Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/05/2019 10:05 # 1
hoanghuydtu
Cấp độ: 32 - Kỹ năng: 24

Kinh nghiệm: 233/320 (73%)
Kĩ năng: 16/240 (7%)
Ngày gia nhập: 09/04/2010
Bài gởi: 5193
Được cảm ơn: 2776
Khát vọng Dấn thân của những người làm Phim trẻ


Được Sở VH&TT TP Đà Nẵng cấp phép, xưởng phim Én Bạc Trường ĐH Duy Tân vừa cho ra mắt Dự án phim đầu tiên về đề tài lịch sử "Những cánh én đầu tiên", tái hiện những khoảnh khắc giao tranh ác liệt giữa Không quân QĐND Việt Nam với Không quân Mỹ trong trận chiến Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4-4-1965. Ngay buổi giới thiệu ra mắt, phim nhận hiệu ứng tích cực từ người xem.

 
'Những cánh én đầu tiên' của thầy trò làm phim tay ngang ra rạp
Những cánh én làm nên mùa xuân
 
Dù vẫn còn "sạn" nhưng với những gì ê kíp Én Bạc đã nỗ lực "đi từ không đến có" trong dự án phim đầu tiên kéo dài 5 năm này, "Những cánh én đầu tiên" là bộ phim tài liệu lịch sử đáng được đón nhận và trân trọng. Điểm cộng đầu tiên khiến bộ phim thu hút được người xem, đặc biệt là giới trẻ, chính là sự "khôn ngoan" khi chọn cách thể hiện pha trộn giữa phim tài liệu với minh họa điện ảnh công nghệ 3D. Lý giải về sự lựa chọn này, TS Lê Nguyên Bảo- Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, Chủ nhiệm Dự án- bộc bạch, đây là cách để họ tiếp cận, truyền cảm hứng về thể loại phim lịch sử đến với các bạn trẻ. Theo TS Bảo, sinh ra trong thời kỳ công nghệ 4.0, cách tiếp cận, tiếp thu kiến thức của giới trẻ ngày nay đã có nhiều thay đổi so với các thế hệ trước. Đơn cử như việc đọc sách. Ngày xưa, những người đam mê, yêu lịch sử thường là những người đọc sách rất nhiều. Nhưng với giới trẻ thời đại 4.0, cách đọc sách theo kiểu truyền thống để chiêm nghiệm dường như không còn phù hợp... "Xưởng phim Én Bạc muốn thay đổi góc nhìn của người trẻ, muốn hướng họ về mảng mang tính chất giáo dục truyền thống lịch sử thì cần phải có cách tiếp cận nào đó linh động, mềm dẻo hơn. Việc kết hợp phim tài liệu với minh họa điện ảnh 3D sẽ có sức hút với các bạn trẻ hơn"- TS Bảo chia sẻ.
 
Sở dĩ "Những cánh én đầu tiên" gây được hiệu ứng tích cực từ người xem còn ở chỗ phim đi sâu vào việc phân tích, lý giải và tái hiện đường bay thông qua lời kể của những người trong cuộc. Phim đã tái hiện khá sinh động bản lĩnh, sự quả cảm của người chiến sĩ Không quân QĐND Việt Nam trong cuộc giao tranh lịch sử với đối thủ vượt xa mình cả về mặt số lượng lẫn kỹ thuật, khí tài là F100, F105 của Mỹ, cụ thể là trận chiến đấu diễn ra ngày 4-4-1965 của Biên đội Trần Hanh (thuộc Trung đoàn Không quân 921) gồm 4 chiếc tiêm kích MiG17 do các phi công: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm cầm lái. Trong trận không chiến lịch sử oai hùng của Không quân QĐND VN cản phá thành công đợt oanh tạc của Không quân Mỹ vào khu vực cầu Hàm Rồng- cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam đó, có 3 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn phi công Trần Hanh (trung tướng, AHLLVTND- P.V)-là người bắn rơi máy bay chiến đấu hiện đại F-105 mệnh danh Thần Sấm đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tìm mọi cách bảo toàn chiếc MiG17 bằng cách hạ cánh bằng bụng xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm (H.Quỳnh Châu, Nghệ An)...
 
Sau khi xem phim, tại buổi họp báo, phi công lão thành Hồ Văn Quỳ (thành viên số 3 trong trận đánh ngày 3-4-1965, ngày biên đội MiG-17 của Trung đoàn 921 đã bắn rơi 2 chiếc F-8 của Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa) xúc động cho biết, ông đã xem rất nhiều bộ phim tư liệu lịch sử nói về Không quân QĐND Việt Nam, về trận không chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng diễn ra cách đây gần 55 năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông được xem phim nói về lực lượng của mình do những người trẻ trường ĐH Duy Tân làm. Điều đó khiến ông bất ngờ, xúc động, tự hào. Với ông, đây là sản phẩm phim rất giá trị. Đứng về góc độ bay,  ông Nguyễn Bá Hải đến từ Hãng hàng không Hải Âu cảm thấy rất "sướng" khi xem bộ phim tài liệu lịch sử này, đồng thời rất tự hào về lực lượng Không quân Việt Nam. Về tên xưởng phim, TS Bảo bộc bạch: "Tên gọi Én bạc xuất phát từ dự án phim hoàn chỉnh đầu tiên và người đặt tên là một bạn trước làm Điều phối Sản xuất khi tương tác với các bác phi công đã mê hình tượng Én bạc MiG-17 nên đề nghị đặt cho xưởng phim, vốn khi đó chỉ được hiểu đại để là Studio Phim của Duy Tân. Đến giờ, các thành viên trong xưởng lại nghĩ về Én bạc như một hình tượng cá nhân của từng người. Có phải từ những cánh én nhỏ gom lại làm nổi mùa xuân hay không, câu trả lời đó xin để cho tương lai".
 
