Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/02/2021 23:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 14 Bí Quyết Giúp Bạn Xây Dựng Chí Tiến Thủ Và Một "Tinh Thần Thép"


"Sức mạnh không đến từ thể chất, nó đến từ ý chí bất khuất." - Mahatma Grandhi

Trong nền văn hóa hiện đại, dường như, sự bận rộn đã trở thành thước đo giá trị của mỗi người. Ta lao đầu vào nỗ lực hết mình, tựa như thiêu thân nhìn thấy mồi lửa, ta luôn bị cuốn vào vòng xoáy phán xét bản thân trên mọi khía cạnh nghiêm ngặt quá đỗi. Kể từ bấy, ý chí nơi ta, con người của những tháng năm mạnh dạn và hồ hởi, nhiệt huyết sục sôi, tựa như than ấm ủ lửa lòng, đều đã bị thời gian che mờ, bị mọi phong ba bão táp ở đời vùi sâu chôn chặt. 

Đa phần, chúng ta đều trải qua những nỗi sợ hãi có phần tương tự như nhau, bất kể nguồn cội, chuyên môn hay địa vị xã hội. Tình thế bất ổn, nỗi sợ bị bác bỏ, và phán xét đều là những điều ta phải đánh vật ở đời. Không có ngoại lệ. 

Bài viết này sẽ không nhắn nhủ bạn phải nhọc lòng quán xuyến mọi khía cạnh cuộc đời, cũng không buộc bạn phải uốn nắn phương thức tư duy của bản thân, mà chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, về con người thật mà bạn cần phải tìm về.....

 

1. Luôn là người hành động trước nhất

Bất kể từ việc mở lời nói chuyện với một người ta thầm cảm mến, hay đưa ra đề xuất cải thiện đổi mới công việc, con người ta thường mong chờ một ai đó khác dẫn đầu làm ngọn lửa tiên phong.

Lý do vì sao ta có xu hướng mong đợi người khác hành động thay ta cực kỳ giản đơn – ta sợ bị người đời bác bỏ. Những người có tâm thế mạnh mẽ sẽ luôn mở lòng chấp nhận hậu quả của việc bị từ chối, đón nhận những tình thế bất ổn định đính kèm với đó, như một rủi ro của việc làm người tiên phong, bởi lẽ, luôn có một cái giá phải trả cho việc tự ý hành động theo ước muốn cá nhân.

Học cách để trở thành người đầu tiên tiến bước hành động bắt đầu với việc hiểu rõ những rào cản trong tưởng tượng đang giam hãm con người ta xông pha ra mọi mặt trận.

Đợi chờ được người khác chấp nhận cá tính của bản thân là một ví dụ điển hình cho những rào cản ấy. Có lẽ, bạn vốn chẳng việc gì phải đợi chờ để được ai đó chấp nhận, bạn chỉ cần thoải mái là chính mình thôi!

2. Luôn sẵn lòng trải nghiệm

Đa phần, con người ta ai cũng muốn giữ mình an toàn, bằng cách bước theo những cung đường quen thuộc của những cá nhân thành công đời trước để lại sau lưng, ta bước đi trên cung đường đó hàng ngàn hàng vạn lần.

Quá trình giáo dục và con đường sự nghiệp là hai ví dụ điển hình. Ta chọn cách né tránh những trải nghiệm, sợ hãi phải đón lấy những thiệt hại không thể vãn hồi từ những lần trải nghiệm ấy. Từ bỏ công việc để tập trung khám phá ước muốn cá nhân có vẻ là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng nếu ta cạn kiệt tài chính và không thể giành lại được vị trí công việc ấy thì sẽ ra sao? Chính vì vậy, ta sẽ không bao giờ từ bỏ con đường quen thuộc nọ.

Đã là kẻ mạnh thì luôn biết cách tạo cơ hội cho bản thân trải nghiệm, dẫu có là xin nghỉ phép tới cả năm, hay mạnh dạn vận dụng những kỹ thuật marketing mới. Họ hiểu được rằng tạo sự khác biệt trong quãng thời gian tới có thể sẽ mang lại những kết quả không như mong đợi, nhưng ắt sẽ giúp họ gặt hái những kinh nghiệm xương máu không thể học được từ bất cứ đâu.

