Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/04/2020 22:04 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
8 chứng chỉ chuyên sâu nổi bật nhất về tài chính ở Việt Nam


Chứng chỉ nghề nghiệp trong ngành tài chính - kế toán như là những tấm giấy thông hành giúp bạn có thể cung cố nền kiến thức vững chắc và đạt được sự thăng tiến trong suốt sự nghiệp của mình. Hôm nay, mình xin nói về 8 chứng chỉ chuyên sâu nổi bật nhất về tài chính ở Việt Nam.

1. Chứng chỉ ACCA

 

ACCA (the Association of Chartered Certified Accountants) - Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc được thành lập năm 1904, đã mang đến cho giới chuyên môn ngành tài chính, kế toán và kiểm toán một chương trình chuyên nghiệp được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Hiện nay, ACCA là hiệp hội nghề nghiệp có sự phát triển nhanh và lớn nhất thế giới với hơn 170.000 hội viên và 436.000 học viên ở hơn 183 quốc gia trên toàn cầu. Chương trình ACCA giúp cho học viên có các kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, kế toán tài chính một cách cân bằng. Chương trình học ACCA được thiết kế dựa trên kết quả thu được từ cuộc khảo sát với hơn 30.000 tình nguyện viên (trong đó có hàng nghìn tình nguyện viên là các nhà tuyển dụng đến từ nhiều công ty lớn trên thế giới) và được tham khảo từ những nghiên cứu mới nhất nhằm đáp ứng đúng đủ nhu cầu phát triển chuyên môn cho các ngành tài chính hiện tại. Nhiều nhân viên kế toán, kiểm toán, chuyên gia tài chính có thâm niên trong nghề vẫ theo đuổi chương trình ACCA.

 Cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến với chứng chỉ ACCA
  • CEO
  • CFO
  • Chief Risk Officer
  • Quản trị tài chính
  • Quản trị doanh nghiệp
  • Kế toán quản trị
  • Kiểm toán
  • Tư vấn thuế
  • Kiểm soát và quản lý ngân sách
  • Phân tích đầu tư
  • Ngân hàng
  • Lập kế hoạch tài chính
 Điều kiện theo học chứng chỉ ACCA
  • Sinh viên năm 2, 3 và 4 đại học chuyên ngành (đã hoàn tất những môn chuyên ngành) hoặc có chứng chỉ kế toán và kinh doanh của ACCA (thuộc chương trình FIA) hoặc có chứng chỉ CAT.
  • Đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
 Điều kiện đạt được chứng chỉ ACCA
  • Thi đậu 14 môn của chương trình ACCA (điểm đậu là từ 50% trở lên)
  • Hoàn thành môn Đạo đức nghề nghiệp
  • Có 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan

Hiên tại chứng chỉ ACCA được rất nhiều chuyên gia cũng như các bạn sinh viên lựa chọn. Chứng chỉ ACCA cũng đã được rất nhiều Vùng quốc gia và lãnh thổ công nhận về trình độ.

2. Chứng chỉ CPA Australia

 

Chương trình CPA Australia là một chứng chỉ Kế toán công chứng hàng đầu được đào tạo bài bản. Chứng chỉ này được công nhận bới các doanh nghiệp, tổ chức ở Úc cũng như trên toàn thế giới. Chương trình được thành lập từ năm 1886 và tính đến nay đã 127 tuổi với hơn 144.000 thành viên tại hơn 127 quốc gia, trên 30.000 thành viên nắm giữ vị trí cấp cao, ví dụ như Giám đốc điều hành, Giám đốc Tài chính.

 Đối tượng tham gia Chương trình CPA Australia

Bất kỳ ai cũng có thể tham gia Chương trình CPA. Sau khi bạn chứng minh được bạn đã đáp ứng các yêu cầu về kiến thức cơ bản, bạn có thể bắt đầu Chương trình CPA cấp độ chuyên ngành. CPA Australia sẽ đánh giá quá trình học tập trước đây của bạn để quyết định xem bạn có đủ điều kiện tham gia hay không.

