Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
26/07/2016 23:07 # 1
nhathung
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 42/300 (14%)
Kĩ năng: 26/50 (52%)
Ngày gia nhập: 30/05/2015
Bài gởi: 4392
Được cảm ơn: 126
[Đánh giá] TV LG E6: OLED 4K 65 inch, thiết kế siêu mỏng, loa Harman Kardon tích hợp, giá 129 triệu


LG E6 sở hữu gần như tất cả những điều mà bạn có thể mong đợi ở một chiếc TV trong năm 2016: thiết kế siêu mỏng sang trọng, chất lượng hình ảnh đạt chuẩn UHD Premium từ tấm nền OLED 4K, khả năng trình diễn nội dung HDR theo chuẩn Dolbly Vision,… Và cũng chính vì vậy mà nó cũng có cái giá tương xứng: 129 triệu đồng, đắt nhất trong tất cả các dòng TV 65 inch tại Việt Nam vào thời điểm này.

Thông tin về LG E6

LG E6 thuộc thế hệ TV OLED 2016 mới nhất được hãng điện tử Hàn Quốc giới thiệu tại Việt Nam. Sản phẩm này có 2 phiên bản là 55 inch và 65 inch, tuy nhiên tại Việt Nam thì LG chỉ phân phối duy nhất phiên bản 65 inch giá tham khảo 129 triệu đồng.

Mặc dù thấp hơn một bậc, E6 có rất nhiều điểm tương đồng với G6 Signature, dòng TV cao cấp nhất của LG năm nay (nhưng chưa thấy bán tại Việt Nam). Về cơ bản, chất lượng hình ảnh của 2 dòng sản phẩm này là như nhau, đồng nghĩa với chất lượng tốt nhất mà công nghệ OLED có thể đem lại. E6 chỉ thay đổi một ít ở thiết kế cũng như tích hợp loa công suất khiêm tốn để có giá dễ chịu hơn so với người anh em đầu bảng.

Thông số kỹ thuật của LG E6

  • Tên sản phẩm: LG E6 65 inch
  • Công nghệ tấm nền: OLED
  • Độ phân giải: 4K (3840x2160)
  • 3D: Có (thụ động, kèm 2 kính)
  • Loa tích hợp: 2.2/ 40W
  • Số cổng HDMI: 4 (2.0a)
  • Số cổng USB: 3 (1 USB 3.0, 2 USB 2.0)

Thiết kế ấn tượng về cả thẩm mỹ lẫn kỹ thuật

2016 tiếp tục đánh dấu sự thay đổi lớn trong ngôn ngữ thiết kế của các dòng TV OLED. Nếu như các dòng TV năm ngoái như EG920T và EG965T sử dụng rất nhiều đường cong trong thiết kế mang lại sự mềm mại, lịch lãm cho ngoại hình; năm nay hãng điện tử Hàn Quốc sử dụng toàn những đường thẳng góc cạnh trong ngôn ngữ thiết kế “Picture on Glass” (Hình ảnh trên kính) mới. Điều này giúp E6 toát lên vẻ mạnh mẽ, sang trọng, rất khác so với những người tiền nhiệm. LG năm nay cũng quay trở lại màn hình phẳng, thay vì màn hình cong như năm ngoái.
 

LG_E6-7.jpg


Cách đây không lâu, mình cũng đã đánh giá qua dòng TV OLED 2015 là EG920T, mặc dù thiết kế của nó rất đẹp nhưng việc LG có phần hơi quá lạm dụng chất liệu nhựa nên khiến nó không toát lên được sự sang trọng như mong đợi. Tuy nhiên đối với E6, chất liệu chủ đạo mà hãng sử dụng là kính. Điều này giúp chỉ cần với cái nhìn đầu tiên, bạn dễ dàng cảm nhận rằng E6 là dòng TV cực kỳ đắt tiền (và sự thật là nó vô cùng đắt).
 

