Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/11/2020 17:11 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Làm Thế Nào Để Khám Phá Được Khả Năng Sáng Tạo Tiềm Ẩn Của Bản Thân?


Có 1 câu chuyện khá thú vị về Pablo Picasso, vị nghệ sĩ tài hoa của Tây Ban Nha và cũng là một tài năng sáng tạo xuất chúng. Ông đã khai thác được khả năng vẽ nên một tuyệt phẩm chỉ trong vòng mấy phút.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, khi Picasso đang đi qua khu chợ, thì có một người phụ nữ nhận ra ông. Bà ta chặn đường vị hoạ sĩ, rút một mảnh giấy ra và nói: “Ngài Picasso, tôi rất hâm mộ các tác phẩm của ngài. Liệu ngài có thể vẽ cho tôi một bức tranh nho nhỏ được không?”

Picasso mỉm cười và nhanh chóng vẽ một bức họa tuyệt đẹp trên mảnh giấy kia. Sau đó, ông trả lại tờ giấy cho người phụ nữ, đáp lại lời bà: “Của bà là một triệu đô”.

“Nhưng thưa ngài Picasso,” người đàn bà ấy nói. “Ông chỉ mất 30 giây để vẽ kiệt tác này thôi mà”.

“Ồ thưa quý bà tốt bụng”, Picasso đáp, “Tôi đã dành 30 năm để có thể vẽ những kiệt tác đó trong vòng 30 giây”.

Picasso không phải thiên tài sáng tạo duy nhất trui rèn hàng thập kỷ để đạt đến trình độ bậc thầy. Hành trình ấy của ông là điển hình cho rất nhiều kẻ tài hoa khác. Kể cả những người thật sự tài năng cũng khó lòng cho ra đời những tác phẩm phi thường như thế trước khi rèn luyện bản thân trong hàng thập kỷ.

Ta hãy nói về nguyên do của nó, và quan trọng hơn cả, là bạn có thể làm cách nào bộc lộ được tài năng sáng tạo của riêng mình.


Độ tuổi của những người thắng giải Nobel

Một nghiên cứu gần đây đã truy ra tuổi của những cá nhân đoạt giải Nobel khi đó, các nhà phát minh cũng như nhà khoa học vĩ đại. Ở biểu đồ bên dưới đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng công trình đột phá nhất đạt tới đỉnh cao trong độ tuổi cuối 30 - ít nhất là 1 thập kỷ để gây dựng bất cứ cơ nghiệp nào. Kể cả trong các lĩnh vực như Khoa học hay Toán học, những bước đột phá cũng đòi hỏi 10 năm công tác hoặc hơn thế nữa.

Những khám phá này cũng nhất quán với công trình của những nhà nghiên cứu trước đó.

Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Carnegie Mellon bởi John Hayes, giáo sư tâm lý học về trạng thái của thần kinh, đã chỉ ra rằng trong 500 bản nhạc, thì gần như một nửa trong số chúng được sáng tác sau năm thứ 10 hoạt động của nhạc sĩ đó. Trong các nghiên cứu sau này, ông cũng nhận ra điều tương tự với các thi và hoạ sĩ. John bắt đầu nhìn nhận giai đoạn làm việc cật lực nhưng ít được công nhận như “10 năm thầm lặng”.

Dù bạn là một nhạc sĩ, hay một nhà khoa học, thì sức sáng tạo không phải là một năng lực bẩm sinh. Nó là một thứ đã được khám phá, rèn giũa và cải thiện sau những công việc thực thụ. 

Điều đó đã đặt ra cho chúng ta một câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để bạn phát huy được hết tài năng và khám phá khả năng sáng tạo tiềm tàng của mình?