 Làm thế nào để trở thành một CPA

Để trở thành một CPA, bạn phải hoàn thành Chương trình CPA và phải có bằng cử nhân đại học hoặc sau đại học được CPA Australia công nhận. CPA Australia là một trong những chứng chỉ kế toán-kiểm toán được các nhà lãnh đạo trong các tổ chức trong nước và quốc tế đặc biệt coi trọng.

3. Chứng chỉ CPA Việt Nam

 

Chương trình CPA Việt Nam ở Việt Nam không thuộc chương trình đào tạo bằng cấp để phong học hàm, học vị như Thạc sỹ, Tiến sỹ… CPA Việt Nam là chương trình đào tạo thực hành nghề nghiệp, được Nhà nước thừa nhận (Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp Chứng chỉ) và có giá trị thực tiễn rất cao.. Trên Thế giới, CPA VN chưa được công nhận, nhưng Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam hiện đã là thành viên thứ 78 của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) và là thành viên chính thức thứ 7 của Hiệp hội Kế toán ASEAN (APA)

 Điều kiện tham dự kỳ thi CPA Việt Nam
  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư 129/2012/TT-BTC.
  • Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ 60 tháng trở lên tính từ tháng tốt nghiệp ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi (hoặc thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 48 tháng trở lên tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đến thời điểm đăng ký dự thi.

Như vậy, để tham dự kỳ thi CPA Việt Nam bạn cần có 4 năm kinh nghiệm đối với vai trò là một trợ lý kiểm toán viên hoặc 5 năm kinh nghiệm với vai trò là một nhân viên kế toán - tài chính. Đây là thời gian cần thiết để tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức để có đầy đủ khả năng vượt qua kỳ thi và trách nhiệm sau khi có được chứng chỉ CPA Việt Nam.

 Môn thi, hình thức và thời gian làm bài
  • 6 môn thi viết, thời gian làm bài 180 phút/1 môn, bao gồm:
    • Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp
    • Tài chính và quản lý tài chính nâng cao
    • Thuế và quản lý thuế nâng cao
    • Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao
    • Kiểm toán và dịch vụ đảm bảo nâng cao
    • Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.
  • 1 môn Ngoại ngữ (trình độ C), thi viết trong 120 phút của 1 trong 5 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc

Hoàn thành và đậu kỳ thi này bạn đã có chứng chỉ CPA Việt Nam

4. Chương trình ICAEW ACA

 
Chương trình ICAEW ACA được thành lập vào năm 1818 theo Hiến chương Hoàng gia. Hiện tại chương trình ICAEW ACA đang có 140.000 thành viên có trụ sở tại hơn 165 quốc gia khác nhau. Có 67% số công ty FTSE tại Anh Quốc có ít nhất một thành viên ACA đảm đương các vị trí cao trong công ty.
 Điều kiện để nhập học:

Chương trình ICAEW ACA không yêu cầu học viên phải thi đầu vào. ACA dành có mọi đối tượng:
 

  • Học sinh tốt nghiệp THPT
  • Sinh viên đại học hoặc đã tốt nghiệp Đại học
  • Người đã đi làm (hoặc muốn làm việc) trong thế giới kinh doanh và tài chính
 Điều kiện để đạt được chứng chỉ ICAEW ACA

Hoàn tất chương trình học ICAEW ACA gồm 15 môn với 3 cấp độ
Thời gian hoàn tất dự kiến khoảng 3 đến 5 năm.

Nhìn chung ICAEW ACA mới du nhập vào Việt Nam và hiện đang làm Marketing khá tốt. Liên kết với nhiều công ty về tài chính, trường đại học để quảng bá, tổ chức cuộc thi, trao học bổng,... Đây là cơ hội tốt để theo học chương trình ICAEW ACA với mức giá ưu đãi và được chăm sóc tận tình.
 

