Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/10/2021 17:10 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 186/400 (46%)
Kĩ năng: 2/210 (1%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 7986
Được cảm ơn: 2102
9/10 người trẻ rơi vào tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, đâu là lý do?


Tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền, kiếm được đồng nào tiêu hết sạch đồng nấy là vấn đề chung mà rất nhiều người trẻ đang gặp phải.

 

 

Chưa hết tháng đã hết tiền, vừa nhận lương hôm trước hôm sau đã vơi quá nửa là tình trạng chung mà rất nhiều người tr đang phải đối mặt hiện tại. Một số là do không có kế hoạch chi tiêu hợp lý cũng như không có ý thức tiết kiệm . Một số khác lại vì nguyên nhân bất khả kháng, chẳng hạn như lương quá thấp, nuôi sống bản thân còn khó nói chi tích góp. Thậm chí, có một số người đơn giản là tình nguyện gia nhập team chưa tiêu đã hết này.

Nghe thì hơi khó tin nhưng giữa xã hội hiện đại, hiện tượng này thực tế không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ai cũng biết thói quen này không tốt song với những người trẻ còn độc thân, không cần lo cho ai, chỉ cần nuôi bản thân là đủ thì tình trạng này không quá đáng quan ngại. Mọi chuyện chỉ trở nên đáng sợ một khi bạn quyết định kết hôn hay sinh con, hay một ngày kia bạn bất ngờ trở thành trụ cột gia đình.

Vậy đâu là lý do càng ngày càng có nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, không thể để dư được đồng nào?

1. Khái niệm tiêu dùng xấu

Không thể không thừa nhận, người trẻ ngày nay phần lớn đều sướng hơn ngày xưa, bố mẹ luôn dành cho họ những điều tốt đẹp nhất. Dù là lúc còn đi học hay khi đã bước chân vào xã hội, về cơ bản họ không phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiền bạc. Ngay cả với những gia đình không mấy khá giả thì con cái vẫn sẽ được ưu tiên nhiều hơn.

Tuy nhiên, chính điều này đã vô tình hình thành thói quen chi tiêu vô tội vạ, chi tiêu không cân nhắc đến khả năng của bản thân hay lao vào cơn nghiện chi tiêu trước, trả tiền sau. Hệ quả trực tiếp của việc này là sự phát triển lâu dài của các quan niệm và thói quen tiêu dùng không tốt, hình thành nên sức ì vô hình làm trì trệ các mặt phát triển khác.

9/10 người trẻ rơi vào tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, đâu là lý do? - Ảnh 1.

2. Bẫy tiêu dùng tồn tại ở khắp mọi nơi

Có phải tất cả những người trẻ gặp vấn đề về chi tiêu đều vì lý do cá nhân? Đúng nhưng chưa đủ, bẫy tiêu dùng hiện diện khắp mọi nơi hiện tại cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Khi những thuật ngữ như "Black Friday", "Ngày siêu sale" hay "Khuyến mãi tháng/ Khuyến mãi năm" còn chưa xuất hiện, người tiêu dùng đã phải đối diện với cả tá những phương pháp tiếp thị khác như "Mua 1 tặng 1", "Siêu tiết kiệm"... Sống giữa muôn vàn cạm bẫy hấp dẫn như vậy, muốn duy trì thói quen chi tiêu hợp lý xem chừng thực sự là việc đòi hỏi rất nhiều lý trí.

3. Bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông

Tâm lý đám đông cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến vấn đề này, thậm chí nó không chỉ tồn tại trong lĩnh vực tiêu dùng mà còn ở các lĩnh vực khác. Một số người nhìn vào những thứ người khác mua và cho rằng mình cũng nhất định phải sở hữu món đồ đó mà hoàn toàn không bao giờ nghĩ xem bản thân rốt cuộc có cần đến món đồ này không. Một số khác nhìn thấy tấm thẻ tập gym mà người khác đã đăng ký và lập tức đăng ký cho mình một tấm thẻ tương tự mà hoàn toàn không bao giờ nghĩ xem bản thân liệu có đi tập buổi nào hay không. Cũng có người còn mắc phải sai lầm là coi hàng hiệu là biểu tượng của địa vị, vì thế họ so đo từng chút một. Vì cái gọi là thể diện, họ không ngần ngại mua những món đồ xa xỉ vượt quá khả năng chi tiêu của mình.

