Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/02/2019 23:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Youth Confessions] Chia Sẻ Kinh Nghiệm Học Tiếng Pháp: Làm Sao Để Đọc Tiếng Pháp Online Một Cách Hiệu Quả?


     Bài viết này gần như chỉ là một dấu gạch nối cho chuỗi bài về việc học tiếng Pháp. So với việc chuẩn bị các tài liệu như đã nói ở bài viết trước (giáo trình, từ điển, bảng chia động từ, sách ngữ pháp) thì việc học online nằm ở một khía cạnh chỉ hơi hơi liên quan thôi. Nhưng nguồn học tiếng Pháp online là nguồn phong phú nhất, không tận dụng quả là hơi phí các bạn ạ! Nên mình sẽ dành hẳn một bài phân tích thật kĩ, cho các bạn tham khảo.

    Đầu tiên, định hình nguồn học tiếng Pháp online.  Chúng ta có 3 kênh chính: youtube, facebook và blog (website).  

 

 

HỌC TRÊN FACEBOOK  

    Trong các kênh online, có lẽ kênh phổ biến nhất hiện nay có lẽ là facebook. Các trang dạy tiếng Pháp (trang admin người Việt, người Anh, người Pháp… đều có). Ở Việt Nam, qua tìm hiểu, mình biết có các trang như: Tự học tiếng Pháp – Mỗi ngày 5 từ vựng. Học tiếng Pháp. Học tiếng Pháp không khó. Ngữ pháp tiếng Pháp. Tiếng Pháp không khó… Mở ngoặc với những bạn mới đến page, bọn mình cũng có một album học tiếng Pháp mang tên: “Mỗi tuần 3 câu tiếng Pháp”. Bạn chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm của facebook, bạn sẽ tìm ra hàng loạt kết quả.  Ngoài ra, có rất nhiều trang tiếng Pháp có nội dung dễ tiếp cận, rất tạo cảm hứng học tiếng Pháp cho chúng ta, đó là các trang về Citation (trích dẫn), Savez-vous que, Rire, Minion citation… Các trang này thường đăng những câu danh ngôn hoặc câu post ngắn, có cấu trúc đơn giản, dễ bắt chước, dễ nhớ. Nếu chịu khó đọc thì một thời gian bạn cũng sẽ tích trữ được kha khá tiếng Pháp.  Nhạc Pháp, Thế giới âm nhạc và điện ảnh Pháp (F-zone) là các trang tập trung vào các mảng nghệ thuật có sử dụng tiếng Pháp. Cũng là một kênh học tập hữu ích. Một cách để bạn tranh thủ thời gian rảnh. Học qua việc xem phim, nghe nhạc thường thì lôi cuốn hơn là đọc bài vở khô khan trong sách đúng không?

    Nhưng, vấn đề lớn nhất chính là sự phân tán nội dung trên facebook. Sau khi lướt qua một post tiếng Pháp, chúng ta lại đọc tiếp tin về sao A, sao B, nhìn thấy một clip hài, một vài tấm hình du lịch. Có post này cần comment, có message kia cần trả lời. Rất nhiều thứ trên facebook khiến chúng ta không tập trung học được. Nhưng, nếu không tận dụng các kênh học tập online này thì quả thật rất uổng phí. Vậy mình mạn phép đưa cho các bạn một vài gợi ý:

 

-Lên lịch học cụ thể, lúc học thì turn off chat đi. Hoặc tạo một tài khoản fb khác, không add friend để phục vụ cho việc học.

-Set notification cho các trang dạy tiếng Pháp, vào homepage và bấm chọn see first ngay dưới nút like page (bên cạnh có cái ô tam giác nhỏ nhỏ, bạn bấm vào là thấy). Nhân đây các bạn nhớ see first cho Nước Pháp – Tình yêu của tôi nhé! Như thế, mỗi lần bạn truy cập facebook, các post từ những trang này sẽ hiện lên đầu tiên, đều đặn. Khả năng bỏ lỡ các bài học được hạn chế bớt.

