Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/06/2023 22:06 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Sân khấu nhỏ và giấc mơ vĩ đại


Thành phố Prague, Cộng Hòa Séc, một thành phố cũng như bao thành phố khác, cũng như Manchester ở Vương Quốc Anh, cũng như Madrid ở Tây Ban Nha hay vùng Ruhr của nước Đức, là những nơi mà bóng đá đã tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt, thượng võ và thuần túy. Nếu như ở Manchester, mọi người dân yêu bóng đá tại thành phố này từ khi sinh ra đã định sẵn màu áo mà mình sẽ mặc để thưởng thức bóng đá trong suốt cả cuộc đời, một là màu đỏ của Manchester united, và hai là màu xanh của Manchester City. Hay tại thành phố Madrid, phần đông những người không sinh ra, lớn lên và chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Madrid khi nhìn vào bức tranh bóng đá tại Madrid sẽ nghĩ rằng ở Madrid thì người dân địa phương sẽ dễ chọn màu áo hơn bởi vì Real Madrid quá vượt trội so với người hàng xóm Atletico Madrid. Không, hoàn toàn sai lầm. Mặc dù xét về thành tích trên sân cỏ lẫn lịch sử, kinh tế và tầm vóc thì màu trắng có vẻ như là gam màu chủ đạo trong bức tranh bóng đá tại thủ đô của Tây Ban Nha. Điều đó đúng nếu đặt vào khía cạnh chuyên môn, nhưng khi xét về văn hóa bóng đá và sự cạnh tranh xuyên suốt, người Madrid cũng rất đắn đo giữa màu trắng của Los Blancos hay đỏ trắng của Los Rojiblancos. Hãy lấy những trận Derby Madrid để làm minh chứng, bạn sẽ hiểu rõ được sự thù địch, ganh đua của hai nhóm cổ động viên có trụ sở chính tại cùng một thành phố này là lớn như thế nào, đôi khi là vượt ra khỏi phạm vi bóng đá theo một chiều hướng không mấy đẹp đẽ và phù hợp với nền văn minh hiện đại. Hai ví dụ trên chứng minh một điều rằng, dù ở bất kỳ cấp độ nào, đẳng cấp nào, vùng địa lý nào, chỉ cần nơi đó bóng đá hiện hữu và tình yêu bóng đá được nung nấu với đủ độ chín, nơi đó ắt sẽ tồn tại sự cạnh tranh dù sự chênh lệch trình độ giữa hai phía có lớn ra sao. Trở lại với Prague, bức tranh bóng đá tại thành phố xinh đẹp này, theo Ondřej Zláma, l được khắc họa qua ba chủ thể gồm hai bên bờ sông và một con sông ngăn cách ở giữa. Tuy có hai bờ với hai bên phải và trái rõ ràng về mặt địa lý là thế, nhưng nếu bạn hỏi một cổ động viên bóng đá tại Prague rằng phía bên phải của thành phố là ở đâu, thì rất có thể họ sẽ đưa ra câu trả lời dựa trên màu áo mà họ quyết định bảo vệ suốt cuộc đời. Hoặc hai màu đỏ và trắng trên chiếc áo có đính logo của Slavia Prague, hoặc là sắc đỏ thẫm bao phủ trên chiếc áo được thêu lên logo của Sparta Prague. Nếu bạn gặp một fan của Sparta Prague và hỏi người ấy rằng: “ Này, bên phải của thành phố là bên nào của sông Vltava thế, tôi không có bản đồ” thì câu trả lời bạn nhận được có thể sẽ là: “Trước tiên, bạn hãy xác định vị trí của sân Sinobo. Bờ bên nào có sự hiện diện của sân Sinobo thì bờ đấy là bờ phải, còn bên kia là bờ trái. Trái cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ấy, tức là sai trái.”  Bởi người dân Prague, văn hóa Prague được chia làm 2 gam màu. Một bên là đỏ và trắng của Slavia Prague, bên còn lại là đỏ thẫm toàn phần của Sparta Prague. Chính tinh thần ganh đua trong thể thao đã tạo một sự khác biệt lớn về văn hóa bóng đá tại Prague, dù chỉ tiêu tốn khoảng 9 phút đi taxi để di chuyển từ sân Letna ( sân nhà của Sparta Prague) đến sân Sinobo ( sân nhà của Slavia Prague). Có một điều thú vị, đội chiến thắng trong trận derby thủ đô Cộng Hòa Séc sẽ nhận được chiếc chìa khóa biểu dương được trao từ tay người đứng đầu  Prague như một biểu tượng của sự tín nhiệm và lòng kiêu hãnh. 