Suy cho cùng, những khoản chi gia tăng vô nghĩa này chẳng những không mang lại cho bạn điều gì, mà đôi lúc còn mang đến áp lực khiến bạn ảo tưởng rằng vì mình chi chưa đủ nhiều nên chưa đạt được hiệu quả giống người khác, cảm giác không hài lòng cũng theo đó mà nhiều thêm.

4. Không có khái niệm về tiền bạc và không biết kiểm soát chúng

Bạn nghĩ chỉ những người không có tiền mới hay rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền? Vậy bạn sai rồi. Thực chất có không ít những người vốn cực kì có điều kiện và rất giỏi kiếm tiền vẫn rơi vào tình trạng này. Chính vì họ nghĩ kiếm tiền dễ, họ không phải lo lắng chuyện kế sinh nhai nên cứ có tiền là họ tiêu, tiêu bao nhiêu tùy thích không đắn đo, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu chứ không bao giờ có chuyện tiết kiệm.

Quan niệm của họ về chuyện tiền bạc là không ai biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, cứ sống cho hôm nay đã. Niềm vui trước mắt đối với họ là thứ đáng hướng tới hơn.

9/10 người trẻ rơi vào tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, đâu là lý do? - Ảnh 2.

5. Chạy theo xu hướng một cách mù quáng

Ngày nay, một số bạn trẻ có sở thích chạy theo xu hướng, cứ cái gì mới nhất là họ sẽ phải theo cho bằng được. Điện thoại đang dùng vẫn tốt nhưng nhà phát hành ra phiên bản mới, thay luôn! Tủ quần áo chật cứng nhưng mốt năm nay là kiểu A, dáng B, mua luôn! Trend mùa thu này đi nước X, nước Y, đi luôn!

6. Tự đề cao chất lượng cuộc sống, vật giá đồng thời tăng cao

Với mức sống của đại đa số mọi người ngày càng được nâng cao thì vật giá cũng sẽ theo đó mà tăng không ngừng. Ngày xưa, với 100k bạn có thể mua được rất nhiều thứ nhưng ngày nay 100k khéo không đủ để bạn lượn chỉ nửa dãy trong siêu thị. Một bữa ăn tại nhà hàng sang trọng có thể làm nửa tháng lương của bạn "bay màu" là chuyện không hề hiếm. Sự tồn tại của team chưa hết tháng đã hết lương rõ ràng cũng có lý do khách quan của nó, đó chính là tốc độ tăng lương không bao giờ có thể theo kịp đà tăng của vật giá.

7. Các kênh cho vay được đơn giản hóa

Dưới sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức cho vay, thủ tục cho vay ngày càng được đơn giản hóa, chỉ cần có chứng minh thư là bạn có thể dễ dàng nhận được một khoản tiền. Từ đây, nhiều bạn trẻ hình thành quan điểm mới là có còn hơn không. Về cơ bản, ai trong số đó cũng có cho riêng mình ít nhất một hoặc vài khoản vay theo các hình thức khác nhau: tín dụng, thấu chi, cầm đồ...

Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để thoát khỏi liên minh "nhặt lá đá ống bơ" cuối tháng, làm sao để tiết kiệm được tiền?

1. Thay đổi quan niệm về chi tiêu

Nhiều bạn trẻ mới bước vào xã hội hoặc đã quen với mức tiêu dùng cao trong một thời gian dài nuôi dưỡng nhiều quan niệm tiêu dùng không tốt như chi tiêu không kế hoạch, tiêu vì thích chứ không vì tính thực dụng, đề cao tôn chỉ hưởng thụ cá nhân... Do vậy, trước hết, chúng ta phải thiết lập hoặc thay đổi quan niệm chi tiêu của chính mình và ép bản thân vào khuôn khổ.

9/10 người trẻ rơi vào tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, đâu là lý do? - Ảnh 3.

2. Xây dựng thói quen ghi chép chi tiêu

Một số người trẻ thường không mấy quan tâm đến việc tiền của mình đi đâu về đâu, và đương nhiên, họ cũng không hề có thói quen ghi chép chi tiêu. Họ không biết rằng đây là một thói quen cực tốt. Bằng cách học nhớ và ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu của mình, bạn không chỉ có thể hiểu tiền của mình đã được chi tiêu vào đâu mà còn có thể điều chỉnh chi tiêu, cân đối giữa các khoản sao cho hợp lý nhất.

