Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/08/2012 00:08 # 1
xanhbien
Cấp độ: 2 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 9/20 (45%)
Kĩ năng: 3/10 (30%)
Ngày gia nhập: 23/01/2011
Bài gởi: 19
Được cảm ơn: 3
Vườn Thúy


Chương 1

Tôi không biết tất cả đã bắt đầu như thế nào? Tôi không biết thần linh nào đã an bài tôi vào câu chuyện kỳ dị này.
Thế nhưng tất cả các việc đã phát sinh và đột nhiên đưa tôi vào một thế giới xa lạ, nó đã làm thay đổi cả định mệnh cuộc đời tôi, mà tất cả những việc xảy ra đều là sự thật, không phải một giấc mơ, cũng không phải chuyện hoang đường.
Tất cả đã bắt đầu như thế nào?
...................................
Đó là thời gian ba tháng, sau khi tôi đoạt được mảnh bằng học sĩ của trường Đại học. Nỗi vui mừng phấn khởi của ngày mới tốt nghiệp cũng đã qua, ba tháng nay, tôi đã gửi đi các mục quảng cáo và tôi phát giác ra, mảnh bằng đại hoc không giúp tôi tìm được một việc làm để kiếm cơm nuôi miệng. Buổi sớm, lúc ở trên lầu xuống dùng cơm là tôi cảm thấy vẻ mặt của chú thím tôi mỗi ngày một lạnh nhạt. Dĩ nhiên tôi tuyệt đối không thể trách cứ họ được, vì chú tôi chỉ là một người chú họ, ông không có trách nhiệm nuôi dưỡng tôi lại càng không có cái nghĩa vụ cho tôi vào đại học, thế nhung ông đã nuôi dưỡng tôi, lại cho tôi vào đại học.
Ông đã một trăm phần trăm không phụ lòng cha mẹ tôi ở chốn cửu tuyền. Nay, tôi phải khó khăn lắm mới đoạt được mảnh bằng đại học. Ít ra tôi phải có một việc làm để giúp đỡ chú thím và các em tiếp tục việc học mới là phải đạo.
Nếu cứ ở nhà chú ăn không ngồi rồi, cả ngày đi tới đi lui, chẳng làm một việc gì, thì bảo sao chú thím không khó chịu? Ngay cả đến tôi, tôi cũng cảm thấy áy náy trong lòng.
Sáng nay, ngồi vào bàn ăn, không biết thím cố ý hay vô tình nói:
- Mỹ Hoành, có lẽ sự đòi hỏi của cháu quá cao, đời bây giờ người nhiều việc ít, tìm việc làm mỗi lúc một khó, cháu cũng đừng hy vọng đồng lương quá cao, chỉ cần có nơi ăn chốn ở là khá lắm rồi.
Lời xa ý gần, dĩ nhiên ý thím là không muốn tôi tiếp tục ở trong nhà này nữa, tôi không phải trẻ con mà nghe không hiểu, trông chú có vẻ bất mãn. Ông xô ghế đứng lên, hằn học nói:
- Việc gì mà phải gấp? Để cho Mỹ Hoành nó thong thả tìm, tìm mãi cũng sẽ có việc.
Tôi không thể nào cứ nghiễm nhiên làm một gánh nặng cho chú thím tôi nữa vì họ còn phải lo cho ba đứa em nhỏ còn đang ở trung học.
Cầm tờ báo trên tay, không xem tin tức, xã luận gì cả tôi lật ngay sang trang quảng cáo, rao vặt. Tôi xem một lượt ở mục tìm nguời làm, gần như tất cả đều được tôi gửi lý lịch đi từ hai ba hôm trước. Chỉ có một mục tìm người được lồng trong hai lằn gạch đen to nét đã làm cho tôi phải chú ý.
"Cần: Bí thư Hán văn phái nữ, từ 22 đến 25 tuổi, chưa có gia đình. Trình độ: học xong chương trình trung học trở lên, viết chữ đẹp, yêu nghệ thuật. Xin viết tự thuật và kèm theo ảnh bán thân và toàn thân mỗi thứ một chiếc, xin ghi rõ chiều cao, cân nặng và tuổi tác, cùng số lương yêu cầu. Gửi về Ông Thạch Phong, Vườn Thúy, số... Đường... "
Một mục cần người thật quái gở, nó cho tôi cái ấn tượng là ông Thạch Phong nào đó, không phải cần bí thư Hán văn mà là tìm ý trung nhân. "Ảnh bán thân và toàn thân mỗi thứ một chiếc, phải ghi rõ chiều cao, cân nặng và tuổi tác." Những điều đó bắt buộc người có khả năng làm việc cần phải ghi rõ và đính kèm hay sao? Họ đang cần người cho việc làm hay là cần người cho họ? Tôi vất tờ báo sang một bên không có ý định gửi phiếu lý lịch đi. Thực ra, nếu tôi có gửi đi chăng nữa, thì cái hy vọng được chọn lựa cũng quá mỏng manh, tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này rồi.
Ăn cơm sáng xong, tôi vẫn không sao thoát khỏi nỗi buồn phiền nó đang dằn vặt tâm can. Việc làm! Việc làm! Tôi lại vớ vội tờ báo lên tay, xem lại một lần mục cần người khi nãy, tại sao không thử một lần nữa xem sao? Thêm một cơ hội tức là thêm một hy vọng! Hơn nữa, mục cần người này cũng có một vài điểm hấp dẫn. Ngoại trừ có nơi ăn chốn ở ra, hai chữ Vườn Thúy đã quyến rũ tôi không ít. Có lẽ nó là một hoa viên rộng lớn. Có cây to, có dây leo chằng chịt, có đủ kỳ hoa dị thảo! Và bên trong còn có những gì? Một người khổng lồ ư? Không hiểu sao, bỗng nhiên tôi nghĩ cái tên "Vườn Hoa của Cự Nhân", kể lại chuyện một người khổng lồ cô độc, sống buồn tênh trong một vườn hoa to và đẹp. Thôi được! Cần người cho ai mặt xác họ, mình cứ gửi một phiếu lý lịch đi thử thời vận. Tôi thuận tay vớ một mảnh giáy và viết bức thư xin việc như sau:
"Ông sẽ phát giác ra, tôi là một con người rất tầm thường như bao nhiêu người khác trên thế gian này, cũng có hai tay, hai chân, một cái mũi, một cái miệng và một đôi mắt như họ. Tôi còn có cả một đầu óc chứa đầy những ước mơ và hoài bão tầm thường, nhưng tôi đang đi trên một con đường bé nhỏ gồ ghề, cũng như muôn ngàn người tốt nghiệp đại học khác, ở trước mặt một con đường không phải là một đại lộ khang trang, song tôi có can đảm dọn dẹp, chông gai và san bằng chướng ngại. Chỉ cần có một cơ hội, tôi nguyện sẽ đem những ước vọng tầm thường biến thành sự thật.
Có lẽ ông không có hứng thú đi nghiên cứu tài liệu về tôi, nhưng tôi thấy rất rõ rệt là tôi cần phải tự thuật tất cả. Tôi mười tuổi mồ côi mẹ, mười lăm mất cha. Từ đó tôi sống bám vào gia đình chú thím. Chú thím tôi đã nuôi tôi đến hoàn thành đại học các em tôi chỉ vừa học xong tiểu học. Chú tôi chỉ là một tiểu công chức, nên gia cảnh rất đỗi thanh bạch. Vì thế, ông có thể thấy rõ là một việc làm đối với tôi rất cần thiết. Nhưng nói thế không phải để đòi hỏi một lòng thương hại, trên thế gian này còn có rất nhiều người đáng thương hại hơn tôi. Tôi tin ở khả năng làm việc của tôi và tin rằng tôi không đến nỗi ngu si lắm, và tôi cũng mong rằng tôi làm được chu đáo những việc mà ông sẽ giao phó cho tôi.
Tôi không dám đòi hỏi số lương quá cao, việc làm của tôi đáng giá bao nhiêu thì ông có thể xem ở khả năng làm việc của tôi mà định đoạt nếu tôi có cái hân hạnh được Ông tuyển dụng".