Sân vận động Sinobo, hay còn được biết đến với cái tên Eden Arena, là sân nhà của câu lạc bộ Slavia Prague, tọa lạc tại thành phố Prague, Cộng Hòa Séc. Sân đấu có sức chứa 20,800 chỗ ngồi. Nghe không có vẻ gì là quá ghê gớm, thậm chí là thua thiệt kha khá nếu lấy các sân vận động của các câu lạc bộ có tầm vóc tương tự Slavia Prague tại đấu trường quốc nội ở các quốc gia như Anh, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Pháp  làm tham chiếu. Nhưng bạn có biết, đây là sân vận động vừa lớn nhất, vừa hiện đại nhất tại Cộng Hòa Séc. Sân khấu Sinobo lần đầu tiên sáng đèn chào đón những vị khách quý từ khắp nơi đổ về vào ngày 7 tháng 5 năm 2008.  Để hoàn thiện sân đấu trên, giới chủ của Slavia Prague đã phải tiêu tốn đến 36.6 triệu bảng Anh, bằng với 45.4 triệu Mỹ kim. Một số tiền tương đối lớn khi biết rằng tổng giá trị đội hình của đội bóng này theo cập nhất mới nhất của trang Transfermarkt chỉ là 52.55 triệu euro, tức là khoảng 45.1 triệu bảng Anh.

Và sân đấu có phần hơi “nhỏ bé” này, vào lúc 2h00, rạng sáng ngày 8 tháng 6 năm 2023 theo giờ Việt Nam,  là nơi để hai đội bóng cũng  khiêm tốn như tầm vóc của sân Eden Arena trong tâm trí của người bên ngoài Prague, bước ra sân nhằm chinh phục giấc mơ vĩ đại của riêng họ.  Cả hai có cùng một điểm chung, đó là đã lâu lắm rồi họ chưa được mơ một giấc mơ đẹp đến vậy. Với West Ham là 58 năm kể từ chức vô địch châu lục gần nhất vào năm 1965  với ngôi vương tại European Winners’ Cup. Còn Fiorentina, La Viola đã trải qua đến 62 năm kể từ lần cuối cùng được mơ giấc mơ dành cho nhà vô địch châu Âu với danh hiệu cũng ở đấu trường European Winners’ Cup mùa 1960/1961.

Sân khấu nhỏ cho người thua cuộc.

