Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/08/2011 07:08 # 1
Anna1312
Cấp độ: 3 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 3/30 (10%)
Kĩ năng: 14/30 (47%)
Ngày gia nhập: 24/08/2010
Bài gởi: 33
Được cảm ơn: 44
XQ Sử Quán – Nét xưa giữa lòng Đà Lạt


Đà Lạt là 1 trong những điểm đến trong chuyến đi thực tế của sinh viên khoa Du Lịch với chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm. Khi bước vào địa phận tỉnh Lâm Đồng, tôi đã bắt đầu cảm nhận được cái se lạnh của sương mù. Tôi thích thú ngắm nhìn khung cảnh Đà Lạt từ ngoại ô cho tới khi vào đến thành phố qua khung kính xe, từ những ngọn đèo quanh co ngoạn mục, những đồi thông bạt ngàn, những ngôi biệt thự lấp lửng bên sườn đồi đến thành phố hoa xinh tươi với những con dốc chạy dài. Tất cả làm nên một Đà Lạt thơ mộng trong tôi.                       
 
Đến với Đà Lạt, ắt hẳn ai cũng đã từng ghé đến Thung lũng Tình yêu, Thiền viện Trúc Lâm, Dinh Bảo Đại, thác Datanla…. Đây vốn là những điểm tham quan nổi tiếng ở Đà Lạt, nhưng đặc biệt ấn tượng với tôi hơn cả vẫn là XQ sử quán- nơi nuôi dưỡng những giá trị tinh hoa của nghề thêu. Với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn Huế cổ kính và khu trưng bày nghệ thuật ấn tượng đã làm cho XQ Sử quán trở thành một nét chấm phá độc đáo giữa lòng Đà Lạt. Không những thế, đây còn là một điểm du lịch lý tưởng khi khách tham quan được hòa mình vào thế giới của các nghệ nhân thêu truyền thống, được chiêm ngưỡng những tác phẩm thêu tay tinh tế, độc đáo. Vừa bước chân vào Sử quán, tôi đã cảm nhận được cái nhẹ nhàng thanh tao qua giọng nói nhẹ nhàng như đi vào lòng người của chị hướng dẫn viên đồng thời cũng là một nghệ nhân của XQ. Bắt đầu tiến sâu vào từng gian phòng, qua lời giới thiệu của chị hướng dẫn viên tôi càng thêm khâm phục các nghệ nhân thêu ở đây. Những câu chuyện về số phận những người phụ nữ. về dần được tái hiện qua nét thêu tinh xảo của người nghệ nhân XQ. Những câu chuyện được kể bằng đường kim mũi chỉ trên khung thêu, qua bàn tay thoăn thoắt của những nghệ nhân đồng thời còn phối hợp với các loại hình nghệ thuật như nghệ thuật sắp đặt, thơ ca… Tất cả cùng hòa quyện và vẽ nên một bức tranh về số phận và ước mơ của những nữ nghệ nhân XQ.                   
 
Đồng hành cùng với các gian phòng là các nghệ nhân miệt mài bên khung thêu. Đôi tay uyển chuyển, mềm mại, thoăn thoắt dần tạo nên một bức tranh sống động, giàu cảm xúc…Xuyên suốt theo các gian phòng là những câu chuyện, những tâm sự về nghề, về triết lí nhân sinh trong cuộc sống được thể hiện qua những tác phẩm thêu đặc sắc. Những bức họa đong đầy niềm vui, nỗi buồn của người nghệ nhân đã đem đến cho tôi những cảm xúc khó tả. Ấn tượng đầu tiên là khi tôi được giới thiệu “Tảng đá sáng tạo”- đây là nơi để các nghệ nhân XQ có thể đến để thắp một ngọn nến tịnh tâm, ước nguyện và tìm lại nguồn sáng tạo mới khi họ cạn kiệt và bế tắc trong việc tìm ý tưởng. Đi đến đâu tôi cũng phải dừng chân để ngắm nhìn những bức tranh thêu kì công, có những bức chỉ làm trong vòng 1 tuần, nhưng cũng có những bức phải 4, 5 nghệ nhân làm trong vòng 1 năm mới hoàn thành. Như vậy mới biết được công sức và tâm trí của những nghệ nhân XQ đã bỏ ra để có được thành quả như ngày hôm nay. Sau một hồi đắm chìm vào thế giới của niềm mơ ước và sự tận tâm của các nghệ nhân thêu, tôi như sực tỉnh khi bước đến bức tranh thêu “Nụ hôn tội lỗi”, chị hướng dẫn viên kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc đời của người con gái được tái hiện trong bức tranh thêu, đó là một nữ nghệ nhân của XQ, chị mắc căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo, một họa sĩ 50 tuổi đã cho chị cảm nhận được nụ hôn đầu tiên và cũng là duy nhất của đời người, và rồi chị mất và năm đó chị mới 19 tuổi. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy như mình đang đồng cảm được với câu chuyện buồn ấy. Sau đó chúng tôi cũng đã được thăm nơi trưng bày di ảnh của tất cả những nghệ nhân thêu xấu số, có người mất vì tai nạn, người mất vì bệnh tật, cũng có người mất vì nạn bạo hành gia đình… Chỉ nghe kể lại thôi nhưng có lẽ tất cả sinh viên chúng tôi đều có một cảm xúc chung, một suy nghĩ chung – người phụ nữ cần phải được bảo vệ hơn nữa khỏi những vấn nạn trong gia đình, họ là nguồn cảm hứng đồng thời cũng tạo nên những kiệt tác, vậy thì cớ sao họ lại phải chịu những cảnh oan ức và đau khổ đến như vậy?!                       
 