Và nếu như những lần thử nghiệm đó thất bại, họ đã chuẩn bị sẵn những biện pháp dự phòng, lên đà đảo ngược ván cờ ấy.

Chuẩn bị tinh thần trải nghiệm luôn đòi hỏi con người ta phải chấp nhận một sự thật rằng, quỹ đạo cuộc đời tăng tiến hệt như mũi tên đã rời cung bắn - hoàn toàn là một ẩn số. Đó có thể là một quỹ đạo ngoằn nghèo bất kể ý nguyện của ta ra sao. Thay vì bơ ngơ xuôi mình theo từng cú ngoặt đó, ta vẫn có thể tự tạo cho mình từng thử thách, bằng cách tìm cơ hội để trải nghiệm, dẫu cho những trải nghiệm ấy không mấy lớn lao gì, ngay từ thời điểm xuất phát.

3. Luôn trân trọng những lần thất bại

Trong suốt quá trình trưởng thành và giáo dục, đa phần, con người ta đều có một niềm tin cố hữu rằng thất bại là xấu.

Ta bị phạt khi phạm sai lầm ở trường, ta bằng mọi giá che giấu những thất bại của bản thân trong suốt quá trình trưởng thành ấy. Tự thân ta cho rằng, thất bại sẽ nói lên tất cả về con người ta. Bởi lẽ vậy, sau một lần thất bại, ta lại nỗ lực hết mình để giành về chiến thắng và tiếp tục bước tiếp.

Những con người có tâm thế vững vàng, họ không hề miễn nhiễm với mọi nỗi đau từ một lần thất bại đem lại. Tuy nhiên, họ luôn mạnh mẽ vượt qua cảm giác khó chịu khi lòng chất chứa biết bao muộn phiền sau mỗi lần vấp ngã ấy.

Những bài học rút ra từ đó quá đỗi quan trọng, không thể khước từ! Chính bởi vậy, họ dành thời gian nếm trải nỗi đau và sau đó, mới lên tinh thần chuẩn bị phản đòn, một cách dũng mãnh, và khôn ngoan hơn.

Nếu bạn chọn lựa vùi sâu nỗi đau vào một chiếc hòm khóa kín, không bao giờ mó tay tới, bạn đang tiếp tục bước tiếp, trên vai không một tấc hành trang, và rất có khả năng lại đâm đầu vào vết xe đổ.

Thay vào đó, hãy mạnh dạn đối diện với thất bại mà bạn đã nỗ lực quên đi. Nó đem tới cho bạn nguồn sức mạnh nào? Hãy tinh mắt phát hiện ra trí khôn ẩn giấu dưới vỏ bọc cảm xúc khó chịu, và rồi, có lẽ, đó sẽ là lần đầu tiên bạn sẽ biết ơn sự thất bại của mình, khi đã giành về trí khôn ấy.

4. Không theo đuổi sự thỏa mãn nhất thời

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả mà xô bồ, con người ta luôn cố gắng để mau chóng đạt được thành tựu.

Khi tài nguyên và nguồn lực luôn nằm trong tầm với, ta rong ruổi theo sự hài lòng ngay tức thì, từ những lần order một chiếc váy nhãn hiệu Ý chỉ trong vòng 24h đồng hồ là hàng về tay, từ những lần nhận về ý kiến phản hồi từ một đội nhóm có múi giờ làm việc trái ngược với ta, hoặc từ những lần đạt được lượt truy cập cao khi ra bài blog mới.

Những con người có tâm thế vững vàng luôn lường trước được rằng theo đuổi sự hài lòng nhất thời cũng tương đồng với việc cắm đầu vào cung đường đầy dãy âu lo và thất vọng.