Miền trung Italia, thành phố Florence, vùng  Tuscany là một vùng đất thơ mộng với nhiều câu chuyện tình cảm lứa đôi nhẹ nhàng tha thiết. Nơi đây người ta vẫn thường truyền tai nhau về một câu chuyện tình cảm lứa đôi, một câu chuyện có liên quan mật thiết đến cây cầu Ponte Vecchio cổ kính.  Vẻ ngoài hấp dẫn, tầm hiểu biết sâu rộng cùng điệu bộ tinh tế là những mỹ từ mà sử thi dùng để miêu tả Buondelmonte de’ Buondelmonti. Chàng trai trẻ và hấp dẫn này đã chìm đắm trong men tình nồng đượm cùng với một cô gái từ gia tộc Amidei, cùng là dòng giống quý tộc giống như anh. Anh yêu cô vô cùng, trái tim anh đã có lúc tưởng chừng như hoàn toàn thuộc về cô gái quý tộc kia. Môn đăng hộ đối, tương hỗ, tương hợp. Cả hai đều là con cái của những gia tộc có địa vị cao nhất ở xã hội Florence thời bấy giờ, chàng thì hấp dẫn, còn nàng thì ngọt ngào, và tình yêu đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài ấy sắp đến lúc đâm hoa kết trái khi Buondelmonte đã hứa với người tình của mình rằng anh sẽ chọn cô là người phụ nữ của cuộc đời anh. Nhưng trớ trêu thay, anh đã bội ước ngay trong thời khắc tuyên hứa hôn nhân trước bàn thánh, cùng với lời bào chữa vô cùng mơ hồ. Kết quả là, anh chàng quý tộc kia đã bị sát hại vô cùng dã man khi đang cưỡi con bạch mã của mình ngay trên cây cầu Ponte Vecchio danh tiếng như một hình phạt nặng nề được giáng xuống dành cho tên tội đồ đã phá vỡ một chuyện tình đẹp đến ngây ngất. Ở Florence,  có một nhà thờ nhỏ tại trung tâm thành phố, nơi mà nhà thơ Dante vĩ đại đã có cuộc gặp đầu tiên với nàng thơ của đời ông - Beatrice Portinari, người mà sau đó đã khiến  ông cất lên những thanh âm đầy sâu lắng của tình yêu qua hai tuyệt  phẩm kinh điển là Cuộc đời mới và Thần khúc. Và cũng ở Florence, có một đội  bóng đã chọn cho mình màu tím thủy chung đại diện cho câu lạc bộ, đó là La Viola son sắt của những người dân yêu bóng đá vùng Florence, hay còn được biết đến với cái tên Fiorentina. Nhắc đến Fiorentina, có lẽ phần lớn trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Gabriel Batistuta, một trong những chân sút vĩ đại nhất lịch sử Calcio, vua sư tử đã cất tiếng gầm vang đầy mạnh mẽ trong 9 năm khoác màu áo tím. Ngoài Batigol, còn có một tiền đạo khác, anh cũng hào hoa, cũng hấp dẫn và cũng vô cùng thông thái như Buondelmonte - anh tên là Luca Toni. Luca Toni không thật sự thủy chung như màu áo truyền thống của La Viola, anh là một người đàn ông thích chu du khắp bốn phương tám hướng. Dù trái với văn hóa là vậy, nhưng những gì mà Luca làm được trong quãng thời gian tại Florence sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng. Ngoài những chân tấn công siêu hạng, La Viola còn khắc ghi lên dòng chảy lịch sử của câu lạc bộ một cái tên cần mẫn, tận trung và bền bỉ. Anh là chàng trung vệ với cái chất quý ông đúng kiểu Italia, Davide Astori. Nhưng, cũng như những câu chuyện tình cảm tại Florence,  mối lương duyên trong bóng đá tại nơi đây cũng không hoàn toàn đẹp, trọn vẹn. Davide Astori qua đời vào ngày 4 tháng 3 năm 2018, để lại nỗi tiếc thương khôn xiết cho toàn thể thế giới bóng đá. Khi đó anh đang là người đội trưởng mẫu mực của Fiorentina. 

Sân Artemio Franchi, số 4, đường Manfredo Fanti, Florence. Thành hình dưới bàn tay khéo léo của vị kiến trúc sư tài ba Pier Luigi Nervi, mở cửa lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 9 năm 1931 với trận đấu mở đầu là chiến thắng 1-0 của đội chủ nhà Fiorentina trước những vị khách Admira Wien. Sân có sức chứa 43,147 chỗ ngồi, to hơn gấp đôi so với sân đấu diễn ra trận chung kết cúp châu Âu đầu tiên mà La Viola tham dự sau 62 năm - sân vận động Sinobo. Một cách rõ ràng, nếu lấy 2 sân ra so sánh, với những thành viên của La Viola,  sân Sinobo chật chội hơn rất nhiều so với mái nhà thân yêu của họ - sân Artemio Franchi. Nhưng sau 90 phút với những người Anh tại sân đấu này, quả thực, có một nỗi buồn mênh mông trong mắt những nghệ sĩ màu tím, và nó  đang tràn ngập khắp sân khấu nhỏ lọt thỏm giữa lòng thủ đô Prague - Cộng hòa Czech. 

