Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/11/2011 16:11 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
Không tuyển công chức tốt nghiệp ĐH tại chức và ngoài công lập: Không công bằng


(DĐDN) Việc Nam Định là địa phương tiếp theo Đà Nẵng từ chối tuyển công chức tốt nghiệp Đại học tại chức và ngoài công lập vừa qua đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Trên quan điểm của người trong cuộc, ông Lê Công Cơ – Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân – trường ĐH tư thục đầu tiên và uy tín miền Trung cho rằng: Việc phân biệt đối xử giữa bằng ĐH công lập và ngoài công lập là thiếu công bằng và bất hợp lý.

Theo ông Cơ, để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được đi học, trong khi các trường công lập ở VN không thể đáp ứng hết nhu cầu đào tạo thì việc ra đời của các trường ĐH ngoài công lập là rất cần thiết và góp phần tiết kiệm rất nhiều kinh phí nhà nước cho lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đã ghi rõ rằng bằng Đại học chính quy và không chính quy đều có giá trị như nhau trong hệ thống văn bằng. Một khi Chính phủ đã công nhận các loại hình đào tạo này đều có giá trị như nhau thì việc Đà Nẵng và Nam Định phân biệt bằng cấp của sinh viên ngoài công lập với sinh viên công lập là hoàn toàn bất hợp lý.

- Nhưng Đà Nẵng và Nam Định có cái lý trước yêu cầu nâng cao chất lượng công chức của họ, thưa ông?

Hiện nay, việc tuyển công chức nước ta là thông qua phương thức thi tuyển cạnh tranh chứ không phải là xét tuyển dựa trên bằng cấp. Theo tôi, mấu chốt là ở cách tuyển dụng.

Theo tôi, nếu xu hướng nói không với bằng tại chức, ngoài công lập được nhân rộng thì vô hình trung là đang khuyến khích xã hội chạy theo bằng cấp hơn là theo đuổi kiến thức. Cũng như sẽ phủ nhận hoàn toàn những cố gắng mạnh mẽ trong thời gian qua của các đơn vị đào tạo ngoài công lập có uy tín. Và điều quan trọng hơn cả là tư tưởng phân biệt đối xử này đang gây tâm lý hoang mang cho các em sinh viên, các bậc phụ huynh và về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề tới công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường.

- Nhưng lý do của việc không tuyển sinh viên ngoài công lập đó bắt nguồn từ thực tế đáng buồn là chất lượng của SV hệ tại chức và ngoài công lập có vấn đề?

Trong thời gian qua đã có hiện tượng vì chạy theo thành tích của một số đơn vị mà số lượng trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường Cao đẳng, Trung cấp hoặc thành lập mới quá nhiều, quy mô đào tạo, số lượng ngành nghề cũng tăng nhanh chóng, trong khi các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình... để đảm bảo chất lượng đào tạo lại không được chú trọng, dẫn đến tình trạng một bộ phận sinh viên ngoài công lập ra trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng xin khẳng định rằng trong số các đơn vị ngoài công lập vẫn có rất nhiều cơ sở đào tạo thời gian qua đã có sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, cập nhật chương trình giảng dạy... để cho ra trường những lớp sinh viên có chất lượng cao được xã hội đặc biệt đón nhận và tin dùng.

Trường ĐH Duy Tân chúng tôi là một ví dụ, những năm gần đây Duy Tân đã trở thành đối tác liên kết đào tạo của nhiều trường ĐH có uy tín ở Mỹ như: ĐH Carnegie Mellon, ĐH Penn State và ĐH Bang California ở Fullerton.

Trong kỳ tuyển sinh 2011 vừa qua, chúng tôi đã tuyển hơn 3.000 tân sinh viên với điểm xét tuyển cao hơn 2 điểm so với điểm sàn mà Bộ Giáo dục đã quy định.

