Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
11/01/2020 22:01 # 1
vnrleo28
Cấp độ: 29 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 34/290 (12%)
Kĩ năng: 40/80 (50%)
Ngày gia nhập: 17/09/2014
Bài gởi: 4094
Được cảm ơn: 320
Dress Watch: Khi đơn giản là thứ phức tạp nhất


Kỳ nghỉ Tết sắp đến, hẳn anh em cũng sẽ muốn đi chơi, đi thăm họ hàng trong bộ cánh bảnh bao. Sơ mi, quần âu, blazer, điệu nữa thì có cả áo gillet để tạo thành bộ suit 3 mảnh. Và ở cổ tay, dưới gấu tay áo sơ mi, ẩn hiện chiếc đồng hồ chậm rãi chạy từng nhịp từng nhịp đếm thời gian trôi. Thực tế là như thế này, James Bond trong phim 007 đeo những chiếc đồng hồ thể thao bằng thép Rolex và Omega với bộ tuxedo đi ăn tối với người đẹp, không có nghĩa anh em phải làm theo. Dress watch tồn tại vì một mục đích, tạo ra một trong những món trang sức hiếm hoi cho các anh em, lấy sự tinh tế để tôn bộ trang phục của anh em mặc. Các chị em có dây chuyền, lắc tay, khuyên tai, nhẫn, thì các anh em có đồng hồ. Và dress watch là thứ khó làm đẹp nhất, không phải do lỗi của anh em khi chọn đồ ăn mặc, mà chính từ các hãng sản xuất đồng hồ. Nó chính là hiện thân của câu nói “đơn giản là thứ phức tạp nhất.”

Tinhte_Watch1.jpg

Anh em có thể không tin, nhưng cỡ chỉ trăm năm trước thôi, “cái đồ đeo đồng hồ đeo tay” thật ra là một câu phỉ báng nhau của những gã đàn ông quý tộc. Lý do là, đồng hồ đeo tay chỉ dành cho hai đối tượng. Một, là những người lính tuyến đầu cần thiết bị theo dõi thời gian, chúng ta sẽ có bài về tool watch, mình hứa là như thế. Hai, ở đầu thế kỷ XX, đồng hồ đeo tay thường được coi là thứ trang sức của các chị em phụ nữ, xem giờ là phụ, khoe khoang dây bracelet kim loại quý đính kim cương đá quý mới là chính. Nói theo ngôn ngữ của ngày hôm nay, câu phỉ báng đó chẳng khác gì “cái đồ đàn bà” cả. Khi đó, những quý ông phải mặc suit ba mảnh, phải dùng đồng hồ quả quýt nhét vào túi con trên ngực áo. Nhưng cũng phải thừa nhận, đồng hồ nữ những năm 1920 cũng chất như nước cất:

Tinhte_Watch2.jpeg

Chiến tranh thế giới thứ nhất đem lại cho loài người nhiều hệ quả, hầu hết là tiêu cực khi thương vong và tổn thất nặng nề cho tất cả những phe tham gia trận chiến. Nhưng, cũng chính việc những người lính đeo đồng hồ đeo tay trên chiến trường đã góp phần giúp cái nhìn của mọi người với thứ công cụ trên cổ tay con người. Nếu những người lính vào sinh ra tử lại bị ví như “đồ đàn bà”, thì làm gì còn ai đủ nam tính nữa? Thế là cách nhìn với đồng hồ đeo tay thay đổi.

Tinhte_Watch3.jpg

Mở màn, có lẽ chính là Cartier. Năm 1917, thợ kim hoàn người Pháp Louis Cartier đặt ra nhiệm vụ tạo ra một chiếc đồng hồ vừa bền bỉ, vừa nam tính, nhưng cùng lúc phải vừa phức tạp và tinh tế. Giống như rất nhiều người Tây Âu khác lúc bấy giờ, Cartier bị cuốn hút bởi chiếc xe tăng Renault FT càn quét sa trường, và chiếc vỏ đồng hồ được định hình để tạo ra những đường nét khỏe khoắn giống hệt cỗ xe bọc thép: Lug ngắn, thẳng, nối dài từ thân đồng hồ ra để lắp dây da hoặc bracelet kim loại. Năm 1917, Cartier Tank ra đời, nhưng mãi đến năm 1919 mới được bán rộng rãi. Mọi chuyện còn lại có lẽ đã trở thành lịch sử. Hiếm có anh em mê đồng hồ nào lại không biết đến Cartier Tank cả.

