Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/05/2019 21:05 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[A Crazy Mind] Tại Sao Chúng Ta Không Nên Cố Thay Đổi Bản Thân?


Bạn không thể thay đổi bản thân đâu, vì thế đừng có mà cố gắng. Tôi biết đây không phải những gì mà các trang thông tin và các hội thảo tự lực sẽ nói với bạn. Nhưng mặc kệ nó đi. Họ sai rồi. Bạn không thể thay đổi. Như một người sắp chết khát trên sa mạc đuổi theo một ảo ảnh, hay một gã mập nhìn chằm chằm vào cái tủ lạnh trống không - chẳng có gì trong đó cả. Vì vậy đừng tốn công vô ích nữa mà hãy làm gì khác đi.



Tại sao bạn không thể thay đổi bản thân? Bởi vì toàn bộ cái ý tưởng thay đổi đó chỉ như một khu kiến trúc được xây dựng lên một cách tùy tiện mà thôi. Nó là thứ bạn tạo ra chỉ để cảm thấy tốt hơn (hoặc tệ đi).



Hôm qua tôi không viết bài viết này. Nhưng hôm nay tôi có viết. Liệu tôi có thay đổi không?

Cả có và không đều là câu trả lời đúng, tùy thuộc vào cách bạn định nghĩa “thay đổi” là gì. Bởi xét về mặt chuyên môn, bạn luôn luôn thay đổi nhưng đồng thời cũng chẳng thay đổi gì cả. Nó đơn giản phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận về nó. Cái bạn quyết định là thay đổi hay không chỉ là một dòng chữ tưởng tượng trong đầu bạn mà thôi.

Tôi có thể coi “thay đổi bản thân” nghĩa là phải có một tỷ dollars. Và vì thế, tôi chỉ quanh quẩn dằn vặt bản thân cả đời vì không bao giờ có thể “thay đổi”. Do đó, định nghĩa này có vẻ không hữu ích lắm.

Hoặc tôi có thể quyết định “thay đổi bản thân” có nghĩa là không đổ ketchup vào món khoai tây chiên. Nếu đúng thế thật thì sự thay đổi lại quá dễ dàng. Nhưng liệu định nghĩa về “thay đổi” đó của tôi có ý nghĩa gì không? Không hẳn.


THAY ĐỔI LÀ GÌ?

 


Khi mọi người than thở với các bác sĩ trị liệu và vợ cũ của họ rằng cuối cùng họ sẽ “thay đổi”, họ chỉ đang hứa hẹn một điều gì đó hão huyền và dối trá. Nếu họ từng nói dối trước đây và giờ không còn nữa, họ có “thay đổi” không? Họ có mãi mãi “bất biến” như thế? Liệu họ sẽ không bao giờ nói dối nữa? Và nếu không, nó có phải là vấn đề không? Xin vui lòng nói cho chúng tôi - hàng triệu những bà vợ cũ cáu kỉnh muốn biết.


Chúng ta không biết thay đổi là gì bởi vì thực ra chúng ta cũng không biết chúng ta là cái quái gì. Nếu sáng mai tôi thức dậy và làm chính xác ngược lại những gì tôi làm hôm nay, liệu tôi có phải đã thay đổi? Hay tôi chỉ đơn giản vẫn là cùng một con người ấy nhưng quyết định thử những điều mới mẻ hơn?

 

Và quan trọng hơn, ai thèm quan tâm chứ?

 

Tôi không quan tâm. Và bạn cũng vậy.

 

Đây chính là vấn đề với từ “thay đổi”: nó liên quan đến cái “tôi” của bạn. Và với mọi thứ liên quan đến cái “tôi”, bạn trở nên thực sự bám dính lấy vào những điều ảo tưởng. Bạn đột nhiên giận dữ và dằn vặt bản thân, đổ lỗi cho người khác và rồi kết luận rằng bạn, trên thực tế, chỉ là một phần vô giá trị mà không có lấy một hy vọng trên thế giới này.

 

Khi nói, “Tôi muốn bắt đầu đi đến phòng gym hằng tuần.” Lại có thể nói thành, “Đã đến lúc tôi thay đổi và trở thành con người đi đến phòng gym mỗi tuần.”

Câu đầu tiên rất đơn giản. Bạn muốn đến phòng gym. Và vì thế, bạn đến (hoặc không).

Câu thứ hai lại ngụ ý để có thể đến phòng gym, bạn phải tái tạo lại chính mình. Và nó khiến mức độ cảm xúc tăng lên mạnh mẽ. Nếu bạn thành công (tiết lộ trước: sẽ không có chuyện đó đâu), bạn sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc với “con người mới” này, và cảm giác ấy sẽ kéo dài cho đến lần tiếp theo bạn thấy chán nản và muốn “thay đổi” một lần nữa. Còn nếu thất bại, bạn sẽ tự trừng phạt bản thân vì sự lười biếng không thể tha thứ của mình.