Tôi nghĩ, lúc viết đơn xin việc trên tôi mang trong đầu ít nhiều thái độ bỡn cợt. Tôi không tin là mình sẽ được tuyển dụng cũng không tin việc làm này thích hơp. với tôi, vì vậy sau khi gửi thư đi, tôi cũng không còn bận tâm về nó nữa, thực ra cái mục cần người ấy được tiếp tục đăng suốt một tuần lễ. Lúc nó không còn xuất hiện trên mặt báo nữa, thì tôi cũng đem việc này ném lên tạân chín tầng mây. Cái thư xin việc có đi mà không có về.
Tôi lại tiếp tục tìm việc, song đi đến đâu cũng va đầu vào tường thêm một tháng nữa, lòng tự tôn và ý chí phấn đấu đã bị thực tế mài giũa đến tình trạng đáng thương. Tôi không còn đủ can đảm đi viết lý lịch nữa, cũng không muốn đối diện với bất cứ một ai. Thím không nói gì cả, nhưng bà bắt đầu cậy người giới thiệu cho tôi một bạn trai. Tôi thấy rất rõ rệt bây giờ, đang trải trước mặt tôi không còn là con đường bé nhỏ gồ ghề nữa mà là một cánh rừng âm u dầy dặc. Tôi sắp sửa nghĩ đến việc lập gia đình, đây là con đường duy nhất của phần đông phái nữ, rời bỏ nhà trường để bước vào xó bếp. Nhưng mà khổ nỗi, ngay đến một người có thể cùng tôi gầy chuyện trăm năm cũng chẳng biết tìm đâu ra.
Đang trong tình trạng tuyệt vọng này, tin tức từ " Vườn Thúy" đã đến, nó như một ngọn đèn lóe lên soi vào cánh rừng dầy dặc âm u! Đó là một lá thư màu trắng với chất giấy thật tốt, bên trên là hai giòng chữ giản dị viết bằng mực với nét chữ thật đẹp:
Dư tiểu thơ!
Mời cô vui lòng đến diện kiến tại địa điểm Vườn Thúy vào lúc 9 giờ sáng ngày....
Kính thư
Thạch Phong
Trong thư không có đề cập đến đã tuyển dụng tôi hay không, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi phấn khởi rồi. Tôi cầm chặt lấy phong thư, lòng nôn nóng muốn được gặp ngay chủ nhân Vườn Thúy và không hề nghĩ một tí gì về việc sẽ có một định mệnh kỳ dị nào sẽ đến với tôi trong tương lai.
Tôi tìm đến Vườn Thúy lần đầu tiên vào một buổi sáng mùa thu. Như sự dự đoán của tôi, nơi đây cách Thành phố thật xa. Chân tôi giẫm trên một con đường tráng nhựa thật đẹp con đường này đưa tôi thẳng lên núi, tuy lòng tôi có hơi hồi hộp về việc "khẩu thí” sắp tới đây, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn hai bên con đường nhựa ăn thông lên núi này, một bên thì lại là một rừng trúc xanh um xào xạc, còn một bên thì lại là một rừng thông thắm tươi hùng vĩ. Vẻ mảnh mai óng ả của trúc và vẻ hùng dũng hiên ngang của thông làm thành một so sánh khác biệt rõ rệt. Bên trong rừng trúc và rừng thông đều sạch sẽ, trên mặt đất phủ đầy những lá, nhưng lại không ẩm thấp. Trong rừng thông lại có cả những hòn nham thạch cao sừng sững, càng tăng khí phách cho thông. Đường nhựa thật rộng, xe hơi có thể chạy thẳng lên núi. "Vườn Thúy" cứ trong tên mà định nghĩa, nhất định phải ở giữa cánh rừng xanh biếc này. Tôi bị thông và trúc gợi cao hứng thú, tinh thần cũng được cổ võ bởi không khí trong lành của buổi sáng núi rừng. Tôi nghe như niềm vui rào rạt khắp chân thân. Mỗi một bước đi của tôi có mang theo niềm hy vọng được tuyển dụng trong công việc ở đây.
Cứ thế, tôi vừa đi vừa thong thả ngắm nhìn chung quanh, tình thật mà nói, tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ đến rất nhiều, rất nhiều những việc trong tương lai và chuyện việc làm trước mặt, vì thế, tôi hoàn toàn không nghe có tiếng động cơ của xe máy dầu đang xả hết tốc lực từ dưới dốc núi leo lên, đợi đến lúc tôi phát giác ra thì chiếc xe ấy đã vụt đến bên người tôi. Vì đường rừng làm quanh theo chân núi nên khúc quanh rất nhiều, trước khi chuyển vào khúc quanh người lái xe không trông thấy tôi; lúc ông ta trông thấy thì không còn thắng kip. nữa, hơn nữa, tôi lại đi ngay giữa lộ. Sự việc xảy ra thật nhanh, tôi ngã xuống và chiếc xe lao qua, tôi lăn một vòng trên đường mà không cảm thấy đau, chỉ nghe như nỗi kinh hoàng và phẫn nộ lên đầy lòng. Tôi gắng gượng ngồi lên, nhìn xuống chân, đầu gối bên phải bị xát trầy da, nhưng không nặng lắm, chiếc "Jupe" bị rách một mảnh vuông nhỏ. Tôi nghĩ có lẽ chiếc xe nọ không đụng vào tôi, mà chỉ bị tay lái hay một nơi nào đó móc vào áo. Tôi đứng thẳng người lên, chiếc xe nọ đã quay lại và đến gần bên tôi. Người lái xe vẫn ngồi yên trên xe.
Hắn có gương mặt đầy vẻ ương ngạnh và rắn rỏi của một người đàn ông khoảng 38, 39 tuổi gì đó.
- Tôi hy vọng rằng cô không bị thương?
Hắn nói lớn, gần như với giọng mệnh lệnh.
- Tôi hy vọng ông chạy chậm một tý!
Tôi nói với giọng giận dữ và phẫn uất, lẽ ra thì hắn phải xuống xe và tỏ vẻ biết lỗi mới phải.
- Không bị thương là phúc cho cô, cô đã cản đường đi của tôi.
Hắn lạnh lùng nói.
- Đường này đâu có phải của ông làm!
Hắn nhếch mép, khẽ cười khì một tiếng. Tôi trông thấy nét ngạo mạn và trêu cợt hằn rõ trên khóe môi của hắn.
- Con đường này? Chính tôi làm ra đấy.
Hắn nói bằng một giọng không mấy rõ rệt, tiếp theo đó, hắn lại lớn tiếng nói:
- Cô không có hề gì thì tôi đi đây!
Hắn sang số xe và vọt nhanh lên dốc núi. Tôi bực tức đến cùng cực và tự nhủ: "Xui đến thế là cùng nên mới gặp phải người sỗ sàng như vậy. Tôi to tiếng nói vội theo sau hắn:
- Tôi hy vọng ông sẽ lao đầu vào núi!
Xe hắn đã đi xa, chẳng biết hắn có nghe thấy không? Tôi dừng lại bên đường vài phút để vuốt lại nếp áo và định tĩnh tinh thần. Đây chỉ là một rủi ro nhỏ, tôi không bị thương hay trẹo chân tay chi cả. Tôi lại tiếp tục bước đi rồi quên khuấy đi câu chuyện kém vui đó, vì rừng cây của buổi sáng có một mầu xanh biếc và tiếng chim hót vang vang những nhịp khúc vui tươi.
Mặt trời đã lên cao, Đài-Loan vào thu, ánh nắng vẫn mang sức nóng như thiêu như đốt, tôi bắt đầu cảm thấy nóng bức và khát nước vô cùng. Phiá trước có một ngã ba đường, bên lề có một tàng cây to, bóng mát phủ trên mặt đất như hình dáng của cây dù. Tôi đi đến đó, dưới gốc có một chiếc ghế đá, trên ghế có khắc một hàng chữ: "Vườn Thúy kính tặng".
Kính tặng cho ai? Đúng rồi! Tặng cho bất cứ người khách đi đường nào, để họ có được đôi phút nghỉ ngơi dưới bóng cây râm mát. Bây giờ thì nó "kính tặng" cho tôi, tôi tự đùa và mỉm cười với mình. Tôi ngồi xuống ghế và vuốt lại quần áo một lần nữa, phủi sạch những vết bụi bám trên tay chân. Tôi ngồi yên đó, bất giác nghe một chút gì thỏa mãn, thỏa mãn về việc gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ cảm thấy một cách mơ hồ như cái danh từ "Vườn Thúy" không còn xa lạ đối với tôi, mà giữa nó và tôi đã có một liên hệ nào đó.