5. Chương trình CFA

 
Chương trình CFA (viết tắt của: Chartered Financial Analyst) là một chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực: chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Chứng chỉ CFA được đánh giá rất cao bởi các công ty, nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh trên toàn thế giới. Chương trình CFA tập trung vào kĩ năng quản lý danh mục đầu tư và phân tích tài chính, áp dụng cho các loại tài sản khác nhau, cũng như cung cấp kiến thức tổng quát trong lĩnh vực tài chính.
 Điều kiện theo học chương trình CFA

Hiệp hội CFA không yêu cầu thí sinh thi đầu vào. Tuy nhiên để được thi CFA, thí sinh cần hội đủ 1 trong các điều kiện sau:
 

  • Tốt nghiệp đại học vớibất cứ chuyên ngành nào, hoặc
  • Có bằng nghề nghiệp như ACCA, CPA, CIMA, AIA, ICSA hoặc tương đương; hoặc
  • Sinh viên đại học năm cuối; hoặc
  • Ít nhất 4 năm học và làm việc (không nhất thiết phải làm việc trong lĩnh vực đầu tư)

 

 Điều kiện để trở thành CFA Charterholder

 

  • Thi đậu lần lượt các kỳ thi Level 1, 2 & 3
  • Ít nhất 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đầu tư
  • Đăng ký trở thành hội viên của cộng đồng CFA và tuân thủ quy định về đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp
 Các kỳ thi CFA

 

  • Kỳ thi level 1: là các câu hỏi trắc nghiệm và được tổ chức vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm
  • Kỳ thi level 2: tập trung vào bài tập là các trường hợp thực tế cụ thể, nhưng vẫn ở dạng câu hỏi trắc nghiệm. Các case sẽ bao gồm một set of question chứ không độc lập như ở level 1. Kỳ thi chỉ tổ chức vào tháng 6 hàng năm
  • Kỳ thi level 3: gồm những câu hỏi yêu cầu phân tích và trả lời chi tiết bằng tự luận, đây là phần thi khó nhất trong chương trình CFA. Kỳ thi chỉ tổ chức vào tháng 6 hàng năm



Để thống nhất trên toàn thế giới, các kỳ thi CFA chỉ sử dụng duy nhất tiếng Anh. Bài thi diễn ra trong 6 giờ đồng hồ (chia ra làm 2 buổi sáng và chiều, mỗi buổi 3 giờ đồng hồ). Kỳ thi CFA diễn ra gần như đồng thời trên toàn thế giới để tránh trường hợp đề thi bị lộ.

6. Chương trình CIMA

 
CIMA (Chartered Institute of Management Accountants) - Hiệp hội kế toán quản trị công chứng Anh Quốc được thành lập năm 1919, hiện nay có hơn 227.000 hội viên và học viên trên 179 quốc gia trên toàn cầu.
 Điều kiện theo học chương trình CIMA

 Mọi học viên trên 16 tuổi đều có thể theo học chương trình CIMA. CIMA không yêu cầu học viên thi đầu vào.

 Điều kiện để đạt được chứng chỉ CIMA

Các bạn phải hoàn tất và đậu 17 môn của chương trình CIMA với 4 cấp độ, bao gồm:

Cấp độ cơ bản: Chứng chỉ về kế toán doanh nghiệp
 

  • C01 : Kiến thức cơ bản về kế toán quản trị
  • C02 : Kiến thức cơ bản về kế toán tài chính
  • C03 : Kiến thức cơ bản về toán kinh tế
  • C04 : Kiến thức cơ bản về kinh tế học áp dụng kinh doanh
  • C05 : Kiến thức cơ bản về luật doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp & đạo đức nghề nghiệp


 

Cấp độ tác nghiệp:
  •  
  • E1 : Quản trị tổ chức
  • P1 : Kế toán quản trị
  • F1 : Lập báo cáo tài chính & thuế
  • OCS: Bài thi tình huống tổng hợp cấp độ tác nghiệp
Cấp độ quản lý:
  • E2 : Quản lý mối quan hệ và dự án
  • P2 : Kế toán quản trị nâng cao
  • F2 : Lập báo cáo tài chính nâng cao
  • MCS: Bài thi tình huống tổng hợp cấp độ quản lý
Cấp độ chiến lược:
  • E3 : Quản trị chiến lược
  • P3 : Quản trị rủi ro
  • F3 : Chiến lược tài chính
  • SCS: Bài thi tình huống tổng hợp cấp độ chiến lược
Và có 3 năm kinh nghiệm làm việc là bạn có thể trở thành Hội viên CIMA & CGMA
 
Bằng CIMA được công nhận rộng rãi trên toàn cầu về quản trị tài chính và quản trị chiến lược. Bằng CIMA cung cấp cho người học kiến thức mang tính thực tế cao giúp họ thành công trong các vị trí quản lý.