Ngày 26/07 vừa qua, Đại học Duy Tân đã vinh dự là đại diện duy nhất của khối trường ngoài công lập cùng với gần 30 trường ĐH công lập nổi tiếng của cả nước trúng thầu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Để đạt được những thành tích trên là cả một quá trình nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Như vậy xã hội không thể đánh đồng sự cố gắng của những trường ngoài công lập có uy tín trên cả nước như chúng tôi với sự yếu kém của một số đơn vị khác mà gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền giáo dục VN nói chung.

- Vậy quan điểm và đề xuất của ông trong vấn đề này?

Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, giới truyền thông và người dân nên có cái nhìn khách quan hơn đối với các bạn sinh viên được đào tạo tại chức hay ngoài công lập. Tuy đầu vào của trường dân lập thường thấp hơn công lập nhưng đó chỉ là một mốc đánh dấu năng lực của các bạn trẻ tại thời điểm đó thôi, còn cả quá trình rèn luyện, học tập 3 - 5 năm tại trường, nếu có quyết tâm và nỗ lực học tập thực sự thì không ai có thể nói các bạn không đủ năng lực.

Trong bất kỳ môi trường học tập nào cũng phải có em giỏi và không giỏi, trong khi việc tuyển dụng là lựa chọn người tài, bằng cấp chỉ là một tiêu chí mà thôi chứ không phải là tất cả. Vì vậy, các đơn vị tuyển dụng nên nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đặt năng lực thực chất của thí sinh lên hàng đầu chứ không nên dựa quá nhiều vào bằng cấp.

Để nước ta có những trường ĐH tư đạt chất lượng, theo tôi, Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải có những quy định cụ thể và sát thực hơn trong việc xếp hạng, nâng cấp hoặc cấp giấy phép thành lập các trường ngoài công lập. Cần phải thường xuyên thanh kiểm tra một cách chặt chẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo... của các trường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời Bộ Giáo dục cũng nên có phương án siết chặt các kỳ thi tốt nghiệp ĐH cho tất cả các loại hình đào tạo để từ đó cho ra trường những người thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Xin cảm ơn ông.
 

TS Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội:

Việc Nam Định mới đây và Đà Nẵng năm trước công bố chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy là quyền của nhà tuyển dụng. Điều đó không có nghĩa là họ bác bỏ bằng cấp các hệ đào tạo khác mà chỉ bao hàm ý nghĩa là công việc đó, lĩnh vực đó cần một ứng viên đáp ứng một số điều kiện nhất định. Không có gì là trái luật ở đây. Tuy nhiên, qua đây, các nhà làm giáo dục cũng phải xem lại cách thức đào tạo của mình. Anh phải đào tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và được thị trường lao động ưa chuộng.

TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp:

Tôi cũng dạy tại chức nhưng 3 lần phải trả lớp vì chất lượng người học... kém quá. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đưa ra quan điểm như 2 địa phương là cực đoan. Trong số khoảng 20 người tốt nghiệp hệ chính quy thì cũng có thể chỉ có 7-8 người đạt chất lượng và ngược lại, ở hệ tại chức trong số khoảng chục người không đạt chất lượng thì cũng có 2 - 3 người đạt chất lượng. Vấn đề mấu chốt là chấn chỉnh khâu lựa chọn chứ không phải là phân biệt hệ đào tạo. Bằng chính quy chỉ nên là một tiêu chí trong công tác tuyển dụng.

Ông Lê Tánh - Tổng GĐ Cty CP giải pháp thanh toán VN (VNPay):

Những DN không thuộc nhà nước thường không nặng nề về bằng cấp hay hệ đào tạo mà quan trọng là hiệu quả công việc. Trong quá trình phỏng vấn ứng viên tuyển dụng, tôi chủ yếu nhìn vào năng lực và kinh nghiệm của họ. Nhưng ngược lại, bằng cấp hay hệ đào tạo cũng phần nào phản ánh trình độ học vấn, hoàn cảnh, góc nhìn nhận vấn đề của ứng viên. Đó là lý do vì sao có nhiều vị trí, các nhà tuyển dụng rất thích những người đã du học nước ngoài vì những người du học nước ngoài thường có cái nhìn cởi mở hơn và dễ thích nghi hơn.

Thái Thảo thực hiện




 
Các thành viên đã Thank tanphuong85 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024