Chung quanh thật yên tĩnh, rừng thông và rừng trúc nằm im lặng lẽ. Con đường nhựa chạy ngoằn ngoèo lên núi, có một con đường lát đá nhỏ khác ăn sâu vào cánh rừng rậm, bên con đường đá có dựng một tấm bảng nhỏ chỉ "Đường đi vào Vườn Thúy" Con đường đá nhỏ cũng khá rộng ngồi ở đây có thể trông thấy thấp thoáng một dãy tường và mái ngói đỏ. Tôi nhìn đồng hồ, thời giờ còn rộng chán, tôi không cần vội lên đường. Tôi ngồi chừng mười lăm phút, không thấy một bóng người khách đi đường nào cả. Ánh nắng thật đẹp nhưng đúng vào phút ấy, bỗng nhiên tôi có một cảm giác dị thường, không biết vì giác quan thứ sáu hay vì một lý do nào khác, khiến tôi, đột nhiên rùng mình một cái. Tôi cảm thấy một cách rõ rệt là có người đang ở gần bên tôi, đằng sau một gốc cây hay một tảng đá nào đó, có người đang rình rập tôi.
Bỗng tôi cảm thấy ớn lạnh, tóc đằng sau ót tôi đột nhiên dựng lên. Không hiểu có một nguyên do nào làm tôi rùng mình, tôi đứng nhỏm lên và quay đầu lại, hoàn toàn do sự thúc đẩy của trực giác. Sau lưng tôi là một dãy rừng thông, có ba hòn nham thạch đứng sững ngang nhau như một tấm bình phong che ngang phía trước, ánh nắng chói chang, và trong rừng thông chẳng có chi cả. Bất giác tôi phì cười cho sự rối loạn thần kinh của mình. Bước chân trên con lộ đá, tôi nhắm hướng Vườn Thúy đi tới, và không bao lâu, tôi đến gần địa điểm ấy. Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi, nơi đây chỉ là một mảnh đất rộng được khai phá từ một triền núi, có hơn mười căn nhà được xây trên đó. Trông vào thì Vườn Thúy không quá cô độc như sự dự tưởng của tôi. Đây hẳn là cư xá cao cấp hoặc, những ngôi biệt thự của những kẻ giầu sang nhàn hạ.
Vườn Thúy nằm ở cuối con lộ, nó chiếm một khoảng đất rộng rãi, có tường trắng vây quanh. Một cành cây phượng vĩ từ trong vươn ra bên ngoài và có nhiều cây si to cao hơn cả tường dậu, lá đã được cắt xén thành những hình tròn và hình dạng của chim. Nơi đây là nơi nào? "Vườn Hoa của Cự Nhân" ư? Tôi đưa tay lên nhận chuông trên cửa, tấm bảng đồng đề "Vườn Thúy" phản chiếu ánh sáng chói chang vào tôi.
Một người đàn ông gầy gầy vào khoảng trên dưới 30 tuổi ra mở cổng. Sau này tôi biết được gã là tài xế của chủ nhân Vườn Thúy, và được gọi là chú Lưu. Bên trong cánh cổng quả nhiên là một vườn hoa vĩ đại, tròng đầy những hoa hường, hoa cúc, thạch trúc và vạn niên thanh.
Vườn hoa có vẻ đã được hoạch định hẳn hoi, có một hòn núi giả được xây bằng đá nằm ở giữa một bồn nước có vòi phun cao, trong kẽ đá mọc đầy các loại hoa cỏ, một cây xương rồng nở đầy hoa mầu hồng nhạt, có gần hai ba chục cây hoa hồng khác loại, mầu đỏ, mầu hồụng, mầu vàng, mầu trắng đang nở rộ, khoe mầu dưới ánh nắng. Nhưng ở đây không hẳn là một vườn cây rợp bóng. Ngoại trừ những cây phượng và cây si được cắt xén quanh tường ra, trong vườn chỉ có vài cây hoa trà và cây dâu là có hình dạng to lớn, vì vậy cả một vườn hoa trong thật sáng sủa, sạch sẽ và đầy sinh khí. Ngôi biệt thự trong vườn được xây hai từng theo lối tây phương, bên ngoài tường, sân nhà được lát gạch mầu đỏ, hai bên hiên rộng rãi có xây những cột trụ bằng xi măng có vân giản dị. Một con đường đá nhỏ chạy dài từ ngoài cổng vào đến gian chính, gian bên cạnh là nhà xe. Cổng nhà xe được mở rộng bên trong có một chiếc xe hơi kiểu nhỏ mầu đỏ thẫm.
Tôi được dẫn vào phòng khách. Đó là một căn phòng rộng lớn, sáng sủa. Ba mặt phòng đều gắn cửa kính lớn, ánh sáng bên ngoài lùa vào tràn ngập căn phòng. Ghế mây hình vòng cung, bàn tròn dài nho nhỏ làm bằng cây dầu và một bộ sa-lon mầu xanh. Đồ vật trông giản dị, nhưng nó biểu lộ cả một thứ gì... không giản dị trong ấy. Cái vẻ đẹp đẽ, quí phái và tinh khiết, làm cho người khách lạ, có một mối thiện cảm không thể nào diễn tả bằng lời. Trên tường không treo tranh liễn, chỉ treo một bó hoa hướng dương to bện bằng mây. Một người con gái giúp việc khoảng 18, 19 tuổi ra tiếp tôi. Cô ta cười lộ hàm răng trắng đẹp, mang cái tinh khiết tương tự với vườn hoa nhà này.
Cô ta niềm nở hỏi:
- Thưa, có phải cô là cô Mỹ Hoành không ạ? Ông chủ đang chờ cô đấy.
- Vâng! Tôi đáp và cảm thấy hồi hộp.
- Hiện ông chủ ở trên lầu. Ông muốn tiếp cô ở phòng đọc sách, mời cô lên trên ấy.
Tôi đi lên lầu, không còn tâm trí đâu để ngắm nhìn cách bày biện trong nhà. Tôi bước vào một căn phòng rộng rãi, có ghế salon, có kệ sách, có thật nhiều sách làm người nhìn hoa cả mắt, có một chiếc bàn thật to, và... một người đàn ông quay lưng về phiá tôi đang loay hoay tìm sách ở chiếc kệ cao ngất, chiếm trọn một bức tường. Cô người làm đứng cạnh tôi lên tiếng:
- Thưa ông, Dư tiểu thơ đã đến rồi đây!
- Biết rồi! Người đàn ông nọ nói không quay đầu lại.
Tôi nghe tiếng đóng cửa sau lưng, chỉ còn mình tôi đứng đó. Tôi nghe tim đập nhanh trong lòng ngực, không hiểu sao tôi lại hồi hộp đến thế, lòng bàn tay rịn ướt mồ hôi.
Người đàn ông nọ thong thả quay sang đối diện với tôi, tôi đứng thẳng người lên, ước gì tôi chưa vào đến nơi đây và ước gì tôi được lui ngay ra tức khắc, nhưng muộn mất rồi, người đàn ông nọ đang nhìn tôi từ đầu đến chân, không ngạc nhiên cũng không lấy làm lạ, trong ánh mắt ông ta tiềm tàng một nụ cười trêu cợt, tương tự với thái độ sau khi ông ta đụng tôi trên dốc núi. Xong ông ta chậm rãi nói:
- Chắt cô thất vọng lắm thì phải, vì tôi đã không lao đầu vào núi!
- Tôi... ơ... Tôi lưỡng lự định khiêu khích - nếu... nếu lúc nãy tôi biết là ông thì...
- Thì cô sẽ không nguyền rủa tôi?
- Tôi nghĩ... Tôi cảm thấy mình đang bị trêu chọc, dù cho tôi có cần thiết việc làm này đến đâu, cũng không thể vì thế mà quỳ lụy ai.
Tôi thầm nghĩ, tôi vẫn giữ ở trong lòng một nỗi bất bình mà chẳng tiện thốt ra!
Tôi thẳng thắng nói, có lẽ lúc ấy sắc mặt tôi thật khó coi, việc làm này coi như đi đời một trăm phần trăm.