Chấp nhận tạo ra những thứ tạp nham

“Mọi người thường chỉ nhìn vào những tác giả thành công có nhiều tác phẩm được xuất bản và thậm chí là rất khá giả, và nghĩ rằng họ chỉ đơn thuần ngồi vào bàn mỗi buổi sớm và giá trị như một triệu đô, cảm thấy tự hào về bản thân, về tài năng họ có được và một câu chuyện phải thật hấp dẫn, lớn lao để kể; và họ chỉ cần hít thở sâu một chút, xắn tay áo, vận động khớp cổ để giãn xương cốt một chút và rồi hối hả, gõ từng đoạn văn trau chuốt, tỉ mỉ như những phóng viên tại Tòa án. Tuy nhiên, đó chỉ là mộng tưởng của những kẻ tầm thường. Tôi có biết một số nhà văn lớn, những người rất được yêu thích vì những áng văn đẹp đẽ của mình và kiếm được rất nhiều tiền. Và chẳng có một người nào thực sự ngồi cặm cụi bên bàn làm việc suốt ngày mà cảm thấy tràn trề nhiệt huyết và tự tin. Không một ai viết được bản phác thảo đầu tiên của mình thật tinh tế, súc tích cả… Đối với bản thân tôi và các nhà văn mà tôi biết, viết lách không phải là một thú vui. Thực tế, cách duy nhất để tôi viết được một thứ gì đó là phải viết ra bản nháp thật sự nhảm nhí, ngớ ngẩn.”  - Theo Anne Lamott, trong cuốn Bird by Bird

Trong bất cứ nỗ lực sáng tạo nào, bạn cũng phải chấp nhận để bản thân tạo ra một mớ hỗn độn. Không có cách nào khác đâu. Đôi khi, bạn phải viết bốn trang giấy dày đặc và khủng khiếp chỉ để nhận ra rằng bạn nghĩ ra được một câu hay ho ở đoạn văn thứ hai của trang 3. 

Tạo ra một thứ bổ ích và hấp dẫn cũng giống như đào vàng. Bạn sẽ phải chắt lọc hàng lớp cặn bã và bùn bẩn chỉ để tìm thấy một đốm vàng giữa đống ấy. Phẩm chất thiên tài sẽ từng chút một tìm đến bạn, chỉ cần bạn để cho cảm hứng ấy tự đi theo dòng chảy của mình.


 

Hãy sáng tạo có kế hoạch


Những kẻ nghiệp dư chỉ sáng tạo khi được truyền cảm hứng. Còn những người sành sỏi sáng tác có kế hoạch của mình.

Không một hành động nào có thể bộc lộ thiên phú sáng tạo hơn là thúc đẩy bản thân phải liên tục sáng tạo. Lặp lại việc thực hành kĩ xảo của bản thân chính là cách duy nhất để trở nên thông thạo. Một kẻ chỉ biết ngồi lý luận một quyển sách bán chạy nhất nên như thế nào sẽ không bao giờ viết nó. Trong khi đó, một tác giả chân chính hàng ngày vẫn đặt lưng xuống ghế và gõ phím - chính là người đang học hỏi, tiếp thu công việc này.

Cảm hứng chỉ dành cho những kẻ tài tử. Những người còn lại cứ thế xuất hiện và làm việc thôi.- Chuck Close

 

Ira Glass là người dẫn chương trình radio nổi tiếng This American Life với 1,7 triệu thính giả hàng tuần. Sau đây là những lời khuyên ông dành cho những ai kiếm tìm một công việc thật thú vị và sáng tạo: “Điều quan trọng nhất bạn có thể làm được là hãy làm được thật nhiều việc. Hãy làm một khối lượng việc thật lớn. Bạn hãy đặt cho mình một thời hạn cụ thể để mỗi tuần hoặc tháng, bạn biết rằng mình nhất định sẽ hoàn thành xong một câu chuyện. Chỉ bằng cách trải qua một lượng công việc lớn, việc bạn đang làm mới lớn lao như chính hoài bão của mình.”

