đối, có công bố nghiên cứu đều đặn hằng năm, và hiện đang có dự án mới. Thông thường các giáo sư trẻ hoặc vừa về trường sẽ rất cần sinh viên, nên nếu chọn những GS này, xác xuất các GS liên hệ lại sẽ cao hơn. Tuy nhiên làm việc với giáo sư trẻ, rất có thể bạn sẽ áp lực về sau. Đối với các giáo sư đã lên full, thông thường, họ có số lượng sinh viên cố định và để họ quan tâm đến, mình thường chuẩn bị 1 đề cương rất chi tiết và bám theo các dự án sắp mở của họ.
Ngoài ra mình cũng tìm hiểu thông tin về các giáo sư thông qua network ngành nghề, hay các hội thảo chuyên ngành. Thông qua các kênh này, mình thường biết được thông tin những GS nào hiện đang cần tìm sinh viên, các nghiên cứu và yêu cầu của họ.
 
2. Liên hệ một cách hiệu quả
Tìm được người hướng dẫn tiềm năng rồi, mình tiến hành liên hệ giáo sư thông qua email. Tuy nhiên, để liên hệ một cách hiệu quả, mình thường chú ý tới những vấn đề sau:
 
  • Chọn ra 1 cấu trúc email phù hợp.
Mình thường chọn ra một vài cấu trúc thư mà có thể sử dụng cho tất cả các trường hợp liên hệ giáo sư (cả xin hướng dẫn lẫn xin học bổng). Cấu trúc 1 email của mình thường gồm những nội dung như: tôi là ai; tôi rất hứng thú về nghiên cứu của ông, nhất là vấn đề mới đây về …; nhờ vào các nghiên cứa này, tôi nảy ra 1 ý tưởng mới là …; tôi đang định học (MS or PhD) và đang tìm kiếm người hướng dẫn; ông có thể làm Sup của tôi được không?
 
  • Chỉ liên hệ 1 GS ở một khoa trong 1 khoảng thời gian.
Mình thường sẽ gửi thư cho nhiều GS ở các trường khác nhau và không liên hệ cùng lúc 2 GS ở cùng một khoa trong một khoảng thời gian. Việc này để tránh các rắc rối về sau - nếu như cả hai đều muốn nhận và mình phải từ chối 1 trong 2 người họ.
 
  • Chọn thời gian gửi thư hợp lý
Mình thường chọn thời gian gửi thư sao cho thư đến với GS ngay trước giờ làm việc vào buổi sáng để đảm bảo rằng thư của mình sẽ xuất hiện đầu tiên và tạo ra sự tò mò cho người đọc.
 
  • Nên đính kèm CV và RP
CV và RP nên được đính kèm thay vì viết dài dòng và lan man trong email. Trong trường hợp hứng thú, các GS sẽ yêu cầu gửi thêm các thông tin cần thiết khác.
 
  • Chuyển sang GS khác
Thực tế là không phải lúc nào mình cũng nhận được phản hồi từ GS. Theo kinh nghiệm, nếu vẫn chưa nhận được hồi âm trong vòng 1 tuần, mình sẽ viết 1 thư khác để hỏi xem liệu GS có nhận được thư của mình?! Trong trường hợp cả 2 thư của mình đều không được trả lời, mình sẽ chuyển sang GS khác.
 
  • Giữ liên lạc
Khi đã nhận được các phản hồi tích cực. Mình luôn đảm bảo việc trả lời thư của Sup một cách đầy đủ, rõ ràng, và nhanh chóng. Trong suốt quá trình nộp học bổng, mình vẫn giữ liên hệ và chuyển tiếp cho GS các thông tin quan trọng. Nhờ vậy mà ngay cả khi mình có nhận được học bổng hay không, các GS mình liên hệ vẫn nhớ tới mình và sẵn sàng hỗ trợ mình về vấn đề chuyên môn.
 
Tạm kết: Trên đây mình vừa trình bày một số kinh nghiệm trong việc liên hệ GS hướng dẫn - Supervisor. Đối với mình, con người gặp nhau là do duyên số. Vậy nên, dù có cơ hội làm việc với nhau hay không, hãy luôn trân trọng các mối quan hệ chúng ta có được. Biết đâu, đó sẽ là chìa khóa cho thành công của chính chúng ta trong tương lai?!
 