 

Và đó là vấn đề khi dính tới chuyện cái “tôi” cá nhân. Nếu/khi bạn làm hỏng việc gì đó, bạn bắt đầu nghĩ: “Có lẽ mình đang tự đùa cợt mình. Có lẽ mình không phải kiểu người “phòng gym” đó. Có lẽ đó không phải là mình. Vậy còn cố gắng làm gì?”

 

 

Bởi vì bạn quyết định rằng những hành động tùy tiện này đại diện cho toàn bộ con người bạn, bạn sẽ cố loại bỏ những thất bại ấy và mặc lên chiếc quần yoga như một phán quyết về con người bạn. Bạn sẽ ghét bỏ chính mình thôi. Và bạn sẽ thiếu động lực để “thay đổi” hay làm bất cứ điều gì trong tương lai.

 

Mặt khác, nếu bạn thành công, giống như mọi loại thuốc, bạn sẽ cảm thấy bay bổng và trong giây lát thoát khỏi chính mình. Nhưng sớm thôi, cảm giác đó sẽ biến mất, và bạn cần tìm cho bản thân một kiểu “thay đổi” mới để theo đuổi. Dần dần bạn trở nên nghiện thay đổi giống như Eric Clapton nghiện cocaine hay Edgar Allan Poe nghiện rượu cho đến khi ông ta ngã úp mặt xuống mương.


Đây là một gợi ý nhỏ: không có ai gọi là “người của phòng gym” cả. Chỉ có những người đi đến phòng gym thôi. Tương tự như vậy, không có ai được gọi là “người năng suất” cả. Mà chỉ là những người làm những việc năng suất khá thường xuyên mà thôi. Không có ai là “người đáng được yêu” cả. Vì chỉ có những người không phải là kẻ đáng ghét ích kỷ mà thôi.

 

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU XOAY QUANH BẠN (THỰC TẾ LÀ HIẾM KHI THẾ LẮM)


Khi chúng ta làm điều gì đó liên quan đến cái “tôi”- khi chúng ta quyết định rằng những hành vi hay sự kiện nhất định sẽ thể hiện toàn bộ giá trị con người chúng ta - mọi cảm xúc trong bạn đều rối loạn. Và khi cảm xúc rối loạn, chúng ta thường gây ra những thứ thực sự ngu ngốc.

Thay vào đó, hãy nghĩ cuộc sống của bạn chỉ đơn thuần là một chuỗi dài các hành động và quyết định. Nếu bạn giống hầu hết mọi người, những hành động và quyết định đó thường không tối ưu lắm. Và điều mà chúng ta muốn hướng tới khi nói từ “thay đổi” chỉ đơn giản là muốn đưa ra những hành động và quyết định tối ưu hơn một chút mà thôi.



Trong nhiều năm liền, tôi ghét buổi sáng. Và hầu như trong cả cuộc đời, tôi đều thức dậy muộn. Điều này gần như đã phá hủy cuộc đời tôi. Tôi làm chậm tiến độ công việc cả ngày. Vì vậy phải thức gần như cả đêm để hoàn thành nốt đống công việc. Và vào hôm sau, hoàn toàn mệt mỏi và căng thẳng, nên đêm đó, tôi còn phải thức muộn hơn nữa để theo kịp công việc. Cuối cùng đến cuối tuần, tôi đã hoàn toàn kiệt lực. Để trốn thoát thực tại, tôi ra ngoài uống rượu và tiệc tùng triền miên để rồi còn phát điên hơn nữa vào tuần sau.

 

Bằng cách nào đó, tôi vẫn gây dựng được một sự nghiệp. Đừng hỏi tôi đã làm thế nào (trả lời: caffeine). Nhưng thay vì cho rằng tôi vẫn ổn mặc dù có vài thói quen xấu, tôi coi nó là của mình. Tôi biến nó trở thành một phần của con người tôi. Tôi quyết định nó sẽ là cá tính của chính mình. Tôi nói với bản thân rằng, “Đúng, tao bất cần đời đấy. Mặc kệ dậy sớm. Mặc kệ giấc ngủ. Tao đéo cần cái đó. Nhìn con này, Mẹ ơi, con có thể làm việc cả đêm đấy!”


Và bạn có thể vượt qua nó khi bạn 22. Nhưng đến 32 tuổi, điều này là không thể.

Trong những năm 30 tuổi, tôi bắt đầu vật lộn với vấn đề năng suất. Và thay vì nhận ra những thói quen tệ hại của mình, tôi tự nhủ với bản thân, “Ừm, mình chỉ không phải là kiểu người của buổi sáng.” “Mình không làm mấy hoạt động của buổi sáng đó.” Và trước khi nhận ra, tôi đã bỏ cuộc khi còn chưa bắt đầu. Những lần tôi cố gắng dậy sớm để tập thể dục hay để ăn một bữa sáng lành mạnh, tôi đã luôn phải vật lộn và liên tục tự nhắc bản thân, “Thấy chưa? Mấy trò buổi sáng này không hợp với mình.”


