Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/10/2020 22:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 5 Câu Hỏi Bạn Cần Trả Lời Trước Khi Chọn Một Người Cộng Sự Cho Công Việc Kinh Doanh


Việc ra mắt một doanh nghiệp khá giống như trò tung hứng trong rạp xiếc. Để đảm bảo rằng bạn sẽ trình diễn tốt, người đồng sáng lập có thể đóng vai trò như một người hỗ trợ. Nhưng nếu quá trình lựa chọn “đồng minh” không được thực hiện đúng cách, việc có thêm một người cùng điều hành sẽ là một thảm họa. Mặc dù bạn muốn tìm kiếm người có thể điền khuyết cho mình, nhưng bạn cũng nên tránh xa những người sẽ hủy hoại danh tiếng của bạn, đó là những người không thống nhất về tinh thần làm việc hoặc đặt ra những mục tiêu quá khác biệt với bạn.

Có một người đồng sáng lập đồng nghĩa với việc phân chia hào quang cũng như trách nhiệm, vì vậy hãy đảm bảo người đó xứng đáng với những điều ấy. Dưới đây là một số lời khuyên từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp - được đúc kết từ kinh nghiệm - về việc chọn người đồng sáng lập cho các công cuộc khởi nghiệp mới.

 
Lợi Ích Của Việc Có Một Người Đồng Sáng Lập So Với Việc Độc Hành Là Gì?  

Người đồng sáng lập có thể bổ trợ thêm các kỹ năng sẵn có của bạn, đồng thời lấp đầy những khiếm khuyết trong các lĩnh vực khác. Các bạn đôi khi sẽ có thể tranh luận với nhau về các ý tưởng khác biệt, gây dựng nên những quan điểm mới và tiếp cận các quyết định từ các góc độ khác nhau.

Theo Anthony Rose - người sáng lập và Giám đốc điều hành của SeedLegals - cho biết bất kỳ công ty khởi nghiệp mới nào cũng cần có ba vai trò cốt lõi: người của thị trường (người hiểu rõ khách hàng của mình và có khả năng đưa ra tầm nhìn cho công ty), người thực hiện sản phẩm (người có thể xây dựng và tạo ra sản phẩm, chẳng hạn như giám đốc kỹ thuật) và người kinh doanh (người sẽ làm việc với dòng tiền và biết cách khiến doanh nghiệp có thể được đầu tư).

Rose nói: “Hiếm khi có một người đảm nhận cả ba vai trò”. Anh ấy khuyên, bạn nên quyết định trước bạn là kiểu người nào trong ba mô tuýp trên hoặc liệu bạn có thể đảm đương nhiều vai trò hay không. “Sau đó, hãy tìm một người đồng sáng lập để đảm nhiệm các vai trò còn lại như một sự bổ sung cho bạn.”

Cần lưu ý rằng ngày nay, thực tế tất cả các công ty đều có yếu tố công nghệ và một người đồng sáng lập có chuyên môn về công nghệ có thể là một lợi thế quan trọng khi tuyển dụng và dẫn dắt một đội bao gồm những nhân viên công nghệ. Đối với Dina Bayasanova - người sáng lập PitchMe - cho rằng “có một người đồng sáng lập có thiên hướng kỹ thuật là rất quan trọng trong việc xác định các vấn đề công nghệ của một công ty và xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả ngay từ những ngày đầu tiên."

Nếu bạn đang đấu tranh để đưa ra quyết định, hãy lập danh sách tất cả các giai đoạn phát triển chính trong tương lai của công ty và ước tính xác suất thành công nếu bạn đồng hành cùng với người đồng sáng lập mà bạn đã chọn.

