Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/01/2020 20:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Học Cách Buông Bỏ Thói Quen Suy Nghĩ Quá Nhiều - Những Lời Khuyên Từ Các Nhà Tâm Lý Học


Bởi vì suy nghĩ quá nhiều thường dẫn đến sự cạn kiệt về mặt cảm xúc và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý
 
Nghĩ đi nghĩ lại về một điều gì có thể khiến bạn bị hao mòn sức lực rất nhanh.
 
Mặc dù đa số chúng ta ở đây đều thỉnh thoảng để tâm quá nhiều cho chuyện gì đó, nhưng đối với những người lo âu mãn tính, họ dành phần lớn thời gian của mình để ngẫm nghĩ, trầm tư về những chuyện đã xảy ra. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc đặt thêm áp lực lên bản thân họ.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Catherine Pittman, giáo sư ngành Tâm lý học tại đại học Saint Marry ở Notre Dame, Indiana, và tác giả sách Rewire Your Anxious Brain: How to Use the Neuroscience of Fear to End Anxiety, Panic, and Worry:
 
Một người bình thường sẽ có xu hướng suy nghĩ quá đi một số chuyện, nhưng có những người mà mức độ lo lắng, suy nghĩ của họ đã thành bệnh lý luôn rồi.
 
Suy nghĩ quá nhiều cũng có kha khá hình thù và cách mà nó thể hiện ra bên ngoài: Cân nhắc liên tục khi phải đưa ra một quyết định nào đó (Nhưng sau đó vẫn nghi ngờ quyết định mình đã đưa ra), cố gắng đọc suy nghĩ của người khác, cố dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, đọc từng chi tiết nhỏ nhặt nhất và cố nghĩ xem chúng có nghĩa là gì, v.v.
Những người suy nghĩ quá nhiều thường có một mục bình luận riêng trong não mình, chỉ trích, bới móc lên những gì mà họ đã nói, đã làm ở quá khứ, và kèm với đó là một mục dự đoán tương lai với những viễn cảnh kinh hoàng có thể xảy ra với họ.
Từ điển của họ chủ yếu là nếu như và đáng lẽ, như kiểu luôn có một thẩm phán đang ngồi trên đầu họ suốt cả cuộc đời này vậy. Họ thường phải khổ sở khi muốn đăng cái gì đó lên mạng vì họ lo sợ những thứ mà người khác có thể nghĩ về họ thông qua những gì họ đăng.
 
Họ cũng không ngủ được bởi vì suy nghĩ và lo lắng là đã đủ để giữ cho họ tỉnh táo. Theo Susan Nolen-Hoelsema, trưởng ngành Tâm lý học tại Đại học Yale và tác giả sách Women Who Think Too Much: How to Break Free of Overthinking and Reclaim Your Life:
 
Những người suy nghĩ nhiều thường xuyên chạy lại những kỷ niệm cũ trong đầu mình, họ sẽ đặt ra muôn vàn câu hỏi đại loại như “Tại sao chuyện này lại xảy ra?”, “Và nó có ý nghĩa gì?” Nhưng đáng buồn thay, họ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời nào cả.
Nếu chính bạn là một người thường xuyên suy nghĩ nhiều và đã biến nó thành một thói quen, thì bản thân việc suy nghĩ nhiều nó đã trở thành một vòng lặp. Bạn càng suy nghĩ, thì việc dừng vòng lặp này lại càng khó. Và cũng đồng thời không giải quyết được vấn đề nào ở đây cả.
 
Suy nghĩ nhiều mang trong mình cái tính hủy diệt và có thể làm cạn kiệt bạn về mặt tinh thần. Nó có thể làm cho bạn cảm thấy như bạn đang mắc kẹt trong một căn phòng nhỏ, và nếu bạn không làm gì cả, căn phòng này sẽ tiếp tục ép lại, ảnh hưởng nặng nề hơn đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Suy nghĩ đủ nhiều và đủ lâu, sức khỏe của bạn cũng sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng. Quá nhiều thứ diễn ra trong đầu dễ làm cho bạn bị trầm cảm và lo âu hơn.
Nhiều người cho rằng họ suy nghĩ quá nhiều là bởi vì họ lo sợ cho những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai, và những thứ mà có thể sẽ không đi theo ý họ. David Carbonell, nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả sách The Worry Trick: How Your Brain Tricks You into Expecting the Worst and What You Can Do About It chia sẻ rằng:
 
Bởi vì chúng ta cảm thấy yếu đuối khi nói đến tương lai, chúng ta cứ cố giải quyết những vấn đề mà thậm chí còn chưa xảy ra trong thực tế.
 
