Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/12/2013 21:12 # 1
Akuma
Cấp độ: 19 - Kỹ năng: 16

Kinh nghiệm: 53/190 (28%)
Kĩ năng: 72/160 (45%)
Ngày gia nhập: 25/09/2010
Bài gởi: 1763
Được cảm ơn: 1272
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game


(GenK)

Những nhân vật phản diện không chịu nằm yên dù hàng chục năm đã trôi qua.

 

Trùm hay boss từ lâu đã là một yếu tố không thể thiếu dù là trong bất kì thể loại game nào. Chúng giống như một bài kiểm tra cuối cùng sau khi người chơi đã vượt qua được vô số thử thách từ nhỏ đến lớn trên suốt dọc đường đi, thử thách kĩ năng của họ ở giới hạn cao nhất. Dù vậy như một chân lý tất yếu, boss có mạnh, có khủng cỡ nào đi chăng nữa rồi cuối cùng cũng sẽ phải khuất phục dưới bàn tay gamer.

 
Để tạo ra một con boss ấn tượng cũng không phải là điều gì dễ dàng: Hắn cần sở hữu sức mạnh vượt trội, đầu óc thông minh, lai lịch bí ẩn, ngoại hình bắt mắt mà trong nhiều trường hợp là đẹp trai không thua kém gì nhân vật chính. Ấy thế mà ở kết thúc mỗi trò chơi, hắn buộc phải bị tiêu diệt, một điều rất đáng tiếc đối với các nhà làm game. Chính sự "phí phạm" này đã làm phát sinh ra một xu hướng mới, đó là đưa những con trùm ấy xuất hiện đi xuất hiện lại trong game, hết phần này qua phần khác.
 
Liệu bạn đã gặp phải trường hợp nào như vậy? Chắc chắn là có, có điều chưa nhớ ra ngay mà thôi. Vì thế sau đây, hãy cùng chúng tôi điểm mặt một số nhân vật phản diện lì lợm nhất từ trước đến nay.
 
Bowser
 
Không quá khi nói rằng đến 90% gamer hiện nay đã chạm trán với con trùm này từ khi còn là một chú nhóc vắt mũi chưa sạch. Những chú nhóc ấy đến nay có thể đã lấy vợ, sinh con đẻ cái, nhưng còn trùm rùa Bowser thì vẫn nhơn nhơn xuất hiện trong khắp các tựa game Nintendo phát hành.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game 1
Bowser quả đúng là dai như rùa.
 
Bowser phải nói là đã chết rất nhiều, nhiều nhất nhì làng game nếu tính trên số lượng đầu game mà hắn xuất hiện, song anh chàng thợ sửa ống nước Mario sau từng ấy năm vẫn chưa thể tìm được cách tống khứ vĩnh viễn tên trùm này để độc chiếm công chúa Peach. Sức sống của hắn quả thực xứng đáng với biệt hiệu "trùm rùa" mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi.
 
Sephiroth
 
Không sở hữu đặc điểm của loài rùa, nhưng gã trai đẹp mã có tật nhớ mẹ trong Final Fantasy VII cũng chẳng chịu kém cạnh về khoản sinh tồn. Mặc dù đã quấy rối người chơi không ngừng nghỉ trong suốt chiều dài tựa game gốc, Sephiroth vẫn tranh thủ bất cứ cơ hội nào để tái xuất với mái tóc bạch kim cùng thanh kiếm dài đến mức lố bịch trong các tựa game của Square Enix.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game 2
 
Final Fantasy VII, Crisis Core, Before Crisis, Advent Children, Dissidia Final Fantasy, Kingdom Hearts Theatrhythm Final Fantasy... đều có sự góp mặt của Sephiroth. Ngoài ra hắn còn được Square Enix cho đi "du học" ở các trò chơi của hãng khác, ví dụ như LittleBigPlanet, tất cả đều góp phần tăng thêm danh tiếng cũng như hứa hẹn kéo dài tuổi thọ cho gã trong tương lai.
 
G-man
 
Đây là một trường hợp đặc biệt, bởi người chơi không hề trực tiếp đối đầu với G-man trong bất cứ phiên bản Half Life nào, thế nhưng nếu xét về độ "dai nhách" thì hắn hoàn toàn xứng đáng có mặt trong danh sách này.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game 3
G-man xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong Half Life mà không thể bị tiêu diệt.
 
