Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/10/2019 20:10 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Bí Quyết Chinh Phục Học Bổng Chevening Nhờ 4 Bài Luận & Hành Trình Sang Cambrigde Học


Phần 1. CHEVENING- 4 bài luận
 
Chào mọi người,
 
Hôm nay My có chuẩn bị như một bài viết nhỏ dành cho các bạn đang và sẽ viết luận xin học bổng nói chung và học bổng chính phủ Chevening nói riêng nha.
 
Trước tiên thì chia sẻ qua một chút, My có ý định xin học bổng Chevening vào cuối tháng 9 năm 2017. Nói ra thì buồn cười nhưng lí do duy nhất lúc bấy giờ là vì học Thạc sĩ ở Anh có 1 năm, và My luôn thấy tò mò về trường trình học nó ra sao mà vẫn sánh ngang được với các trường trình 2 năm khác (kể cả trong lúc phỏng vấn My cũng chia sẻ vậy luôn ha ha).  Trong đầu gần như không có tí kiến thức nào về việc đi du học ở Anh, môi trường học tập, điều kiện sinh hoạt các kiểu. Thế là trong vòng hơn một tháng phải vừa chuẩn bị hồ sơ, viết 4 bài luận, và tìm hiểu về các trường Đại học bên Anh. My vẫn còn nhớ ngày nhấp chuột nộp bài là 3/11/2017 (deadline năm đó 7/11, nhưng số 3 là số may mắn của My :p). Tới đúng ngày valentine 14/2/2018 thì nhận được mail vào shortlist phỏng vấn, và 13/6/2018 thì báo đạt được học bổng. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2017 My có nộp hồ sơ vào Đại học Cambridge và lại một lần nữa may mắn nhận được tài trợ toàn phần của Khoa Y (Department of Medicine) và Viện nghiên cứu hệ gene Sanger (Wellcome Sanger Institute). Vậy là My vẫn sang Anh nhưng đành lỡ duyên với Chevening.
 
