Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
30/01/2018 16:01 # 1
hoanghuydtu
Cấp độ: 32 - Kỹ năng: 24

Kinh nghiệm: 233/320 (73%)
Kĩ năng: 16/240 (7%)
Ngày gia nhập: 09/04/2010
Bài gởi: 5193
Được cảm ơn: 2776
Khát vọng Duy Tân


Những ngày đầu năm 2018, nhìn từ cổng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sẽ thấy một tấm biển rất to, đầy tự hào treo phía đối diện: “Chúc mừng trường Đại học Duy Tân đoạt giải nhất Nhân tài đất Việt”. Đó là cổng trường Duy Tân, trường đại học “từ 0 điểm về nghiên cứu khoa học” ngày trước tới khát vọng “top 300 đại học quốc tế”.


Sinh viên trường Đại học Duy Tân giành giải nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt 2017. Nguồn: ĐH Duy Tân.

Cái khó ló cái khôn

Một ngày cuối năm 2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao giải nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt cho các chàng trai Đà Nẵng tại cung hữu nghị Việt Xô, nhiều người đã trầm trồ: Đúng là dân miền Trung học giỏi quá, và làm cái sản phẩm công phu quá. Đó là giải thưởng công nghệ thông tin duy nhất được trao cho sản phẩm sử dụng công nghệ mô phỏng 3D thực tại ảo để mô phỏng cơ thể người, với đầy đủ các hệ cơ quan như: hệ xương, hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ bài tiết và sinh dục, các tuyến và hạch, bao gồm đầy đủ các chi tiết giải phẫu gần giống với cơ thể người thật nhất để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe.

Thạc sỹ Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (Center of Visualization & Simulation - CVS) – phụ trách nhóm nghiên cứu của sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” chia sẻ rất gọn về lý do thành công của dự án này: “Cái khó ló cái khôn thôi!”. Để có được kết quả như ngày nay ĐH Duy Tân đã mất hơn 4 năm đầu tư cho việc phát triển dự án này. Xuất phát từ phản ánh của dư luận về việc các trường ĐH, Cao đẳng đua nhau mở ngành Y, Dược, Điều dưỡng trong khi cơ sở vật chất của đơn vị đó không  đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. Một trong những yêu cầu cần thiết là xác người để học môn giải phẫu. Đây là môn học quan trọng nhất và xuyên suốt trong quá trình học. Các trường thường chữa cháy bằng cách cho sinh viên học trên tranh ảnh, các phần mềm không có bản quyền hoặc mô hình nhựa plastic dẫn đến quá tải phòng thực hành và thiếu trực quan. Các xác người được ngâm trong bể formol khô đét và co quắp, các chi tiết bị biến dạng do mổ thực hành quá nhiều. Rất khó quan sát. Bên cạnh đó qui trình bảo quản lại cực kỳ phức tạp.


Với những việc “mắt thấy tai nghe” như thế họ nảy sinh ý tưởng: tại sao chúng ta không mô phỏng thực tại ảo cơ thể người để có thể giúp cho sinh viên, học sinh nghiên cứu? Thậm chí có thể mô phỏng các hệ cơ quan trong cơ thể cử động như thật... Ý tưởng ban đầu làm hệ xương và hệ cơ nay đã phát triển toàn bộ các hệ cơ quan trong cơ thể đồng thời giả lập các hệ cử động của các cơ quan.

Trường ĐH Duy Tân đã đầu tư rất lớn và bài bản cho Trung tâm CVS để phát triển dự án này. Từ máy móc cấu hình “khủng” nhập từ nước ngoài cho đến các thiết bị hiện đại như kính Oculus Riff, HTV Vive, kính Hololens... Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất nhà trường còn phải đầu tư về chuyên môn. Vốn dĩ CVS là trung tâm làm các dự án phần mềm mô phỏng, không có chuyên môn về y học, do vậy phải gửi các thành viên trong dự án này đi học các khóa về giải phẫu. Đồng thời kết hợp với các giáo sư đầu ngành về giải phẫu ở các trường ĐH Y khoa lớn như ĐH Y khoa Huế, ĐH Y Dược Hà Nội để thẩm định tính chính xác về mặt hình ảnh dữ liệu và mô phỏng. Chi phí khá lớn, vì hầu như tháng nào nhóm phát triển cũng phải đi Huế hoặc Hà Nội để làm việc với các giáo sư để thẩm định.

“Hơn 4 năm có quá nhiều khó khăn và đầu tư tốn kém nhưng ĐH Duy Tân vẫn quyết đầu tư với mong muốn tạo ra được sản phẩm phần mềm Giải phẫu của người Việt nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu cho khối ngành sức khỏe từ đó phát triển và mở rộng sang việc mô phỏng các bệnh lý giúp hỗ trợ cho người bệnh, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên tốt hơn” – ông Chung cho biết. 

Giải mã “gene khoa học cần cù”

Trao đổi với Tia Sáng, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, phó hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân bảo: “Triết lý nghiên cứu của Duy Tân có 2 vế: Nghiên cứu để tăng sự hiện diện khoa học của Duy Tân trong cộng đồng giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới, và nghiên cứu để áp dụng thực tế cho nhà trường và xã hội. Hiện tại, những bước đi của Duy Tân tự nhiên đang định vị trường là một trường đại học nghiên cứu ở Việt Nam. Nhưng so trên bình diện thế giới thì khối lượng nghiên cứu như vậy có thể chưa đạt đến chuẩn là đại học nghiên cứu đúng nghĩa. Có lẽ thời gian sẽ trả lời”.