Bàn thắng của Giacomo  Bonaventura là không đủ để Fiorentina có được một vị trí dành cho những nhà vô địch trong cuốn biên niên sử trường kỳ của các giải cúp châu Âu. Một trận đấu với chất lượng chuyên môn thật sự chưa tương xứng với tầm vóc của một trận chung kết cúp châu Âu, nhưng vô cùng tương xứng với một bộ Webdrama nếu xét về độ kịch tính trong tình tiết. Hiệp một, có một vật thể được ném từ những gã côn đồ đội lốt cổ động viên bóng đá từ từ London, va đập vào  hậu vệ cánh trái Cristiano Biraghi bên phía Fiorentina và khiến anh chảy khá nhiều máu. Không chịu khuất phục, Cristiano Biraghi tiếp tục ra sân và chiến đấu hết mình cùng đồng đội sau khi đã hoàn tất việc xử lý vết thương. Trận đấu liên tục bị ngắt quãng bởi cả hai đội ưu tiên sử dụng nhiều những tình huống chuyền dài, bóng bổng trong những pha tấn công. 

Hết hiệp một, cho đến hơn  một phần ba thời gian thi đấu của hiệp hai trôi qua thì trận đấu mới được khai thông thế bế tắc. Từ một pha ném biên cực mạnh của Vladimir Coufal, điểm đến là pha thoát xuống hành lang trong phải của Jarrod Bowen. Anh chàng với thân hình khiêm tốn này đỡ bóng bằng ngực, quả bóng nảy ra hơi xa so với tâm kiểm soát, và đội trưởng Fiorentina cùng với miếng băng vết thương trên đầu - Cristiano Biraghi đã xuất hiện kịp thời và chiếm phần thắng trong pha tì đè với cầu thủ người Anh. Khoan đã, trước khi giành được ưu thế trong tình huống tranh chấp, có vẻ như đã có một tình huống để bóng chạm tay từ đội trưởng của La Viola. Sau 1 phút 50 giây từ khi nhận tín hiệu từ phòng VAR ở phút thứ 58, giây thứ 32 cho đến lúc trọng tài người Tây Ban Nha, ông Carlos Del Cerro Grande ra quyết định thổi penalty cho West Ham United ở phút thứ 60, giây thứ 22. Said Benrahma bước lên chấm đá phạt đền, tự tin, lạnh lùng và sắc sảo đánh lừa thành công thủ thành Pietro Terracciano bên phía đoàn quân áo tím. Như người ta vẫn thường nói, màu tím là màu biểu tượng của tình yêu thủy chung, mà những người đã chọn yêu một cuộc yêu theo cách này thì hiển nhiên sẽ rất kiên trì với việc chinh phục cho bằng được người mà mình thương. Anh chàng Fiorentina mộng mơ, đêm nay, tại Prague, chắc chắn sẽ không để người con gái mang tên cúp vô địch Conference League rơi vào tay kẻ khác mà không có lấy một sự đáp trả đáng kể nào. 

Phút thứ 66 giây thứ 24, đội trưởng Cristiano Biraghi thực hiện quả ném biên. Bóng được đưa đến vị trí của trung vệ lệch trái Luca Ranieri, và anh này chuyền quả bóng cho Sofyan Amrabat đang ở mấp mé ngay vòng tròn giữa sân. Sofyan tung một đường chuyền dài bằng chân phải cho Nicolas Gonzalez lúc ấy đang xâm nhập vào hành lang trong cánh này. Nicolas bật cao đánh đầu trả ngược về cho Giacomo Bonaventura đang băng lên từ tuyến hai. Một chạm khống chế bằng chân trái, một cú vô lê vừa đủ lực bằng chân phải vào góc xa khung thành của Alphonse Areola và thủ môn người Pháp đã không kịp phản xạ khi tầm nhìn của anh trong tình huống này là rất hạn chế. Lưới của West Ham rung lên, trận đấu trở về thế cân bằng. 

Sau bàn gỡ hòa của Giacomo, hai đội thi đấu ăn miếng trả miếng cùng nhiều tình huống va chạm khiến nhịp độ trận đấu không được liền mạch và hấp dẫn. Phút thứ 89 giây thứ 38, từ một tình huống xử lý bóng hai không tốt của hàng tiền vệ Fiorentina, Lucas Paqueta có bóng cùng một khoảng trống mênh mông ngay vòng tròn giữa sân, Jarrod Bowen thông minh xâm nhập vào cái “khe” nhỏ giữa hậu vệ trái Cristiano Biraghi và trung vệ trái Igor Julio ( vào sân thay Luca Ranieri ở phút 84), đồng thời xuất sắc phá luôn bẫy việt vị được Fio giăng ra. Nước rút rất nhanh dù trận đấu đã bước qua phút thi đấu chính thức cuối cùng, Jarrod dứt điểm trúng người thủ thành bên phía Fio nhưng bóng vẫn bay vào lưới. Những phút ít ỏi sau đó, La Viola vùng lên tấn công trong vô vọng. Những bài đánh của họ quá dễ để chống đỡ cũng như chất lượng thấp trong các pha xử lý then chốt. Trận đấu kết thúc với chức vô địch cho người Anh. 