Nếu thật sự muốn có sáng tạo độc đáo nhất của riêng mình, thì chớ nên để nó phụ thuộc vào những chọn lựa. Đừng thức dậy vào mỗi buổi sáng tinh mơ và chỉ thầm mong trong đầu sẽ tìm được cảm hứng để sáng tác nên cái gì đấy trong hôm nay”. Bạn đừng ngại loại bỏ những quyết định nhé. Hãy tạo cho công việc một thời gian biểu chẳng hạn. Ý tưởng sáng tạo sẽ tự tới khi bạn đã thực hiện đủ cách xua những ý tưởng tầm phào, nhàm chán ra khỏi đầu. 


Hoàn thiện một số việc thôi nào!

Sáng tác nổi bật nhất của Steven Pressfield là “Huyền thoại Bagger Vance”. Đây chính là một tiểu thuyết bán rất chạy và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh (nhân vật chính là Matt Damon, Will Smith và Charlize Theron). Nhưng nếu bạn hỏi tác giả ấy, ông sẽ đưa ra câu trả lời rằng tác phẩm quan trọng nhất thì chẳng ai nghe đến bao giờ: đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bản thân.

 

Đây là cách mà Pressfield miêu tả giai đoạn hoàn thành tác phẩm đầu đời của mình:

“Tôi chưa bao giờ có ý định tìm kiếm một vị khách cho nó. Và cuốn tiếp theo cũng như vậy. Mười năm trôi qua để những điều tôi viết được kiểm định lần đầu tiên, và mười năm nữa để cuốn tiểu thuyết Huyền thoại Bagger Vance thực sự được xuất bản. Khoảnh khắc khi tôi đặt bút viết chữ HẾT TRUYỆN mới trọng đại làm sao! Tôi vẫn nhớ như in khi lật sang trang cuối và viết thêm đây là bản thảo hoàn thiện nhất. Chẳng một ai biết tôi đã hoàn thành nó. Chẳng ai quan tâm. Nhưng tôi thì biết. Và cảm giác như xác của con rồng mình đã vác gươm chiến đấu suốt cả cuộc đời vừa rơi xuống dưới chân, và phun ra ngọn lửa cuối cùng, hơi thở lụi tàn của nó”.

Bạn cứ hoàn thành gì đó đi. Bất cứ thứ gì. Đừng nghiên cứu, lên kế hoạch và chuẩn bị cho nó nữa, mà hãy chỉ bắt tay vào làm thôi. Chẳng quan trọng nó tuyệt vời hay tệ hại như thế nào đâu. Bạn đâu nhất thiết phải làm khuấy đảo thế giới với lần thử đầu tiên của mình, mà chỉ chứng tỏ với bản thân rằng bạn đáp ứng được hết những tiêu chí khi cần sáng tạo.

Chẳng có bất cứ một nghệ sĩ, vận động viên, doanh nhân hay nhà khoa học nào trở nên vĩ đại chỉ bằng một nửa công trình của mình. Dừng việc tranh luận bạn nên làm những gì lại, và chỉ cần làm thôi. Chỉ cần có thế.


Cần rèn luyện lòng khoan dung với bản thân

Ai cũng chật vật để tạo nên một kiệt tác nghệ thuật. Kể cả những nghệ sĩ vĩ đại nhất.

Khi được viết, tôi thấy như một gã không chân tay, với một cây bút màu trên miệng. - Kurt Vonnegut

Bất cứ ai sáng tác liên tục sẽ bắt đầu phán xét tác phẩm của mình. Tôi viết các bài báo mới vào mỗi Thứ hai và Thứ năm. Sau khi thực hiện theo lịch xuất bản đó trong vòng ba tháng, tôi bắt đầu phán xét mọi thứ tôi đã tạo ra. Tôi đã tin chắc mình đã gặp qua tất cả ý tưởng hay nhất bản thân có thể nghĩ ra. Thế rồi, bài báo được yêu thích nhất của tôi ra đời vào 8 tháng sau đó. 