Vậy thì trong một khoảng thời gian chuẩn bị ngắn như vậy, có cách nào để My chuẩn bị bài luận hiệu quả? Tất cả chỉ gói gọn trong 1 từ POWER. Công thức này không chỉ áp dụng được trong việc xin học bổng, mà còn cả trong các thể loại viết hàng ngày khác.
1. P- Plan: lên kế hoạch
Ở bước đầu tiên này, các bạn giúp My lưu ý 3 điều:
a. Mục đích của bài luận: Chứng minh bạn là người phù hợp và xứng đáng được học bổng. Trả lời được câu hỏi chủ đề.
b. Đối tượng hướng tới: Hội đồng xét duyệt học bổng. Họ là ai? có yêu cầu hay kì vọng gì đối với ứng viên để từ đó định hướng bài viết sao cho phù hợp.
c. Thương hiệu cá nhân: Cái này ít bạn để ý tới nhưng thật sự là một điểm nhấn quan trọng. Viết làm sao mà qua 4 bài luận, người ta hình dung ra được con người của bạn chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin.
My lấy ví dụ trong trường hợp của mình: hình ảnh muốn đạt tới là một cô gái học và làm khoa học, năng động, tích cực và muốn mang khoa học gần hơn với cộng đồng. Vì vậy, 4 bài luận của My đều có những luận điểm trực tiếp hoặc gián tiếp củng cố hình ảnh đó.
2. O- Organise: sắp xếp
Cho là các bạn đã hiểu rõ về năng lực bản thân và yêu cầu của học bổng. Đây là bước để các bạn lên ý tưởng và lập dàn bài.
Đầu tiên thì chưa cần động não nhiều, cứ liệt kê hết tất cả các điểm mạnh và hoạt động nổi trội của bản thân ra. Sau đó, xếp các ý đó vào từng bài luận theo chủ đề:
-  Bài luận 1: Về khả năng lãnh đạo (leadership) và khả năng ảnh hưởng tới người khác (influencing) thì có kiểu làm lớp trường, làm trưởng ban tổ chức sự kiện, làm đội trưởng bla bla (mấy cái trưởng trưởng); hoặc làm diễn giả, viết báo cho học sinh. Hầu hết phần này các bạn sẽ kể ra những chuyện ở trong quá khứ, vâỵ nên, sẽ đầy đủ hơn nêú có thêm 1 đoạn trả lời cho câu hỏi “so what?”- những kĩ năng đó có ích gì cho hiện tại, bạn sử dụng và phát huy nó như thế nào.
-  Bài luận 2: Về dựng mối quan hệ (networking) thì các bạn có thể chia thành 2 dạng. Một là quan hệ trong công việc, học thuật ví như làm dự án liên kết, tham dự hội thảo hội nghị trao đổi kiến thức. Hai là quan hệ xã hội kiểu đi làm tình nguyện, các chương trình giao lưu văn hoá đông tây kết hợp.
-  Bài luận 3: Về lí do tại sao chọn 3 trường. Ở mục này, thay vì chỉ đưa ra các lí do như trường Top này Top kia, môi trường học năng động, thân thiện, ngành học thú vị nhiều trải nghiệm; thì hãy đưa thêm câu chuyện các nhân.
Ví dụ: University of Birmingham là một sự lựa chọn của mình vì trong một lần đi hội thảo, mình được nghe một bài thuyết trình rất hay từ một vị giáo sư của trường. Sau bài nói, mình có lên bắt chuyện với thầy và được thầy chia sẻ thêm những đề tài khoa học phù hợp với lĩnh vực mình quan tâm. Kiểu kiểu thế, vô hình chung lại làm nổi bật thêm khả năng networking của các bạn cũng như thấy là để đưa ra quyết định lựa chọn nào, các bạn đều tham khảo nhiều nguồn (cả thông tin trên mạng và người thật việc thật).
Note lại một chút là để tiết kiệm thời gian, các bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp của các anh chị tư vấn du học từ các tổ chức uy tín như GSE, UKEAS (My không biết nhiều lắm J)).
-  Bài luận 4: Về dự định tương lai từ 5 tới 10 năm. Mọi thứ đều là dự định nên thật ra tốt nhất là các bạn viết ra những thứ mà mình muốn làm thật sự, muốn đóng góp gì cho đảng và nước nhà cứ ghi hết ra. Có 2 hướng để viết bài này: một là đưa ra ý tưởng mới; hai là phát triển từ ý tưởng cũ. Nghe thì có vẻ hiển nhiên nhưng để làm được đòi hỏi các bạn phải đọc nhiều hoặc ít nhất có kiến thức xã hội tổng quát tốt để xác định được các nào là mới và cũ. Với những cái chưa ai làm, bạn là người đầu tiên thì tốt quá rồi. Nhưng vẫn cần một chút khiêm nhường, nhắm viết vừa phải thôi chứ đừng chém to kho mặn quá. Còn đối với những ý tưởng cũ, làm mới nó bằng việc mở rộng phạm vi. Hiện tại không có ranh giới rõ ràng giữa ngành A và ngành B nữa rồi nên việc bác sĩ tâm lí tham gia vào các dự án kiến trúc là hoàn toàn có thể. Còn một điểm nữa các bạn nên đề cập trong bài này là học bổng Chevening giúp ích gì cho dự định tương lại này? Đây là lúc mà các bạn có thể đá thêm vài thông tin liên quan tới Alumni này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh này nọ.
Các bạn hoàn toàn có thể dung mindmap để liên kết các sự kiện trong các bài luận lại với nhau (nhớ các thương hiệu/ hình ảnh muốn hướng tới). Tiếp theo là bước cân não khi phải xác đinhj những thông tin mà hội đồng xét duyệt có thể biết (COULD know), nên biết (SHOULD know) và phải biết (MUST know) để cắt xén bớt. Một bài luận chỉ nên có từ một tới ba (là nhiều) luận điểm chính. Không nên viết theo kiểu liệt kê chung chung.
Hòm hòm rồi đấy nhỉ.
 