Mong muốn nhanh chóng thu về thành quả sẽ nuôi dưỡng mặc cảm tự ti, bởi lẽ, sẽ luôn có những người thành công nhanh hơn ta, lớn hơn ta và phát triển còn rực rỡ hơn ta nữa. Trái lại, thái độ từ tốn tận hưởng thành quả đến không sớm không muộn, sẽ không tạo điều kiện cho tâm thế so sánh ấy khởi phát.

Những người có tâm thế vững vàng đều nuôi dưỡng đức tính kiên nhẫn từ đó, kể cả khi họ có là những vận động viên chạy đua marathon, biết phân bổ đều sức lực, hay buộc phải chạy nước rút, họ vẫn luôn bình tĩnh đợi chờ thời cơ đến, để ngay từ bước đầu xuất hết tốc lực. 

Chú tâm tới những lần bản thân kiếm tìm sự thỏa mãn tức thời sẽ cho phép bạn vạch rõ nguồn cơn của mọi lo lắng ở đời sống thường nhật. Giới hạn số lần truy cập vào mạng xã hội, chat chít với bạn bè sẽ là một sự lựa chọn tốt để bắt đầu nuôi dưỡng tính kiên nhẫn.

Nghe thấy tiếng “ding” báo hiệu tin nhắn mới có vẻ sẽ làm ta vô cùng hưng trí, nhưng đó cũng chỉ là một điều phù phiếm ngăn trở ta hoàn tất công việc mà thôi.  

5. Hướng về những Cơ hội, thay vì những Giới hạn

Hỡi những con người thực dụng, chúng ta luôn tìm cách bới móc lên mọi vấn đề trong từng công việc ta làm. Tự thân ta đã phát triển một cơ chế phòng vệ, quả là tuyệt vời khi cơ chế đó cho phép ta nhìn thấu những rủi ro tiềm tàng trên con đường trước mắt.

Tuy nhiên, thông thường thì, việc xác định những rủi ro ấy sẽ cản trở ta hành động. Những con người có tâm thế vững vàng luôn nhìn nhận mọi sự như một cơ hội, thay vì như những vấn đề. Bởi thế, khi họ bắt tay thực hiện một dự án mới, họ hiểu rằng sẽ luôn có những hạn chế, nhưng đó không phải là điều họ sẽ bận lòng tới. Cơ hội – yếu tố luôn song hành cùng với những hạn chế, và cũng vì bản chất của những hạn chế đó, đã thôi thúc họ hành động.

Mỗi lần bạn mạnh dạn rời bỏ những hoạt động quen thuộc để tìm kiếm các cơ hội mới, hãy chú tâm vào thời điểm tâm trí bạn tự động nảy sinh hàng loạt các rào cản không thực tế, và chỉ tập trung vào những giới hạn như một cái cớ để quay đầu.

Tình huống đó chẳng khác chi việc bạn cố gắng vặn tay ga mà vẫn nhấn chân phanh vậy. Chỉ bằng cách nới lỏng chân phanh, bạn mới có thể xông pha vào những vùng đất mới lạ, nơi hàng vạn ước mơ - hóa thành - hiện thực.

6. Linh hoạt trong việc đối nhân xử thế

Khi giao thiệp với mọi người, để có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân, con người ta thường lựa chọn một vị thế không có sự thỏa hiệp, và cạnh tranh khốc liệt cho đến khi ta là người cuối cùng trụ vững. Điều đó được thể hiện qua từng cuộc đàm phám, qua mỗi lần làm việc nhóm, và qua cả các mối quan hệ mà ta có. Ta nghĩ rằng làm như thế đó sẽ khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng lại thất bại trong việc phát hiện ra rằng, tính hiếu thắng đã vô tình làm ta ngột ngạt ra sao.

Những người có tâm thế mạnh mẽ sẽ lựa chọn ứng biến một cách linh hoạt theo thời thế, thay vì nhất mực giữ nguyên quan điểm của bản thân.