Vận bộ vest màu xanh nhạt, mái tóc vuốt ngược ra sau cùng chiếc ca táp không lúc nào rời tay, G-man mang diện mạo của một doanh nhân điển hình và bóng dáng của hắn đã ám ảnh những người chơi Half Life ngay từ những phiên bản đầu tiên. Dù cho trung tâm nghiên cứu Black Mesa hay sau này là cả thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn, G-man vẫn ung dung rảo bước, như thể hắn là một vị thần toàn năng bất khả xâm phạm đang cười trên sự tuyệt vọng của loài người.
 
Và quả thật là như vậy, hỏa lực khủng khiếp đến cỡ nào cũng không thể đả thương G-man, những sinh vật cổ quái đến từ Xen cũng phớt lờ như thể hắn không tồn tại. Hắn luôn xuất hiện vào những lúc hỗn loạn nhất, nhưng ở vị trí an toàn nhất và khiến người chơi không thể không thắc mắc về lai lịch của gã doanh nhân trung niên có nụ cười nham hiểm này. Câu trả lời có lẽ vẫn đang chờ chúng ta ở Half Life 3, nhưng với sự thờ ơ của Valve như hiện tại, chắc chắn G-man sẽ còn "thọ" rất lâu nữa.
  
Albert Wesker
 
Sức mạnh, tốc độ, trí tuệ, mức độ gian xảo quỷ quyệt cũng như ngoại hình, Albert Wesker đều chẳng thua kém ai, vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi hắn luôn đóng vai trò giật dây xuyên suốt nhiều phiên bản Resident Evil - series game kinh dị nổi tiếng của Capcom.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game 4
Liệu hắn đã chết thật hay chưa?
 
Nhờ có sự "thông cảm" đến kì lạ của các sinh vật nhiễm T-Virus, Wesker vẫn mạnh khỏe cho tới Resident Evil 5 khi hắn bị Chris và Sheva đẩy xuống miệng núi lửa chứa đầy nham thạch - cảnh tượng khiến cho nhiều fan Resident Evil cảm thấy hả hê. Nhưng liệu hắn đã chết thật hay chưa? Chẳng ai dám chắc bởi làng game xưa nay vốn không thiếu những pha thoát chết không tưởng được hãng phát triển vẽ ra nhằm phục vụ cho một hậu bản mới.
 
Sigma
 
Đáng lẽ sự xuất hiện của những con trùm sau khi bị hạ gục ở tựa game trước đó phải khiến cho gamer cảm thấy ngạc nhiên cũng như thắc mắc lý do tại sao hắn có thể sống sót, nhưng quy tắc này lại không áp dụng với Sigma của series Mega Man X.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game 5
Kiểu gì người chơi cũng được chào đón bởi cái cằm chẻ ở cuối mỗi bản Mega Man X.

Với bản chất là một con virus máy tính, Sigma không thể bị tiêu diệt chừng nào Reploid (robot thông minh có cảm xúc như con người trong Mega Man) còn tồn tại, cho phép hắn có thể xuất hiện một cách thoải mái trong mọi phiên bản Mega Man X mà không vấp phải bất kì thắc mắc nào. Thậm chí ở thời kì mà series này còn đang phát hành, bất kì fan hâm mộ nào cũng cảm thấy ngạc nhiên nếu như Sigma không xuất hiện với vai trò trùm cuối thay vì điều ngược lại.
 
Nếu một ngày trong tương lai, phiên bản Mega Man X tiếp theo được ra mắt thì việc Sigma một lần nữa hồi sinh chắc chắn cũng chẳng thể khiến cho ai bất ngờ, dù hắn đã bị tiêu diệt theo một cách khá "ăn chắc" ở Mega Man X8, đó là nổ tung trên tận Mặt Trăng.
 
Dr. Albert Wily
 
Nếu như trong phần trước, chúng ta đã đề cập đến Sigma - con virus máy tính "bá đạo" xuyên suốt series Mega Man X thì sẽ thật bất công nếu như bỏ quên Dr. Wily, nhà bác học tài ba nhưng đáng tiếc lại dùng trí tuệ của mình vào những mục đích không ích nước lợi nhà một chút nào.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game (Phần cuối) 1
Dr. Albert Wily - Enstein của thế giới Mega Man.
 