3. W- Write : Viết thôi
“The first step is to take one” mà đúng không. Chưa cần biết hay hay chán, cứ viết một bản cái đã. Mình không khuyến khích các bạn bắt đầu mà đã đọc bài luận của người khác vì rất dễ bị ảnh hưởng bởi lỗi tư duy và văn phong của họ. Một số bí quyết thêm thắt của mình đó là:
-  Có một cái mở bài và kết bài ấn tượng.
Ví dụ trong bài luận 1: + “Khả năng lãnh đạo là một kỹ năng không thể thiếu của các thanh niên năng động. Nhiều người cho rằng khả năng lãnh đạo là thiên khiếu, nhưng đối với tôi, nó là kết quả của sự rèn luyện và phấn đấu”
+ “ Tám năm trước, việc theo học một ngôi trường Đại học Quốc tế ở Việt Nam là một quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó đã giúp tôi trưởng thành và có bản lĩnh của một nhà lãnh đạo trẻ như ngày hôm nay”.
Bạn muốn đọc tiếp bài nào hơn?
Một ý kiến hay đó là trích dẫn một câu nói mà người khác (vd. Thầy cô, sếp, hay đối tượng nào đó đặc biệt) nói về bạn.
Ví dụ: “Nặng lượng của em luôn đem đến điều tích cực cho những người xung quanh”- đó là lời chia sẻ của thầy hiệu trưởng dành cho tôi trong lễ tốt nghiệp đại học. Cho tới bây giờ, đó luôn là động lực để tôi tiếp tục làm những hoạt động cộng đồng.
Tương tự đối với kết bài nha.
 
-  Lựa chọn ngôn ngữ lạc quan, tích cực kể cả khi các bạn nói về những khó khăn. Bởi vì cái mà giám khảo muốn biết là bạn đã xử lí tình huống và vượt qua nó như thế nào, chứ không phải nghe bạn than thở. Nghe thì có vẻ hâm nhưng mà người đọc có thể quên những chi tiết bạn đưa ra trong bài luận, nhưng khó có thể quên được cảm xúc mà họ có được khi đọc nó đó.
 
-  Có vài cú twists trong bài cho nó ấn tượng nào.
Ví dụ trong bài luận 1: Mình học cấp 3 ở trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, một ngôi trường năng động với nhiều hoạt động ngoại khoá nên có nhiều kì vọng khi chọn học tại Đại học Việt Pháp (ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội- USTH). (Twist 1) Tuy nhiên, trường mới thành lập, chưa có bất kì hoạt động nào. Mình cảm thấy hụt hẫng ra sao và quyết định cùng những người bạn chung chí hướng thành lập ra hội sinh viên và các câu lạc bộ ngoại khoá. (Twist 2) Sau đó vấp phải vấn đề là các bạn sinh viên dường như chỉ quan tâm tới vấn đề điểm số, câu lạc bộ tổ chức ra không có thành viên. Mình lúc đó, với vai trò là Trưởng ban tổ chức sự kiện, đã cùng Hội sinh viên làm gì, thuyết phục và gắn kết các bạn sinh viên trong trường ra sao. Cuối cùng là thành quả đạt được như thế nào. Xong thì liên kết tới hiện tại nữa là ngon lành.
 