LG_E6-30.jpg
LG_E6B-1.jpg LG_E6B-3.jpg 

Điểm nhấn của phong cách thiết kế “Picture on Glass” của LG chính là việc “ép” tấm nền OLED vào giữa 2 lớp kính, không chỉ ấn tượng về mặt thẩm mỹ mà còn về kỹ thuật, bởi lẽ ngoài OLED thì tạm thời không có công nghệ hiển thị nào làm được việc này trên TV cả. Độ dày tấm nền OLED mà LG E6 sử dụng chỉ vỏn vẹn 2,57 mm theo công bố của hãng. Tuy nhiên do là chất liệu mềm (bản chất tấm nền OLED có thể uốn cong được), LG ốp thêm một lớp kính phía sau để chịu lực và giúp tấm nền có thể đứng thẳng lên. Thay vì chỉ ốp vừa đủ, hãng tỏ ra rất khéo léo khi cho phần kính phía sau tràn ra 4 phía. Điều này giúp bạn khi xem có cảm tưởng như hình ảnh nổi lên trên mặt kính rất ấn tượng. Bên cạnh đó, nhờ trong suốt nên nó cũng sẽ không gây phân tâm khi bạn tập trung xem TV.
 

LG_E6-3-2.jpg
LG_E6-2-2.jpg LG_E6-14.jpg 

Nhìn từ phía sau, E6 vẫn rất đẹp nhờ phần lưng làm bằng kính. Tấm nền OLED được thiết kế với các vân hình tam giác, khi ánh sáng chiếu vào sẽ phản chiếu lấp lánh nhìn cực kỳ sang chảnh. Đẹp thì đúng là rất đẹp, nhưng phần kính phía sau này cũng cực kỳ dễ bám dấu vân tay và bụi. Vì vậy nếu muốn nó luôn bóng bẩy thì bạn nên chuẩn bị tâm lý là phải vệ sinh thường xuyên. Nhưng về cơ bản, nhìn xa thì bụi hay dấu vân tay cũng khá khó thấy.
 

LG_E6-15.jpg

Cũng giống như các dòng TV OLED năm ngoái, sau khi phô diễn độ mỏng của tấm nền thì bên dưới của TV sẽ dày ra để có chỗ chứa các linh kiện khác. E6 cũng không ngoại lệ, tuy nhiên năm nay có vẻ như nhờ đưa loa xuống chân đế nên phần dày gọn hơn một chút. Thiết kế góc cạnh nên việc chuyển đổi giữa phần dày và mỏng của TV tương đối đột ngột chứ không mượt như năm ngoái. Nhìn chung vẫn khá ổn và không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ chung. Một điểm trừ nhỏ là phần dày ra LG lại sử dụng chất liệu nhựa, nhưng nhờ dùng tông màu đen nên vẫn tạo được cảm giác sang trọng khi nhìn từ xa (bù với cảm giác hi-tech, như từ tương lai của các mẫu màu trắng năm ngoái). Giá như LG sử dụng kim loại luôn thì sẽ hoàn hảo hơn rất nhiều.
 

LG_E6-13.jpg
LG_E6-11.jpg LG_E6-12.jpg ​


LG dồn hết các kết nối sang cạnh phải, phía sau của LG. Các kết nối thông dụng bao gồm 4 cổng HDMI 2.0a và 3 cổng USB (2 cổng 2.0 và 1 cổng 3.0) được thiết kế hướng sang bên hông, giúp bạn dễ dàng thao tác khi kết nối. Trong khi đó các cổng truyền thống mà hiện nay ít sử dụng như optical, LAN, A/V,... thì hướng ra phía sau. Thấp hơn nữa bên dưới bạn sẽ thấy nút nguồn, kiêm luôn joystick điều khiển tất cả tính năng của TV.
 

LG_E6-9.jpg
LG_E6-10.jpg LG_E6-17.jpg ​


Về phương diện âm thanh, hãng điện tử Hàn Quốc những năm gần đây đã có sự đầu tư đáng kể trong các dòng TV mới của mình, đặc biệt là phân khúc TV OLED. E6 sử dụng luôn một soundbar kiêm chân đế do Harman Kardon chế tác. Thiết kế không chỉ đẹp mà có vẻ còn rất "chuẩn mực" về mặt âm học, với các đường rãnh chạy ngang suốt thân của loa. Bên cạnh đó kích thước của nó cũng lớn tương tự như các dòng loa thanh gắn ngoài mà bạn có thể tìm mua trên thị trường hiện nay. Đối với E6, LG sử dụng thiết lập 2.2 kênh 40 W khá phổ biến ở các dòng TV cao cấp. Hãng cũng trang bị thêm một tấm kim loại lớn hình bát giác để cố định TV nếu bạn muốn đặt trên bàn (tấm kim loại này sẽ nhô ra phía trước và phía sau như bạn thấy trong hình, để tăng thêm diện tích tiếp xúc). Trong trường hợp bạn muốn treo tường thì không cần phải sử dụng tấm kim loại này. Hãng điện tử Hàn Quốc cũng khá tinh tế khi thiết kế một cái móc ở phía sau, giúp bạn quản lý dây nhợ một cách dễ dàng hơn.