Giống như Sigma, Dr. Wily cũng rất ngoan cố ở vai trò trùm cuối trong các phiên bản Mega Man từ 1 đến 10, tất cả chỉ vì lý do thế giới không công nhận công sức của ông ta trong việc phát minh ra loại robot có cảm xúc Reploid cùng với Dr. Light. Được xây dựng dựa trên hình tượng nhà bác học lỗi lạc có thật trong lịch sử Albert Enstein, Albert Wily cũng đã mang đến cho thế giới Mega Man một món vũ khí nguy hiểm chết người không thua kém gì bom nguyên tử, đó là Maverick/Zero và sau này là Sigma Virus, cội nguồn của mọi rắc rối trong series Mega Man X sau này.
 
Nemesis
 
Mặc dù đã bị tiêu diệt hoàn toàn ở cuối Resident Evil 3, mức độ dai nhách của Nemesis trong tựa game kinh dị của Capcom cũng phải thuộc hàng nhất nhì làng game, khiến người chơi luôn thở dài ngao ngán cũng như khiến nàng Jill Valentine cong mông tìm chỗ trốn mỗi khi hắn xuất hiện.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game (Phần cuối) 2
Nỗi ám ảnh của người chơi trong Resident Evil 3.
 
Với đặc điểm không thể chết nên cho dù có bao nhiêu đạn dược mà gamer quăng vào hắn đi nữa, Nemesis cũng vẫn dí theo tới tận cùng để mang dòng chữ "You Died" đỏ lừ phết lên trên màn hình. Những màn rượt đuổi mà Capcom đưa vào trong Resident Evil 3 quả thật đã tạo nên một nét rất riêng cho phiên bản này, cũng vì thế Nemesis mà được thơm lây và khiến cho người ta nhớ đến như một trong những con boss ấn tượng nhất lịch sử làng game.
 
Diablo
 
"Chúa tể của sự sợ hãi" mặc dù không phải là anh cả trong số 3 ác quỷ hùng mạnh nhất Địa Ngục, thế nhưng tên của hắn vào năm 1996 vẫn được Blizzard sử dụng để đặt cho tựa game nhập vai chặt chém mà đến nay đã trở thành một tượng đài RPG của thế giới. Vì thế, rõ ràng Diablo cần phải dai để thương hiệu của hãng làm game nổi tiếng này có thể tiếp tục phát triển.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game (Phần cuối) 3
Diablo không thể chết, hắn chỉ chuyển đổi từ giới tính này sang giới tính khác mà thôi.

Chừng nào sự sợ hãi vẫn hiện diện trong tâm trí con người, Diablo vẫn sẽ tồn tại. Hắn không thể bị tiêu diệt, mà chỉ có thể bị phong ấn vào viên linh thạch Soulstone như những gì mà người chơi đã làm ở Diablo II. Dù vậy thế giới Sanctuary vẫn không thiếu những con người sùng bái tên ác quỷ này, sẵn sàng đưa hắn trở lại đến nỗi hy sinh mạng sống của con gái mình như Adria ở Diablo III. Sắp tới trong bản mở rộng Reaper of Souls, cũng chẳng ai dám chắc rằng Diablo sẽ không một lần nữa trỗi dậy để tiếp tục mang đến cho gamer hàng đống item giá trị nữa.
 
Roshan
 
Nếu như các đồng đạo ở trên chỉ thỉnh thoảng mới bị tiêu diệt thì Roshan lại có cuộc sống vất vả hơn rất nhiều, chết liên tục, chết từng giờ từng phút từng giây, chết ngay trong khi các bạn đang đọc những dòng này ở nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới, trong vô số trận đấu DotA cũng như DotA 2 đang diễn ra.
 
Những con trùm "dai như giẻ rách" trong game (Phần cuối) 4
 
Nhưng tất cả những nỗ lực ấy cũng không thể ngăn cản Roshan tiếp tục sống sờ sờ ở cái hốc tối vài trăm range vuông trong map DotA. Chỉ sau khoảng 10 phút bị tiêu diệt, hắn lại đứng dậy và sẵn sàng đón nhận những trận đòn hội đồng từ 5 đến 10 người mới, chưa kể còn khỏe thêm sau mỗi lần hồi sinh - tố chất học tập từ dân tộc Xay Da trong bộ truyện tranh nổi tiếng Dragon Ball. Trong đợt event Diretide vừa kết thúc mới đây, Roshan đã có dịp trả thù gamer khi sở hữu nhiều kĩ năng vô cùng bá đạo mới được Ice Frog buff cho, và như vậy là đủ khiến hắn cảm thấy hả hê để tiếp tục chịu cảnh bị bắt nạt trong thời gian 1 năm tới.

 



I'm Akuma ... And I will teach you the meaning of pain !!!
               


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024