Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/01/2021 23:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 9 Bí Kíp Dành Riêng Cho Người "Lúc Nào Cũng Thấy Mệt"


 

Ai trong chúng ta cũng đều trải qua những lúc thường xuyên thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Nhưng nếu bạn không cảm thấy nhẹ nhõm sau khi đã ngủ hoặc nghỉ ngơi, thì đó là lúc tìm ra do tại sao bạn cảm thấy mệt mỏi quá mức như vậy. Có thể là do bạn đang một vấn đề sức khỏe nào đó hoặc do tình trạng tâm lý như trầm cảm chẳng hạn.

Kiệt sức, buồn ngủ và luôn cảm thấy mệt mỏi là những dấu hiệu thường thấy của bệnh trầm cảm. “Bản thân trầm cảm có thể gây ra sự kiệt sức, lãnh đạm và bơ phờ do bản chất của căn bệnh này”, Leela R. Magavi, bác sĩ tâm lý và giám đốc y tế khu vực của Community Psychiatry cho biết.


Các dấu hiệu trầm cảm liên quan đến mệt mỏi bao gồm:

  • Khó ngủ

  • Mất ngủ

  • Khó thức giấc vào buổi sáng

  • Ngủ quá nhiều


Sau khi thức dậy và rời khỏi giường, bạn cũng có thể cảm thấy uể oải và không có năng lượng trong suốt cả ngày. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy trằn trọc vào ban đêm và buồn ngủ vào ban ngày, thì đó là lúc bạn nên thực hiện một vài thay đổi nhỏ.


Dưới đây là 9 “tuyệt chiêu” có thể giúp bạn tiếp thêm năng lượng để bạn cảm thấy mọi thứ tốt hơn. 


1.Đến gặp bác sĩ riêng

Nếu tình trạng mệt mỏi cực độ gây cản trở thói quen hàng ngày của bạn, điều đầu tiên bạn nên làm đó là đến gặp bác sĩ. Họ có thể giúp bạn loại trừ các tình trạng liên quan đến sức khỏe như thiếu máu, suy tuyến giáp, ngưng thở khi ngủ, bệnh tim, tiểu đường, hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ quá mức. Họ cũng có thể trao đổi với bạn về việc bạn có cần đi gặp chuyên gia tâm lý hay không.

 

2. Đặt ra các bài tập thể dục vừa sức cũng như mục tiêu chuyên tâm mỗi ngày

Thực hiện một mục tiêu quá phức tạp hoặc đòi hỏi quá nhiều bước có thể khiến bạn cảm thấy quá sức, đặc biệt là khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Để giúp thực hiện các bước nhỏ, Magavi khuyên bạn nên lên lịch tập thể dục có thể đạt được và mục tiêu chuyên tâm cho mỗi ngày.

Lý do là việc lên lịch trước và tuân theo thường xuyên sẽ biến những hành vi lành mạnh thành những  thói quen tích cực.

Việc này có thể đơn giản như là một cuộc đi bộ chuyên tâm vào ngày bận rộn, chỉ mất 15 đến 20 phút. Nhưng hãy chắc chắn rằng đó là điều bạn sẽ thích làm. “Điều quan trọng là phải cá nhân hóa hoạt động để tránh nỗ lực quá sức hoặc nhục chí” Magavi nói. 

3. Ghi chép lại những hoạt động hằng ngày của bạn

Vào cuối ngày, Magavi khuyên bạn nên ghi chép lại những thành công và xem lại chúng thường xuyên để giúp bạn có thêm động lực cho các ngày còn lại trong tuần.

Bác sĩ Magavi cho rằng: “Mỗi một thành công đều giải phóng các chất hóa học thần kinh như dopamine, giúp củng cố các hành vi lành mạnh một cách tích cực.

Ví dụ, nếu bạn viết ra mục tiêu đi bộ với tạ trong 20 phút và gạch bỏ mục tiêu này khi hoàn thành, Magavi cho biết điều này sẽ giải phóng một số hóa chất thần kinh tích cực.

“Ngày hôm sau, nếu bạn thấy mình làm chưa tốt, thì việc nghĩ về thành công của ngày hôm trước sẽ rất có ích. Vì nó sẽ cho bạn động lực để cố gắng hơn nhằm có được cảm giác thành công một lần nữa.

 

4. Vận động cơ thể

Việc tham gia tập thể dục và các hoạt động thể chất yêu thích có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và mức năng lượng của mình. Điều đó nói lên rằng, việc tìm kiếm động lực để vận động cơ thể khi bạn cảm thấy mệt mỏi có thể là một thách thức. Bước đầu tiên là tìm một thứ mà bạn thích yêu cầu bạn phải vận động. Sau đó, đặt mục tiêu làm điều này một lần một ngày — ngay cả khi nó chỉ mất 10 phút.

Với những người gặp khó khăn trong việc tự động viên bản thân, thường là tất cả chúng ta, thì Magavi cho rằng sự trách nhiệm lúc này chính là chìa khóa. Nếu điều này nghe quen, hãy gọi cho một người bạn và lên lịch tập thể dục mỗi ngày để mang lại lợi ích cho bản thân. Việc đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga, chơi một môn thể thao giải trí như gôn hay quần vợt, và thậm chí là vận động trong sân nhà đều là những cách tuyệt vời để biến việc tập thể dục thành một phần không thể thiếu trong một ngày của bạn và giúp bạn tăng cường năng lượng cho chính mình.

Bạn không biết chắc nên bắt đầu từ đâu? Magavi khuyên bạn nên tập thói quen thở sâu bằng cơ hoành kết hợp với các bài tập Pilates, squats, đi hoặc chạy bộ. Chúng sẽ giúp bạn cảm thấy chuyên tâm hơn và tập thể dục nghiêm túc hơn.