3. Giảm hoặc ngừng các khoản vay dùng cho tiêu dùng

Sau khi đi làm, nhiều lao động tự do và một bộ phận nhân viên văn phòng đã tham gia rất sâu vào các hoạt động cho vay trực tuyến. Vì không đủ khả năng chi trả nên họ chọn cách vay chỗ này bù chỗ kia, kết quả là không chỉ khiến bản thân mà thậm chí người nhà cũng phải lao đao theo. Lời khuyên dành cho bạn là đừng bao giờ để mình rơi vào khủng hoảng mất cân đối giữa chi tiêu và thu nhập. Hãy giảm bớt hoặc cố gắng không sử dụng các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng.

4. Học cách quản lý tiền bạc

Sau khi hiểu rõ mình đã tiêu tiền vào đâu, mình cần gì, mình không cần gì, chúng ta có thể lập kế hoạch quản lý chi tiêu riêng của mình. Với các khoản tiền nhàn rỗi, chúng ta thậm chí còn có thể tập tành đầu tư ở quy mô nhỏ. Phương án thích hợp nhất dành cho những người còn lơ mơ với việc đầu tư chính là tìm đến các quỹ đầu tư. Thay vì tự mình tìm hiểu thị trường, phân bổ danh mục đầu tư và giao dịch trực tiếp trên sàn - điều này có thể gây khó khăn đối với những người mới gia nhập thị trường, số tiền đầu tư của bạn sẽ được quản lý chuyên nghiệp bởi một công ty quản lý quỹ. Bạn cũng không cần bỏ ra quá nhiều thời gian để theo dõi thị trường hàng ngày mà vẫn đầu tư hiệu quả, ít rủi ro.

5. Kiểm soát chi tiêu

Nhiều người trẻ hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng luôn gặp bối rối giống nhau với chi tiêu. Đó là chỉ cần lương về tay là lập tức chi tiêu không ngừng, bỏ qua hoàn toàn kế hoạch tiết kiệm tiền trước đó, tiêu xong rồi mới hối hận vì nghĩ tới hậu quả.

9/10 người trẻ rơi vào tình trạng kiếm được bao nhiêu tiêu sạch bấy nhiêu, chưa hết tháng đã hết tiền, đâu là lý do? - Ảnh 4.

Những khoản lớn nhất mỗi người cần bỏ ra mỗi tháng thường sẽ là tiền ăn, tiền ở và các khoản khác. Vì vậy, muốn kiểm soát được chi tiêu của mình, bạn cần sắp xếp mọi thứ rõ ràng. Chẳng hạn ở kí túc xá công ty hay ở nhà người thân, thuê trọ thì thuê một mình hay ở ghép, ăn thì ăn canteen, ăn ngoài hay tự nấu. Mỗi sự lựa chọn chính xác có thể chỉ giúp bạn tiết kiệm được vài ba đồng. Nhưng vài ba đồng này khi tích lũy lâu dài qua 1 tháng, 1 năm, 2 năm lại hoàn toàn có thể trở thành một khoản lớn.

6. Lập quỹ chi tiêu hàng tháng

Nếu không thể kiểm soát được bản thân và vẫn tiêu tiền như nước, bạn có thể tải các ứng dụng kế toán liên quan, đồng thời lập kế hoạch, xây dựng quỹ chi tiêu hàng tháng.

Tự đặt ra cho mình một ngân sách hợp lý, kiểm soát mọi khoản thu chi trong phạm vi ngân sách này và tổng kết chúng vào cuối ngày, hoặc cuối tháng, sau đó so sánh với ngày trước hoặc tháng trước. Nhờ vậy, bạn sẽ có được tư duy chi tiêu nhất định và biết mình đang vung tay quá trán ở khoản nào.

7. Tiết kiệm

Hãy chọn cho mình một phương pháp tiết kiệm thích hợp, chẳng hạn như ngay khi nhận lương tháng, hãy trích ra một phần để dành. Bạn có thể bỏ ống heo, gửi bố mẹ hay nhanh gọn hơn là lựa chọn một nền tảng thứ 3 giúp mình điều này. Cách làm là đặt chế độ tiết kiệm tự động, cứ đến một khoảng thời gian nhất định, tài khoản của bạn sẽ tự động chuyển một số tiền sang tài khoản tiết kiệm và chỉ tất toán khi bạn có thêm thao tác khác.

Ảnh minh họa: @Paco_Yao

 

Theo M416

Theo Pháp luật và bạn đọc

 



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024