Ông ta nhìn tôi một thoáng và cái vẻ trêu cợt ban nãy đã tiêu tan đâu mất. Ông ta đi đến chiếc ghế đối diện bảo tôi:
- Dư tiểu thư! Mời cô ngồi, rồi chúng ta cùng nói chuyện được chứ?
Giọng ông vẫn có vẻ mệnh lệnh, nhưng tôi bắt buộc phải nhớ rất có thể ông ta sẽ là chủ nhân của tôi, tôi bèn ngồi xuống.
Ông lại nhìn tôi, ánh mắt ông ta nghiêm lại, tôi nhận ra là ông ta đang dò xét tôi.
- Tôi có làm cô phật ý không?
Bỗng nhiên ông ta buông ra một câu hỏi đó và tôi vội vã đáp:
- Ông muốn nói về việc ở trên dốc núi, hay là ở đây?
Ông ta hơi mỉm cười, nhưng lần này không mang vẻ trêu cợt mà lại ôn hoà, ông ta gật đầu nói:
- Theo tôi thấy thì cả hai đều làm cô không được hài lòng. Nhưng tôi hy vọng cả hai điều đó không quan trọng.
Tôi mỉm cười:
- Thật thế! Không quan trọng.
- Thế thì chúng ta có thể vào vấn đề câu chuyện chính.
Ông ta mở ngăn kéo lấy ra một xấp giấy, đó là hồ sơ xin việc của tôi. Ông rút tấm ảnh ra nhìn kỹ một hồi, rồi lại nhìn tôi, hình như có ý so sánh ảnh và người có phải cùng là một không? Cuối cùng ông ta vừa ý, để tấm ảnh xuống và nhìn tôi nói:
- Lần tuyển nữ bí thư này, tôi nhận được hơn một ngàn sáu trăm đơn xin việc, trong số đó tôi chọn năm đơn, cô là người thứ năm mà tôi tiếp kiến.
Tôi im lặng không nói gì nhưng chắc mẩm, có phần năm hy vọng rồi đấy! Phải chi lúc nãy tôi không nguyền rủa ông ta trên dốc núi.
- Công việc làm tính chất đơn giản, nhưng cũng không quá đơn giản. Phần cốt yếu là cô giúp tôi soạn lại một mớ tài liệu, tài liệu này là một cuốn gia-phả của dòng họ Thạch nhà tôi, trong ấy gồm có những văn cảo, nhật ký và thư từ của tổ phụ tôi, cần phải sắp xếp lại rồi căn cứ theo nhật ký của tổ phụ tôi, dùng một lối hành văn có hệ thống mà viết thành một quyển "Truyện ký".
Tôi xen vào nói:
- Tôi thiết tưởng, sao ông không mượn một nhà văn để làm công việc này?
- Cô muốn nói...
Trông dáng ông ta có vẻ bất mãn:
- Cô không muốn làm việc này ư?
- Ồ! không! Tôi vội đáp. Có chứ ạ, nhưng tôi e không có đủ khả năng.
- Cái đó phải đợi cô bắt tay vào việc mới rõ được.
- À! Thưa vâng! Dĩ nhiên!
Bỗng tôi cảm thấy tôi đã bị khuất phục và trở nên thụ động.
- Làm xong tài liệu của tổ phụ tôi, rồi đến lượt phụ thân và của... một người khác. Tôi sẽ trao cho cô xem rất nhiều thứ, kế đến là cõ giúp tôi xem các thư từ và trả lời. Cô xem, liệu cô có thể làm được không?
- Vâng, tôi có thể làm được!
Tôi nói mà không khỏi nghi hoặc, có lẽ nào cái công việc mà ông ta vừa nói, không thể không làm được? Hay là ông ta có mục đích nào khác?
- Cô cần phải ở lại đây, vì thời gian có mặt ở nhà của tôi không nhất định, giờ làm việc cũng không nhất định nốt. Mỗi tuần lễ cô có một ngày nghỉ và những ngày nghỉ này sẽ do tôi quyết định, được chứ?
- Thưa được!
Tôi tự nhủ, có thể giảm bớt được gáng năng cho chú thím tôi là được lắm rồi!
- Về số lương của cô...
- Ông ta trầm ngâm một lát:
- Tạm quyết định là hai ngàn một tháng.
- Dạ.
Tôi hơi kinh ngạc, vì số lương vượt quá xa dự liệu của tôi, tôi chần chờ chưa dám tin ở thính giác của mình:
- Thưa thế nghĩa là... ông... ông đã bằng lòng tuyển dụng tôi?
Tôi lí nhí hỏi.
- Dĩ nhiên, hay là cô không muốn làm?
- Thưa không phải thế!
Tôi nói lớn và cảm thấy vui mừng khôn xiết.
- Thưa đến bao giờ tôi mới bắt đầu làm, thưa ông?
- Ngày mai!
Ông ta nói một cách giản dị và xô ghế đứng lên:
- Cô hãy về mang đồ đến đây, cần nhất là đến trước buổi trưa, vì chiều tôi bận đi khỏi. Ngay bây giờ, cô có thể về nhà sửa soạn đồ đạc.
Tôi cũng đứng lên nhìn ông ta với vẻ nghi ngờ, đối với tôi, tất cả đều như một giấc chiêm bao, không có vẻ gì là thực cả. Tôi lại lí nhí hỏi:
- Nhưng mà, như thế này... đã quyết định rồi ư?
Sắc mặt ông ta lộ vẻ khó chịu.
- Cô còn thắc mắc điều chi nữa?
Dĩ nhiên, còn có những vấn đề như là, người đàn ông này là ai? Thạch Phong, một cái tên hay là một biệt hiệu? Nghề nghiệp của ông ta là gì? Tất cả những điều này không khác thường? không đặt biệt ư? Trong ngôi biệt thự của ông ta còn có những con người như thế nào? Trong tương lai tôi sẽ sống chung một nhà với ai? Việc thắc mắc thì hẳn là nhiều rồi, nhưng tôi không dám hỏi tiếp, vì nét khó chịu càng lúc càng in rõ trên mặt chủ nhân tôi. Tôi cần phải biết điều một tí! Trừ phi tôi không muốn làm việc ở đây. Vì vậy tôi đành nuốt ực vào lòng tất cả những câu hỏi và khẽ nói:
- Thưa không! Không có chi thắc mắc cả. - Thế thì, ngày mai sẽ gặp lại.
Ông ta nói và quay người sang tìm kiếm sách. Tôi lẳng lặng rời khỏi căn phòng. Tôi không phải là khách, nên không có quyền buộc chủ nhân phải tiễn đưa. Tôi bước chân đi một minh xuống chiếc thang lầu rộng rãi.
Thế là tôi đem hành lý đến sống trong "Vườn Thúy".




 
18/08/2012 00:08 # 2
xanhbien
Cấp độ: 2 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 9/20 (45%)
Kĩ năng: 3/10 (30%)
Ngày gia nhập: 23/01/2011
Bài gởi: 19
Được cảm ơn: 3
Phản hồi: Vườn Thúy


Buổi sáng đầu tiên, chủ nhân đưa tôi đến một căn phòng trang trí và bày biện sẵn sàng. Đây là một trong sáu phòng ở trên lầu, cửa phòng vừa mở, tôi hơi kinh ngạc, vì đồ vật trong phòng rất đầy đủ bàn phấn, tủ áo, tủ sách, bàn viết, giường, đèn bàn và màn treo cửa sổ, thứ nào cũng chuẩn bị tuyệt hảo, hơn nữa, đó hoàn toàn là một căn phòng được trang bị cho phái nữ. Đồ vật tuy không mới, nhưng rất tinh vi, màn treo cửa bằng vải Nylon mầu hồng nhạt, cùng một mầu với tường, bên trên bàn phấn có gắn một mặt kính hình tròn chạm bằng cây có trổ hoa. Trong khuôn cửa kính; của chiếc tủ sách, chất đày ăm ắp sách. Tôi kinh ngạc nhìn chủ nhân như để hỏi xem có phải căn phòng nay được chuẩn bị cho tôi không?
- Cô cứ ở căn phòng này được rồi.
Ông Thạch Phong nói, không biểu lộ một vẻ gì trên sắc mặt.