Cá nhân mình đánh giá cao sự thay đổi này. TV OLED luôn nổi tiếng với độ mỏng ấn tượng, đẹp thì đúng là đẹp nhưng khi tích hợp thêm loa vào ngay trên TV thì chất lượng âm thanh sẽ không thật sự tốt (các dòng OLED đời đầu dùng loa pha lê) hoặc khiến TV dày thêm (các mẫu 2015). Đưa loa xuống chân đế sẽ giúp cho ngoại hình tổng thể của TV trở nên thon gọn hơn cũng như cho phép hãng thoải mái thiết kế loa chất lượng cao mà không phải quá lo lắng về tiết kiệm không gian. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của mình, nếu ai đã đầu tư 129 triệu để sắm TV thì cũng nên sắm dàn loa đa kênh cho nó cân xứng.
 

LG_E6-19.jpg
LG_E6-1.jpg LG_E6-2.jpg LG_E6-3.jpg 
LG_E6-4.jpg LG_E6-5.jpg LG_E6-6.jpg 

Kèm theo E6 là 2 Magic Remote mới của LG. Về tính năng, chiếc remote lớn hoàn toàn giống hệt như Magic Remote mà LG kèm theo các dòng TV LED 2016, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài trên tay UH950T của mình cách đây không lâu. Trong khi đó thì remote nhỏ là phiên bản rút gọn với số lượng phím bấm khiêm tốn hơn, tiện cho bạn nào tay nhỏ và thích sử dụng con trỏ hơn là phím bấm nhanh truyền thống. Về tổng thể, cả 2 remote mới có thiết kế khá sang chảnh với tông màu bạc chủ đạo, phía sau có một lớp vân đen chống trượt. Cá nhân mình thì thấy thiết kế của nó hơi góc cạnh (có lẽ là để cho tông xẹt tông với ngôn ngữ thiết kế của TV) nên cái lớn cầm không thoải mái bằng Magic Remote của UH950T. Cái nhỏ thì ổn, nhỏ gọn vừa tay.
 

LG_E6-25.jpg


Nếu như thiết kế của TV LED trong vài năm vừa qua đang dần bị bảo hoà với xu hướng tối giản, thiết kế của TV OLED vẫn tiếp tục thay đổi. Qua mỗi thế hệ TV OLED, có thể thấy rằng LG đang ngày càng hoàn thiện thiết kế các sản phẩm của họ, không chỉ đơn thuần là về mặt thẩm mỹ mà còn cả về phô diễn kỹ thuật. E6 là phiên bản mới nhất, tuy nhiều yếu tố còn có thể cải thiện thêm, nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một trong những dòng TV đẹp nhất vào thời điểm hiện tại.

Chất lượng hình ảnh tuyệt vời nhờ công nghệ OLED

129 triệu đồng là số tiền rất lớn dành cho một chiếc TV 65 inch, tuy nhiên chất lượng hình ảnh mà E6 sở hữu theo nhận xét của mình là hoàn toàn xứng đáng. Công nghệ WRGB OLED của LG năm nay đã hoàn thiện hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là vượt trội so với dòng năm ngoái. Đây là dòng TV có chất lượng tốt nhất mà mình từng thử, ấn tượng hơn rất nhiều ngay cả với dòng TV LED cao cấp nhất của LG năm nay là UH950T. Bạn có thể tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa TV OLED và TV LCD trong bài viết: [Tìm hiểu về TV] Các loại công nghệ tấm nền phổ biến
 

LG_E6-31.jpg


Ưu điểm của công nghệ OLED chính là khả năng hiển thị màu đen cực sâu do nó có thể kiểm soát độ sáng ở cấp độ từng điểm ảnh. Và ưu điểm này đã được E6 thể hiện một cách xuất sắc với độ sâu màu đen tuyệt vời. Không những vậy, mặc dù màu đen sâu nhưng các chi tiết vùng tối vẫn hiển thị rõ ràng. Đây là điều mà TV LCD/LED hiện nay vẫn chưa thể làm được do giới hạn về công nghệ. Các TV LED hiện nay có thể sử dụng công nghệ local dimming (làm mờ cục bộ) để tắt hẳn một vùng đèn nền nằm tái tạo độ sâu màu đen tối ưu. Tuy nhiên các chi tiết (nếu có) trong vùng đèn bị tắt này sẽ không thể hiển thị được.
 