Cách trả lời của ông Bảo, có phần khiêm tốn so với những gì mà họ đã “chiến đấu” trong suốt thời gian qua. Gọi là “chiến đấu”, vì với một trường tư thục, việc thu hút nhân tài không phải là việc đơn giản, nên Duy Tân đã tranh thủ từng cơ hội nhỏ nhất. Hiếm có cơ hội nào để tìm kiếm tài năng khoa học mà đội ngũ này bỏ qua. “Nhóm học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng – hay gọi là đề án 922, có vài tiến sĩ về nước, thì đều được trường Duy Tân mời đến trò chuyện để chia sẻ các định hướng dài hạn về khoa học của họ. Đãi ngộ rất tốt, đặc biệt là việc đầu tư để có thể có những bài báo khoa học công bố quốc tế. Cơ chế săn người này quả thật là lợi hại” – một tiến sĩ công nghệ thông tin từ Anh về chia sẻ.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với những nhân sự Việt kiều hoặc cộng đồng Du mục kỹ thuật số (digital nomads – những chuyên gia công nghệ thích di chuyển khắp nơi trên thế giới để làm việc và tìm nguồn cảm hứng), ở đâu hình như cũng có “tai mắt” của trường Duy Tân. Anh Bảo, một cựu giảng viên của Đại học UC Berkeley của Mỹ vừa về thăm quê được hơn tuần thì đã nhận được điện thoại của Duy Tân. Anh Madds, một giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Boston, vừa tham gia diễn đàn công nghệ trực tuyến ở Đà Nẵng cũng lập tức được chiêu dụ bởi Duy Tân… “Ít có chương trình nào mà thiếu bóng dáng các nhân sự của trường Duy Tân. Họ cần cù làm việc, đứng giữa trời miền Trung đầy nắng để tiếp khách, trao đổi về công nghệ với tất cả sự cầu thị, và luôn rủ rê về trường họ để trò chuyện với sinh viên” – Peter Vũ, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo thốt lên.

Để lý giải cho sự cần cù và ham học này, có lẽ không chỉ nói một câu “dân miền Trung” được, mà đó là một thứ nền tảng được xây dựng từ 23 năm trước. Ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, nói đầy tự hào trong ngày khai giảng vừa rồi: “Năm 1992, có 3 người đứng ra thành lập một Ban vận động để hình thành Đại học Tư thục miền Trung, sau đổi tên trường thành Đại học Duy Tân. Duy Tân là đổi mới, khát vọng Duy Tân là khát vọng đổi mới, đổi mới để hội nhập, để phát triển, để bền vững, để đưa đất nước chúng ta tiến lên. Về nghiên cứu khoa học, chúng ta đi từ con số 0. Năm 2009, khi kiểm định lần 1, trường Duy Tân 0 điểm về nghiên cứu khoa học, nhưng từ 2010 đến nay, chúng ta đã phát triển nghiên cứu khoa học trở thành điểm sáng của trường. Chúng ta có 25 công trình Nafosted, trên 650 bài báo ISI công bố quốc tế…”.

Ông nói thêm: “Khi nghe Duy Tân khát vọng vào Top 300, có nhiều người gọi điện nói có phải Duy Tân “điếc không sợ súng không”. Xin thưa đó là “khát vọng”, chúng ta có quyền khát vọng, nó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần, hay xa. Ngày xưa khi còn nô lệ, thời đánh Pháp, đánh Mỹ, chúng ta có nghĩ đến ngày độc lập, tự do như hôm nay đâu. Chúng ta khát vọng độc lập, thống nhất, và giờ Duy Tân khát vọng Top 300 châu Á. Dĩ nhiên lộ trình đi còn vô vàn khó khăn và không đơn giản, các tổ chức kiểm định thế giới đều có những tiêu chuẩn và tiêu chí cụ thể, đánh giá công minh, không thiên vị khoa học”.

Ông Lê Nguyên Bảo, thế hệ kế thừa của Duy Tân, thì nhìn vấn đề một cách khiêm tốn như lối sống của mình: “Mình đam mê làm ra sản phẩm ứng dụng thật để giải quyết một vấn đề nào đó. Ở một nghĩa nào đó nó là nghiên cứu khoa học khi tạo ra thành tố mới hoàn toàn cho sản phẩm, nhưng không phải bao giờ nó cũng là nghiên cứu khoa học vì đôi khi để làm ra sản phẩm chỉ cần lắp ghép thành quả của những nghiên cứu đã có. Dĩ nhiên lắp ghép như thế nào để có sản phẩm cũng sẽ tốn nhiều công sức suy nghĩ”.

Xin kết lại bằng câu nói cuối của ông Cơ trên bục khai giảng: “Người lính già như tôi từ chiến tường trở về, miền Trung nghèo, muốn thoát nghèo không có con đường nào khác là phải học, bởi tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt, nhưng trí tuệ không bao giờ cạn kiệt, nếu chúng ta biết tích hợp và tác động lẫn nhau, trí tuệ sẽ phát triển thay cho tài nguyên. Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được thúc đẩy và thế giới đang rầm rập bước vào, trường Đại học Duy Tân cũng phải bước vào việc đó. Mong rằng, mỗi chúng ta khi còn sống hãy trồng một cái cây, để khi chết để lại cho đời một bóng mát. Cây đó là “cây đời”, bóng mát có thể nhỏ hoặc to tùy từng người”.

Và họ vẫn chọn cái cây khoa học để tỏa bóng mát cho đời.

 



 
Không được phép bỏ link vào chữ ký 
Không Spam link dưới mọi hình thức
Thanks all

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024