Vicenzo Italiano: “Thật sự rất đau đớn khi phải thua trận vì một bàn thua kiểu như vậy….Tôi xin lỗi, thành thật xin lỗi vì đã khiến Florence thất vọng. Chúng tôi đã chỉ còn cách cơ hội nâng cao hai danh hiệu đáng giá đến vài  năm chỉ trong có một milimet”. Đây chỉ là trích đoạn nhỏ trong bài phỏng vấn sau trận đấu của huấn luyện viên trưởng Fiorentina - ông Vicenzo Italiano với giới truyền thông. Một trong những cụm từ được thốt ra nhiều nhất là “Đau đớn, thật sự rất đau đớn”  đã lột tả được hết những gì mà các học trò của ông đã phải chịu đựng. 62 năm trôi qua, họ mới lại có cơ hội mơ giấc mơ châu Âu. Họ đã thất bại, con đường họ đã đi trước đó để  vào chung kết  cũng không dễ dàng gì. Khi La Viola đã vô cùng chật vật để vượt qua Basel với tổng tỷ số 4-3 sau hai lượt trận nhờ bàn thắng “dát vàng” ở phút 129 do công của Antonin Barak. Không chỉ khó khăn ở châu Âu, ngay cả ở đấu trường quốc nội cũng làm khó thầy trò ông Vicenzo Italiano. Nếu như hơn 120 phút trên đất Thụy Sĩ tại trận bán kết lượt về Conference Cup là cuộc hành xác về thể chất, nhưng ít ra còn kích thích tinh thần hưng phấn. Thì trở về với đấu trường trong nước, 90 phút ở sân vận động Olimpico trong trận chung kết Copa Italia không chỉ khiến đôi chân của các vũ công tím mỏi mệt, mà còn làm cho tinh thần của họ phải rã rời. Cú đúp của Lautaro Martinez là đủ để lấy danh hiệu đầu tiên ra khỏi tầm tay của Fiorentina. Một chút ngầm ngụi, nhưng vẫn còn đủ khí thế để ngẩng đầu lên và bước tiếp bởi vì trước mắt họ lúc ấy vẫn còn đó trận chung kết tại Prague. Trớ trêu thay, chỉ trong có 2 tuần, Fiorentina thua đến tận 2 trận chung kết. Nếu như ở lần thua trước, sân Olimpico rộng lớn  tại Roma vĩnh cửu vẫn cất tiếng hát khích lệ những chàng nghệ sĩ mộng mơ tiếp tục tiến bước. Thì ở trận thua này, Eden arena nhỏ bé chỉ còn biết lặng thinh để cho những chàng nghệ sĩ kia một khoảng lặng đủ để chiêm nghiệm lại những thất bại đã qua. Eden arena có sức chứa ít hơn gấp 3 lần Olimpico, sân khấu này thật nhỏ nhắn và đáng yêu trước khi trận chung kết diễn ra. Bây giờ, sau 90 phút cống hiến hết mình,  trong mắt những chàng La Viola, sân khấu này nhỏ bé nhưng tại sao lại văng vẳng những nốt trầm lắng trong khoảng không vô tận được bao phủ xung quanh bởi nỗi thất vọng tràn trề. Lẽ nào, bên trong nó là một thảo nguyên vô tận cùng mặt cỏ héo úa với diện tích gấp nhiều lần diện tích sân Olimpico? 

Vicenzo Italiano: “ Thua hai trận chung kết chỉ trong vòng có 2 tuần, thật sự quá đau đớn”.

Giấc mơ vĩ đại chỉ dành cho người chiến thắng.