-Chuẩn bị một cuốn tập (vở, sổ) phục vụ cho việc học. Hãy coi các trang dạy tiếng Pháp như một kho thư viện. Bạn chịu khó lội page, tìm các post từ cũ tới mới, hệ thống hóa kiến thức lại và ghi chép ra thành tài liệu học cho bản thân. Không chỉ đọc qua cho biết, mà nhất thiết, bạn nên ghi chép lại, đọc – tra từ điển, tự nghiên cứu những chỗ khúc mắc. Đừng chỉ comment khen hay cám ơn admin, hay đừng like, đừng thả tim cho admin một cách thừa thãi. Dù việc đó cũng là tín hiệu tạo động lực cho các bạn làm quản trị, quản lí trang. Nhưng việc các bạn tận dụng được các nguồn tài liệu, học được tiếng Pháp thành công thì đáng mong chờ hơn rất là nhiều!

-Ngoài ra, các bạn có thể tự tạo một folder trong máy tính, hay một album trong điện thoại. Mục đích là để lưu lại các hình ảnh minh họa cho kiến thức tiếng Pháp. Một khi đã lưu lại rồi thì bạn nhớ, thi thoảng lượn vào xem cho chúng ảnh trong album đỡ buồn. Xem đi xem lại một vài lần, trong những lúc ngồi cà-phê không có chuyện nói, lúc chờ bạn bè, lúc chờ cơm, chờ bus/taxi. Một cách để tranh thủ thời gian mang lại cho bạn nhiều lợi ích.

-Hoặc như với instagram của vitirouge, thỉnh thoảng, bạn có thể lượn vào xem post, nghe lại các phần ghi âm mà mình đã làm.    

 

HỌC TRÊN YOUTUBE  

      Youtube sẽ là kênh hiệu quả nhất cho bạn học kĩ năng phát âm, nghe và từ đó tập nói, hoặc luyện tập biên-phiên dịch. Lợi thế của youtube là các kênh chuẩn tiếng Pháp, do người Pháp và các nhóm có kiến thức sư phạm dạy. Các clip youtube là có sự tương tác rất lớn với người dùng, bạn có thể nghe họ phát âm (nếu có bộ loa hoặc tai nghe tốt thì tiếng thở hoặc tiếng lấy hơi, bạn cũng nghe được). Ngoài ra, bạn có thể quan sát được rất kĩ khẩu hình miệng của người dạy (khi nào nhe răng, khi nào khép miệng, khi nào mím môi). Bạn có thể tua đi tua lại cho đến khi nào thấy việc đọc và khẩu mình giống nhất với người đọc. Khó khăn trong việc tìm kênh học trên youtube là chất lượng âm thanh, chất lượng của người dạy (có thể khi thu âm, giọng của họ bị một vài biến đổi, khiến phát âm của họ bị sai lệch chút ít). Nếu theo học những người Pháp ở miền Nam, bạn sẽ bị tình trạng nói tiếng Pháp theo giọng địa phương, gây hạn chế trong việc giao tiếp và nghe hiểu về sau. Hoặc là học theo người Pháp gốc Bỉ, gốc Québec (Canada), gốc Anh… sau này bạn có thể sẽ mắc một số tật phát âm khó sửa. 

     Liệu có mâu thuẫn không, khi người Phi, người Anh, người Bỉ và cả bản thân người Pháp cũng có lúc không phát âm chuẩn mà mình lại bắt các bạn phải học theo tiếng chuẩn? Và thế nào là chuẩn?