Lo âu, suy nghĩ nhiều cũng lấy đi từ chúng ta cảm giác làm chủ cuộc sống của chính mình. Ngoài ra, một tác động đáng sợ khác là nó cũng lấy đi sự chủ động của chúng ta với những thứ thường có thể kích thích chúng ta.
 
“Những người lo âu mãn tính thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn khi nói đến các bệnh mạch vành và ức chế chức năng miễn dịch. Sống quá nhiều trong quá khứ hoặc tương lai cũng đều đưa chúng ta ra khỏi hiện tại, khỏi cái trước mắt chúng ta, khiến cho chúng ta gần như không thể nào có năng suất hoạt động như bình thường.
 
 
Nếu bạn hỏi một người lo âu mãn tính rằng họ đang cảm thấy thế nào, câu trả lời bạn nhận được sẽ chẳng bao giờ là “vui vẻ, hạnh phúc” cả, cảm giác của họ đa số thường rơi vào một mức độ nào đó của sự khổ sở.” - Nicholas Petriem, một giảng viên tại Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo.
Suy nghĩ quá nhiều bẫy não chúng ta lại trong một vòng tròn lo âu. Khi mà những suy nghĩ nặng nề nó cũng đến tự nhiên như hơi thở, bạn cần phải nhanh chóng tìm cách giải quyết và xử lý chúng.
 
"Khi một sự việc nào đó đặt chúng ta vào trạng thái vô vọng, chúng ta được gợi nhớ lại những lần khác bản thân cảm thấy tương tự. Và chỉ cần nhiêu đây thôi là đã quá đủ cho một người hay suy nghĩ để họ tiến vào hố sâu của sự trầm tư." - Amy Maclin từ Real Simple
 
Giành lại cuộc sống của bản thân bằng cách thoát ra khỏi vòng lặp suy nghĩ này
 
Lo âu mãn tính không tồn tại vĩnh viễn. Đây chỉ là một thói quen tinh thần và hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Bạn có thể chỉ đạo, huấn luyện cho não làm được điều này, nhìn cuộc sống từ một góc nhìn khác.
Để vượt qua được khối cản tinh thần này, Pittman gợi ý chúng ta hãy thay đổi những suy nghĩ đó.
 
Tự nhủ bản thân rằng mình không có những suy nghĩ này không phải là cách để chúng ta thoát ra khỏi những suy nghĩ đó. Nhưng bạn cần chủ động thay đổi những suy nghĩ này. Nếu tôi bảo bạn ĐỪNG nghĩ về một con voi, thì khả năng cao là hình ảnh một con voi đã xuất hiện trong đầu bạn, nhưng bạn có thể tránh được điều này bằng cách ngay khi nhận ra đó là con voi, hãy thay hình ảnh đó bằng một thứ gì đó khác, một con rùa, chẳng hạn. Một con rùa đang ngậm một sợi dây trong lúc nó từ từ bò quanh vườn. Và bây giờ bạn đã thoát ra khỏi việc suy nghĩ về một con voi.
 
Hãy đối thoại với bản thân ngay khi bạn nhận thấy bạn đang mắc kẹt trong suy nghĩ của chính mình. Bạn có thể chế ngự được thói quen suy nghĩ quá mức của bản thân nếu như bạn có thể bắt đầu làm quen với nội tâm của mình. Giọng nói trong đầu mà bạn có thể trò chuyện từ ngày sang đêm.
 
Bruce Hubbard, giám đốc của Tập đoàn Cognitive Health và trợ lý giáo sư tâm lý và giáo dục tại Đại học Columbia cho biết, chúng ta có thể tạo ra một khoảng cách tâm lý nhỏ bằng cách diễn giải một tình huống theo những cách khác nhau. Điều này được gọi là tái cấu trúc nhận thức (cognitive restructing).
 
Tự hỏi bản thân – Xác suất mà cái thứ mình sợ sẽ xảy ra thật sự có cao lắm không? Nếu nó không cao, thì một số khả năng khác sẽ xảy ra là gì?
 
Nếu như có một vấn đề mà bạn thường hay suy nghĩ nhiều, thì hãy diễn giải tình huống đó theo một cách khác, để tìm ra kết quả hay hướng đi mà bạn muốn.
 
Thay vì nói là Công việc của tôi làm tôi thấy như đang mắc kẹt, thì hãy viết lại câu đó thế này, Tôi muốn tìm một công việc mà tôi cảm thấy tôi sẽ được chủ động nhiều hơn. Sau đó viết ra một kế hoạch, một danh sách những gì bạn có thể làm để cải thiện kỹ năng bản thân, kết nối thêm với nhiều người, và tìm thêm những cơ hội để có được việc làm mơ ước của bạn.
 