-  Sử dụng những sự kiện nóng hổi liên quan tới lĩnh vực của các bạn để nâng tầm quan trọng công việc của chính các bạn lên.
Ví dụ trong bài luận 2: Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng lên mạnh mẽ. Người người nhà nhà cứ hễ bị muỗi đốt là lo sốt vó lên, canh ngày xem mình có bị sốt không. Ô tốt quá, lại đúng sở trường của mình là về các bệnh truyền nhiễm. Đưa luôn ví dụ là mình được phụ trách chính một đề tài về giải trình tự gene của virus sốt xuất huyết, nhằm tìm ra nguyên nhân dịch bùng phát mạnh mẽ từ đầu năm chứ không theo mùa như các năm trước. Mình có cơ hội được làm việc trao đổi học thuật với các anh chị cô chú từ các viện nghiên cứu và bệnh viện khác nhau ra sao. Cùng năm đó, mình tham gia cuộc thi tìm kiếm Đại sứ truyền thông Khoa học Famelab Việt Nam và may mắn đạt giải Nhất cũng chính với bài nói về chủ đề con muỗi và sốt xuất huyết. Đá thêm sang chuyện được đi thi Famelab Quốc tế, gặp gỡ và giao lưu với 30 đại diện từ khắp nơi trên thế giới bla bla bla.
4. E- Edit: Chỉnh sửa
Cấp độ 1: Về nội dung
-  Sau khi viết xong thì theo mình các bạn nên để sau một buổi hoặc một ngày hẵng đọc lại bài luận của mình. Đọc ngay thì kiểu bị lậm ý, sẽ vẫn thấy nó hay.
-  In ra và đọc ra tiếng cũng là một cách hay, để xem mồm đọc, tai nghe và não có hiểu ngay được các ý không hay lại xoắn cả vào với với nhau.
-  Nhờ anh chị em bạn dì xem và góp ý hộ. Cái này cực cần thiết nhé. My mắc bệnh lười quan hệ với nhờ vả nên nhiều khi thấy hơi bị thiệt, bây giờ đang cố khắc phục :D
Cấp độ 2: Về cách trình bày
-  Kiểm tra dấu câu, ngữ pháp, chính tả
-  Cách trình bày, font chữ, cỡ chữ
-  Đếm số lượng từ xem có vượt quá quy định không
5. R- Rewrite: Viết lại
My thấy viết tầm 3-5 bản là đủ rồi, viết đi viết lại nhiều quá bị nhàm với cả mất đi cái tinh thần ban đầu. Cho nến, mấy cái bước lên ý tưởng là quan trọng lắm nhé.
Vậy là My đã đi qua từng bước trong P-O-W-E-R rồi đó. Với một người cảm tính như My (kiểu hứng lên viết ba vạn tám nghìn chữ, còn không thì rặn mãi chỉ són ra vài từ) thì công thức này khá hiệu quả để tạo thói quen viết lách. Còn một cái nữa là ở Mỹ chuộng lối viết phóng khoáng, bay bổng, còn ở Anh thì lại thiên về cách viết đơn giản, đi thẳng vào vấn đề. My có đình kèm trong link này shorturl.at/uvw56 một số ít từ có thể giúp các bạn tối giản và hiệu quả hoá các bài viết của mình. Tất nhiên là còn tuỳ trường hợp và ngữ cảnh, nên chỉ để các bạn tham khảo và lựa chọn.
 
My nộp học bổng Chevening khi chưa có IELTS hay có offer của các trường nên cái đó các bạn để từ từ làm sau cũng được nha. Cứ tập trung vào hồ sơ trước đã, mà mọi thông tin trên website : https://www.chevening.org là rất cụ thể, mạch lạc, dễ theo dõi rồi. 
My chúc các bạn may mắn và thành công nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc,
p/s: Ngoài ra, bạn nào muốn biết thêm về Bậc học Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Đại học Cambridge có thể để lại câu hỏi cho My qua email mhp32@cam.ac.uk nhé!
 
