Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/07/2015 09:07 # 1
nguyenquynhtran
Cấp độ: 40 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 254/400 (64%)
Kĩ năng: 14/210 (7%)
Ngày gia nhập: 27/09/2013
Bài gởi: 8054
Được cảm ơn: 2114
Vượt Qua 7 Nỗi Sợ Khiến Người Việt Nam Gặp Khó Khăn Khi Nói Tiếng Anh


1. SỢ SAI NGỮ PHÁP
Đây là nỗi sợ lớn nhất và kinh điển nhất của hầu hết tất cả người Việt Nam. Nguyên nhân là bởi từ bé đến lớn chúng ta đã được nhồi nhét về tầm quan trọng của Ngữ Pháp khi học tiếng Anh. Từ những quyển sách “kinh thánh” Ngữ Pháp dày cộp hàng trăm trang cho đến các bài kiểm tra Ngữ Pháp dài dằng dặc mà có khi đưa cho người bản xứ nói tiếng Anh họ còn tưởng đang đọc tiếng của người ngoài hành tinh. Cũng chính vì nỗi sợ này mà khi nói tiếng Anh người Việt Nam phản ứng khá chậm và lúng túng vì để nói một câu tiếng Anh RAM trong đầu họ còn đang xử lý và phân tích 12 thì trong tiếng Anh, từ thì quá khứ đến thì hiện tại hoàn thành rồi thậm chí đến thì tương lai hoàn thành tiếp diễn. 
VÌ VẬY, GIẢI PHÁP LÀ: Các bạn hãy dẹp ngay vấn đề ngữ pháp khi nói tiếng Anh. Bởi tin mình đi, hầu hết những người bản xứ còn không chia đúng thì và không hiểu rõ về các vấn đề ngữ pháp (trừ phi họ làm các công việc liên quan đến dạy tiếng Anh và ngôn ngữ). Nếu các bạn không tin thì Ad chỉ hỏi đơn giản là có bao nhiêu phần trăm chúng ta ở đây tự tin nói rằng hiểu 100% Ngữ Pháp tiếng Việt. Điều đó cũng đúng với tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Để nói một ngôn ngữ tốt đó là do phản xạ thói quen chứ không phải là ở việc học giỏi ngữ pháp.

 

2. SỢ TỪ MỚI
“Từ này là từ gì mà sao dài mấy cm thế này làm sao mà nhớ được?” Làm thế nào để học 100 từ mới mỗi ngày?” “Làm thế nào để thuộc cả quyển từ điển OXFORD?”. Đó là những câu hỏi thường trực của người VIệt Nam khi học từ mới tiếng Anh. Nỗi sợ từ mới này lớn đến mức nó trở thành một cuộc đua học từ mới giữa những người học tiếng Anh với nhau. Không chỉ ở trẻ con mà thậm chí là ở người lớn. Mình rất ngạc nhiên là có mấy ông bố bà mẹ khá hiện đại, đã từng tiếp xúc với văn hóa phương Tây rất hồ hởi khoe với mình rằng: “Oh con chị giỏi tiếng Anh lắm, bố nó kiểm tra hàng ngày bằng cách cầm quyển từ điển kiểm tra các từ trong đó, nó nhớ hết em ạ.” Chẳng nhẽ mình lại bảo thế từ bé đến lớn chị học tiếng Việt có ai cầm từ điển Tiếng Việt kiểm tra chị không? Việc học từ mới phụ thuộc 100% vào từ điển là một sai lầm rất lớn của người Việt Nam khi học tiếng Anh và các bạn ạ, phải bình tĩnh, muốn nhanh thì phải từ từ, đừng có đặt ra tham vọng 100 từ/ngày làm gì. Khoa học thế giới đã chứng minh rồi, con người bình thường chỉ nhớ được 7 dữ liệu mới khác nhau thôi. Chúng ta học để nói tiếng Anh chứ không phải tham gia cuộc thi “Ai là người có trí nhớ tốt nhất thế giới”. VÌ VẬY,
 

