Theo các chuyên gia, chính việc cử nhân không nhận thức đúng được năng lực thực sự của mình, dẫn đến sự gắn kết, trao đổi, thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động trở nên bế tắc.

Năng lực và kỳ vọng xin việc

Có mặt tại Hội chợ việc làm vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, Nguyễn Trường Giang, sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ tiếng Anh, Đại học Ngoại thương, mong muốn tìm được một công việc bán thời gian để tích lỹ kinh nghiệm. Tuy nhiên, dù là công việc bán thời gian, Trường Giang cũng mong muốn có một công việc ổn định, môi trường năng động với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. “Em nghĩ là năm thứ 3, thứ 4 em đã học chuyên ngành rồi thì mình có thể đi làm phiên dịch ở một công ty nào đó, hoặc phiên dịch cho tour, có thu nhập và tích lũy được kinh nghiệm”, Trường Giang cho biết.

 
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Cũng tham gia ngày hội tuyển dụng, nhưng Lê Hoài Nam, cử nhân Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Công nghiệp Hà Nội đến với mục đích tìm hiểu là chính, hội chợ việc làm lần này không có chỉ tiêu tuyển dụng theo đúng chuyên ngành mà Nam theo học. Tốt nghiệp đã hơn một năm, hiện Nam vẫn đang chấp nhận thất nghiệp tự nguyện.

“Em cũng đã đi phỏng vấn vài lần, vì nhiều lý do nên em vẫn đang cố gắng chờ đợi để có một cơ hội việc làm phù hợp. Em chưa có công việc ổn định, nhưng em không phải là thất nghiệp hoàn toàn. Hằng ngày em vẫn chạy Grab đủ để nuôi sống bản thân và chờ đợi một cơ hội tốt”, Nam chia sẻ.

Số cử nhân thất nghiệp hiện đang rất lớn và theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phổ cập đại học khiến tấm bằng cử nhân không còn là của hiếm, không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh khi xin việc. Ngay tại hội chợ việc làm, dù có nhu cầu tuyển dụng 10 lao động nhưng trong suốt một ngày phỏng vấn, đại diện Công ty Viethome cho biết, số hồ sơ tiềm năng không có nhiều.

Theo đại diện doanh nghiệp, có những sinh viên mới ra trường đòi hỏi cao về thu nhập, vị trí, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến khiến doanh nghiệp không khỏi bất ngờ. “Lương các bạn ấy đòi hỏi từ 10 triệu trở lên. Môi trường các bạn ấy mong muốn phải thực sự năng động. Ngoài ra yêu cầu sếp, cũng như đồng nghiệp phải giúp đỡ nhiệt tình. Các đòi hỏi này sẽ là xứng đáng nếu khả năng của các bạn ấy đáp ứng được”, chị Quỳnh Trang, đại diện tuyển dụng Viethome cho biết.

Phải nhận thức đúng năng lực của bản thân

Là người trực tiếp phụ trách tuyển dụng nhân sự mảng công nghệ thông tin, anh Trần Duy Trung (phụ trách văn phòng tại Hà Nội của một doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài) cho biết, 6 tháng qua, dù đã thử việc hơn 20 người nhưng văn phòng cũng mới chỉ tuyển được 2 người. Yêu cầu của công ty rất lớn và việc trả lương hoàn toàn dựa vào mức độ hoàn thành công việc.

“Có nhiều bạn khi đến phỏng vấn đều đặt câu hỏi về chuyện lương thưởng. Nhiều người chắc chắn đã đi làm rồi nhưng nhảy việc thì có những yêu cầu rất cao. Bàn về chuyện lương thưởng thì chúng tôi đều đưa ra các mức. Ký hợp đồng lương cao thì đương nhiên yêu cầu công việc cũng sẽ rất cao. Đa số ký ở mức lương cao nhưng sau vài tháng thử việc đều không đạt yêu cầu. Đấy mới là chuyên môn, chưa nói đến kỹ năng mềm”, anh Trung cho biết.

Đề cập đến việc nhiều lao động trẻ hiện nay đang ảo tưởng về bản thân, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thừa nhận, bây giờ vẫn còn nhiều bạn trẻ đang có ảo tưởng nhất định về vị trí việc làm. Với vị trí cụ thể mà doanh nghiệp đưa ra chưa chắc đã đáp ứng được nguyện vọng của bản thân các bạn đó. Chính vì thế sự gắn kết, trao đổi thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động bế tắc.

Ở góc độ của người làm chuyên môn, ông Vũ Quang Thành thừa nhận, các bạn trẻ không phải cứ ra trường là làm được việc ngay, đặc biệt là đúng ngành nghề. Vì thế, nên chấp nhận làm việc trái ngành để có kinh nghiệm, va chạm và cập nhật thêm kiến thức còn thiếu để tìm công việc phù hợp hơn.

“Chúng tôi có lời khuyên các doanh nghiệp giảm bớt yêu cầu đối với người lao động, nếu thấy không cần thiết. Vì hiện nay có nghịch lý doanh nghiệp không tuyển được lao động mà người lao động thì lại không tìm được việc làm. Về phía người lao động, cần tiếp tục nâng cao trình độ và chấp nhận làm công việc có thu nhập thấp hơn mong muốn. Có như vậy cung và cầu mới gặp nhau, tỷ lệ kết nối cao và số người thất nghiệp sẽ giảm”, ông Thành phân tích.

Với vai trò kết nối giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, ông Thành mong muốn giúp lao động trẻ có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này. Tuy nhiên, với những bạn muốn đi học nghề hay học đại học, trước tiên hãy tham khảo nhu cầu xã hội. Bởi nếu học theo cảm tính, không nghiên cứu thị trường, ra trường rất khó tìm được việc làm.

Nguồn: kênh 14.vn