Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
05/07/2017 20:07 # 1
lien7h30
Cấp độ: 22 - Kỹ năng: 10

Kinh nghiệm: 158/220 (72%)
Kĩ năng: 89/100 (89%)
Ngày gia nhập: 23/03/2013
Bài gởi: 2468
Được cảm ơn: 539
Tản văn: Mỗi người chỉ có một gia đình để học cách yêu và học cách đau!


Tản văn: Mỗi người chỉ có một gia đình để học cách yêu và học cách đau!

Cuộc sống bộn bề vay trả, có những lúc con người ta mải mê lao vào cuộc mưu sinh mà bỏ quên những điều giản đơn. Ấy là sự trở về. 
1. Tôi có một cậu bạn thân cùng quê, mất mẹ ở tuổi 26, vào đúng ngày 20/10/2010. Và phải thú thực một điều, dù đã chứng kiến nhiều sự ra đi của những người trong họ hàng, rồi sự ra đi bất ngờ của các bậc sinh thành khác trong số bạn bè, nhưng đó là lần tôi cảm nhận được nỗi đau đớn, sự mất mát nhiều hơn cả.

Cách đó gần chục hôm, em gái bạn có nhắn tin hỏi tôi loạt ảnh cưới đã chụp cho bạn hồi tháng Ba. Chỉ đến chiều hôm ấy, bạn nhắn tin mẹ bạn đã ra đi, tôi vội vã phóng xe từ Hà Nội về trong đêm, nhìn lên bàn thờ mới hiểu, bạn tìm xin lại ảnh tôi chụp để tách lấy hình mẹ làm ảnh thờ. Đau lắm! Hình ảnh mẹ chụp trong ngày cưới con trai giờ là ảnh đặt cùng hương khói... Cả quãng đường tối và nhiều ổ voi ổ gà hôm ấy, luôn hiện lên hình ảnh bạn, hình ảnh mẹ bạn của một trưa tháng 8 cuối tuần tôi ghé thăm và câu nói: "Giá như K là con rể của cô thì tốt biết mấy"; là hình ảnh mẹ bạn một tháng sau đó tại viện Bạch Mai khi đã rụng hết tóc và tiều tụy, tôi đến chỉ có mình vợ bạn đang dỗ dành mẹ ăn và chăm sóc; là câu bạn nói qua điện thoại: "Giờ không biết nữa, mọi thứ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào mày ạ!"

Tôi đứng cạnh bạn, chụp những người đến viếng (theo yêu cầu của gia đình), thi thoảng lại nhìn bạn, rồi nhìn vào phía trong - nơi em gái và vợ bạn gục bên áo quan - mà rưng rưng... Rồi đôi lúc điên rồ lại nghĩ: một ngày mình cũng như bạn, ở vị trí của bạn, mình sẽ thế nào?

Xe tang đưa mẹ bạn ra đồng. Bạn mặc áo đen choàng khăn xô, đi giật lùi trước xe, mím môi không để bật ra tiếng khóc. Nhìn cái dáng đi ấy, tôi lại thấy đau! Chỉ đến phút cuối khi nấm mồ đã đắp đất xong, chất đầy vòng hoa, mọi người ra về vãn, chỉ còn lại một vài người trong gia đình cùng em gái và vợ bạn đang khóc, thì bạn cũng quỳ sụp xuống gục bên mộ mẹ. Những giọt nước mắt không kìm nén được nữa rồi, phải rơi thôi. Rơi cho một lần cuối còn được ở gần bên mẹ trong đời...

Tôi cứ đứng lặng im nhìn bạn như thế, và nước mắt cứ ứa ra theo bạn.

Đêm 20/10 năm ấy, thực sự là một đêm trống vắng và u buồn nơi căn nhà nhỏ của bạn. Bạn và tôi - và tất cả mọi người - ai rồi cũng sẽ phải đi qua, sẽ có những đêm trống vắng, u buồn như thế...