Trước khi trận chung kết Conference League diễn ra, nói đến West Ham United thì có lẽ một trong những từ có liên quan nhiều nhất đó là “Departure” dịch ra thì từ trên ám chỉ việc một vài thành viên nào đó của The Hammers sẽ rời câu lạc bộ trong kỳ chuyển nhượng hè sắp tới. Được nhắc đến nhiều nhất là Declan Rice, rồi tiếp sau đó là chính huấn luyện viên trưởng của đội bóng này - ông David Moyes. Lý do cho việc nhiều tin đồn xuất hiện gần đây về tương lai của hai nhân vật trên là bởi phong độ tụt dốc bất ngờ của “Búa Tạ” trong mùa giải năm nay, tại đấu trường quốc nội. Nếu như ở hai mùa giải trước, thầy trò David Moyes luôn đua tranh quyết liệt tại đấu trường quốc nội cho một vị trí dự cúp châu Âu. Còn nhớ ở mùa giải trước, tức mùa 2021/2022, West Ham suýt tí nữa đã khiến Man united khi đó dưới bàn tay lèo lái của Ralf Rangnick xuống tận Conference League chứ chẳng phải là Europa League.  Nhưng trận thua của West Ham   trước Brighton của Graham Potter đã gián tiếp giúp Man utd giữ lại thể diện khi chí ít vẫn được đá tại Europa League, còn David Moyes cùng các học trò dự Conference League ở mùa 2022/2023 trong sự tiếc nuối. 

Ngoại hạng Anh mùa giải 2022/2023, huấn luyện viên từng là người được chọn để kế nhiệm Sir Alex Ferguson vĩ đại tại nhà hát của những giấc mơ vẫn cùng các học trò đua tranh, nhưng mà đua tranh cho một suất trụ hạng. Một sự đi xuống tương đối bất ngờ nếu như nhìn vào những gì mà David Moyes được trang bị trong phiên chợ hè 2022. Lucas Paqueta từ Lyon, Gianluca Scamacca từ Sassuolo, Nayef Aguerd từ Rennes, Maxwel Cornet từ Burnley, Emerson từ Chelsea, Thilo Kehrer từ Paris Saint-Germain……toàn là những cầu thủ vô cùng chất lượng, cầu thủ  kinh nghiệm có và cầu thủ trẻ  tiềm năng lớn cũng có. Tại thời điểm mà West Ham công bố những bản hợp đồng trên, phần lớn người hâm mộ sẽ có suy nghĩ “ chà, mùa này West Ham đua top 4 chăng?”.  Kết thúc EPL 2022/2023, West Ham không những đua top 4 thành công, mà họ còn cán đích ở vị trí số một trong top 4 ấy. Top 4 mà West Ham cán đích ở vị trí số 1 là top 4 đội gần nhất với vị trí xuống hạng. Họ đứng thứ 14, vị trí cao nhất trong khoảng từ vị trí thứ 17 cho đến vị trí thứ 14, 4 vị trí gần nhất với vị trí xuống hạng - vị trí thứ 18. 

Chính vì sự sa sút trên mà người ta đã không mấy để ý đến việc West Ham lầm lũi bước vào đến tận trận chung kết của một giải đấu châu lục cấp câu lạc bộ. Bởi nếu có vô địch đi chăng nữa thì cũng không giúp đội khá khẩm hơn quá nhiều nếu như việc trụ hạng ở EPL không thành công. Khi họ đã chắc chắn trụ hạng rồi, thì người ta lại bàn tán nhau về vị huấn luyện viên có thể sẽ thay thế David Moyes, và đội trưởng của họ - Declan Rice sẽ cập bến đội bóng nào tiếp theo trong sự nghiệp của anh. 

Tại Uefa Conference Cup 2022/2023, từ vòng bảng cho đến tận trận chung kết tại Prague, West Ham trải qua 11 chiến thắng và chỉ một trận hòa trước Gent tại tứ kết lượt đi. Họ ghi được 29 bàn và chỉ để lọt lưới 8 bàn và là đội có quãng đường di chuyển trên sân nhiều nhất với tổng cộng 111.4 km trong 12 trận đấu. Trái ngược với phong độ tại Premier League, thầy trò David Moyes thể hiện một bộ mặt tươi sáng hơn hẳn tại đấu trường châu lục và tiến một mạch đến trận chung kết. 