Phán xét sáng tác của bản thân là một lẽ tất yếu. Cũng là một chuyện dĩ nhiên khi tác phẩm của bạn chẳng diệu kỳ như bạn đã nghĩ, hoặc bạn chẳng thấy tay nghề của mình đã cải thiện. Nhưng điều cốt lõi ở đây chính là đừng để sự bất mãn ấy cản trở bạn tiếp tục phần việc của mình.

Lòng khoan dung với bản thân cần có sự rèn luyện trọn vẹn, không thể để nó bị sự phê phán bản thân lấn lướt. Một điều chắc chắn là bạn có quan tâm đến công việc ấy, nhưng đừng quá khắt khe để vẫn giữ được ngọn lửa đam mê của mình. Đừng để những lời phán xét đó ngăn cản mạch làm việc của mình.


Hãy chia sẻ tác phẩm của mình 

Đừng ngại sẻ chia những gì bản thân đã làm được nhé. Bởi lẽ, điều đó giữ trọng trách trong việc tạo ra sản phẩm lý tưởng nhất cho bản thân. Nó sẽ cung cấp phản hồi để bạn làm tốt hơn nữa sau này. Và khi nhận thấy những người khác có sự kết nối với những gì bạn đã viết, nó sẽ truyền cảm hứng cho bạn và khiến bạn có động lực hơn.

 

Khi lên ý tưởng, phần lớn mọi người đánh giá quá cao nguy cơ về bản quyền, và đánh giá thấp cái giá phải trả khi bị lãng quên. -Mike Trap 

Đôi khi, công khai sáng tạo của mình cũng đồng nghĩa với việc phải đương đầu với những kẻ ghét bỏ, phê bình. Nhưng thông thường, điều duy nhất xảy ra là bạn có thể tập hợp được những người bạn có chung niềm tin, chung cảm xúc, hoặc những người ủng hộ điều bạn làm - có ai mà lại không muốn điều đó?

Thế giới cần có những người đưa sáng tạo vào nó. Điều bạn thấy đơn giản, lại có thể trở thành sáng kiến với người khác. Nhưng bạn sẽ chẳng biết được điều đó nếu không có ý định lan tỏa nó. 

 

Cách khám phá sức sáng tạo thiên tài của bản thân

Điều đó cũng dễ dàng thôi: Làm việc, hoàn thiện nó, nhận phản hồi, tìm cách cải thiện, và lại tiếp tục vào ngày mai. Hãy lặp lại điều đó trong vòng mười năm. Hoặc hai mươi. Hoặc ba mươi.

Cảm hứng chỉ tự tuôn ra sau những giọt mồ hôi mà thôi.

______________________________________________________________

Chú thích

  1. Chưa tìm được nguồn gốc của câu chuyện về Picasso nên chưa chắc chắn về tính xác thực của câu chuyện. Luận điểm khá rõ ràng và thuyết phục, nhưng nếu bạn tìm được nguồn, hãy chia sẻ với tôi.

  2. Biểu đồ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) và có thể đọc tại đây.

  3. Câu trích dẫn từ The War of Art. Bạn cũng có thể nhận ra Pressfield đã mất 20 năm để cuốn “Huyền thoại Bagger Vance” được xuất bản. Ông đã dành 10 năm trong thầm lặng, cũng như bao nghệ sĩ đại tài khác.

  4. Trong lúc khám phá, bạn cũng có thể tìm được lợi ích ngầm lớn lao của việc chia sẻ tác phẩm công khai: cảm giác sâu bên trong mình. Mỗi khi bạn chia sẻ với một ai khác - ý tưởng kinh doanh, một bài báo, bài thơ bạn viết, một bức tranh - trong giây lát khi họ xử lý thông tin, bạn sẽ nhận được phản hồi từ họ. Theo kinh nghiệm của tôi, hoặc bạn sẽ cảm thấy thực sự hào hứng (có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm tốt) hoặc những xúc cảm khác (có thể là dấu hiệu cho việc đó chỉ là một ý tưởng bình thường hết sức).

_________________

Tác giả: James Clear

Link bài gốc: How to Find Your Hidden Creative Genius

Dịch giả: Nguyễn - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024