Và ngay đêm hôm ấy, trở lại Hà Nội, tôi đã hì hụi ngồi gõ cho bạn bài thơ này, như một sự đồng cảm, sẻ chia - dành cho riêng bạn - nhưng cũng là thông điệp muốn nói với tất cả mọi người:

"Con mất mẹ rồi...
Tháng Mười cười nghiệt ngã
Dù có được cả trăng sao trên trời - vĩnh viễn không bao giờ con có lại được mẹ
Đời mỗi người chỉ có một gia đình để học cách yêu và học cách đau
Như trái tim con lúc này
Quả sung non tứa nhựa vặt lìa khỏi cây 
Con cá mắc lưỡi câu, giãy giụa hoài, miệng càng thêm rách toác 
Cánh cò mềm ngã gục vào đêm đen
Chới với trên dòng sông mùa đông buốt lạnh...
Và những thỏi đá cô đơn thả vào ly nước nóng
Bàng hoàng, nhẹ bẫng, rồi tan...

Ai...
Ai chỉ cho con bước lại đoạn đường?
Nụ cười hiền nở giữa gió sương đời mẹ
Mỗi giờ tan ca lại ngóng con về bên mâm cơm chiều đoàn tụ
Nửa đêm trở gió, khẽ khàng qua phòng con khép lại ô cửa
Để con mãi được là đứa trẻ trong mắt mẹ bao dung...

Tháng Mười quàng lên người con khăn trắng đưa mẹ ra cánh đồng
Thắt chặt lòng con - rùng mình nghẹt thở
Mặt trời vỡ
Máu hồng loang đỏ ngày côi

Này con dế nhỏ bờ cỏ ru nôi
Sao mày thảng thốt?
- Tôi giật mình vì sương đêm mặn
Uống sương rồi, lời ru hời thành tiếng bi ai...

Á ạ à ơi... Ạ à ơi!
Con mất mẹ rồi, tháng Mười mồ côi
Cầu xin gió đừng thổi tan hơi ấm đôi dép mẹ đi, chiếc áo mẹ mặc
Chút thân quen cuối cùng còn sót lại, nâng con bước tiếp
Phía ngày mai cô đơn những khoảng trời...

Á ạ à ơi... Ạ à ơi!"

Ai cũng vậy thôi - đều sẽ trải qua những mất mát như thế. Tôi thấy đau - bởi lẽ tôi và bạn không đơn giản chỉ là học cùng lớp 4 năm THCS, học cùng trường 3 năm THPT. Đau bởi bạn hợp tôi ở tính cách, ở những chân thành, ở hoàn cảnh gia đình hai đứa có những nét từa tựa nhau, nên bạn với tôi gần gũi và mẹ bạn cũng cho tôi cảm giác gần gũi như người mẹ của tôi. (Hóa ra ở đời, không phải cứ là họ hàng mới cho nhau cảm giác này nếu không hiểu và tôn trọng nhau, không thường xuyên thăm hỏi và dành cho nhau những tình cảm chân thành). 

Đau hơn nữa bởi trong một năm, bạn phải đón cả niềm vui và nỗi buồn - một đám cưới và một đám tang... Mẹ bạn đang ở tuổi 56 - cái tuổi bắt đầu có thể được an nhàn hơn bên gia đình, nhìn các con trưởng thành và để các con đền ơn, báo đáp. Thế nhưng hai anh em bạn sẽ vĩnh viễn chẳng còn cơ hội thể hiện tình yêu, lòng biết ơn với công lao trời biển ấy nữa.

2. Tôi vẫn thích ngày thứ Bảy trong tuần, không chỉ vì chỉ phải đi làm nửa buổi, được nghỉ ngơi, mà còn vì thứ Bảy thì sẽ về thăm quê... Sáng thứ Bảy nào mẹ tôi cũng gọi điện, hỏi con có về không?

Về thăm nhà... Tôi thấy mình hạnh phúc với một niềm vui bình dị và giản đơn bên mâm cơm gia đình, có đầy đủ những người mà mình yêu thương, gắn bó... Bên gia đình bao giờ tôi cũng thấy bình yên và ấm cúng. Dù cuộc sống thường ngày của bố mẹ vẫn diễn ra như trước, bận rộn, nhưng tôi biết nó ý nghĩa hơn mỗi lần con về thăm.

Nhà có hai anh em trai, em ở mãi bên nước bạn xa xôi, tôi trọ ngoài Hà Nội, mỗi tháng về thăm nhà 2 - 3 lần, nhưng bố mẹ vẫn nhớ, và mong... Tuần nào bố cũng hỏi mẹ: Thế nó có về không vậy? Mẹ bảo với con là bố không nói ra, nhưng từ khi nghe con nói thôi không vào Sài Gòn làm nữa, bố vui hơn... Tôi hiểu, bố mẹ không muốn con đi xa, dù mọi quyết định của con bố mẹ đều không hề can thiệp hay cản trở...