Trước khi trận đấu diễn ra, Michail Antonio đã có những chia sẻ về sự bồi hồi của anh trước trận đấu có thể nói là trận đấu “muộn” lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu yên ắng của anh: “ Công bằng nhìn nhận,  trận đấu này thật sự rất ý nghĩa với tôi. Chúng tôi đã không được ở đây, trận chung kết cúp châu Âu 47 năm rồi. Tôi đã giành chiến thắng ở trận chung kết Johnstone's Paint Trophy, chiếc cúp vô địch giải hạng nhất, nên là trận đầu này thật sự to lớn vô cùng với tôi. Đây có thể là trận đấu lớn nhất mà tôi được tham dự trong cuộc đời mình. Một vài cầu thủ mong muốn được  giải nghệ  trong những sự tán dương, và đây là một cơ hội để tôi có thể có được sự tán dương như họ, nhưng không chỉ cho tôi mà là cho mọi thành viên trong đại gia đình West Ham United. Họ đã giành ngôi á quân rồi ( năm 1976), và chúng tôi muốn đoạt lấy chiếc cúp này”.

Không chỉ Michail Antonio, sự khiêm tốn của West Ham còn thể hiện qua vị huấn luyện viên trưởng của họ. David Moyes bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên chuyên nghiệp tại Preston North End, trải qua 11 năm ấn tượng cùng Everton khi ông đã giúp đội bóng này trở thành một chú ngựa ô đầy khó chịu tại giải đấu cao nhất trong hệ thống các giải chuyên nghiệp tại xứ sương mù dù cho tình hình tài chính của đội bóng này là vô cùng khó khăn. Ngày 1 tháng 7 năm 2013, ông được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Manchester United với cương vị là người được chọn để thay thế huyền thoại Sir Alex Ferguson. Tưởng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của vị chiến lược gia có gương mặt khắc khổ đã đến lúc cho ra quả ngọt, nhưng những năm tháng tại Manchester United thực sự là những năm tháng đáng quên cho cả  quỷ đỏ lẫn người đàn ông Scotland. Tuy là đồng hương của Sir Alex Ferguson, nhưng rõ ràng David không đồng đẳng với người tiền nhiệm. Ngai vàng  mà Fergie để lại là quá chói lóa với David và ông đã thực sự rất choáng đến mức ngất xỉu chỉ sau có hơn 9 tháng cầm cương tại Old Trafford. 

Sau khi nhận tráp sa thải khỏi Man utd, David Moyes trôi dạt qua Tây Ban Nha trong 1 năm với vị trí đứng đầu ban huấn luyện Real Sociedad rồi sau đó quay về Anh quốc, đáp chuyến bay xuống vùng đông bắc nước Anh để đảm nhận công việc tại Sunderland trong 1 mùa giải trước khi dừng chân ở thủ đô London để thay thế Slaven Bilic. Triều đại của David tại West Ham chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 ở mùa giải 2017/2018, David Moyes nhận một West Ham rệu rã đang ở vị trí thứ 18. 31 trận đấu, 9 trận thắng, 10 trận hòa và 12 thất bại, kết thúc ở vị trí thứ 13 là một thành tích được xem là thành công nếu nhìn vào phong độ của The Hammers ở giai đoạn đầu mùa giải năm đó. Dù vậy, hợp đồng của David Moyes không được ký mới và Manuel Pellegrini là người được ban lãnh đạo West Ham tin tưởng cho chiến dịch tiếp theo.

Sau mùa 2018/2019 khá thành công khi Manuel đã đưa West Ham cán đích ở vị trí thứ 10, vị trí cao nhất của họ kể từ năm 2016.  Thế rồi phong độ tệ hại của đoàn quân Manuel Pellegrini ở  ngay mùa kế tiếp, mùa giải 2019/2020 đã khiến West Ham một lần nữa tìm đến David Moyes với bản hợp đồng 18 tháng sau khi đội bóng chỉ thắng có 5 trận trong mùa giải  tính đến 28 tháng 12 năm 2019 và đang ở vị trí thứ 17, vẫn còn tốt hơn 1 chút so với West Ham mà David Moyes nhận lại từ Slaven Bilic ở giai đoạn 1. Kết thúc mùa bóng năm đó, David Moyes giúp West Ham trụ hạng thành công khi về đích thứ 16. Hai mùa giải tiếp sau đó, mùa giải 2020/2021 và mùa giải 2021/2022, là hai mùa giải mà David Moyes đã biến West Ham từ một đội đua trụ hạng thành một kẻ ngáng đường khó chịu trong cuộc đua giành những chiếc vé tại đấu trường châu Âu. Đặc biệt phải kể đến mùa 2020/2021 khi West Ham lúc ấy chỉ cách vị trí được dự Uefa Champions League có 4 điểm, nên nhớ là mùa giải trước đó West Ham còn đang loay hoay ở nhóm dưới với mục tiêu trụ hạng. Dù với thành tích đáng nể, nhưng David Moyes trong mắt người hâm mộ bóng đá chưa bao giờ là một cái tên đao to búa lớn trong giới huấn luyện viên, cũng như vẻ ngoài trông có vẻ nhọc nhằn của ông. 