Tinhte_Watch4.jpg

Kế đến là Jaeger-LeCoultre với chiếc Reverso vào năm 1931. Khi kỷ nguyên “roaring twenties” còn chưa kết thúc, Reverso ra đời với mặt đồng hồ có thể lật vào bên trong, dành cho những cầu thủ Polo chơi bóng trên lưng ngựa không lo chiếc đồng hồ bị hỏng hóc khi va đập. Màn cá cược giữa một cầu thủ polo và doanh nhân Thụy Sỹ César de Trey, thách vị doanh nhân tạo ra một chiếc đồng hồ không thể bị đập nát khi chơi polo đã giúp tạo ra một cái tên huyền thoại khác của làng đồng hồ  thế giới.

Tinhte_Watch5.jpg

Nhưng chúng ta vẫn chưa đến đoạn bàn về dress watch đâu. Lịch sử phát triển của những chiếc đồng hồ, có lẽ phải gắn liền với lịch sử phát triển của thời trang. Nếu tuxedo được tạo ra để thay thế cho những bộ trang phục rối rắm phức tạp của thời đại trước, thì chiếc dress watch nhỏ gọn ẩn nấp dưới cổ tay áo cài khuy măng sét là thứ được tạo ra để thay thế cho những chiếc đồng hồ quả quýt đồ sộ. Ở thời điểm hiện giờ, dress watch chỉ còn quanh quẩn với những người làm văn phòng, hay còn được đem tới những sự kiện trang trọng. Còn lại, đồng hồ thể thao, dây thép hoặc dây cao su luôn khiến con người cảm thấy tự tin mỗi khi đeo chúng. Cũng không trách được, nhìn mãi một chiếc đồng hồ 2 kim, đôi khi còn chẳng có kim giây mãi cũng trở nên nhàm chán, trong khi đồng hồ thể thao thì ngày càng tạo ra cảm xúc tích cực cho người đeo.

Tinhte_Watch6.jpg

Cũng giống như chiếc Nomos, mà mình là một fanboy, đã chẳng thiếu những lần viết bài về nó để chia sẻ với anh em, những chiếc dress watch giờ không phải thứ để đeo hàng ngày, mà ít lâu lấy ra, lên cót, đem đến một sự kiện trang trọng nào đó và ngắm nhìn mặt số đơn giản đến mức tưởng chừng không thể thêm bớt được nữa. Mà mãi đến những năm 1970, các hãng lớn mới đổ xô làm đồng hồ thể thao bằng thép, và trong ngót nghét nửa thế kỷ, những người đàn ông khi ấy chỉ có những chiếc dress watch làm bầu bạn.

Nhiều người tin rằng, dress watch PHẢI là một chiếc đồng hồ mỏng, chỉ hiển thị thời gian, có kim giây hay không, không quan trọng. Những tính năng khác vẫn có thể tồn tại, nhưng phải cỡ lịch vạn niên hay tourbillon. Mở đầu cho trào lưu dress watch, không ai khác hơn, có lẽ chính là gia đình nhà Stern, với thương hiệu ai cũng biết: Patek Philippe.

Tinhte_Watch8.jpg

Canh bạc của Patek Philippe rất khác canh bạc của Jaeger leCoultre trên đây. Họ quyết tâm rũ bỏ hình ảnh những chiếc đồng hồ quả quýt, lấy cái tên Calatrava, vốn được đặt cho chính biểu tượng của công ty (Order of Calatrava) đặt cho chiếc đồng hồ này, biến nó trở thành sản phẩm flagship chiến lược. Năm 1932, Calatrava Ref. 96 ra đời, kích thước 31mm. So với những chiếc đồng hồ ngày nay, 31mm đúng là cỡ đồng hồ cho các chị em phụ nữ. Nhưng khi ấy, cần gì phải to khi 31mm là đủ để nhìn giờ? Nếu không có Calatrava, Patek Philippe chắc cũng không tồn tại được đến ngày hôm nay, khi canh bạc của họ là tạo ra một chiếc đồng hồ giúp công ty sống sót qua cuộc Đại Suy Thoái những năm 30 của thế kỷ trước, thứ trở thành nguyên nhân dẫn đến cuộc thế chiến thứ 2.