 
Bạn Nên Tìm Kiếm Điều Gì Ở Một Người Đồng Sáng Lập?
Nhiều doanh nhân lựa chọn một người đồng sáng lập mà họ đã biết trước rằng họ có thể làm việc hiệu quả cùng nhau. Dan Wheatley từ StraightTalk Consulting nói: “Tôi sẽ không tìm kiếm người đồng sáng lập ở bên ngoài để bắt đầu kinh doanh. Tôi muốn tìm một người mà tôi đã quen biết và đã từng làm việc với họ trước đây."

Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của R3SET - Barton Warner đồng ý: "Việc các bạn hợp nhau có thể là một điểm cộng vì nó có nghĩa là bạn có thể tập trung sức lực của mình vào khách hàng mà thôi, và không phải lăn tăn về người cộng sự."

Người đồng sáng lập của bạn thông thường nên làm cùng ngành với công ty khởi nghiệp của bạn và đó là một điểm cộng lớn nếu họ đã có kinh nghiệm thành lập một công ty. Nhưng họ cũng cần phải có các kỹ năng khác biệt so với bạn, vì nhờ thế các bạn có thể cùng nhau bao quát rộng các nền tảng căn bản. Điều này cũng có ý nghĩa tương tự ở cách thức làm việc.

Rose nói: “Nếu bạn thuộc kiểu người vô cùng lạc quan, hãy tìm kiếm một người đồng sáng lập có óc phán đoán từ một chút bi quan. Nếu bạn là người có tầm nhìn xa, hãy hợp tác với một người thực tế nhiều hơn”. Làm việc với người đối nghịch bổ sung với bạn có thể đảm bảo kế hoạch và tiến độ công việc của bạn không bị lệch pha.

Động lực làm việc và sự tương quan về giá trị giữa những người sáng lập cũng đóng vai trò quan trọng. Người đồng sáng lập nên chia sẻ cùng quan điểm làm việc với bạn, nếu không các bạn sẽ không hiểu nhau, điều này ảnh hưởng đến sức bền của bạn khi gặp phải khó khăn. David Dorr, đồng sáng lập của Coro Global Inc. nhấn mạnh rằng: "Có nhiều người sáng lập đồng nghĩa là tất cả bọn họ cần phải chia sẻ chung niềm đam mê với các trọng trách cần thực hiện. Điều đó sẽ khiến họ vững vàng hơn khi đối mặt với nghịch cảnh."

Josh Clemente, người đồng sáng lập của Levels, cho biết thêm: “Những người đồng sáng lập cần phải tin tưởng vào nhau để duy trì sự phát triển. Bởi lẽ thời điểm khi ra mắt công ty khởi nghiệp của mình, nhóm sáng lập của tôi đã phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề hóc búa. Vì vậy, chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ, lần lượt xử lý từng vấn đề và tiến hành hoàn thành mọi thứ ở quy mô đáng kinh ngạc. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tin tưởng và minh bạch giữa chúng tôi"

 
Bạn Nên Tránh Điều Gì Khi Tìm Kiếm Một Người Đồng Sáng Lập?

Những tuýp người kinh điển nên tránh bao gồm những người đã chia tay trong bất hòa với các đối tác kinh doanh trong quá khứ hoặc những người mang tiếng xấu là khó làm việc cùng. Tốt nhất cũng nên tránh những người theo đuổi vẻ hào quang bề ngoài, thoải mái với việc nói dối và không cân nhắc tác động lâu dài của một vấn đề. Ngoài ra, đối với Dorr, việc cân nhắc xem liệu một người đồng sáng lập tiềm năng có chính trực hay không là ưu tiên hàng đầu.

"Bất kể giá trị của nhóm sáng lập là gì, những giá trị này sau cùng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ văn hóa doanh nghiệp. Sự thiếu chính trực sẽ khiến nhân viên và các nhà đầu tư bỏ chạy và có thể đánh chìm bất kỳ công ty khởi nghiệp nào."