 Và người đàn ông luôn mang nỗi niềm  trắc trở trong cả sự nghiệp lẫn trên gương mặt này, ngày 8 tháng 6 năm 2023, tại sân vận động Eden Arena, là người đã đưa West Ham chìm vào giấc mơ vĩ đại nhất của họ trong nửa thế kỷ qua. 

Jarrod Bowen: “ Tóm lược lại cảm xúc trong trận à, tôi chả làm được đâu, nó chính là cảm giác tuyệt nhất mà tôi từng có trong cả sự nghiệp, là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Khi tôi đã vượt qua được hàng phòng ngự đối phương, tôi đã có khá nhiều thời gian và khi đó chỉ đơn giản là sút quả bóng đi thật xa, đảm bảo rằng nó sẽ đi thật xa. Thủ môn bắt đầu lao ra khỏi khung thành và tôi đã nghĩ là đấy chính là thời điểm để tôi dứt điểm bởi vì khi ấy anh ấy ( thủ môn Fiorentina) đã không có sự chuẩn bị tốt để cản phá. Tôi ngã ra sân, sau đó ngước nhìn lên và quả bóng đã đi vào lưới và tôi đã nghĩ là: không, không, nó đã không diễn ra như tôi đã nói với gia đình mình hàng tuần. Bạn biết đó, tưởng tượng việc ghi một bàn thắng trong phút cuối tại một trận chung kết cúp châu Âu để giành chức vô địch, nó giống như một giấc mơ. Tôi nhớ là tôi đã nói trong buổi họp báo là tôi yêu việc ghi bàn, nhưng ghi bàn trong phút cuối, giành chiến thắng và mang chiếc cúp này về cho West Ham quả thực là khoảnh khắc đỉnh của đỉnh trong sự nghiệp của tôi…Hãy nhìn các cổ động viên sau trận đấu là biết danh hiệu này có ý nghĩa ra sao. Thật sự không nói nên lời,  tôi sẽ thường xuyên, phải, tôi sẽ trả lời các câu hỏi, nhưng bây giờ thì thật sự tôi chả nói nổi lời nào. Cảm giác đỉnh cao nhất  của đời tôi, ngay cả trong giấc mơ hồn nhiên nhất khi còn trẻ, tôi cũng chả bao giờ nghĩ mình sẽ giành một danh hiệu vô địch châu Âu. Điều tuyệt vời nhất trong cảm xúc thăng hoa nhất trên thế giới là tất cả những gì tôi có thể nói về chiến thắng này vào lúc này.”

Trích đoạn phỏng vấn của Jarrod Bowen sau trận chung kết tại Prague là đủ để có cái nhìn toàn cảnh về cảm xúc chung của cả tập thể West Ham ngày hôm qua. Đặc biệt, trong tập thể ấy, có một Emerson Palmieri đã trở thành cầu thủ đầu tiên vô địch cả ba giải đấu cấp châu lục. Năm 2019 với chiếc cúp Europa League, 2021 với chiếc cúp thần thánh Champions League cùng đạt được trong màu áo Chelsea, và năm 2023 với chiếc cúp đầy xúc cảm  - Conference League cùng West Ham. Một hậu vệ cánh thầm lặng với những chiến công hiển hách. Cũng giống như cả tập thể West Ham, họ lầm lũi vững bước trên chặng đường đến sân khấu “Khiêm nhường” và ra về sau khi đã biến giấc mơ vĩ đại thành hiện thực.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024