Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
31/03/2019 21:03 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Chất Lượng Cuộc Sống Của Bạn Phụ Thuộc Vào Điều Gì?


Chào bạn,

Tôi chắc một điều rằng trong cuộc sống của mình, bạn đã có những ngày tuyệt vời và cũng có cả những ngày tồi tệ. Hoặc thậm chí, bạn có thể có những ngày mở đầu tồi tệ nhưng kết thúc thật tuyệt vời và ngược lại.

Vì sao lại có điều này? Chuyện gì tác động đến một ngày của bạn vậy?

Bạn hãy thử nhớ lại một ngày tồi tệ hoặc tuyệt vời của bạn xem: Lúc ấy bạn đã nghĩ gì? Nói gì? Cảm nhận gì? Hành xử gì? Và điều gì là ngọn nguồn của những điều trên?

Câu trả lời đó chính là: sự tập trung của bạn.

Bạn có để ý thấy khi bạn càng tập trung vào những điều đã tồi tệ, thì bạn lại càng nhận được cảm xúc tồi tệ hơn không? Ngược lại, khi bạn càng tập trung vào những điều tuyệt vời, mọi thứ bỗng trở nên tuyệt vời.

Sự tập trung của chúng ta quyết định thái độ của chúng ta.

Chắc hẳn bạn đã biết câu chuyện của nhà tâm lý học Viktor Frankl tại trại tập trung. Khi tất cả mọi người tuyệt vọng vì bị hành hạ, tù đày, người thân bị giết thì Viktor Frankl lựa chọn tập trung vào thế giới bên trong của mình, tập trung vào việc kiểm soát phản ứng của mình.

Khi ông tập trung vào điều đó, thái độ của ông thể hiện ra ngoài rất khác. Dù rằng cuộc sống ở trại tập trung rất khổ cực nhưng ông vẫn có thể làm chủ được phản ứng của mình và sau đó là dạy lại cho những người bạn tù. Thậm chí sau khi được thả khỏi trại tập trung, ông còn dựa trên những trải nghiệm của mình để sáng tạo nên logo therapy nữa.

Rõ ràng sự tập trung của Frankl quyết định chất lượng cuộc sống của ông (ý tôi là ở mặt tinh thần và cảm xúc).

Vậy đến đây bạn chắc sẽ thắc mắc: “Nhưng sự tập trung này do đâu mà ra và làm sao để kiểm soát nó đây?”

Câu trả lời đó chính là: nó phụ thuộc vào chất lượng câu hỏi bạn đặt ra cho mình.

Câu hỏi khai sáng

Khi bạn đặt một câu hỏi tiêu cực, bạn sẽ chỉ tập trung tiếp tục vào những điều tiêu cực. Ví dụ “Trời ơi, tại sao điều này lại xảy ra với mình?” Bạn có để ý thấy ngay khi đặt câu hỏi này, bộ não sẽ đi tìm bằng chứng chứng minh là nó đúng không?

Ngược lại, nếu chuyện không hay xảy ra với bạn nhưng bạn có thể đặt cho mình câu hỏi tích cực như “Điều này có ý nghĩa tích cực hay cơ hội gì?” hay “Mình học được gì từ điều này?” thì ngay lập tức bộ não của bạn sẽ tập trung tìm ra câu trả lời cho bạn.

Điều này cũng lý giải vì sao trong quá trình khai vấn (coaching), tôi luôn luôn tin rằng câu trả lời sẽ đến từ bên trong bạn. Chỉ cần câu hỏi đúng, bạn sẽ có câu trả lời cho thử thách mình đang gặp phải. Và đó là lý do vì sao trong khai vấn, người coach dùng rất nhiều đến kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi để giúp khách hàng khơi gợi tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Câu Hỏi Trao Quyền vs. Câu Hỏi Tước Quyền

Trong một bài trước, tôi đã từng nhắc đến khái niệm này. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn để bạn hiểu.

Câu hỏi trao quyền (empowering questions) là những câu hỏi mà khi đặt ra, người được đặt câu hỏi cảm thấy như mình có quyền lực để chịu trách nhiệm với bản thân và làm mọi thứ trong khả năng của mình để tạo nên ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Ví dụ một số câu hỏi trao quyền như:

  • Trong hoàn cảnh này, cách phản ứng tích cực sẽ là gì?
  • Trong khó khăn là cơ hội, vậy cơ hội ở đây là gì?
  • Bài học mình cần phải học ở đây là gì để có thể trưởng thành hơn?
  • Mình có thể làm được gì trong khả năng kiểm soát của mình?
  • Nguồn lực nào có thể giúp mình đạt được điều mình muốn?

Ngược lại, câu hỏi tước quyền (disempowering questions) khi đặt ra sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy như bị tước đi hết mọi quyền lực và không thể làm gì khác hơn. Ví dụ:

  • Trời ơi, vì sao điều này lại xảy ra với mình?
  • Mình có thể làm được điều này không?
  • Mình có đủ tự tin không?
  • Mình có quá trẻ/quá già để làm việc này không?
  • Mình là ai mà có thể làm việc này?

Bạn thấy đấy, hai loại câu hỏi này sẽ quyết định rất nhiều đến hướng tập trung của bạn.

Câu hỏi tôi dành cho bạn đó là “Bạn tự đánh giá xem mình hay dùng câu hỏi nào nhiều hơn trong cuộc sống của mình?”

Làm Thế Nào Để Học Cách Đặt Câu Hỏi Trao Quyền?

  1. Hãy trả lời câu hỏi trên của tôi trước. Thành thật với bản thân mình. Bước đầu tiên của thay đổi là mình cần nhận ra mình đang ờ đâu.
  2. Để ý và nắm bắt ngay mỗi khi ta thấy mình đang tự đặt những câu hỏi tước quyền. Ngừng trả lời cho câu hỏi đó và tìm cách biến câu hỏi đó thành một câu hỏi trao quyền.
  3. Trả lời cho câu hỏi trao quyền bạn mới đặt ra. Nếu được, hãy viết xuống câu hỏi của bạn vào một quyển sổ. Hãy biến nó thành một bộ sưu tập câu hỏi để khi cần thì bạn có thể xài liền. Bạn cũng có thể tham khảo 40 câu hỏi tự khai vấn chính mình.
  4. Lập lại bước 1-3 cho đến khi bạn thành thục.
  5. Cảm nhận sự thay đổi trong chất lượng cuộc sống của bạn.
  6. Trong trường hợp bạn vẫn chưa thấy sự thay đổi, cân nhắc đến việc sử dụng khai vấn (coaching) để tạo nên thói quen bền vững cho bản thân.

Hi vọng rằng bạn sẽ trở thành một bậc thầy trong việc đặt câu hỏi sau bài viết này.

Chúc bạn sớm thành công.

Hải Đăng

https://dinhhaidang.com/2017/04/20/chat-luong-cuoc-song-cua-ban-phu-thuoc-vao-dieu-gi/




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024