GIẢI PHÁP LÀ: Hãy học từ mới trong hoàn cảnh: đọc một đoạn tin tức hay truyện cười hay bất kì cái gì bạn thích, lọc ra những từ mới bạn không biết, sau đó tra từ điển Anh –Anh (xin nhấn mạnh lại là Anh-Anh) để hiểu từ mới đó bằng tiếng Anh (các bạn sẽ tránh được hiện tượng dịch trong đầu khi nói tiếng Anh).Mà tốt nhất là nên tra từ điển online để người ta đọc luôn sẵn cho mình (còn nếu không có điều kiện tra online các bạn có thể học các biểu tượng ngữ âm trong từ điển). Sau đó các bạn hãy kể lại thông tin mình đọc bằng tiếng Anh cho một người khác nghe có sử dụng các từ mới đó. Việc này nên lặp lại 3 lần trong tuần đầu tiên và một lần trong tuần tiếp theo. Đây là cách để từ mới đó ở trong bộ nhớ của các bạn. Và một lần nữa, hãy biết mình là ai. Đừng tham vọng học 100 từ mỗi ngày. Thà học 10 từ 1 tháng mà biết cách sử dụng còn hơn làm một con vẹt thuộc 100 từ mà chả biết dùng như thế nào.
 

3. SỢ ĐIỆU

“Eo ôi, nói điệu như thế á? Kinh lắm, nghe buồn cười lắm, điệu lắm, không cần thiết lắm”. Đây là những lời nhận xét phổ biến nhất khi mình hướng dẫn cách phát âm cho bất kì người bạn Việt Nam nào của mình. Và nó khiến mình phải phì cười. Bởi thực ra mình nghĩ thà điệu một tí hoặc điệu quá đi chăng nữa nó còn hơn thứ tiếng Anh ngang phè như nước ốc luộc, không có lên bổng xuống trầm mà rất nhiều người Việt Nam đã và đang mắc phải. Bản thân mình đã phải vượt qua rất nhiều định kiến xã hội Việt Nam về nói tiếng Anh điệu đà để có thể loại bỏ 90% thổ âm ngang ngang của người Việt khi nói tiếng Anh. Các bạn muốn nói tốt, hãy bỏ ngay suy nghĩ sợ điệu sợ bị đánh giá là điệu khi nói tiếng Anh. Có thể thời gian đầu các bạn sẽ bị quá điệu do mình phải cố gắng bắt chước. Tuy nhiên dần dần khi nó thành một phần trong bạn thì sự điệu đà đó sẽ trở thành rất tự nhiên. VẬY THÌ, LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÓI ĐIỆU?
 

GIẢI PHÁP: Bắt chước và nghe lại. Hãy nghe một đoạn nói tiếng Anh có script sẵn (mức độ dễ khó tùy từng cá nhân). Sau đó các bạn lặp lại và record. Sau khi record xong các bạn bật lại so sánh, nếu chưa giống chỗ nào các bạn hãy nói lại và record. Cho đến khi nào được 50% - 60% là ok. Các bạn hãy luyện tập hàng ngày và mình tin chắc các bạn sẽ dần dần đạt được mức 80 – 90%. Nói tiếng Anh hay cũng là khổ luyện đặc biệt là những người ở Việt Nam không có điều kiện ra nước ngoài, không có cái gì là tự nhiên mà thành các bạn ạ.
 

4. SỢ NÓI TIẾNG ANH VỚI NGƯỜI VIỆT
Có một lần trong quán cà phê, mình và một nhóm bạn người Việt nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh (vì thực ra là có một vài người bạn đã sống lâu ở nước ngoài nên nói tiếng Anh với họ thì có vẻ tiện hơn). Tuy nhiên, ở một xã hội thích đánh giá và nhận xét chuyện của người khác như ở Việt Nam thì một nhóm bạn trẻ và già khác ở đằng xa nói với nhau rất to là: “Ơ bọn này bị điên à, một lũ Việt Nam nói với nhau bằng tiếng Anh, để thể hiện à.” Và tất nhiên lúc đấy mình cũng nói với bạn mình bằng tiếng Anh cũng khá to là: “That’s why we don’t speak your kind of English” (Đó là lý do mà chúng tao không nói loại tiếng Anh mày đang nói). Rất may họ cũng không hiểu gì vì đó là một câu khá phân biệt (racist). Mình kể câu chuyện trên để muốn nói rằng, dù là người Việt với nhau hãy nói với nhau bằng tiếng Anh nếu có cơ hội. Đó không phải là để thể hiện tiếng Anh, mà là để giao tiếp, để giúp nhau cùng tiến bộ. Và khi các bạn càng nói chuyện với nhau nhiều bằng tiếng Anh thì phản xạ tiếng Anh của bạn chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều.