Hãy tìm một hướng đi mang tính xây dựng để xử lý những nỗi lo lắng và những suy nghĩ tiêu cực của bản thân bạn.
 
“Tốt nhất là mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn nên viết hết ra những suy nghĩ mà bạn đang giữ trong đầu, như vậy có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm, vì bạn đã có nơi để xả hết những thứ đang làm tắc mạch suy nghĩ của bạn." - Honey Langcaster-James, nhà tâm lý học.
 
Bạn cũng có thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân bằng cách kết nối nhiều hơn với những giác quan của mình. Để ý những thứ xung quanh bạn đi, những thứ bạn có thể nhìn, ngửi, nếm, nghe, và chạm vào.
 
Ý tưởng đằng sau tất cả những việc này là kết nối bản thân với thế giới hiện tại, thế giới trước mặt bạn ngay lúc này. Khi bạn đã tạo được mối liên kết đó, bạn sẽ dành ít thời gian trong suy nghĩ của mình hơn.
 
Tự nhận thức khi nào bản thân đang bắt đầu suy nghĩ nhiều cũng có thể giúp ích – Khi bạn thấy bản thân đang bắt đầu lạc lối trong dòng suy nghĩ, hãy tự nhủ với bản thân rằng như vầy là không tốt cho bạn, và bạn nên thoát ra ngay.
 
"Hãy để ý đến bản thân nhiều hơn một chút. Mình đang cảm thấy hơi khó chịu. Mình đang ở đâu đây? Suy nghĩ của mình có mạch lạc không? Tốt hơn là mình nên nghỉ ngơi, đi dạo một vòng quanh khu nhà để xem chuyện gì đang thật sự diễn ra." - David Carbonell.
 
Nhận ra khi nào não của bạn đang quá tải và thoát ra ngay lập tức. Và nếu bạn chưa đủ khả năng để thoát ra ngay thì hãy đánh lạc hướng bản thân, điều hướng sự chú ý của bản thân đến một việc khác. Tiến sĩ Margaret Weherenberg, nhà tâm lý học và tác giả sách 10 Best-Ever Anxiety Management Techniques từng nói:
 
Nếu bạn chủ động đặt dấu chấm hết cho những suy nghĩ, lo lắng thái quá và thay thế chúng bằng những suy nghĩ khác thì chúng sẽ không có cửa để quay lại. Bạn có thể thay thế những thứ làm bạn lo âu bằng cách nhắc nhở bản thân, "Điều tốt nhất cho mình là quay lại tập trung làm những điều mình đang làm trước đó." Một điều đơn giản như vậy thôi cũng đã có nghĩa là bạn đang muốn dừng lại lối suy nghĩ tiêu cực.
 
Để làm được điều này thì bạn cần phải luyện tập, nhiều, nhưng bạn sẽ có khả năng nhận ra khi nào bản thân đang lo lắng những điều không đâu, và chủ động chọn những thứ tốt hơn cho bạn, những thứ đang nằm ngay trong cuộc sống trước mắt bạn.
 
Lại thêm một vài ví dụ nào: Thay vì nói rằng Không thể nào tin được chuyện này lại xảy ra!, hãy chuyển nó thành Ok, bây giờ mình có thể làm gì để đảm bảo từ nay chuyện này sẽ không xảy ra nữa? Thay vì nói rằng Mình không có bạn, hãy chuyển nó thành Mình có thể làm gì để có cho mình những người bạn tốt và những mối quan hệ mới?
 
Đừng bao giờ để bị lạc trong những suy nghĩ có nội dung như là: Những thứ bạn đã có thể có hay những thứ bạn đã có thể làm khác đi. Áp lực tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn theo rất nhiều cách tệ hại khác nhau.
 
Đầu óc suy nghĩ quá nhiều có thể làm cho cuộc sống của bạn thêm khổ sở. Học cách dành ít thời gian hơn trong suy nghĩ của chính mình là một trong những món quà lớn nhất mà bạn có thể tự trao cho bản thân.
 
Như mọi thói xấu khác, thay đổi thói quen suy nghĩ quá nhiều của bản thân sẽ rất khó khăn, nhưng không phải là không thể. Với thật nhiều luyện tập, bạn có thể huấn luyện não mình nhận thức mọi thứ theo một cách khác, đồng thời giảm đi áp lực của việc suy nghĩ quá nhiều.
 
Nếu như suy nghĩ quá nhiều đang làm hỏng cuộc sống của bạn, và nếu bạn nghĩ rằng bạn đang rơi vào hố sâu của sự trầm cảm vì những suy nghĩ của mình, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm đến sự trợ giúp từ những người có chuyên môn.
 
Tác giả: Thomas Oppong
Dịch giả: Trần Hoàng Khanh (Đăng tải tại QRVN)

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024