Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/04/2024 21:04 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 218/400 (55%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8018
Được cảm ơn: 2114
Lương tăng nhưng không giàu nổi: Một sai lầm phổ biến khiến càng thăng chức, càng cháy ví


Tại sao mức lương tăng lên nhưng tài khoản tiết kiệm vẫn "đứng im tại chỗ"?

 

Nhiều người cho rằng, cuộc sống khác đi sau khi thu nhập tăng lên, tuy nhiên mọi thứ không đơn giản như thế. Thực tế có những dân văn phòng, dù tiền lương tăng lên nhưng họ vẫn thấy “nghèo” đi. Tại sao lại như vậy?

Lương tăng mà đời... “càng nghèo”

Khi đi làm, nhiều người đặt kỳ vọng bản thân sẽ nhanh chóng đạt thăng tiến và tăng lương. Tuy nhiên, đánh đổi với khoản thu nhập cao là khối lượng công việc và áp lực đi làm cũng gia tăng gấp bội. Cũng vì thế, với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống và bù đắp cho những giờ làm việc, họ sẽ chi mạnh tay hơn cho chi phí sinh hoạt và các khoản "chữa lành".

V.H (24 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty chứng khoán. Cách đây một năm, mức lương hàng tháng của V.H đã tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên 20 triệu đồng. Thu nhập tăng tỷ lệ thuận với khối lượng công việc và áp lực. Do đó, cô không tiếc chi tiêu thoáng hơn cho mức sống của bản thân và dành một khoản “chữa lành” sau giờ phút làm việc căng thẳng. Đó cũng là lý do mà dù tiền lương tăng gấp đôi, cô nàng vẫn không tiết kiệm được khoản nào đáng kể.

Lương tăng nhưng không giàu nổi: Một sai lầm phổ biến khiến càng thăng chức, càng cháy ví- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Thứ nhất là trong chuyện ăn uống và mua sắm dành cho bản thân. Khi còn làm thực tập sinh mình thường nấu ăn tại nhà, tiền mua thực phẩm rẻ vì mình mang đồ sẵn từ quê lên. Nhưng từ khi lên chức, mình ăn sáng và ăn trưa ngay tại công ty do không có nhiều thời gian nấu nướng. Mình dành 60k - 80k cho tiền ăn mỗi ngày, đó là chưa kể làm văn phòng, đồng nghiệp thường rủ nhau đặt đồ ăn vặt như trà sữa, cafe và trái cây. Chỉ tính riêng tiền ăn tại công ty đã tốn của mình ít nhất 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, khoản chi phí dành cho mỹ phẩm và mua quần áo cũng tăng gấp rưỡi vì đi làm chính thức nên mình không được phép xuề xoà. Mình dành thêm 1 triệu đồng cho tiền liên hoan hay đi ma chay, cưới hỏi của đồng nghiệp vì mối quan hệ công việc được mở rộng.

Áp lực công việc tăng lên nên mình không tiếc dành tiền cho việc đi du lịch như trước nữa. Cuối tuần, mình thường không từ chối lời rủ của bạn đi cafe hoặc cắm trại. Chi phí đắt đỏ nhất là vào dịp nghỉ lễ gần đây, mình đã tiêu hết 12 triệu đồng để bay từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh. Như vậy tiền đi chơi của mình sau một tháng đã lên đến 14 triệu đồng, bằng tiền lương cả một tháng”, V.H nói.

V.H nhận định thêm, chính áp lực công việc căng thẳng khiến cô không thể ngừng chi tiêu phung phí. “Nếu muốn tiết kiệm, mình phải chấp nhận giảm chất lượng cuộc sống xuống. Song, mình nghĩ đây là khoản xứng đáng để bù đắp cho bản thân sau thời gian làm việc vất vả", cô bạn chia sẻ.

Không riêng V.H, hiện nay có nhiều người trẻ khác cũng rơi vào tình cảnh dù mức lương tăng cao nhưng khó tiết kiệm do yếu tố áp lực công việc. Cô nàng Minh Vân (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng là một trong số đó. Với tâm lý “càng kiếm nhiều lại càng chi nhiều”, Vân luôn tiêu hết sạch tiền trong tài khoản trước khi đến kỳ lĩnh lương mới.

Dù với mức lương cũ là 6 triệu đồng hay lương mới lên đến 15-18 triệu đồng/tháng, cô nàng cũng không để dành được khoản tiết kiệm nào cho các dự định tương lai. Bởi lẽ dù tiền lương tăng gấp đôi chỉ trong hơn nửa năm nhưng Minh Vân đã phải đánh đổi rất nhiều để có được vị trí công việc hiện tại. Chẳng hạn chuỗi ngày làm việc không ngừng nghỉ, đi kèm với sức khoẻ yếu từ trước đã khiến Vân từng phải nhập viện điều trị vì bệnh dạ dày. Cũng vì thế, bên cạnh các khoản chi phí sinh hoạt, hiện tại Vân vẫn dành thêm 1-2 triệu đồng để mua thực phẩm bồi bổ và thuốc uống.