Cây cầu toán học (Mathematical Bridge) My chụp hôm qua, trời lại lạnh mất tiêu
 
Phần 2. Sang Cambridge học thôi!
Lần này, My sẽ chia sẻ về quy trình ứng tuyển vào University of Cambridge (bậc Thạc sĩ) và các học bổng tương ứng nhé.
A. Trước tiên thì giới thiệu sơ qua về trường trước một chút. University of Cambridge là học viện đại học lâu đời thứ 2 của Anh (sau Đại học Oxford), được thành lập vào năm 1209. University of Cambridge bao gồm 31 trường đại học thành viên (College), hơn 150 khoa giảng, trường trực thuộc và viện nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực văn hoá, khoa học, kinh tế, nghệ thuật. Xét về thứ bậc ở Anh, Uni of Cambridge và Uni of Oxford thường thay nhau vị trí nhất và nhì. Còn trên thế giới, Uni of Cambridge từng leo lên vị trí thứ 2, và thấp nhất trong lịch sử là thì là bậc 7 (mới đầu năm, do ảnh hưởng của Brexit). Vậy một ngôi trường với bề dày lịch sử và nhiều thành tựu trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy như vậy sẽ có quy trình ứng tuyển như thế nào?
(Lưu ý một tí là My chỉ tập trung vào bậc sau đại học. Ở bậc cử nhân, các em cần sang Anh học A-level từ năm lớp 10 hoặc 11 thì mới có cơ hội vào Oxbridge. Ngoài ra, học bổng toàn phần cho Undergraduate gần như không có, các trường thường cho studentships từ £1000-£20000 tuỳ mức độ giàu có của các colleges).
1. Tìm khoá học
Đầu tiên là các bạn tìm khoá học phù hợp với chuyên ngành và sở thích của bản thân tại đây https://www.graduate.study.cam.ac.uk/courses. Trường có hàng trăm khoá học Thạc sĩ khác nhau ví dụ như MSc, MRes, MBA hay MPhil. Mỗi một khoá học sẽ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan như Overview, Study, Requirements, Finance và How to apply. Các bạn lưu ý tới Deadlines của mỗi khoá học nhé.
 
2. Liên lạc với Khoa giảng
Việc này là vô cùng cần thiết đối với các bạn muốn học Thạc sĩ nghiên cứu. Trên thức tế, Departments và Faculties mới là nơi xét duyệt hồ sơ của các bạn. Các trường thành viên (colleges) đóng vai trò quản lí sinh viên. Mặc dù điều kiện xét duyệt của Uni of Cambridge rất khắt khe, nhưng các khoa giảng luôn có sức ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả.
Cụ thể, My đang học MPhil ngành Genomics Science in Infectious Diseases. MPhil (Master of Philosophy) là bậc cao nhất trong các khoá học Thạc sĩ, tương đương với chương trình năm nhất của PhD. Sinh viên đến từ một số nước, trong đó có Việt Nam, bắt buộc phải có một bằng Master trước rồi mới được học khoá này. Tuy nhiên, My có gửi email trao đổi với Khoa (Department of Medicine và Sanger Institute) cũng như cung cấp thêm bằng chứng về khả năng học tập và nghiên cứu của mình. Sau khi Khoa thông qua hồ sơ của My, thì đã gửi email cho hội đồng xét duyệt của trường cấp đề nghị conditional offer cho My.
Trường hợp này cũng tương tự với hai bạn nộp hồ sơ vào Cambridge năm nay. Ban đầu hai đứa còn bất ngờ do các tội không đọc kĩ yêu cầu, nhưng trộm vía cả hai cũng đều “đòi” cho đi học thành công he he.
 