- Căn phòng này trước kia của một cô gái khác, hiên giờ cô ấy đã đi khỏi, bây giờ nói thuộc về cô. Các thứ sách vở hoặc tiểu thuyết, nếu cô thích, cô có thể đọc. Dù sao đi nữa, những đồ vật trong căn phòng này cô đều có thể dùng được. Hôm nay ta chưa bắt đầu làm việc, cô nghỉ ngơi trước đã, tôi phải đi ngay bây giờ, ngày mai ta sẽ tiếp tục bàn chuyện.
Ông Thạch Phong không cho tôi cơ hội để hỏi thêm câu nào cả, ông cũng không tiếp tục giải thích gì cả. Ông quay gọi chị trẻ tuổi hôm qua lên, và bảo tôi:
- Đây là Thu Cúc, cô có việc gì cần cứ bảo chị ấy làm hộ!
Rồi ông dặn dò Thu Cúc:
- Hãy phục vụ cẩn thận Dư tiểu thư, đừng để cô ấy thiếu thốn một thứ gì!
- Vâng! Thu Cúc kính cẩn trả lời.
- Tôi đi nhé cô Hoành.
Và ông quay nguòi bỏ đi với những bước dài.
- Ơ... Khoan đã, ông Phong?
Ông Thạch Phong đứng lại và quay đầu nhìn chăm chú vào tôi.
- Tôi... tôi muốn nói, xin cám ơn ông. Tất cả đều quá tốt đẹp đối với tôi.
Ông Thạch Phong nhún vai, làm một cử chỉ có hơi đặc biệt rồi quay người bỏ đi không đáp lời tôi. Tôi thừ người ra mất mấy giây mới đi vào căn phòng... của tôi, tôi nhìn ngắm tất cả những đồ vật trong phòng với vẻ hiếu kỳ. Thu Cúc bước theo vào và mang chiếc valy quần áo của tôi để lên giường.
- Có cần em sắp xếp đồ đạc giúp cô không, Dư tiểu thơ? Thu Cúc nói.
Ồ! Thôi khỏi, cứ để đấy tôi. Em đi làm công việc của em đi.
- Vâng thưa cô!
Cúc lui ra khỏi phòng. - À! Khoan chờ tí! Tôi gọi giật Thu Cúc lại, nói:
- Tôi muốn hỏi, trong ngôi nhà này còn có những ai nừa nhỉ?
- Hiện giờ thì chỉ có ông Phong, em và chú Lưu tài xế.
- Hiên giờ?
- Đôi khi cậu Hai cũng về đây!
- Cậu Hai?
Tôi hỏi một cách hồ nghi.
- Cậu Hai là con của ông Phong ư?
- Không, là em của ông, nhưng chúng em quen gọi như thế.
- Thế còn bà Phong?
Tôi hỏi thế song không tin rằng Thạch Phong đã có vợ.
- Năm ngoái bà ấy có về một lần, năm nay thì chưa về!
- Bà ấy ở đâu?
- Hình như là ở bên Mỹ thì phải, em cũng không rõ lắm!
- Thế à.
Tôi dừng lại một lát:
- Thôi được rồi, em có thể đi xuống dưới nhà.
Nhưng tôi lại chợt nhớ đến một thắc mắc khác:
- À còn một việc nữa, căn phòng này trước kia của ai nhỉ?
- Của...
Thu Cúc do dự một lát xong lắc đầu nói:
- Em cũng không biết, lúc em lại làm, thì căn phòng này đã bỏ trống, em chỉ quét dọn nó hằng ngày.
Có lẽ Thu Cúc biết rõ nhưng không muốn nói ra, tôi nghĩ đã hỏi hơi nhiều, mà thiệt tình tôi không ngăn được tính tò mò. Tôi cười nói với Thu Cúc:
- Thôi được, cám ơn em, Thu Cúc!
Cúc mỉm cười mặt đỏ lên và đi ra. Cô gái này tính nết khá dịu dàng, có thể dễ cư xử. Tôi đóng cửa lại, đi đến khung cửa sổ và kéo màn lên, vừa đúng lúc trong thấy chiếc ô tô mầu đỏ ban nãy từ con đường lát đáù trong vườn chạy ra, chủ nhân của tôi đã đi khỏi.
Tôi bắt tay vào việc sắp xếp đồ đạc, đem quần áo mắc vào tủ, soạn những văn cụ ra để trên bàn viết, tất cả việc sắp xếp chỉ mất có 30 phút, thực ra đồ đạc của tôi quá giản dị. Tôi đi loanh quanh trong phòng, hết sờ vật này đến ngắm vật kia. Trên bàn phấn không có phấn son chi cả, chỉ có một cây lược làm bằng ruột cây anh đào, trên cán có chạm trổ. Trong tủ sách phần nhiều là tiểu thuyết, sách phiên dịch, lại có cả một bản cổ Hồng Lâu Mộng và nguyên bản Tây Sương Ký, Đào Hoa Phiến, Mẫu Đơn Đình v... v... Ngoài những loại sách văn nghệ nói trên còn có một ít sách y học như Tâm tạng, Di truyền, Bệnh thái Tâm Lý Học và Nguyên do của hiện trạng quái thai vv.. Cứ theo các pho sách đó, thì người chủ trước của căn phòng nhất định phải học về y khoa hay văn khoa.
Tôi rút một quyển sách có cái nhan đề của Zola là "Câu chuyện viết cho Nina", tôi chưa từng xem qua quyển này. Lật trang bìa, có vài hàng chữ đẹp nét viết trên trang để trống:
"Loại sách lưu trữ thứ 124 của Tiểu- Phàm"
Tiểu-Phàm? Tên người chủ trước của căn phòng này ư? Thuận tay lật sang trang kế, tôi phát giác ra là người đọc sách có tật viết, vẽ bậy bạ trên sách. Một con thỏ với hai chiếc tai dài làm che lấp cả mặt chữ, bên lề trang sách cũng viết ngoằn ngoèo mấy hàng chữ:
"Nina, văn gia đề tặng cho nàng như vậy không kiêu hãnh sao? Ôi! Đường đường một Zola!- "Câu chuyện viết cho Nina" Có thể, một ngày nào đó cũng có một người viết cho tôi một quyển sách dầy dầy! "Câu chuyện viết cho Tiểu-Phàm". Chẳng đẹp và tuyệt lắm ư? Ai sẽ viết? Đông ư? Đông, Đông, Đông! Anh có yêu em không? Yêu em không? Yêu em không?- Mày không biết thiệt à, Tiểu phàm?"
Trên đầu một trang khác cũng viết:
"Đông thì chỉ có thể là Đông, Đông của mình chứ không phải Đông của người khác. Hãy chờ đợi, có lẽ mình sẽ viết một quyển "Câu chuyện viết cho Đông".
Rồi một trang khác:
"Ô! Mình không bao giờ tin việc này đâu! Cái hạnh phúc này không thể có một ám ảnh nào được, Đông cũng sẽ không tin đâu, nhỉ, Đông nhỉ?".
Lại một trang khác:
"Nina, ta không ghen ghét với nàng đâu, ta cũng không ganh ghét với bất cứ một người nào. Không ai sung sướng bằng ta cả, vì ta đã có Đông!".
Lại một trang khác:
"Mình hy vọng sẽ đẹp hơn tí nữa, từ ngày mình bắt đầu hiểu biết, thì mình chỉ vì Đông mà hy vọng mình đẹp hơn lên, Đông thường nói: "Tiểu Phàm, em đẹp lắm rồi." "Thật thế ư? Đông! Thật thế ư?".
Cứ với những loại từ ngữ này, trên sách viết đầy dẫy cả những chữ, nào là Đông, nào là Tiểu Phàm, tôi đặt quyển sách này xuống và rút một quyển khác: "Gia Đình Quý Tộc", trên trang đầu cũng viết những chữ tương tự:
"Loại sách lưu trữ thứ XXX của Tiểu Phàm"
Bên trong cũng có đủ cả nét vẽ và chữ. Cái cô tiểu Phàm rõ ràng cô ta rất quen đem nhân vật trong sách và bản thân mình hỗn hợp lẫn nhau.
"Lisa ơi! La Phu ơi! Như thế thì thật là tàn nhẫn, mình không thích những câu chuyện tàn nhẫn như thế. Mình đã để rơi không biết bao nhiêu là lệ. Cái tên Đồ Cách thật là đáng nguyền rủa. Nỡ nhẫn tâm chia rẽ tình họ. Mình và Đông sẽ ra sao? Đông! Anh đừng cười em! Em yêu anh đến điên khùng mất! Anh đừng lìa bỏ em nhé! Em sẽ... Làm sao mình đủ can đảm viết tiếp?"