Phần 3: Kinh nghiệm chuẩn bị đề cương nghiên cứu để xin học bổng:
Chuẩn bị 1 đề cương nghiên cứu hay Research Proposal (RP) là yêu cầu bắt buộc đối với học bổng sau đại học. Vậy làm thế nào để chuẩn bị 1 RP tốt và làm mạnh hồ sơ của mình? Dưới đây mình xin chia sẽ 1 vài kinh nghiệm bản thân đúc kết được trong quá trình chinh phục học bổng của bản thân.
RP là một đề cương trình bày đề tài hay hướng nghiên cứu của bản thân. Với RP, mình muốn cho hội đồng xét duyệt thấy rõ mình sẽ làm nghiên cứu gì, làm ra sao, và nó có đóng góp gì cho thực tiễn. Quá trình hoàn thiện 1 RP của mình gồm 3 bước như sau: lên ý tưởng, soạn thảo đề cương, hiệu chỉnh.
Bước 1: Lên ý tưởng
Trước khi bắt tay vào việc soạn 1 đề cương nghiên cứu, mình liên tục tìm kiếm ý tưởng bằng việc đọc các bài báo khoa học của các giáo sư mình muốn làm việc cùng. Các ý tưởng và hướng nghiên cứu của họ thường sẽ xuất hiện ngay ở phần tóm tắt (abstract) và kết luận (conclusion). Mình ghi lại các ý tưởng này và liên kết chúng với kiến thức của bản thân. Mình tự hỏi, "liệu có thể áp dụng điều này vào điều kia hay không?", "kiến thức của mình có thể giải quyết được câu hỏi mà các bài báo kia mong muốn giải quyết không?" Cuối cùng mình chọn ra ý tưởng mới (lấy làm tên đề tài), vừa kết hợp hiểu biết của bản thân, vừa đi theo hướng của giáo sư hướng dẫn.
Bước 2: Soạn thảo chi tiết RP
Việc đầu tiên cần làm ở giai đoạn này là xác định cấu trúc 1 RP. Tùy vào trường bạn nộp hồ sơ, đề cương của bạn có thể có các cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, 1 đề cương sẽ cần có những phần sau đây:
1. Giới thiệu – Introduction
Theo kinh nghiệm bản thân, phần giới thiệu chính là phần quan trọng nhất, quyết định 1 đề cương nghiên cứu tốt. Trong phần này mình thường trình bày sơ lược các nghiên cứu gần nhất, các ý tưởng, kết quả và hạn chế của các phương pháp hiện tại. Từ đó, mình nêu lên ý tưởng của bản thân và triển vọng đóng góp của ý tưởng này trong tương lai ra sao.
2. Mục tiêu nghiên cứu - Research aims
Phần này mình tóm gọn các kết quả mong muốn đạt được từ nghiên cứu.
3. Phương pháp nghiên cứu – Research methodologies
Tùy vào từng đề cương cụ thể mình liệt kê các phương pháp nghiên cứu phù hợp. Nhìn chung, có 2 phương pháp hay được sử dụng trong nghiên cứu nhất là phương pháp lý thuyết và phương pháp thực nghiệm. Mình thường chọn kết hợp cả 2 phương pháp.
4. Kế hoạch nghiên cứu – Research plan
Trong phần này mình thường lên 1 bảng kế hoạch bao gồm các mốc thời gian bên trên, các công việc cần thực hiện bên trái. Các ô trống sẽ được tô màu theo mốc thời gian. Các công việc cần thực hiện thường bao gồm việc đọc tài liệu các nghiên cứu liên quan, thực hiện thí nghiệm hay thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, viết báo và luận văn.
5. Reference
Phần này đơn giản chỉ là việc liệt kê lại các tài liệu mình đã tham khảo và có trính dẫn trong đề cương. Mình thường dùng phần mềm Endnote để trích dẫn tự động.
Bước 3. Hiệu chỉnh
Đây là bước khá quan trọng và mình thường làm lại bước này nhiều lần. Để hiệu chỉnh hiệu quả, mình thường nhờ các tiền bối, đôi khi là nhờ cả giáo sư - mình muốn làm việc cùng xem qua và góp ý. Ở bước này, có nhiều lần mình phải quay lại bước 1 để chọn ra ý tưởng khác. Lúc đầu, mình cảm thấy khá thất vọng và chán nãn; nhưng nhiều lần thành thói quen, mình cảm thấy thoải mái hơn và RP của mình trở nên thuyết phục hơn sau mỗi lần hiệu chỉnh. Trong giai đoạn này mình hay hỏi bản thân rằng: “Nếu mình là người xét hồ sơ, RP này có đủ sức thuyết phục mình hay không?”
Trên đây là sơ lược về kinh nghiệm soạn thảo 1 đề cương nghiên cứu của bản thân mình. Tùy vào ngành học và trường của các bạn mà cấu trúc đề cương có thể khác đi. Đề cương nộp ở bước xin học bổng này có thể là đề tài bạn sẽ theo đuổi trong quá trình học nhưng cũng có thể sẽ được thay đổi khi bạn tham gia khóa học. Vì vậy, bạn có thể thỏa thích viết và lên ý tưởng trên trời, dưới đất. Miễn là ý tưởng có đóng góp thiết thực, bạn sẽ thuyết phục được hội đồng xét duyệt mà thôi!
Tạm kết:
Đối với mình, hoàn thiện 1 đề cương nghiên cứu cũng là xác định mục tiêu học tập của bản thân. Khi bạn biết rõ mình muốn làm điều gì thì chắc chắn bạn sẽ làm được!
Theo Nguyễn Dương Hoàn (Đăng tải tại SBS Scholarship Hunters)
 
 
Ybox.vn



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024