Khi ấy, những hãng đồng hồ một khi đã chuyển từ đồng hồ quả quýt sang sản xuất đồng hồ đeo tay, họ coi như đã chết. Patek Philippe đã thay đổi định kiến đó. Gần 100 năm sau, Calatrava vẫn là tượng đài, còn thương hiệu của gia đình nhà Stern vẫn là niềm mơ ước của cả triệu người.

Tinhte_Watch9.jpg

Cái hay, và cũng là cái khó của dress watch, như mình đã nói ở trên, đó là nó quá đơn giản. Không có nút bấm nào cho anh em nghịch ngợm chiếc đồng hồ như chronograph, không có những góc khuất đòi hỏi người dùng phải căng mắt ra tìm kiếm như những chiếc skeleton lộ máy, cũng không có những thứ phù hoa để thu hút sự chú ý. Nhờ đó, rất dễ chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ mà không bị hút vào, gây xao nhãng. Nhưng cũng chính vì sự đơn giản đến mức tối giản ấy, để tạo ra một chiếc dress watch với bố cục hoàn hảo, mọi chi tiết đều không có lỗi lầm, là thứ đòi hỏi sự kỳ công của người nghệ nhân. Từ hai chiếc kim giờ và phút, kim giây rốn, đến cọc số và điểm chỉ thị phút, tất cả đều phải hoàn hảo. Nếu làm sai, lịch sử sẽ nhanh chóng quên lãng những sản phẩm đó.

Giả sử ví dụ, tiết diện kim giờ kim phút không đều, quá to hoặc quá bé so với cọc số, kim giây rốn quá to, logo không đặt ở góc 12h, hay cọc số không được trau chuốt hàng chục giờ đồng hồ để có bề mặt hoàn hảo, viền vỏ case quá to hoặc quá mỏng so với mặt kính, càng lắp dây quá dài khiến đồng hồ không ôm tay hay quá ngắn khiến đồng hồ trở nên bụ bẫm, tất cả đều có thể khiến chiếc dress watch trở thành đồ bỏ đi.

Tinhte_Watch7.jpg

Tinhte_Watch10.jpg

Tinhte_Watch11.jpg

Tinhte_Watch12.jpg

Nhưng nếu làm đúng, thì kết quả sẽ giống như Jaeger leCoultre Master Ultrathin, giống như Vacheron Constantin Patrimony Contemporaine, sẽ giống như Philippe Dufour Simplicity, sẽ giống như A Lange Sohne Saxonia, và dĩ nhiên, sẽ giống như Patek Philippe Calatrava. Chúng đơn giản, nhưng chưa từng một ai dám nói chúng nhàm chán, ngay cả khi không có những hột xoàn sáng chói trên mặt số đồng hồ. Ấy là chưa kể mặt sau, nếu được ốp kính sapphire để lộ máy. Có người từng nói, bên trong mỗi người đàn ông đều là những cậu bé 9 tuổi, bị cuốn hút bởi những món đồ chơi càng ngày càng đắt đỏ. Cái tài của người làm đồng hồ nằm ở chỗ ấy. Đôi khi chỉ cần balance wheel chạy đều đều, hay vài bánh răng nhỏ xíu bên trong hoạt động cũng đủ khiến con người dán mắt, và cảm thấy nể phục cỗ máy thời gian trên cổ tay rồi.

Tinhte_Watch13.jpg

Suy cho cùng, dress watch là thứ làm nổi bật bộ trang phục của anh em, chứ không phải thứ thu hút toàn bộ ánh nhìn. Nhưng một khi đã để ý tới chiếc đồng hồ mặt trắng, dây da mà chỉ có hai kim cùng logo nhỏ xíu trên mặt số, sẽ rất khó để rời mắt khỏi chúng.

 



Gmail: vnrleo28@gmail.com

Con người có thể mất đi nam tính, có thể mất đi nữ tính, nhưng đừng đánh mất nhân tính
Lớp : K20YDH1


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024