 VÌ VẬY, GIẢI PHÁP LÀ: Hãy quy định với bạn bè hoặc anh chị em trong gia đình một ngày nào đó trong tuần chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Để hiệu quả hơn, hãy có thêm luật là nếu ai dùng tiếng Việt sẽ bị phạt 10,000/lần chẳng hạn. Hãy làm thử trong một tháng và bạn sẽ nhận ra sự tiến bộ rõ rệt của mình trong giao tiếp tiếng Anh
 

5. SỢ TÂY
Ngoài Phở, Sợ Tây là một đặc sản của Việt Nam. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều giám đốc doanh nghiệp thét ra lửa, mắng nhân viên Việt Nam sơi sơi như tát nước vào mặt nhưng nhìn thấy đối tác Tây mắt xanh tóc vàng hoe là khúm núm và nhũn như con chi chi. Còn nếu cần bằng chứng bằng thì các bạn có thể Google bài báo “Ông Tây đánh người ở Đà Nẵng bồi thường 3.000 USD” của VNExpress ngày 28/08/2014. Lần đầu tiên trong đời mình thấy một thằng đàn ông đánh phụ nữ “được” gọi bằng ÔNG trên báo chí chính thống – đơn giản thôi, vì đó là Tây. Và đặc sản Sợ Tây này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các bạn khi nói tiếng Anh. Mình đã gặp rất nhiều bạn bình thường nói tiếng Anh rất giỏi nhưng nhìn thấy Tây từ Mỹ từ Anh là như bị Medusa làm hóa đá, lúng túng, lắp bắp. Việc này thành thói quen sẽ khá nguy hiểm, đặc biệt khi đi phỏng vấn cho các công ty hay tập đoàn đa quốc gia. Người ta sẽ đánh giá các bạn là không đủ tự tin cho vị trí mà bạn ứng tuyển. 

VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẾT SỢ TÂY?
GIẢI PHÁP: Gặp nhiều Tây hơn. Ở đâu? Tại các phố Tây như Tạ Hiện, Bùi Viện ở Hà Nội, Hồ Chí Minh – tin mình đi, Tây nhiều hơn quân Nguyên. Hãy đi theo nhóm (để đảm bảo tính an toàn) và làm quen những người nước ngoài ở đó. Đa số Tây khi đi du lịch tại Việt Nam đều khá thân thiện với con người và văn hóa Việt (nếu không thì họ cũng chả sang làm gì). Tất nhiên các bạn sẽ gặp một vài bạn Tây rất vô văn hóa và bật lịch sự. Nhưng ở đời, các bạn biết rồi đấy, phải hôn rất nhiều cóc nhái chẫu chuộc thì mới gặp được hoàng tử. Mà thực ra kinh nghiệm bản thân cho thấy gặp ếch nhái nhiều thì các bạn sẽ hết sợ Tây nhanh hơn đấy. Còn nếu bạn nào ngại giao tiếp buổi tối thì chỉ còn cách là ban ngày ra những chỗ nhiều khách Tây du lịch, nếu thấy họ lơ ngơ như bò đội nón thì hãy giúp đỡ họ vì 90% là đang lạc đường. Ai cũng sẽ thích giúp đỡ mà làm như vậy còn sẽ tạo được hình ảnh tốt cho người Việt Nam. Tất nhiên nhiều bạn sẽ nói là sợ bị đánh giá là “me Tây” “gái/trai tìm Tây”. Nhưng mình nói thế này, ở đời mà sợ người ta đánh giá thì chả làm được cái gì ra hồn đâu, chứ đừng nói đến việc học nói tiếng Anh.
 