LG_E6B-1.jpg


Các dòng TV năm ngoái mặc dù tận dụng rất tốt khả năng thể hiện màu đen của OLED, giúp tăng cường độ tương phản cũng như đem lại chất lượng tổng thể tốt hơn TV LCD. Tuy nhiên chúng, cụ thể là dòng EG920T mà mình đánh giá cách đây không lâu, mắc phải nhược điểm là độ sáng tối đa khá khiêm tốn. Điều này khiến cho đối với những cảnh sáng, tông màu rực rỡ thì TV OLED không thể hiện được sự vượt trội về chất lượng hình ảnh. Và thật ra nếu như là người bình thường không quá khó tính về màu sắc, bạn thậm chí có thể sẽ nghiêng về LCD vì nó sáng rực rỡ hơn. Trong dòng TV OLED mới, LG đã khắc phục được nhược điểm này. Độ sáng của E6 có thể lên rất cao. 1000 nit thì có lẽ không tới, nhưng đủ sáng để dù bất kỳ khung cảnh nào, dù sáng hay tối vẫn có thể đánh bại được UH950T, dòng TV LED cao cấp nhất của chính LG.
 

LG_E6-24.jpg

Độ sáng cao năm nay, kết hợp với màu đen sâu và khả năng kiểm soát ánh sáng ở cấp độ từng điểm ảnh vốn là đặc trưng của công nghệ OLED, LG E6 hội đủ các yếu tố hoàn hảo để có thể trình diễn nội dung HDR. Bản thân chiếc TV này đã đạt được chứng nhận UHD Premium cũng như hỗ trợ trình diễn nội dung HDR theo chuẩn Dolby Vision và HDR10. Đáng tiếc là tạm thời mình chưa có nội dung HDR nào để thử, tuy nhiên chỉ với những nội dung 4K thông thường thì E6 cũng đã thể hiện sự vượt trội hoàn toàn so với UH950T, không chỉ về độ sâu màu đen, độ tương phản mà còn về cả độ bão hoà của màu sắc, rực rỡ sống động hơn.
 

LG_E6-29.jpg

Ngoài các tuỳ chọn thiết lập màu sắc mặc định đã quá quen thuộc với người sử dụng TV, LG E6 còn có thêm một thiết lập mới mang tên HDR Effect. Thiết lập này cho phép bạn có thể điều chỉnh mức độ của hiệu ứng HDR tuỳ theo gu của mình. Như đã nói ở trên, tạm thời mình vẫn chưa có nội dung chuẩn HDR nên chưa thể thử thiết lập này được. Mình đã thử dùng với nội dung 4K thông thường nhưng không thấy tác dụng. Là dòng TV OLED cao cấp, LG E6 được hãng tích hợp rất nhiều tính năng cân chỉ từ cơ bản cho đến nâng cao. Nếu có kinh nghiệm hoặc chịu khó mày mò cân chỉnh, bạn hoàn toàn có thể thay đổi phong các thể hiện màu sắc của TV phù hợp với gu của mình.
 

LG_E6B-2.jpg

Về lý thuyết, tất cả các dòng TV đều có thể cân chỉnh lại màu theo gu người dùng, đặc biệt là ở các dòng cao cấp khi nhà sản xuất tích hợp những tuỳ chọn nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta sẽ bị giới hạn bởi độ tương phản, dải màu và khả năng thể hiện chi tiết của từng TV. Trong số đó, độ tương phản và chi tiết sẽ bù trừ lẫn nhau. Chẳng hạn như khi bạn tăng độ tương phản đến một mức độ nhất định vượt quá khả năng của tấm nền thì ngoài việc màu sắc trở nên mất tự nhiên thì các chi tiết cũng sẽ bị mất đi, đặc biệt là ở những vùng tối. Còn về dải màu, TV tốt sẽ có khả năng thể hiện nhiều màu sắc hơn, chẳng hạn như tấm nền 10 bit cho phép hiển thị nhiều màu sắc hơn 8 bit.
 