Kiến thức bề mặt đơn thuần sẽ không giúp ích gì trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, vì vậy bạn phải đảm bảo rằng người đồng sáng lập của bạn không thiếu kiến thức chuyên sâu khi nói đến chuyên môn trong ngành, chuyên môn cá nhân hoặc trực giác kinh doanh. Đừng ngần ngại hỏi những người đồng sáng lập tiềm năng xem liệu họ đã ra mắt các bài báo khoa học nào chưa? thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào hoặc sản xuất nội dung khác biệt nào trong lĩnh vực của họ hay không? Kiểm tra trang mạng xã hội của họ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về tính cách và chiều sâu trong phân tích của họ.

Bạn nên đảm bảo rằng người đồng sáng lập của bạn sẵn sàng bỏ ra vốn liếng của bản thân trong bất kỳ cuộc chơi nào. Lý tưởng nhất là họ nên đầu tư thời gian và tiền bạc của mình vào các công việc kinh doanh và lý tưởng mà họ theo đuổi. Bên cạnh đó, những người không liên hệ tài chính của bản thân vào cuộc chơi cho thấy rằng họ thích chấp nhận rủi ro với tiền của người khác!

Một số dấu hiệu cảnh báo này sẽ thể hiện ngay từ những cuộc gặp đầu tiên của bạn với các đối tác tiềm năng, nhưng bạn cũng nên thường xuyên hỏi ý kiến từ những người bạn chung - và thậm chí cả những người chủ cũ của họ - để biết ý quan điểm sâu sắc của họ về những người này.

 
Bạn Có Thể Tìm Cộng Sự Lý Tưởng Của Mình Ở Đâu?
Mạng lưới bạn bè của bạn là nơi tốt nhất để tìm người đồng sáng lập. Ngoài ra, nếu bạn đang hoạt động sôi nổi trong ngành của mình, đối tác phù hợp có thể đang ở ngay trước mắt bạn, cụ thể là trong các hội thảo trực tuyến, hội nghị hoặc thậm chí là chính đối thủ cạnh tranh.

“Nếu bạn không có ai đó trong mạng lưới của mình..”, Wheatley nói, “..đã đến lúc bạn cần kết nối nhiều hơn”. Đặt chân vào những cánh cửa cơ hội bằng cách nâng cao sự hiện diện của bạn trong ngành và với các cá nhân cụ thể - bằng việc tham gia các sự kiện, chủ động tự giới thiệu mình, đăng trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc bắt đầu viết một nội dung hấp dẫn để khơi dậy cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp trong ngành.

Đồng thời, hãy thử mạo hiểm vượt ra khỏi vùng an toàn của bạn và xem xét những người có nền tảng và tầm nhìn chiến lược đa dạng. Mọi doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi từ những cá nhân có profile độc đáo - những profile khác với khuôn mẫu truyền thống.

"Hãy tìm kiếm sự đa dạng để làm cho công ty và bản thân bạn vững mạnh hơn ngay từ đầu, và đừng coi điều này như một thứ "bổ sung" mà bạn sẽ thực hiện sau", Dorr đưa ra lời khuyên.

Là một nhà tuyển dụng, bạn có trách nhiệm minh bạch về mục tiêu của mình với các đối tác tiềm năng. Điều đó sẽ giúp bạn lọc ra những người đang đi theo hướng khác với bạn. Ví dụ như trường hợp bạn muốn công ty khởi nghiệp của mình nhanh chóng được mua lại, thì khi đó đối tác tiềm năng của bạn đặt tâm huyết vào việc xây dựng danh tiếng cho chính họ. Những mục tiêu không phù hợp như vậy tốt nhất nên được quán triệt ngay từ đầu.

 
Làm Thế Nào Để “Chốt Deal” Hợp Tác Với Một Cộng Sự Mà Bạn Đã Tìm Được?
Thông thường, một người đồng sáng lập trở thành chính thức khi vốn chủ sở hữu đã được phân bổ. Bạn có trách nhiệm thương lượng số lượng cổ phiếu bạn muốn chia với đối tác mới của mình. Nhiều doanh nhân đề nghị chia tỷ lệ 50-50 để công bằng, trong khi những người khác ủng hộ việc phân chia cổ phần dựa trên giá trị hoặc đóng góp của người đồng sáng lập.