6. SỢ LUYỆN TẬP
Mình không nói là ngại luyện tập mà là sợ luyện tập. Mỗi khi mình chỉ cho một số bạn cách học nói tiếng Anh nhanh thì trong đầu các bạn hiện lên vô vàn các nỗi sợ không tên: sợ nói tiếng Anh trước đám đông, sợ nói tiếng Anh một mình trước gương (???), sợ nghe lại giọng mình, sợ không tiến bộ, SỢ X! SỢ Y ! SỢ Z!. Mình nghĩ nếu từ bé sinh ra ai cũng nhiều nỗi sợ như thế thì chắc chả ai nói được Tiếng Việt mất, chứ đừng nói là tiếng Anh. Thực ra những nỗi sợ này đều bắt nguồn từ một lần trải nghiệm nào đó của các bạn khi học tiếng Anh ví dụ như hồi học cấp 3 khi nói tiếng Anh chán, cô giáo Lan dạy tiếng Anh của bạn đã bình phẩm một cách khiếm nhã, cả lớp cười hố hố, khiến bạn xấu hổ, không dám nói tiếng Anh trước nhiều người nữa, từ đó bạn sợ nói tiếng Anh trước đám đông. 

VẬY GIẢI PHÁP LÀ GÌ? GIẢI PHÁP: Quên cô Lan đi, ok? Đừng để một cá nhân hay trải nghiệm ngu ngốc nào ảnh hưởng đến việc luyện tập của bạn. Nếu bạn sợ nói tiếng Anh trước đám đông hãy luyện tập một mình sau đó với 1 hoặc 2 người rồi tăng dần lên. Nếu bạn sợ nói một mình trước gương hãy nói với một người bạn thân của mình và nhờ họ nhận xét. Nếu bạn sợ nghe lại giọng mình, hãy nhờ một người giỏi tiếng Anh nghe hộ. Nếu bạn sợ không tiến bộ hãy đặt ra mục tiêu nhỏ hơn, vừa vặn hơn với năng lực của mình. Và kinh nghiệm của mình là hãy để việc luyện tập là một thói quen đã rồi hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể.
 

7. SỢ KHÔNG HOÀN HẢO
Đây là nỗi sợ của những người đã đạt đến một trình độ nhất định khi nói tiếng Anh. Họ nói gần như người nước ngoài và không có vấn đề gì trong giao tiếp. Họ đã vượt qua tất cả những nỗi sợ kia nhưng vì quá tham vọng và cầu toàn họ vẫn sợ sự không hoàn hảo. Mình đã từng là nạn nhân của nỗi sợ thứ bảy, cũng chỉ cách đây vài tháng thôi. Lúc đó mình muốn tiếng Anh của mình phải như hoàng tử William (UK) vì với mình như thế là tiếng Anh hoàn hảo. Và trong thời gian đó mỗi lần nói tiếng Anh mình rất căng thẳng vì phải cố gắng tròn vành rõ chữ từng âm tiết cho giọng nó thật hoàng gia, sang trọng. Tuy nhiên điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình giao tiếp của mình do lúc nào cũng ở trạng thái căng như dây đàn. Và mình đã vượt qua nỗi sợ ấy nhờ nghe một lời khuyên từ một người bạn của mình – là người đào tạo các giám khảo chấm IELTS: “Quan trọng nhất vẫn là giao tiếp để gây lại ấn tượng tốt với người ta và giúp người ta hiểu mình. Nếu giọng nói sang trọng mà vẻ mặt thần thái căng thẳng thì lúc đó hiệu quả giao tiếp cũng chỉ bằng 0.”

VÌ THẾ, hãy thật thoải mái, thư giãn khi nói tiếng Anh các bạn nhé. Mình tin rằng chỉ cần vượt qua 7 nỗi sợ này, tất cả chúng ta đều có thể nói tiếng Anh trôi chảy mà không cần phải đi Anh đi Mỹ gì hết. Chúc các bạn thành công.



NGUỒN: FB Kite Nguyen



 

SMOD GÓC HỌC TẬP

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024