Họ hiểu rõ được rằng, làm việc quá khắt khe sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi cơ hội họ có thể nhận được trong tương lai. Hơn thế nữa, khi mở lòng đón nhận cơ hội, họ không hề có suy nghĩ rằng mọi sự không gì hơn một “trò chơi công cốc” – tức họ phải thua để một ai đó giành quyền chiến thắng. Họ chỉ chấp nhận thỏa hiệp để tìm kiếm các biện pháp giúp đỡ mọi người xung quanh cùng phát triển, về lâu về dài.

Để có thể linh hoạt trong việc đối nhân xử thế, trước tiên, ta cần phải học cách kìm chế mong muốn bản thân khi nào cũng đúng, khi nào cũng thông tuệ, khi nào cũng giành quyền kiểm soát. Hãy nhớ đến những khoảng thời gian tâm trí bạn sục sôi khát vọng vươn tới địa vị làm chủ. Thường thì, bạn sẽ đánh mất đi tính linh hoạt, không phải là vì chủ đề của cuộc đàm phán, mà là vì bạn muốn chứng tỏ giá trị của bản thân mình. Hãy nhận thức được rằng, bản thân bạn luôn đóng một vai trò quan trọng, bất kể bạn có phải đương đầu đối phó với ai đi chăng nữa – và bạn ắt sẽ nhận lại được nhiều cơ hội rộng mở, có được từ sự linh hoạt trong cung cách làm việc của bản thân.

7. Luôn hiểu rõ giá trị của bản thân

Giá trị của bản thân chính là kim chỉ nam giúp ta đưa ra quyết định. Nhưng, thường thì, con người ta lại hay rơi vào những hoàn cảnh – nơi ta phải chất vấn lại giá trị của bản thân mình.

Đó có thể là khi một người đồng nghiệp sử dụng chiến thuật marketing nửa chân thật và nửa dối lừa; khi một vị khách hàng không coi trọng lợi ích thương mại bên ta sẽ nhận được, bằng cách thay đổi một vài điều khoản hợp tác; một người đồng đội khiến ta phải áy náy cùng cực vì bản thân đã chuẩn bị một buổi họp mặt thành công hơn cuộc họp của cậu ta. Ta sợ hãi sẽ đánh mất đi sự tôn trọng và niềm tin của họ, vậy nên, ta liền chọn cách thỏa hiệp.

Những người có tâm thế mạnh mẽ luôn luôn mềm mỏng trong việc đối nhân xử thế, nhưng đồng thời, họ cũng không bao giờ quên mất giá trị của bản thân mình. Họ hiểu rõ ranh giới nên dừng lại tại đâu. Họ sẵn lòng từ bỏ một mối quan hệ không tôn vinh giá trị của họ. Họ hiểu rõ được rằng, thỏa hiệp và hạ thấp giá trị của bản thân chẳng khác nào hành vi tự dối lừa.

Bất kể cơ hội đến với bạn ngay từ đầu trong có vẻ hấp dẫn ra sao, nhưng lại thiếu đi một nền tảng giá trị vững chắc, nó ắt sẽ chẳng mang lại một kết cục tốt đẹp. Bất kể khi nào bạn cảm thấy bản thân đang phải nhẫn nhịn trong một mối quan hệ, khi giá trị nơi bạn không được coi trọng, hãy tự vấn bản thân, liệu rằng, tiếp tục bao dung có phải là một sự lựa chọn hợp lý hay không? Sự do dự phút chốc trong việc đưa ra quyết định từ bỏ một mối quan hệ liệu có thực sự đáng sợ và mang lại nhiều thương tổn hơn so với việc nhẫn nhịn và chịu đựng cả đời hay không?

8. Luôn biết cách khước từ

Thường thì con người ta sẽ hay nhầm lẫn giữa việc đón nhận cơ hội, với việc nói “có” càng nhiều càng tốt. Ta đón lấy mọi sự đến với ta trên đường đời, chỉ để thấy bản thân mình mang nặng hành trang cho đến khi điều mà ta thực sự mong mỏi từng bước xuất hiện. Nỗi sợ vụt mất cơ hội mới đáng hại làm sao!