Lương tăng nhưng không giàu nổi: Một sai lầm phổ biến khiến càng thăng chức, càng cháy ví- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chấp nhận yên phận với mức lương thấp

Trái ngược với những trường hợp trên, do ý thức được bản thân không chịu được áp lực công việc nên có nhiều người trẻ vẫn ngại ngần chưa chuyển đổi công ty mới, dù mức lương hiện tại không quá cao. Bởi với họ, đi làm ở môi trường công sở “healthy and balance”, sếp tốt cùng nhiều phúc lợi còn quan trọng hơn là tìm kiếm việc lương cao.

Kiều Anh (26 tuổi, TP.HCM) là một trong số đó. Cô đang đang làm việc cho một tập đoàn quốc tế ở quận 10 với tổng lương 19 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Kiều Anh sẽ nhận thêm tiền lương vào cuối quý nếu hoàn thành KPI đề ra. Cô nàng nhận định tiền lương cao thì ai cũng thích. Nhưng với công việc biết bản thân không gánh vác được thì tốt nhất nên “tự lượng sức mình”.

Với Kiều Anh, công việc hiện tại dù mang lại mức thu nhập không quá dư dả và con đường thăng tiến rõ ràng, song cô vẫn muốn gắn bó lâu dài. “Công việc khá nhàn và dễ thở, không có áp lực, không cần chạy deadline, chỉ cần thành task được giao. Sau đó thời gian rảnh có thể làm gì tùy thích.

Công ty cho phép work from home bất cứ lúc nào. Ngày mình làm 8 tiếng sau đó tắt máy nghỉ. Đồng nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới, sếp trực tiếp sống tại Việt Nam thì rất giỏi và giúp đỡ, đồng thời anh cũng là mentor có tâm.

Nhìn chung, công việc ổn, không quá khó và không phải giao tiếp nhiều. Phúc lợi như bao công ty đa quốc gia khác. Đặc biệt, một điều thích nữa là mình không bao giờ bị trễ lương", cô nàng chia sẻ.

Lương tăng nhưng không giàu nổi: Một sai lầm phổ biến khiến càng thăng chức, càng cháy ví- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trước đó, Kiều Anh từng nung nấu ý định nhảy việc. Sau một thời gian đi phỏng vấn, cô nhận được lời mời làm việc ở công ty khác với mức lương cao hơn, đổi lại công việc mới có thể tạo áp lực và nặng hơn nhiều. Tuy nhiên, sau những lần trao đổi với sếp, Kiều Anh đã chọn ở lại công ty.

“Mình đã nhắn tin xin sếp nghỉ việc. Sau đó, mình cũng bày tỏ những lo lắng và suy nghĩ của bản thân khi được hỏi tại sao nghỉ vì sếp biết mình là người thích ổn định chứ không bay nhảy.

Và anh đã phân tích mặt lợi và hại khi nhảy việc ở thời điểm này, đồng thời anh sẽ điều chỉnh lại khối lượng công việc cho mình và hướng dẫn mình làm những công việc nâng cao hơn. Cộng với một vài lý do phụ khác nên mình đã quyết định ở lại làm tiếp.

Hiện tại mình vẫn khá rảnh rỗi nhưng thay vì overthinking, mình lấy thời gian đó để học thêm chứng chỉ bằng cấp để nâng cao kiến thức, phòng trường hợp không may mất việc thì vẫn yên tâm tìm được công việc khác.

Nhìn chung, lý do quan trọng để mình tiếp tục ở lại công ty là không thích áp lực. Mình muốn làm đủ 8 tiếng rồi tắt máy, có work life balance và công ty đáp ứng tốt yêu cầu này của mình”.

Tạm kết

Mỗi bạn trẻ đều có đích đến riêng cho cuộc sống, do đó lựa chọn đường đi sẽ khác nhau. Có người thấy thoải mái khi lao đầu nỗ lực vì công việc và thăng tiến, đi kèm tiền lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, cũng có người đặt yếu tố “healthy và balance” lên hàng đầu, thậm chí chấp nhận sự nghiệp có thể đi lùi.

Sau cùng, ai cũng nên hiểu năng lực và sức chịu đựng của bản thân, từ đó có lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, lời khuyên cho bạn là dù chọn hướng đi nào thì cũng nên quan tâm đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như có tài chính ổn định để phòng ngừa rủi ro.

Theo Nguyệt

Theo Phụ nữ số

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Các thành viên đã Thank nguyenquynhtran vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024