Những cảm xúc dần thay đổi khi đi qua các gian phòng, nơi thờ tự ông tổ ngành thêu, nơi có cánh cổng giam giữ giấc mơ của người thợ thêu, nơi đặt những chiếc kim gãy… ,những câu chuyện về sự tồn vong của nghệ thuật thêu tay..Tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tôi. Kết thúc phần tham quan các gian phòng, chúng tôi được các nghệ nhân mời dừng lại, nghỉ chân và thưởng thức chút trà nóng trong không gian thoáng đãng và đậm chất Việt Nam. Các làn điệu dân ca được các nghệ nhân XQ thể hiện hết sức da diết trong tiếng đàn tranh, đàn bầu làm tôi không khỏi ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng lại nối tiếp nhau khi tôi ghé đến “Con đường ẩm thực”, được chứng kiến hàng trăm loại gia vị khác nhau của Việt Nam và thưởng thức vài món dân dã do chính tay các nghệ nhân XQ nấu. Một điều đặc biệt là ở đây tất cả các nghệ nhân đều thướt tha trong tà áo dài, đây có lẽ là một đặc trưng riêng góp phần tạo nên một không gian tĩnh lặng và nhẹ nhàng đến như vậy của Sử quán, và tà áo dài cũng được xem như một nét văn hóa song hành cùng lịch sử nghề thêu mà XQ đã và đang tạo dựng cho đến ngày hôm nay. Những cảm xúc cứ lâng lâng như vậy đến khi tôi bước ra cổng của Sử quán, tôi nghe đâu đó một vị khách du lịch đã thốt lên “Nơi này giống như tiên cảnh vây”. Vâng, cứ như tiên cảnh vậy, những nàng tiên của đời thực, những người phụ nữ Việt Nam rất thật và rất tài.   
 
Tranh thêu XQ đã và đang tiến thân trên con đường chinh phục những chính khách, nhà quân sự, nhà nghiên cứu đến từ nhiều nơi trên thế giới, đó là nhờ vào những bàn tay đang miệt mài sáng tạo trên khung thêu, nhờ vào tấm lòng gìn giữ bản sắc văn hóa của người nghệ nhân thêu. Đằng sau những tấm tranh thêu là ước mơ, là khát khao vươn lên và là những tâm nguyện dành cho nghề mà các nghệ nhân đã gửi gắm vào đó. Xin lấy một đoạn thơ của người bạn tôi đã sáng tác dành tặng cho người con gái 19 tuổi trong câu chuyện “Nụ hôn tội lỗi” để làm phần kết cho bài viết này…  
 
“Đà Lạt chiều nay  Gió không về mây lặng  Dòng người qua trên phố vắng êm đềm  Tôi về bên em trong chiều hôm đó !  Thấp thoáng bóng hình trong nổi nhớ chơi vơi….” (Đà Lạt phố buồn – Tuấn Vũ)
Sinh viên Hoàng Quỳnh Anh. Lớp  K15DLK1 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024