Kẻ mạnh luôn biến đặt ra thứ tự ưu tiên và mục đích tập trung, điều này đòi hỏi họ phải biết khước từ đối với nhiều vấn đề đặt ra, đồng thời, vượt qua tâm thế không bao giờ biết đủ là gì.

Thay vì âu lo bản thân sẽ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ một cơ hội nào, kẻ mạnh luôn có một niềm tin rằng, cơ hội sẽ đến với họ khi họ đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận. Nếu ta coi đường đời hệt như một cuộc đua, ta rất dễ sa đà vào việc đón bắt lấy nhiều cơ hội trải nghiệm hết mức có thể. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối âu lo trong lòng ta, về những cơ hội tiềm ẩn, đáng giá ta có thể bỏ lỡ mất sau này.

Nhưng nếu, ta coi cuộc đời chính là một sản phẩm, là tổng hòa của mọi nhiệm vụ ta làm, mọi nhiệm vụ đều móc nối với nhau, ta càng lao đầu vào quá nhiều nhiệm vụ, kết quả tổng thể có thể giảm sút. Mặt khác, lược bớt một vài công việc, lại có thể giúp ta cải thiện chất lượng cuộc sống. Với một lối suy nghĩ như vậy, việc nói “Không” sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.  

9. Luôn hào hứng với mọi công việc đảm nhận

Bất cứ khi nào một chuyện tốt lành nào đó đến với ta, ta đều tự nhủ rằng “Chớ có vội vui mừng quá sớm”, như thể niềm hân hoan ấy có thể bị dập tắt bởi một nỗi sợ tiềm tàng nào đó.

Mang trong mình một tâm thế âu lo rằng, một điều gì đó tồi tệ chuẩn bị xuất hiện để bóp chết niềm hạnh phúc trong ta, những phút giây thăng hoa ấy quả thật vô cùng hiếm hoi.

Những con người mạnh mẽ nắm quyền làm chủ cuộc đời luôn sử dụng niềm hân hoan làm một thái độ rào đón nhất định, đối với tất cả mọi việc họ đảm nhận. Thái độ ấy đã biến chuyển thành một dạng năng lượng, hô biến đời sống thường nhật trở thành từng trải nghiệm quý giá.

Niễm hân hoan ta cảm nhận được cũng rất đỗi tự nhiên mà thôi, bởi lẽ, khi ta chấp nhận khước từ một số việc, chỉ những điều thực sự thú vị sẽ luôn sát cánh bên ta. Niềm hân hoan ấy không phải là một thứ đồ giả tạo, nó tượng trưng cho bản chất chân thật của kẻ mạnh. Thay vì tụng đi tụng lại câu thần chú “Chớ có vội vui mừng”, hãy thử tự nhủ với bản thân điều ngược lại vào lần tới nhé. Niềm phấn khích không chỉ giúp ta cảm kích thêm về những việc ta đang tận hưởng, mà còn giúp ta biến chuyển một ngày buồn tẻ thành một chuyến phiêu lưu kỳ thú.

10. Luôn sống có mục đích

Trong nền văn hóa hiện đại, sự bận rộn đã trở thành thước đo giá trị của mỗi con người.

Không có lời than thở nào được cảm thông nhiều hơn so với câu “Mấy ngày nay tôi bận quá”, giữa những con người luôn lao đầu vào gặt hái thành tựu. Bảo sao, chúng ta lại thường cảm nhận được một niềm hối thúc phải hóa kín lịch trình làm việc, để không bị bỏ lại trong cuộc đua về đích ấy.

Ta cũng thường hiếm khi…tự vấn về mục đích của những công việc ta đang làm.

Kẻ mạnh luôn đề cao mục đích lên trên niềm hối thúc phải bận rộn. Họ hiểu rằng việc liên tục cắm đầu vào từng nhiệm vụ có thể đánh lừa họ rời khỏi cung đường phát triển. Những điều cảm tưởng như sự thăng tiến hóa ra lại là một vòng luẩn quẩn vô nghĩa, chỉ để xoa dịu những suy nghĩ khó chịu, và cảm giác lạc mất phương hướng.