Tôi để quyển sách xuống, ánh nắng buổi sáng từ ngoài rọi vào, trong phòng sáng sủa. Tôi không muốn tiếp tục xem những thứ sách kia nữa, vì trong mỗi quyển đều có viết đầy cả chữ, tôi bỗng dưng cảm thấy bị ám ảnh Tiểu Phàm, Đông! Những người này là ai? Họ không liên can gì đến tôi cả, thế nhưng họ cứ ám ảnh tôi! Tôi đến bên bàn viết, lơ đãng mở một chiếc ngăn kéo, trong đó có vài quyển nhật ký dầy cũ kỹ, nhưng đều được bọc bằng giấy đẹp, bên trên đề mấy chữ: "Nhật ký của Tiểu Phàm năm Dân Quốc 48, 49 đến 50" Kế đó là năm 51- 52, bên dưới không còn nữa, mỗi năm một quyển, tôi rất muốn lật thử một quyển xem, nhưng tôi do dự một hồi rồi lại đóng ập ô kéo lại, đây là bí mật của người khác, tốt hơn hết là đừng nên tò mò. Hình ảnh của Tiểu Phàm đầy dẫy trong căn phòng này, khiến tôi cảm thấy lo ngại và thần trí nặng nề. Tôi mở một ô kéo khác, bên trong có một sợi dây chuyền bằng vàng với một mặt hình trái tim bên trên có khắc mấy chữ: "Tặng Tiểu Phàm, Đông của em" Tôi vội vã đóng ập ô kéo lại, toàn thân ớn lạnh, Tiểu Phàm này nhất định đã chết rồi, nếu không nàng chẳng bao giờ để chiếc dây chuyền của Đông mà không mang theo. Tôi đi đên bên giường, cảm giác ớn lạnh gia tăng. Chiếc giường này, Tiểu Phàm đã nằm qua và căn phòng này Tiểu-Phàm đã ở... mà Tiểu Phàm có lẽ đã chết rồi... Tôi lắc đầu không muốn nghĩ đến Tiểu Phàm nữa, tôi đi đến bên cửa sổ ngắm nhìn, những bông hồng cùng với các đóa hoa khác đang nở đầy vườn để khoe tươi, đua thắm dưới ánh dương.
Buổi sáng hôm đó cứ thế trôi qua, đến trưa Thu Cúc mời tôi xuống ăn cơm. Ở bàn ăn, chỉ có một mình tôi, chủ nhân vẫn chưa về.
Cả một buổi chiều dài dằng dặc, tôi rảnh rang chẳng có việc gì làm. Thạch Phong vẫn chưa về. Tôi đi ra vườn hoa, đứng bên hồ phun nước, đàn cá lia thia bơi lội qua lại, vườn hoa rất trống trải, không nơi nào có thể dừng chân lâu được. Tôi không dám đi ra ngoài, sợ Thạch Phong về thình lình tìm không được tôi, dù sao đi nữa hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của tôi kia mà!
Tôi trở về phòng và bắt đầu cảm thấy thì giờ đi quá chậm, cái lối "đi làm" này làm tôi khó chịu.
Từ bên khung cửa nhìn ra xa, tôi có thể trông thấy những cánh đồng, những nhà của, đường xe lửa và ruộng lúa mầu xanh. Tôi thẫn thờ đi qua, đi lại, từ trưa đến chiều, bóng hoàng hôn đã lùa vào trong phòng, tôi tựa người bên cửa sổ, suy tư đến tính chất của việc làm mới này của tôi. Bỗng một hồi chuông mõ từ xa vọng lại, từng tiếng, từng tiếng, ngân nha, trầm bổng. Ở một nơi nào trên núi có chùa ư? Tiếng chuông mõ mang đến cho tôi một cảm giác đặc biệt lạ lùng. Tôi lắng tai nghe mà thần trí như rơi vào cảnh hư vô. Hồi sau đó tiếng còi xe vang lên, cuối cùng chủ nhân tôi đã về. Ông vẫn không cho người lên gọi tôi.
Đến bữa cơm chiều, tôi mới gặp lại ông Thạch Phong. Ông nhìn tôi với ánh mắt sắc bén và hỏi:
- Thế nào? Cô đã làm quen được với cái nếp sống ở đây chưa?
Tôi nhìn thẳng vào ông ta, và cứ thật tình nói:
- Tôi có cảm tưởng... Ông không cần phải có một thư ký.
- Cần thiết hay không thuộc quyền quyết định của tôi chứ? Ông nhìn tôi và nói tiếp:
- Tôi không thích lãng phí tiền bạc đâu, song tôi cũng không muốn, đem quá nhiều công việc ra, làm cho vị thư ký còn bỡ ngỡ của tôi kinh hoảng trong ngày đầu tiên.
- Việc làm quá ít cũng vẫn có thể làm cho nguòi ta kinh hoảng!
- Rồi cô sẽ rất bận, nhưng cô hãy làm quen với hoàn cảnh ở đây trước đã... có thích căn phòng của cô không?
- Dạ có, nhưng hình như có một vài đồ vật thuộc về đời tư của một người khác, ông đã quên cho mang đi.
- Cô muốn nói đến đồ vật của Tiểu Phàm hẳn?
Rồi ông ta không ngần ngại nói tiếp:
- Tôi thiết tưởng các vật đó sẽ không làm phiền cho cô. Lúc nào cô thích thì cứ xem, cũng chả sao!
- Tôi không thích đi khai thác những bí mật của người tôi không quen biết.
- Thế ư?
Thạch Phong nhìn tôi với cặp mắt dò xét:
- Cô hơi khó tính đấy nha! Những đồ vật ấy đâu có gì làm bận lòng cô? Cô không thích xem thì thôi kia mà!
- Dĩ nhiên là những đồ vật ấy không làm tôi phải bận lòng song...
Tôi hơi do dự một tí:
- Nhưng thưa ông... Tiểu Phàm là ai?
Trong khóe mắt ông ta gợn lên một nét cười tinh nghịch, nhưng chỉ lóe lên một thoáng rồi tan biến đâu mất, ông ta trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Hình như cô nên hỏi tôi là ai trước đã chứ?
- Vâng thế thưa ông! Ông là... ai?
- Một kiến trúc gia, hiện đang là Tổng Giám Đốc cho một công ty nọ!
- Ông cần tôi làm việc gì để giúp ông?
- Hình như tôi có nói qua với cô rồi.
- Nhưng quả tình, tôi vẫn chưa hiểu được đến nơi, đến chốn.
- Cô nóng tính quá: Chỉ ít hôm nữa cô sẽ hiểu rõ.
Ông tự kết thúc câu chuyện và bắt đầu ăn cơm, gần như coi việc này là một việc không đáng phải đàm thoại thêm gì nữa.
Hai hôm nữa lại đã trôi qua, Thạch Phong vẫn cứ sáng đi, chiều về, rất khó gặp mặt ông ta. Cũng không thấy ông dặn dò điều gì! Nỗi nghi ngờ của tôi càng ngày, càng tăng gia, tôi không hiểu ông ta mượn tôi về đây để làm gì? Trong những ngày dài tẻ nhạt và những đêm vắng buồn tênh, chẳng có việc gì làm, tôi đành giở tập nhật ký thứ nhất của tiẻu phàm ra đọc để cho nhân vật Tiểu-Phàm làm bạn với tôi.
Vào một buổi tối, tôi nằm trên chiếc giường mà Tiểu-Phàm đã từng nằm, lật quyển sổ tay có ghi rõ "Năm Dân Quốc 48" ra xem. Nó lôi cuốn tôi ngay. Bên ngoài cửa sổ, có ánh trăng trong vắt, bên trong cửa sổ một ngọn đèn mờ mờ đưa tôi đi vào cái thế giới mơ mộng của Tiểu-Phàm.
"Ngày... Tháng...