 

5. Luyện tập thiền chánh niệm kết hợp với thư giãn

Các bài tập thiền chánh niệm, thư giãn và hít thở có thể giúp tâm trí và cơ thể của bạn thoải mái hơn, giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn. Thêm vào đó, bạn chỉ cần vài phút mỗi ngày để cảm nhận sự khác biệt. Hãy dùng thời gian này để nhận biết những gì đang diễn ra trong tâm trí và cơ thể bạn.

Hãy bắt đầu với năm phút mỗi ngày và ghi lại những khoảnh khắc chuyên tâm vài lần mỗi ngày. Để bắt đầu, bạn hãy nghe một bài hướng dẫn thiền hoặc các bài tập thở được ghi lại. Một khi thấy thoải mái với việc luyện tập, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã có thể tập trung và tỉnh táo hơn trong suốt cả ngày. 

6. Chú trọng không khí trong lành và ánh sáng vừa đủ

Việc dùng ánh sáng thích hợp để khiến môi trường sống trở nên sáng sủa hơn có thể làm nên điều kỳ diệu cho tâm trạng và năng lượng của bạn. Hãy mở tất cả các rèm cửa trong nhà của bạn. Hãy thử ra ngoài và đi dạo. Nếu thời tiết không thuận lợi hoặc bạn không thể ra khỏi nhà, hãy ngồi bên cửa sổ lúc đọc sách hoặc làm việc trên máy tính.

Bạn có thể cũng muốn cân nhắc mua một hộp ánh sáng (công suất 10.000 lux), để có thể thực hiện liệu pháp ánh sáng. Đây là một trong những phương thức điều trị chứng Rối loạn Tâm lý Theo mùa (SAD). Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể đề xuất cho bạn một lộ trình điều trị cá nhân để bạn tuân theo khi sử dụng liệu pháp ánh sáng này.

Để điều trị SAD bằng liệu pháp ánh sáng, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia khuyên rằng điều đầu tiên bạn nên làm vào mỗi sáng là ngồi trước hộp đèn từ 30 đến 45 phút. Hầu hết mọi người sử dụng một hộp đèn từ mùa thu đến mùa xuân.

 

7. Điều chỉnh kỳ vọng của bạn cho phù hợp

Việc mong đợi được nhảy ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng tràn đầy năng lượng có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng hơn. Thay vì trông mong sự hoàn hảo, bạn hãy hiểu rằng một số ngày có thể sẽ dễ dàng hơn những ngày khác. Nếu bạn có thể hạ thấp kỳ vọng của mình một chút, bạn có thể sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.

Để làm được điều này, hãy chọn một việc nhỏ mà bạn có thể làm hôm nay để tiếp thêm năng lượng cho bản thân. Ví dụ, hãy đi bộ lên xuống đường lái xe vào nhà, tập yoga phục hồi 10 phút, nghe bài thiền có hướng dẫn trong 10 phút hoặc ra ngoài hít thở không khí trong lành. Hãy nhớ viết ra mục tiêu của bạn và đánh dấu nó sau khi đã hoàn thành.

Nếu bạn gặp khó khăn với việc thức dậy và rời khỏi giường, thì ngoài việc lên kế hoạch, bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng một vài phút tập hít thở. Nó sẽ giúp ích cho việc tạo nên sắc thái của ngày hôm đó, đặc biệt là khi bạn thức dậy với cảm giác căng thẳng hay lo lắng.

 

8. Khắc phục những vấn đề liên quan đến “vệ sinh giấc ngủ”

Vệ sinh giấc ngủ là thuật ngữ dùng để mô tả các thói quen hoặc hành vi ngủ lành mạnh mà bạn có thể thực hành để cải thiện khả năng đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ suốt đêm. Việc vệ sinh giấc ngủ tốt có thể cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ mỗi đêm. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Để giúp cải thiện vệ sinh giấc ngủ, hãy đảm bảo thực hiện một thói quen hàng đêm, đó là dành thời gian cho các hoạt động thư giãn. Việc tìm được cách thư giãn trước khi đi ngủ có thể giúp bạn tĩnh tâm, thả lỏng cơ thể và có một đêm ngon giấc hơn. Ngoài ra, hãy cố gắng thức dậy và đi ngủ vào đúng một thời điểm mỗi ngày. Hãy hạn chế hoặc loại bỏ các thiết bị điện tử vào buổi tối và tắt tất cả các màn hình ít nhất 60 phút trước khi đi ngủ.

9. Trò chuyện với chuyên gia tâm lý

Việc luôn cảm thấy mệt mỏi có thể là dấu hiệu của một vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm, mặc dù có nhiều người cũng đang trải qua cảm giác này do lo lắng về đại dịch COVID-19. Nếu cơn buồn ngủ của bạn trở nên quá mức và khó kiểm soát, hãy nhờ bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia tâm lý. Việc trò chuyện với những người có thể điều trị các vấn đề cơ bản của bạn như nhà trị liệu, nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Họ cũng có thể cùng bạn phát triển các phương pháp hiệu quả để tiếp thêm năng lượng cho bạn.


Lời khuyên từ trang web Werywell.com:

Việc đối mặt với tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ quá mức có thể cản trở hoạt động hàng ngày của bạn. Hãy hay đổi việc vệ sinh giấc ngủ, vận động cơ thể nhiều hơn, luyện tập thật chuyên tâm và tham gia các hoạt động ngoài trời. Chúng đều có thể giúp bạn cải thiện mức năng lượng đấy! Tuy nhiên, nếu những phương pháp này không hiệu quả hoặc bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.

----------

Tác giả: Sara Lindberg, M.Ed

 

 

Link bài gốc: 9 Things to Do If You Feel Tired All the Time

Dịch giả: Trần Thụy Đoan Trang - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024