7. Chương trình CIA

 
CIA được cấp bởi Hiệp Hội Kiểm Toán Nội Bộ IIA (Institute of Internal Auditors), tổ chức nghề nghiệp duy nhất được thế giới công nhận về kiểm toán nội bộ. IIA được thành lập vào năm 1941 và hiện có hơn 180.000 hội viên đến từ hơn 190 quốc gia
 
 Chương trình CIA dành cho:

 

  • Nhân sự đang làm việc kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát, quản lý rủi ro và các cấp quản lý doanh nghiệp
  • Người làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính muốn tìm hiểu sâu về kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro doanh nghiệp
  • Sinh viên năm cuối đại học có định hướng làm việc trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ hay kiểm soát nội bộ

 

 Điều kiện để đạt được chứng chỉ CIA

 

  • Thi đậu 3 kì thi của chương trình CIA
  • Có bằng Đại học (không qui định chuyên ngành) tại trường được công nhận
  • Có 2 năm kinh nghiệm phù hợp

 

CIA là chứng chỉ Kiểm Toán Nội Bộ Công Chứng được các nhà tuyển dụng xem như chứng nhận đáng tin cậy trong việc đánh giá năng lực chuyên môn trong kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro doanh nghiệp

8. Chương trình CMA

 
CMA được cấp bởi Hiệp Hội Kế Toán Quản Trị Hoa Kỳ IMA (Institute of Management Accountants), một tổ chức nghề nghiệp danh tiếng toàn cầu được thành lập năm 1919 với hơn 70.000 hội viên được công nhận tại hơn 120 quốc gia
 
CMA có nội dung chương trình chuyên sâu và tập trung về các kiến thức và kỹ năng thiết yếu trong công tác kế toán quản trị và quản trị tài chính doanh nghiệp, là sự chuẩn bị tốt nhất để trở thành Giám đốc Tài chính hoặc chuyên gia Tư vấn Tài chính chuyên nghiệp
 Đối tượng theo học CMA
  •  Nhân sự trong lĩnh vực Kế toán - Tài chính muốn tăng cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý phòng Tài chính - Kế toán của doanh nghiệp
  • Các chuyên viên tư vấn Kế toán quản trị, các chuyên viên tư vấn ERP, các giảng viên dạy kế toán quản trị, ban lãnh đạo doanh nghiệp và những người quan tâm nắm vững kế toán quản trị và quản trị tài chính doanh nghiệp
  • Sinh viên năm cuối đại học có định hướng làm việc trong lĩnh vực kế toán quản trị, quản trị tài chính doanh nghiệp

 

 Điều kiện đạt được chứng chỉ CMA

 

  • Thi đậu 2 kì thi của chương trình CMA
  • Có bằng Đại học tại trường được công nhận
  • Có 2 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp

Thế là mình đã giới thiệu đến các bạn 8 chương trình chuyên sâu về tài chính - kế toán nổi bật nhất đang có mặt tại Việt Nam. Tuy các chương trình trên đây có mức học phí khá là cao nhưng những giá trị mà nó mang lại là rất lớn. Các bạn cần hoạch định rõ mục tiêu và theo đuổi những chương trình phú hợp với bản thân. Và đã đầu tư là phải nhiệt tình theo đuổi tới cùng bằng tất cả năng lực của bản thân. Chúc các bạn mong chóng đạt được ước mơ của mình nhé!

http://www.taivu.name.vn/2016/08/8-chung-chi-chuyen-sau-noi-bat-nhat-ve.html




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024