3. Nộp hồ sơ
Sau khi đã chọn được khoá học phù hợp, bạn chọn mục How to apply để tạo một tài khoản online. Hồ sơ ứng tuyển vào Uni of Cambridge cũng tương tự như các trường khác, bao gồm
- Personal Details
- Course Application: Academic History, Employment History, Research, … một vài mục nhỏ nữa mình không nhớ. Điều kiện tối thiểu là các bạn cần có kết quả học tập ở mức giỏi (7-8/10) hoặc tương đương với first class kiểu top 5-10% sinh viên này kia ấy thì càng tốt. Đã từng tham gia vài đề tài nghiên cứu nữa cũng là một điểm cộng lớn.
- English: IELTS 7.0 với không band nào dưới 7; hoặc TOEFL 100 với không band nào dưới 25. Lưu ý là trường rất rất chặt chẽ khoản Tiếng Anh.
- College Member: chọn 2 trong số 31 trường thành viên, chủ yếu là để tham gia các hoạt động và câu lạc bộ ngoại khoá. Các bạn có thể chọn theo sở thích, một số trường nổi tiếng như King’s, Trinity, St John thường hay hết chỗ sớm. Lúc đó trường sẽ tự xếp bạn vào các trường khác còn chỗ.
- Funding: cái này hay ở chỗ, bạn chỉ cần hoàn thiện mục xin học bổng và nộp hồ sơ trước ngày 3/12 hoặc 7/1 (tuỳ ngành học) thì sẽ được tự động cân nhắc xét học bổng. Các quỹ học bổng bao gồm Cambridge Trust, Research Councils (chỉ dành cho sinh viên UK và EU), Gates Cambridge hoặc Your Funding (là tiền của gia đình hoặc học bổng riêng của trường/ khoa). Các bạn phải chọn một học bổng nếu cả ba quỹ trao học bổng toàn phần hoặc được giữ tất cả tiền nếu mỗi quỹ học bổng chỉ cho các bạn một phần. Cụ thể mỗi quỹ sẽ được đề cập ở phần kế tiếp.
- Supporting Documents: transcripts, CV (tham khảo thêm note:TẠI ĐÂY), research proposal.
- Academic references: yêu cầu 2
- Fee: £65 (mới tăng giá), được hoàn tiền trong vòng 14 ngày nếu các bạn muốn rút hồ sơ)
Bạn nào tò mò thì có thể vào ĐÂY tạo một tài khoản xem mặt mũi cái application form cụ thể nó thế nào nhá!
 
B. Đậu vào trường mà không có tiền đi học thì cũng chết (học phí đắt lém, rơi vào £20,000- £30,000/năm). Ở bậc Thạc sĩ, theo thống kê của trường cho năm học 2017/2018, có khoảng 21% sinh viên Thạc sĩ được trao học bổng, trong khi con số này ở bậc Tiến sĩ là 79% (bao gồm cả toàn phần và một phần). Những nguồn học bổng cho Master có từ:
 
1. Cambridge Trust 
Quỹ được thành lập từ những năm 1980s, trao học bổng cho sinh viên Uni of Cambridge với mọi bậc học từ Cử nhân tới Tiến sĩ. Trong khoảng 30 năm, đã có hơn 19,000 sinh viên quốc tế nhận được hỗ trợ tài chính từ Cambridge Trust. Tiêu chí chính của học bổng là dựa vào kết quả học tập và tiềm năng phát triển cá nhân. Tuy nhiên cũng du di dựa vào vùng miền hay các yếu tố ưu tiên.
 
2. Gates Cambridge
Quỹ được thành lập vào năm 2000 với sự ủng hộ là 210 triệu USD từ Bill and Melinda Gates Foundation cho Uni of Cambridge. Học bổng dành cho sinh viên quốc tế (ngoài UK). Ưu tiên cho các bạn có: thành tích học tập và nghiên cứu tốt, định hướng tương lai rõ ràng, khả năng lãnh đạo và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Giông giống các học bổng chính phủ khác nhỉ. Năm nay Gates Cambridge cho 80 xuất nhưng mà chỉ 1/3 trong số đó là cho bậc Thạc sĩ thui.
Đây là học bổng toàn phần, nên ngoài việc hoàn thiện mục Funding trong hồ sơ online, các bạn cần gửi thêm một cái Personal Statement (tầm 500 từ) và thêm một thư giới thiệu nữa. Các bạn qua vòng hồ sơ sẽ được liên lạc phỏng vấn trực tiếp hoặc qua Skype.
 