Nếu bạn học được âm chuẩn, tức là âm theo chuẩn giọng Paris, khả năng nghe của bạn sẽ tốt hơn. Khi định vị được các sai khác về âm, thông qua giọng Paris chuẩn, bạn sẽ bắt kịp được các khác biệt đó và nhanh hiểu được người ta nói gì hơn. Ví dụ như người miền Nam, cách đọc của họ có hơi hướng giống với tiếng Ý, rung lưỡi chữ r rất mạnh và dài, các âm mũi (in, ein, ain, un) đọc bị thoát hơi nên gần giống vần –eng trong tiếng Việt. Người ta nói, người Marseille chỉ cần mở miệng nói trên đường phố Paris thì cả khu phố sẽ quay lại nhìn. Người Marseille giống như một người miền Tây Nam Bộ đến Hà Nội trò chuyện vậy, giữa hai cung giọng có sự khác biệt rất rõ ràng. 

Một số lời khuyên cho bạn nào học tiếng Pháp trên youtube:

-Lựa đúng kênh phù hợp với trình độ của mình: Đừng chọn những kênh khó quá rồi tự mình hại mình, tự mình làm mình nản chí.  Xác định mục tiêu học: học nghe hiểu, học phát âm, học để tăng tốc độ nghe/nói, học cách phản biện – cách diễn đạt ý, học sự chuyển đổi giữa tiếng Anh và tiếng Pháp?

Để lựa chọn kênh phù hợp? -Lựa chọn nội dung tạo hứng thú cho bạn, có chất lượng clip tốt, cập nhật đều đặn kịp thời, có tốc độ nói và cách trình bày sáng sủa – hợp sở thích các bạn.

-Mỗi ngày dành khoảng 30 tiếng cho mỗi clip có độ dài từ 1-5’. Bạn lưu ý, thời gian clip không nên dài quá, bạn cần phải luyện đi luyện lại một nội dung trong khoảng thời gian 30’ đó. Như thế thì vừa học, bạn cũng nhớ được chút ít rồi.

-Có lịch học đều đặn, tạo thói quen vào youtube học ở các khung giờ cố định, trong khoảng thời gian cố định, học có ghi chép, ít nhất phải học trong vòng 1 tuần, tốt hơn là 1 tháng để tạo thành thói quen và dần có phản xạ tiếng.

-Học một cách chủ động, ngoài nghe nhìn còn tự luyện tập lại, tự thu âm giọng nói để so sánh, tự quay phim lại khẩu hình miệng hoặc soi gương để chỉnh sửa cho đúng.  

 

HỌC TRÊN WEBSITE

 

     Về bản chất thì facebook hay youtube đều là các đường dẫn website. Nhưng mình xin tách riêng ở đây cho các trang chuyên dành cho việc học tiếng Pháp. Các trang này giống như một cuốn tài liệu học trực tuyến. Các nội dung được truyền đạt có hệ thống, qua bảng menu của website, hoặc theo topic. Bạn cũng dễ tra cứu theo thứ tự thời gian. Công cụ search cũng hoạt động hiệu quả hơn so với facebook hoặc youtube vì bạn có thể search được chính xác nội dung mình muốn tìm hiểu thay vì một kết quả chung chung.  Các website thường có bài phân tích rất kĩ, và bản thân nó không tạo ra sự phân tán như công cụ học Facebook. Và có thể tổ chức theo dạng forum, trang tra từ điển, trang đọc kiến thức/ thông tin/ tin báo chí, trang cung cấp kiến thức bằng tiếng Pháp hoặc dưới dạng mạng xã hội về ngôn ngữ (quora, duolingo).

    Từ google translate bạn cũng học được nhiều thứ lắm (nó có sẵn công cụ phát âm – hình cái loa ngay ô đầu tiên/ ô để nhập ngôn ngữ cần dịch.  Hãy chịu khó bỏ thời gian đọc và hiểu các bài viết trên website. Trên thực tế thì trình bày dưới dạng nội dung chữ thường không hấp dẫn lắm. Nên không phải ai cũng chăm chỉ học trên website lâu dài được. Nếu các bạn cố gắng được thì mình xin đảm bảo: Đây chính là nguồn tốt một trăm phần nghìn!   

 

 

Tác giả bài biết: Phương Bize

-----------------------------------------------------------------------------

ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024