Không hiểu có một lực lượng vô hình nào khiến tôi nhất định viết nhật ký? Đối với tôi, Nghê Tiểu Phàm, lại yên tâm đi viết một cái gì, thì thực là việc lạ, nhưng tôi phải viết, có như thế, nếu một ngày kia tôi... Ồ! Thật là đáng sợ! Có bề nào ít ra tôi cũng có cái gì để lại cho Đông! Để Đông tưởng nhớ và hoài niệm đến tôi sau này. Đông ơi! Hình như em làm việc gì là cũng chỉ vì anh! Kể cả hơi thở và sự sinh tồn của em. Tất cả, tất cả những gì của em đều thuôc về anh. Đông ơi Đông!
Ngày... Tháng...
Hôm nay Đông đưa ra một đề nghị, anh bảo tôi đừng gọi mãi tên Đông nữa, anh nói: Tiểu-Phàm, em cứ gọi anh là Đông đến bao giờ mới thôi? Chả lẽ lúc chúng mình bảy tám mươi tuổi, thành cụ ông cụ bà cả rồi mà em vẫn cứ gọi anh là Đông sao? Tôi nói: Vâng, vì anh là Đông của em! Anh ôm tôi vào lòng và nói: Tiểu-Phàm, em nhắm mắt lại xem trong thấy những gì? Tôi nhắm mắt lại nói: Đông, vẫn là anh, em chỉ có thể trông thấy anh! Đông bảo tôi vẫn là cô bé thơ dại như lần đầu tiên mới gặp.
Lần đầu tiên ư? Hồi đó tôi bao nhiêu tuổi nhỉ? Năm tuổi thì phải, tóc bện bín ngồi chơi dưới gốc cây ở chân núi, Đông chợt xuất hiện đằng sau thân cây và chĩa đầu một cây súng về phiá tôi hô to: "Đùng đùng!". Tôi òa lên khóc, Đông ôm lấy tôi dỗ dành: "Đừng khóc, đừng khóc, đùa với mày đấy, tao đến chơi với mày mà!". Tôi ngạc nhiên nhìn Đông, đến chơi với tôi ư? Xưa nay có ai bằng lòng chơi với tôi đâu? Tất cả đều nhìn tôi như nhìn một con rắn độc, tôi mỉm cười qua hai hàng nước mắt. Đông trêu tôi nói: "Vừa khóc vừa cười, lêu lêu... " thế là chúng tôi cùng cười dòn tan.
Từ dạo ấy, con tim tôi chỉ có Đông, anh con trai đã nói với tôi hai tiếng "đùng đùng" và từ đó tôi gọi anh là "Đông"
Hồi đó anh mấy tuổi nhỉ? Hình như là chín! Có lẽ đúng. Tại sao tất cả những gì có liên quan về Đông, mình đều nhớ một cách rõ ràng thế nhỉ?
Ngày... Tháng... (trên trang này có vẽ một khuôn mặt đàn ông có vầng trán rộng với nhiều nếp nhăn và miệng cười toe toét trong thật khôi hài)
Đông, anh trong thấy chưa? Đây là khuôn mặt của anh đó, thêm hai chiếc tai dài vào là anh sẽ giống hệt như con thỏ con mà ngày xưa anh và em cùng nuôi chung với nhau đấy! Giống chứ? Anh bảo giống không Đông?... Gần đây đầu óc tôi cứ nghĩ vẩn vơ về thời thơ ấu, có lẽ vì viết nhật ký nên mới nghĩ nhiều như thế, chỉ có những gì thuộc về Đông va tôi mới đáng để tôi viết Đông, em thực có phúc mới được cha đem về quê, khiến em có thể gặp anh.
Năm tuổi đầu đã quen biết anh và trọn đời em, em chỉ biết có anh.
Ngày... Tháng...
Sáng nay nhặt được một đóa hoa hồng cài trên kẹt chắc là của anh tặng em.
Dĩ nhiên là của Đông! Tôi đưa nó lên môi hôn nhẹ từng cánh một rồi cài lên tóc. Lúc ở trên lầu xuống để dùng điểm tâm, Đông nhìn tôi luôn mồm khen đẹp, cái nhìn của anh mới thiết tha làm sao, tôi thật tình ước ao dược chết đuối trong cái nhìn tha thiết ấy! Tôi xoay người một vòng trước mặt Đông hỏi:
"Em đẹp không? Đẹp không Đông?" Đông gọi "Tiểu Phàm! Tiểu-Phàm!" Giá không có anh cả ở đó, có lẽ Đông đã chạy đến ôm hôn tôi. Anh cả nhìn tôi với ánh mắt kỳ quặc làm sao, buồn thảm làm sao! Mỗi lúc nghĩ đến ánh mắt của anh cả là tôi cảm thấy như là sẽ có một ngày nào đó... Ồ! Đáng sợ quá đi. Đông ạ!
Ngày... Tháng...
Hôm nay tôi thấy chiếc bóng hiện lên một cách rõ rệt nó phủ xuống đầu tôi, rõ rệt quá! Kỳ quái! Sao Đông chẳng thấy chi cả Đông đi hoc suốt ngày, tôi vùi đầu trong sách vở. Tôi tìm xem tất cả những loại sách thuộc thuyết di truyền, tôi hoang mang đến cùng cực tôi không tìm hiểu rõ rệt được một việc gì cả. Tôi soi gương và ngắm bóng mình, mười bảy tuổi rồi, tôi đã đến cái tuổi 17. Lạy Thượng Đế! Tôi hy vọng được sống cũng chỉ vì Đông.
Ngày... Tháng...
Đông nói: "Anh phải hôn em, hôn cho em tan thành mây khói, hôn cho em chết từng thớ thịt lóng xương" Cả ngày chúng tôi chỉ quấn quít bên nhau, trưa đến anh Cả nổi trận lôi đình mắng cho Đông một mách: "Mầy không thể cả ngày cứ rúc trong phòng của Tiểu-Phàm như thế được đừng quên mày còn có tương lai. " Ô! Anh Cả, xin anh nhân từ một tí cho chúng em nhờ.
Ngày... Tháng...
Tôi và Đông đi chùa xin được một quẻ xâm như sau:
"Nhớ thuở xa xưa họp một nhà.
"Mà nay âm tình vẳng, đâu xa.
"Lòng thành những ước nên duyên nợ.
"Nào hay phong vũ mấy lần qua."
Chẳng lẽ đây là viễn ảnh của tôi và Đông ư? Tôi lo sợ quá! Đông ôm tôi vào vòng tay, anh nói: "Mê tín! Tin dị đoan làm quái gì em." Đông xé nát mảnh giấy xăm mầu vàng và kéo tôi chạy vòng quanh từ đằng trước đến đằng sau chùa.
Lúc hoàng hôn xuống, tôi đứng trong ánh nắng chiếu phủ đầy trên núi, bỗng Đông hô lên: "Đứng yên, Tiểu-Phàm! Em là mầu hoàng kim, cô bé mầu hoàng kim!" Mầu hoàng kim? Một linh cảm bất thường nào đó chợt đến trong tôi. Hôm nay tôi là mầu hoàng kim! Thế ngày mai! Ngày mốt? Sẽ có một ngày tôi phải phai mầu. Tôi ngả vào lòng Đông nói "Xin hôm nay dừng lại mãi mãi dừng lại!" "Thì hôm nay dừng lại đây!" Đông nói, giọng anh thật kỳ lạ. "Hôm nay vĩnh viễn nằm trong tay của chúng ta!" "Thật ư? Thật ư? Đông!"
Ngày... Tháng...
Tôi còn nhớ ngôi nhà của giòng họ Thạch ở dưới quê và căn gác tối om dùng để đựng cái quan tài mầu đen bóng, cái quan tài đó để dành cho ông nội của Đông. Người còn sống đó sao lại chuẩn bị sẵn quan tài nhỉ?
Mỗi năm thợ sơn đến để sơn lại một lần, lớp dầu sơn sợ còn dầy hơn lớp gỗ là khác.
Có một lần chúng tôi chơi cút bắt. Đông bắt tôi trốn trong quan tài, sau đó không biết chuyện gì đã xảy ra, hình như ông nội của Đông nổi trận lôi đình la hét dưới lầu hay sao đó, tất cả đều sợ chạy tán loạn chẳng còn sót một đứa! Chỉ có tôi kẹt nằm trong lòng cái quan tài vì không leo ra được, tôi nằm trong cái quan tài hoảng sợ đến khóc thét lên. Không bao lâu Đông lại lẻn trở về, đỡ tôi ra khỏi quan tài. Đông kinh sợ đến sắc mặt anh tái nhợt: "Em có sao không? Tiểu-Phàm, em còn sống chứ?" Tay Đông run run sờ lên mặt tôi. Tôi òa lên khóc nói: "Em sợ quá! Sợ chết đi được!" Đông ôm chặt tôi vào lòng, tim anh đập liên hồi trong lồng ngực. Anh nói không ngừng: "Đừng khóc, đừng khóc, Tiểu-Phàm ngoan, Tiểu-Phàm!" Rồi bỗng dưng Đông hôn tôi. Đông đặt môi anh lên trán tôi.