Nhìn chung, hai học bổng trên đều liên kết trức tiếp với hồ sơ online, các mốc thời gian cần nhớ:
+ 01/ 09: mở đơn đăng kí
+ 3/12 hoặc 7/1 (tuỳ khoá học): hết hạn xét duyệt học bổng Cambridge Trust và Gates Cambridge
+ Cuối tháng 3: kết quả học bổng
+ Tầm đầu tháng 7: hạn cuối có unconditional offer
 
3. Colleges/ Departments fellowships
Đây là học bổng mà My xin. Lí do là vì sau khi nộp học bổng Chevening rồi (tầm cuối tháng 12) My mới có ý định nộp hồ sơ vào Cambridge và khi đó đã hết hạn xét duyệt cho Cambridge Trust và Gates Cambridge. Vậy nên My tìm hiểu và xin học bổng từ Khoa giảng:
 
Đâu tiên My nộp hồ sơ cho Graduate Office của Department, sau đó có một buổi phỏng vấn nhỏ chọn ra shortlist. Vì My chọn khoá Thạc sĩ nghiên cứu, nên cần phải có thầy hướng dẫn (supervisor) trước rồi mới được vào vòng phỏng vấn cuối. Lúc này My có lên trang web của khoa để tìm hiểu thông tin về các nhóm nghiên cứu và có gửi email cho 3 thầy (như đã nói lần trước, số 3 là số may mắn của My). Kết quả là 2 trong số 3 thầy sẽ chuyển sang Khoa giảng mới vào năm tới nên không nhận thêm sinh viên nên thôi hết hy vọng. Còn lại thầy mà My thích nhất thì đang hướng dẫn 4 anh chị làm Tiến sĩ nên đang quá tải. Lúc đó lo lắng lắm, xong quyết định năn nỉ thầy cho một buổi nói chuyện qua skype. May mắn làm sao, sau buổi nói chuyện đó thầy đồng ý thu nạp. Ở vòng cuối, trường tài trợ một chuyến sang Cambridge phỏng vấn trực tiếp. Hội đồng gồm 7 giáo sư và thời gian trao đổi là 1 tiếng. Vài ngày sau thì có luôn kết quả đạt học bổng.  Giả sử trượt cái này thì mình cũng đã định xin đổi nguyện vọng trường của học bổng Chevening. 
Link: TẠI ĐÂY
 
4. Học bổng chính phủ Chevening:
Chắc My không cần nói nhiều về Chevening nữa nhỉ. Học bổng chính phủ Anh cho bậc Thạc sĩ ở bất cứ trường nào tại UK.
Thông tin đầy đủ có ở: https://www.chevening.org
Một lần nữa, My nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu được các bạn muốn gì, đi đu học để làm gì và xây dựng được thương hiệu cá nhân. 
 
5. Học bổng OFID:
Học bổng do Quỹ phát triên quốc tế OPEC cho các sinh viên thuộc các quốc gia đang phát triển theo học bậc Thạc sĩ 1 năm tại bất kì quốc gia nào trên thế giới.
 
Cũng là học bổng toàn phần, tiêu chí mở, hướng tới các khoá học theo hướng phát triển kinh tế xã hội. Mình thấy Việt Nam có vài bạn nhận được học bổng này rồi đó. Mà sao nó có vẻ không được nổi lắm nhỉ?? Chắc tại số lượng học bổng hơi ít, mỗi năm chỉ có 10 suất hay sao ấy các bạn ạ. Nhưng dù sao cũng là thêm vào một cơ hội.
Link: TẠI ĐÂY
My chúc các bạn nhiều may mắn, mong là năm tới có nhiều sinh viện Việt Nam sang Cambridge học hơn nữa. Tới đây nào tới đây nào
 
Nguồn: FB Mimy Pham
 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024