Kẻ mạnh sẽ không bao giờ sử dụng sự bận rộn như một phương thuốc chữa trị cho căn bệnh mang tên “Tự nghi ngờ bản thân”. Luôn có một mục tiêu, ăn sâu vào trong từng giá trị, từng hành động họ làm, và cả những khi họ không làm gì cả.

Bất kể khi nào bạn muốn biến bản thân trở nên bận rộn, hãy suy ngẫm về lý do ẩn sau niềm hối thúc đó. Một lịch trình làm việc dày đặc sẽ thất bại trong việc định nghĩa giá trị của bản thân bạn. Trong khi đó, từng ngày làm việc với một ý nghĩa cụ thể, mới là những gì xứng đáng nhất đối với từng phút giây của cuộc đời.

11. Không cần khẳng định bản thân

Niềm hối thúc phải khẳng định bản thân là một trong những yếu tố tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong xã hội ngày nay.

Nó ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống: Từ cách ta lựa chọn nghề nghiệp, tới cách ta thể hiện bản thân mình trên mạng xã hội truyền thông. Vấn đề nằm ở chỗ nó khiến cho bản thân ta trở nên dễ dàng bị thao túng. Nó thách thức ta rằng “Mình có đủ năng lực chứ?”, và rồi, ta sẽ liên tục cắm đầu vào việc chứng tỏ bản thân là người xứng đáng, có tài và là một phần không thể thiếu.

Kẻ mạnh sẽ không theo đuổi mục tiêu của mình chỉ để chứng tỏ bản thân. Họ không để tâm tới những gì người khác nghĩ. Mặc dù, mong mỏi được người khác công nhận cũng thuộc một phần ước muốn tự nhiên của con người. “Chứng minh cho họ thấy họ đã sai” thực chất, lại là một hệ quả, không phải mục tiêu đối với kẻ mạnh.

Lần tới, nếu mong muốn được người đời công nhận kéo lê bạn vượt qua những thử thách gay go, hãy tự ý thức rằng, quan điểm của người khác về bạn không thể định nghĩa được bạn là ai. Bạn chỉ cần nhớ rằng, bản thân bạn đã đủ hoàn hảo rồi.

12. Chấp nhận sự khác biệt

Trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời, con người ta luôn được khuyến khích để hòa nhập vào với cộng đồng. Tại trường, đó là cách ta kết thân với bè bạn xung quanh. Tại công ty, đó là cách ta đạt được vị thế của riêng mình. Hòa nhập giúp con người ta kết nối.

Tuy nhiên, nét độc đáo nơi ta mới là yếu tố thu hút mọi ánh nhìn. Bởi vậy, ta liền học cách che dấu chúng đi.

Kẻ mạnh luôn cảm thấy thoải mái khi là một con người khác biệt. Họ không che giấu bản thân, không thay đổi để hòa nhập, hay bịa chuyện để giải trình cho sự khác biệt nơi họ. Họ chỉ đơn thuần bộc lộ hết thảy. Họ tự do là chính mình, họ không coi sự khác biệt là một vật cản trên con đường thăng tiến; họ tận dụng điều đó làm thế mạnh để kiến tạo con đường của riêng họ.

Cho phép bản thân khác biệt không buộc bạn phải….cạo trọc đầu, hay khỏa thân đứng biểu tình ở giữa quảng trường gần nhà (trừ phi đó là điều bạn thực sự mong muốn!). Nó chỉ đòi hỏi bạn phải tự nhận thức bản thân ở một mức độ nhất định, để biến sự khác biệt ấy trở thành siêu năng lực hộ trợ. Hãy thử sử dụng siêu năng lực ấy để kết nối với mọi người, và rồi bạn sẽ khám phá ra được rằng, đối với nơi mà bạn thật sự thuộc về, bạn thậm chí, không cần phải cố gắng hòa nhập.