LG_E6-22.jpg


Với E6, chúng ta có độ tương phản gốc của tấm nền là cực cao (trên lý thuyết là vô hạn, tuy nhiên mắt chúng ta cảm nhận độ tương phản là sự trung hoà giữa vùng sáng và tối nên bạn sẽ không cảm thấy thật sự "vô hạn" như quảng cáo) vì vậy giới hạn khi tăng độ tương phản của nó cũng cao hơn, chi tiết thể hiện đặc biệt ở vùng tối cũng tốt hơn. Bên cạnh đó thì màn hình OLED cũng là màn hình gốc chuẩn 10 bit với khả năng thể hiện màu sắc có thể xem là tốt nhất hiện nay, phủ 99% dải màu DCI. Mình sẽ có bài chi tiết về cân chỉnh màu cũng như những yếu tố quyết định khả năng cân chỉnh TV trong thời gian tới, mời các bạn đón đọc.

WebOS 3.0 tạm đáp ứng tốt nhu cầu giải trí

Cũng như các dòng Smart TV LG 2016, E6 cũng được trang bị hệ điều hành WebOS 3.0 và các tính năng của nó cũng không khác gì với những dòng TV LED. Bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài: Trải nghiệm hệ điều hành WebOS 3.0 trên Smart TV LG
 

LG_E6-18.jpg
LG_E6-20.jpg ​


Nhìn chung, WebOS tuy không thật sự xuất sắc về độ phong phú của ứng dụng (vừa đủ đáp ứng nhu cầu giải trí phổ thộng), nhưng bù lại có giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Bên cạnh đó, trải nghiệm của nó mang lại cũng rất mượt mà, đặc biệt là ở những dòng sử dụng chip 4 nhân như E6. Nếu bạn không quá khó tính, E6 vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu là một trung tâm giải trí tại gia mà không cần có sự hỗ trợ của những thiết bị khác như set-top box hay HD Player.

Kết luận

Tóm tắt ưu nhược điểm của LG E6 65 inch

Ưu điểm

  • Chất lượng hình ảnh tuyệt vời
  • Thiết kế "Ảnh trên kính" ấn tượng về cả thẫm mỹ lẫn kỹ thuật
  • Chân đế là soundbar do Harman Kardon thiết kế
  • Đầu tư tốt về mặt âm thanh
  • Nhiều tuỳ chọn cân chỉnh màu sắc nâng cao

Nhược điểm

  • Ở Việt Nam chỉ có tuỳ chọn 65 inch
  • Giá cao
  • Ứng dụng của WebOS chỉ đủ đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản
  • Mặt kính phía sau dễ bám bụi và dấu vân tay

Vậy ai là đối tượng của TV LG E6?

LG E6 là chiếc TV siêu cao cấp, nó hướng đến những người muốn có được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất mà không ngại chi phí cao. 129 triệu có thể là mức giá rất cao dành cho một chiếc TV 65 inch đối với nhiều người. Tuy nhiên nếu đủ khả năng để đầu tư đến phân khúc TV siêu cao cấp như thế này, chất lượng hình ảnh mới chính là yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm. Và xét ở phương diện đó, E6 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Liệu mức giá rất cao của nó so với các TV LED cùng phân khúc là xứng đáng hay không, điều này là tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nhưng xét về việc nó vượt trội so với TV LED về chất lượng hình ảnh lẫn thiết kế, cái giá bạn phải trả cao hơn là hoàn toàn hợp lý.
 

LG_E6-27.jpg


Và cuối cùng thì bạn cũng nên nhớ rằng E6 dù gì vẫn là một chiếc TV, chất lượng hình ảnh luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Mặc dù cũng đã có sự đầu tư, để có được trải nghiệm hoàn thiện nhất thì lời khuyên của mình là bạn vẫn nên đầu tư cho nó một dàn âm thanh đa kênh tương xứng. Bạn có thể tham khảo thêm về các giải pháp nâng cấp âm thanh cho TV trong bài viết: Giới thiệu các giải pháp nâng cấp trải nghiệm âm thanh cho TV

tinhte.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024