Đến cuối cùng, tôi vẫn phải vượt qua bản thân. Tôi đã quyết định rằng, mặc dù, tôi còn không biết chính bản thân mình là ai và mình đang làm cái quái gì, nhưng tôi biết và cả những kẻ không phải kẻ ngốc cũng đều biết, về mặt thời gian lẫn khoa học, dậy sớm và bắt đầu ngày mới với những việc đơn giản và tốt đẹp là một cách sống lành mạnh và hiệu quả của con người.

 

Và tôi đã làm được. Tôi loại bỏ đi các câu chuyện về cái “tôi” và chỉ thực hiện nó bởi vì đó là chuyện tốt. Giờ đây tôi dậy sớm. Ăn những thức ăn xanh và lành mạnh và rồi viết một loạt bài viết ngay khi còn có thể.

 

Vậy liệu điều đó có khiến tôi thành một mẫu người của buổi sáng? Tôi có thành một “con người năng suất”? Ai biết chứ? Và ai quan tâm chứ? Tôi thì không. Và vì không quan tâm nên tôi mới có khả năng để làm những điều đó.

 

Đặt cái bản ngã của mình ra khỏi những quyết định ấy, bởi vì rất có thể, nó không phải xoay quanh bạn. Chỉ cần tự hỏi bản thân, “Điều này có tốt không?” Có? Vậy hãy thực hiện đi.

Và nếu bạn thất bại ư? Nó có còn là một điều tốt nữa không? Có? Vậy hãy làm lại đi.  

Và nếu, bằng cách nào đó, bạn nhận ra nó không tốt như mình tưởng, đừng làm nữa.

Câu chuyện kết thúc.


THAY ĐỔI HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN, CHỨ KHÔNG PHẢI CON NGƯỜI BẠN

 

 

Hầu hết chúng ta khi cảm thấy bị mắc kẹt với những thói quen nhất định đều mắc kẹt, bởi vì chúng ta đã bị cảm xúc cuốn vào những hành vi không lành mạnh. Một kẻ nghiện thuốc không chỉ hút thuốc. Họ đã phát triển cả cái “tôi” cá nhân xung quanh điếu thuốc đó. Nó thay đổi cuộc sống xã hội của họ, thói quen ăn và ngủ của họ, cách họ nhìn nhận bản thân và người khác. Họ trở thành một “kẻ nghiện thuốc” trong mắt bạn bè và gia đình. Họ phát triển các mối quan hệ ấy xung quanh thuốc lá như cách bạn làm với thú cưng hay đồ chơi ưa thích của bạn.

 

Khi ai đó quyết định “thay đổi” bản thân và bỏ hút thuốc, về cơ bản họ đang cố “thay đổi” cả bản sắc con người họ - toàn bộ các mối quan hệ, thói quen, và cả sự kiêu căng hình thành trong X năm chỉ để thực hiện một hành động. Không ngạc nhiên khi họ thất bại.


Bí quyết để bỏ thuốc lá (hay bất kì thói quen nào khác) là phải nhận ra cái “tôi” của bạn - bị đóng khung bởi các vấn đề tâm lý phức tạp bạn tự nghĩ ra trong trí óc để rồi coi đó là chính mình - thực sự không tồn tại. Nó rất tùy tiện. Nó chỉ là vẻ bề ngoài. Và nó có thể tăng lên hay giảm đi một cách tùy ý. Bạn không phải là kẻ nghiện thuốc. Bạn là người đã chọn hút thuốc. Bạn không phải là một “cú đêm”. Bạn là người đã chọn hoạt động vào ban đêm và ngủ nguyên cả buổi sáng. Bạn không phải là người kém năng suất. Bạn chỉ là người gần đây chọn làm những việc không hữu ích lắm mà thôi. Bạn không phải không đáng được yêu. Bạn chỉ cảm thấy mình không được yêu mà thôi.

 

 

Và thay đổi những hành động ấy chỉ đơn giản như… thay đổi hành động của chính bạn. Từng hành động một. Quên dán nhãn cho nó đi. Quên đi những trách nhiệm xã hội (trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc chia sẻ mục tiêu với người khác thường có thể gây ra tác dụng ngược lại). Đừng có nhặng xị về chuyện bạn là ai hay bạn là cái gì hay Pope nghĩ gì về bạn.

 

Bởi vì cậu ta không quan tâm đâu. Và hầu hết tất cả chúng ta đều thế. Và bạn cũng thế, với câu chuyện đó. Cái “tôi” là cái tạo nên những thứ mà bạn cảm thấy gắn bó. Nó là ảo ảnh trên sa mạc. Một lọ sốt cà chua trong cái tủ lạnh trống không. Và cách nhanh nhất để thay đổi là nhận ra chẳng có cái “tôi” nào để thay đổi cả.

 

[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]


Dịch: Hương

Biên tập: Ngọc

Minh họa: Huyền Diệu

Nguồn: https://markmanson.net

Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024