Những người bạn cùng quê của tôi xa nhà ở trọ nơi phố, mỗi khi gặp nhau, trong câu chuyện bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi: "Cậu có hay về quê không?". Những lúc đó thường không ai để tâm, trả lời qua quýt, rồi lại không nghĩ ngợi gì nữa...

Với tôi, sau những ồn ào phố xá, sau những ngày làm việc mệt mỏi, giam mình trong không gian tù túng của văn phòng và máy lạnh, thì gia đình luôn là sự tìm về bình yên. Ở đó có tình yêu thương dành cho mỗi người con mà không đâu có được...

3. Cuộc sống bộn bề vay trả, có những lúc con người ta mải mê lao vào cuộc mưu sinh mà đôi khi bỏ quên những điều giản đơn - nhưng cần thiết phải có đối với gia đình. Ấy là sự trở về. Chỉ giản đơn vậy thôi - chỉ là một sự trở về, không cần những điều gì quá to tát. Một sự trở về mà tôi biết mỗi người làm cha mẹ luôn mong đợi, đã lo lắng dõi theo bước chân con đi, thấy lòng hạnh phúc khi thấy con trở về nguyên vẹn, bình yên...

"Những thằng đàn ông ngạo nghễ với gió trời
Bầy chim thiên di đi qua hết một phần ba đời người, đủ ngấm mưa gió nắng, đủ thấm bão đời phiêu dạt
Tuổi 30 đẹp - nhưng không còn trong veo ánh nhìn thời 20 bồi hồi bao mơ ước
Đời 30 hằn môi đôi vết xước
Đêm xuân hao gầy, về lặng dưới mái nhà mẹ bao dung

Vẫn ngỡ mình là đứa trẻ chân đất đầu trần
Bờ bến quê hương - con rô đồng quẫy mùi bùn ngái nồng, bầy chuồn chuồn cõng hương lúa thơm, cánh diều cô đơn một trưa dãi nắng...
30 năm để biết đi khắp thế gian, chẳng muối nào mặn
Ướp lòng nhau - qua cay đắng tủi hờn, qua phôi pha năm tháng vẫn đầy tình - như mồ hôi cha, nước mắt mẹ một đời đã lặn vào mỗi tấc đất cha ông...

30 năm - vẫn nguyên lời nhắc giản đơn từ thuở bé con: "Trời mưa nắng biết đâu mà báo trước. Thằng K, con A ra khỏi nhà, đừng quên mang áo mưa phòng, để không bị ướt. Nhớ trở về ăn bữa tối... Mẹ chờ con!"

Hóa ra...
Chẳng ở đâu như trên xứ sở này - bên bờ biển Đông
30 năm, rồi đến cả 60 năm - trong mắt mẹ cha - chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ
Có bao giờ ngừng âu lo, ngừng thương yêu như ngày nao thơ bé?
Canh cánh lòng theo mỗi bước con bay...

Nước biển mênh mông chẳng đong hết tình này
Nghĩa mẹ công cha mây trời không phủ kín 
30 năm - trăm nẻo đường, vạn con sông - dẫu bước mình đi lạc
Vẫn biết...
Có một lối về không rơi nước mắt, chẳng thắt niềm đau!"

(Trích: Những đứa trẻ tuổi 30 trong ngôi nhà mẹ - Thơ Lương Đình Khoa)

Trong mắt bố mẹ, những người trẻ 30 tuổi, thậm chí cả 40-50 tuổi - vẫn mãi là những cô nhóc, cậu nhóc bé bỏng một thời mà cha mẹ luôn muốn yêu thương, bao bọc cho đến khi nào không thể...

Bởi thực sự, mỗi người chỉ có một gia đình - để học cách yêu, học cách làm người, học cách đối mặt với gió giông trong cuộc đời để giữ được nó gần bên mình lâu hơn, để không phải ân hận và tiếc nuối khi một ngày có ai đó mình yêu thương rời xa mình vĩnh viễn. 

Vì có những thứ trong đời, mất đi không bao giờ có lại như thế...

Lương Đình Khoa
Nguồn:http://giaitri.vnexpress.net

 



I also tend to be much more positive, energetic and happy..

Gmail: Mylien126@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024