13. Luôn lắng lòng lắng nghe, và đặt câu hỏi

Bất kể nơi nào ta đặt chân tới, ta đều muốn thể hiện bản thân là một người-biết-tuốt. Tâm thế ấy giúp ta củng cố cái tôi, giúp ta cảm thấy ta hơn hẳn mọi người. Nhưng, ta không thể chỉ trực chờ để khoe mẽ sự tinh tế của bản thân, và lịch sự gạt đi những chủ đề ta không có tí kiến thức nào về. Ta thà dành ra hàng giờ để tìm hiểu trau dồi, thay vì trở nên yếu kém, không có gì để cống hiến.

Kẻ mạnh hoàn toàn chấp nhận việc, bản thân không phải khi nào cũng là một “chuyên gia”. Họ lắng nghe để thấu hiểu, thay vì phản ứng lại. Trong tiềm thức, cố gắng trở thành kẻ biết tuốt chẳng khác nào dấn thân vào một cuộc chiến vốn đã định sẵn nước thua.

Bởi vậy, thay vì tỏ ra bản thân là một người cao siêu, họ biết cách đặt ra nhiều câu hỏi hay, và thu thập thông tin. Câu hỏi đối với họ mà nói, không đại biểu cho sự kém cỏi, mà là một công cụ thỏa mãn trí tò mò.

Lần tới, trước khi bạn có xu hướng kéo chủ đề của cuộc nói chuyện, hướng về một vấn đề nào đó để bản thân có thể “tỏa sáng”, hãy thử lắng lòng lắng nghe đối phương. Thay vì nghĩ về những điểm thiếu sót của bản thân, hãy biết cảm kích mọi cơ hội để học hỏi trước mắt.

14. Luôn thành thật với bản thân

Với nhịp sống xô bồ của thế giới hiện đại, dành thời gian để quán chiếu bản thân quả là một việc quá đỗi xa xỉ.

Bởi lẽ, con người ta vô cùng bận rộn, che đậy cảm xúc là một cách giúp ta tối ưu hóa năng suất của bản thân. Ta thà kìm nén cảm xúc tận sâu bên trong để tiếp tục “bận bịu như thường lệ”, thay vì cho phép bản thân đương đầu với những xúc cảm ta không dám dối diện.

Kẻ mạnh không bao giờ phớt lờ tiếng nói nội tâm để bản thân có thể trở nên kiên cường hơn. Ngược lại, sự khốn đốn họ cảm nhận được có thể trở thành một nguồn lực mạnh mẽ, họ biết cách lắng nghe mọi người, và cũng lắng nghe cả chính bản thân họ.

Họ dành thời gian để bóc tách mớ cảm xúc rối như tơ vò, hướng tới sự chấp nhận bản thân. Chấp nhận bản thân là một yếu tố quan trọng, cấu thành nên trí khôn. Bất kể khi nào, bạn cố gắng đè nén một cảm xúc nào đó để đánh lạc hướng bản thân, hãy thử đào sâu gốc rễ lý do của xúc cảm ấy.

Chỉ khi bạn thực sự hiểu rõ điểm yếu của chính mình, bạn mới có thể đặt cược vào thế mạnh của bản thân. Chỉ khi bạn tỏ tường mọi nỗi sợ tiềm ẩn, bạn mới hiểu được dũng mãnh là gì.

Lời cuối

Trở thành một con người mạnh mẽ không yêu cầu bản thân ta phải gắng gượng để hòa mình vào một hình mẫu nào đó, hay để hy sinh làm những việc sẽ không ai cảm kích cả. Mạnh mẽ cũng không phải là một quy chuẩn áp đặt lên bất cứ ai. Mạnh mẽ là một thái độ bạn có thể chọn lựa khi đối mặt với mọi thăng trầm ở đời. Để xây dựng cho bản thân một tâm thế như vậy, bạn chỉ có thể lắng nghe tiếng nói nội tâm, tích đủ can đảm để đối diện với thế giới ngoài kia, với con người thật của chính mình. 

------------

Tác giả: Oxana Kunets

 

Link bài gốc: 14 Ways Strong-Minded People Think Differently

 

 

Dịch giả: 

Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024