 'Những cánh én đầu tiên' của thầy trò làm phim tay ngang ra rạp
Làm phim vì lòng tự tôn dân tộc!
 
Điều khiến tôi ấn tượng, lấy làm ngạc nhiên nhất là bộ phim được làm từ một xưởng phim trong trường ĐH, từ những người không chuyên trên lĩnh vực phim ảnh. Càng ấn tượng hơn khi được biết, chuyên ngành học của "cha đẻ" xưởng phim Én Bạc - TS Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân, Chủ nhiệm Dự án bộ phim- là ngoại thương (tại Việt Nam), Quản trị và khoa học máy tính (tại Mỹ). Anh cho hay, dù không chọn con đường điện ảnh lập nghiệp, nhưng từ bé đã có sở thích tìm hiểu về hàng không quân sự và rất mê phim ảnh. Anh xem rất nhiều phim ở các thể loại khác nhau. Trong những năm du học tại Mỹ, khi xem phim 3D nói về những trận không chiến của Quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, chỉ thấy diễn tả những tình huống Không quân Mỹ bắn rơi máy bay của Không quân Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc trong anh trỗi dậy. Từ đó, anh nuôi mộng học xong trở về Việt Nam sẽ tìm hiểu, làm phim nói về lực lượng Không quân QĐND Việt Nam. Khi tìm đọc những tài liệu lịch sử liên quan đến đề tài này, ý định của anh là chọn trận không chiến đơn giản nhất để thực hiện.
 
Với cảm nhận ban đầu, anh cho rằng, trận không chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng tháng 4-1965 là trận chiến đơn giản. "Đến khi bắt tay vào làm thì mới biết nó thực sự không hề đơn giản chút nào. Lên thuyền rồi mới hiểu, nhưng lúc đó không thể xuống thuyền được nên đành phải đi. May mắn là có anh Raphall (quốc tịch Pháp- người rất quan trọng trong ê kíp Én Bạc) chịu khó đi cùng tôi trên con thuyền đó. Có những lúc nản quá, tôi định tìm trận chiến khác để làm, anh đã động viên tôi cố gắng cho đến cùng... Có thể, xưởng phim bắt đầu từ đam mê, từ lòng tự ái dân tộc của riêng tôi, và tôi vẫn sẽ đi theo nó vì đam mê đó. Nhưng đến giờ trong xưởng đã nổi lên nhiều bạn rất có tài, có giấc mơ riêng. Nên nó không còn bó hẹp ở đam mê cá nhân tôi mà được định hình bởi đam mê, khát vọng của cả tập thể Én Bạc"- TS Bảo chia sẻ...
 
Ngoài lý do trên, cũng theo TS Bảo, sở dĩ xưởng phim ra đời và được đặt trong môi trường của ĐH Duy Tân còn bởi trường có đào tạo các ngành Thiết kế Đồ họa, Truyền thông Đa phương tiện. Dự tính tương lai của Én Bạc là sẽ tiếp tục làm một bộ phim về Không quân QĐND Việt Nam ở thể loại phim truyện với các tuyến nhân vật có suy nghĩ, tình cảm và xung đột của họ trong bối cảnh chiến tranh. Và xa hơn, có thể "sẽ chạm đến những chủ đề khác như tình cảm, học trò, lịch sử". Ở góc độ cá nhân, TS Bảo cho hay, vẫn nghiêng về làm phim chiến tranh nhiều hơn vì "lịch sử Việt Nam có lẽ được định hình nhiều bởi công cuộc dựng nước, giữ nước và mở cõi. Có lẽ thế giới biết nhiều về Việt Nam cũng vì điểm đó".
 
Từ khát vọng, mong muốn được góp phần bé nhỏ nhằm tô điểm thêm trang sử hào hùng của lực lượng Không quân QĐND Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, những người trẻ ở xưởng phim Én Bạc đã tự tin dấn thân, vượt qua thử thách, chấp nhận rủi ro với nhiều lần đổ vỡ để đi đến thành công. Ở họ, tôi bắt gặp một quan điểm sống phải dám hành động, dám dấn thân và biết cống hiến!

 



 
Không được phép bỏ link vào chữ ký 
Không Spam link dưới mọi hình thức
Thanks all

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024