Tôi im thin thít như bị ma nhập và nín khóc luôn, tôi ngẩng đầu lên nói với Đông một cách trịnh trọng. "Lớn lên Tiểu-Phàm sẽ lấy anh Đông ". Hồi đó tôi lên bảy còn Đông 11, thế mà tôi biết trước là tôi sẽ thuộc về Đông, mãi mãi thuộc về Đông.
Những kỷ niệm của thời thơ ấu mới đẹp làm sao. Đông, anh còn nhớ rõ như em không?
Ngày... tháng...
Đông lại đi học bên ngoài kia trời đang mưa, tôi ngồi tựa người bên song cửa sổ nhìn núi, nhìn mây và trong mưa rơi, đầu óc tôi nặng trĩu, vắng Đông thì giờ dài và vô nghĩa. Tôi không biết phải làm gì để giết thì giờ. (bên dưới vẽ hình hai quả tim nằm kề bên nhau).
Mưa, lúc nào cũng làm cho tôi rét mướt, ngày cất đám cha trời cũng như thế này. Người ta bắt tôi và anh tôi mặc tang phục và kéo anh tôi đến trước mộ cha, anh chỉ biết cười, không ngớt mân mê những sợi dây trên tang phục với điệu bộ ngờ nghệch. Cha chết mà anh ấy cười, còn tôi thì ôm lấy quan tài không ngớt gọi "Cha ơi! Cha ơi!" Ông nội của Đông kéo tôi đứng lên và xoa đầu tôi bảo "Từ nay cháu về nhà ông ở, ông coi cháu như con cháu của ông vậy" Đông một bên cũng khóc thút thít va dụi mắt nói "Phải đấy, Tiểu-Phàm! Em hãy về ở chung với anh. Đừng khóc nữa. Em không có cha mẹ, anh cũng không có cha mẹ vậy, nhá" Và ông nội của Đông cũng khóc theo, chúng tôi khóc như mưa gió, chỉ có anh tôi cười.
Hôm ấy tôi ở trong căn nhà của Đông và sau thì sống hẳn ở đó! Đêm đến Đông lẻn vào phòng tôi, tôi khóc, Đông cũng khóc theo.
Ba năm sau ở Đài Loan, ông nội của Đông mất, tội nghiệp ông không được nằm trong cái quan tài đã được sơn lại mười mấy lần của ông... Đêm đêm tôi cũng lẻn vào phòng Đông, Đông khóc tôi cũng khóc theo.
Ồ! Tại sao tôi lại nhớ tới toàn chuyện những việc đau lòng? Chỉ tại cái đêm mưa đáng ghét này!
Ngày... tháng...
Họ Thạch và Họ nghê, không thể nào giải thoát nổi một nghiệp chướng đời đời, kiếp kiếp. Ngày trước những người ở cố hương nói như thế, họ còn nói thêm vào một câu:
"vĩnh viễn không có thiện quả"
Thật thế ư? Đông bảo đó là những lời nói ma quái. Nhưng tại sao trong dòng họ Thạch và Nghê, mỗi đời đều có hai kẻ yêu nhau? Và cũng đều bị ly tán và bất đắc thiện chung? Không lẽ tôi và Đông cũng... a! Tôi sợ quá! Tôi sợ tất cả những điều này truyen sex.
Đông! Đông ơi! Em yêu anh đến thế, nếu một ngày nào đó, cái ngày đáng sợ ấy sẽ đến, em van anh, em van anh đừng bỏ em, đừng bao giờ bỏ em, nhá Đông?
Đây là một bộ phận nhật ký mà tôi đã đọc đêm hôm đó. Đông! Tiểu Phàm! Tôi đi vào thế giới tình yêu của họ. Quyển nhật ký đầu tiên đo tôi xem đến nửa đêm. Đầu tôi nặng trĩu, mắt tôi hoa lên. Cả đêm hôm đó, hình ảnh của Đông, và Tiểu-Phàm cứ lởn vởn trước mắt tôi, không thể nào xua đuổi đi được.
Bắt đầu từ quyển nhật ký đầu tiên này, tôi đã qui nap. được một mẫu chuyện tình giản dị, nhưng thật cảm động Tiểu-Phàm và Đông, là một đôi tình nhân gần gũi nhau từ lúc còn thơ ấu. Giữa hai họ Thạch và Nghê có một mối thâm giao, nên khi cha mẹ của Tiểu-Phàm mất đi, nàng được họ Thạch nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình họ Thạch, ngày ngày họ sống bên nhau nên tình yêu cũng càng ngày càng nẩy nở trong tim họ. Nhưng có một ám ảnh huyền bí nào đó cứ luôn luôn bao trùm lấy họ một thứ ám ảnh mà cả hai đều không thể dùng năng lực của họ để loại trừ. Nó vây chặt lấy họ, làm họ hoang mang, đau khổ, hơn nữa, cuộc tình này còn bị một trở ngại khác là người "anh cả" thường xuyên xuất hiện trong quyển nhật ký! Đây là một mẫu chuyện mà tôi góp lại còn cái "ám ảnh" kia là gì, tôi không làm sao hiểu được Đông và Tiểu-Phàm là ai, tôi cũng không biết nốt. Nhưng mỗi lúc, tôi mỗi quen thuộc với họ hơn, trong hai ba ngày rảng rang vô sự kế tiếp.
Cuối cùng tôi đã đọc xong toàn bộ nhật ký của Tiểu-Phàm. Thực ra, trong quyển nhật ký cuối cùng gần như không phải ghi lại những sự thật nữa,mà là những lời lẽ lảm nhảm, những câu văn không đầu không đuôi, không ý nghĩa giăng đầy cả mỗi trang giấy. Lại còn những hình vẽ rùng rợn, như sọ người, một khuôn mặt dữ dằn được nhễu đầy mực đỏ như những giọt máu, những nét gạch ngoằn ngoèo và những khoảng giấy rách thủng bởi ngòi viết máy! Thế này là thế nào? tôi chả biết. Lật đến trang cuối cùng có một đoạn Tiểu-Phàm viết hơi rõ rệt và suông sẻ như sau:
"Những ý nghĩ thật quái gở những đôi mắt to, thật to đang nhảy múa trong phòng tôi. Tôi thù ghét chúng nó, suốt đêm tôi bị những con quỉ nhỏ vồ lấy, chúng nó rút gân, lột da tôi, lấy muôn ngàn mũi kim đâm vào người tôi. Ôi, đau đớn quá! Đông! Đông là ai? Tôi dùng đủ cách để nghĩ nhưng nghĩ không ra. Họ đòi bắt tôi, tôi biết, có rất nhiều, rất nhiều người hỏi tôi rất nhiều chuyện hỏi không ngừng. Hỏi không thôi.
Trời ơi! Tôi phải... Tôi phải làm thế nào bây giờ!”
Đằng sau không còn nữa, từ trang này trở đi không có trang nào đọc được tôi ném quyển nhật ký sang một bên, đầu óc hoang mang kinh sợ tại sao lại có việc quái gở như thế này? Tôi đến đây để làm thư ký cho một người, nhưng người này không có việc cho tôi làm, mà lại đặt tôi vào một căn phòng chứa đầy huyền bí và chiếc bóng ám ảnh của Tiểu-Phàm. Thế này là nghĩa làm sao? Tôi không thể nào giải đáp được nỗi thắc mắc giăng trước mặt tôi. Chủ nhân tôi vẫn sáng đi chiều về và không đá động gì tới việc làm của tôi. Tôi càng nghĩ càng cảm thấy tình trạng này có mòi không ổn. Cuối cùng tôi quyết định phải hỏi thẳng chủ nhân. Thì cũng ngày lúc ấy, chủ nhân lại cho mời tôi "tiếp kiến" với ông.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024