Wheatley nói rằng "một sai lầm phổ biến là giao cho ai đó 10% cổ phần và mong đợi họ làm cùng số lượng công việc với bạn". Dorr tin rằng phân bổ đều là cách tốt nhất, “trừ khi người cộng sự đang đầu tư tài chính đáng kể”. Nghĩa là, nếu một trong hai người có nhiều tiền hơn đầu tư vào công ty, hãy suy nghĩ lại về tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Nếu bạn đang cân nhắc bổ nhiệm vốn chủ sở hữu dựa trên đóng góp của những người đồng sáng lập, hãy xem xét kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn, số tiền đầu tư và trách nhiệm của họ. Rose khuyên bạn nên nhìn vào tương lai để đi đến quyết định cuối cùng: “Hãy tưởng tượng rằng các bạn sẽ đồng hành cùng nhau một hoặc hai năm nữa. Vì thế nên hãy hình dung khả năng đầu tư và giá trị của mỗi người đồng sáng lập sẽ như thế nào tại thời điểm đó? Ngẫm nghĩ về điều đó để quyết định mức phân chia phù hợp"

Thêm vào đó, cho dù chọn phương án nào bạn nên có sẵn “lưới pháp lý” an toàn. Một trong số đó là có một lịch trình chuyển nhượng cổ phần cụ thể, có nghĩa là bất kỳ vốn chủ sở hữu nào đã được chuyển giao sẽ tiếp tục được phân bổ lại theo thời gian, thay vì cố định một lần duy nhất. Không có lịch trình chuyển nhượng cổ phần cụ thể có nghĩa là bạn dễ bị rơi vào tình huống đồng sáng lập của mình đột ngột rời đi và giữ vốn chủ sở hữu của họ mà không đóng góp tương xứng cho công ty. Rose cũng gợi ý những người đồng sáng lập nên có các thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ngay từ đầu.

“Những cấu trúc pháp lý này có thể giúp sự phân chia diễn ra trong hòa bình nhất có thể vì chúng đặt ra hướng đi cụ thể cho các bước tiếp theo”, Rose cho biết.

Bên cạnh vốn chủ sở hữu, việc xác định cam kết về thời gian, tiền lương và quyền biểu quyết sẽ giúp quá trình “chốt deal” hợp tác với người đồng sáng lập tiềm năng diễn ra nhanh hơn. Viết ra những gì mà các bạn đã quyết định vào hợp đồng càng sớm càng tốt trong vòng đời của công ty và xem lại hợp đồng nếu các thỏa thuận trước đó không được tuân thủ. Dorr khuyên bạn nên sử dụng “OKR hoặc KPI để đảm bảo rằng nhóm sáng lập mang lại kết quả thực tế”. Hãy coi hợp đồng giữa các bạn như một “hôn ước” giữa những cặp vợ chồng vừa mới kết hôn, ở đó các bạn nêu rõ tầm nhìn và cách thực hiện mục tiêu.

Nếu bạn đã quyết định làm việc với một người đồng sáng lập, bạn cần thực hiện nghiêm túc từng bước để đảm bảo sự hợp tác đó phù hợp với bạn và doanh nghiệp của bạn. Cả hai bạn sẽ phải cam kết làm việc toàn thời gian để bắt đầu và hành động linh hoạt trên con đường phía trước. Và mặc dù không có khuôn mẫu nào để đồng sáng lập một doanh nghiệp, nhưng nếu bạn sử dụng lời khuyên của những người đi trước, bạn có thể nhanh chóng phát hiện rằng những con số cụ thể thực sự có sức mạnh.

----------
Tác giả: Bryan Janeczko

Link bài gốc: 5 Expert Tips on How to Choose a Co-Founder for Your New Business

Dịch giả: My Kiệt - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024