Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/12/2018 22:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Nghe Để Học Tiếng Anh Như Thế Nào?


Mình thi IELTS khi mình vẫn còn đang cày cuốc làm việc chăm chỉ nên không có thời gian đăng ký lớp tập nghe (mình thấy cũng không cần thiết vì suy cho cùng nghe là kỹ năng có thể tự học dễ nhất trong bốn kỹ năng, hoặc ngang với đọc), mình cũng không nghe theo các bài tập dành riêng cho IELTS.

Thay vào đó, mình luyện nghe bằng cách nghe tạp như thế này.

Có một người bạn đồng hành

Thực ra cách này mình không sử dụng cho kỳ thi tiếng Anh mà mình sử dụng cho kỳ thi tiếng Pháp (trước đây mình học để thi DELF B2 để học thạc sĩ ở Pháp nhưng vì không xin được học bổng nên mình đã không đi nữa. Về những lần xin học bổng thất bại khác, mình có kể ở đây: http://bit.ly/2uaIReU).

Vì phải thi nói nên mình muốn tìm một người để thực hành nói tiếng Pháp. Mình đã lên couchsurfing (trang để những người đi du lịch kết nối với nhau) và tìm xem có bạn nào người Pháp sắp sang/ đang ở Việt Nam không. Kết quả là mình đã tìm thấy Joris, mình dẫn bạn ấy đi chơi và bạn ấy trở thành thầy dạy tiếng Pháp cho mình.

Ở thời điểm đó, mình không cần một người chỉ mình ngữ pháp thế nào cho chuẩn, vì suy cho cùng người bản ngữ đôi khi còn không nói chuẩn ngữ pháp cơ, nhưng mình cần bạn ấy chỉ cho mình biết người bản xứ có nói theo cách của mình không, và nếu không thì họ nói theo cách nào.

Bằng cách đó, mình tập quen với các kiểu nói, nhấn nhá của người bản xứ để khi nghe băng, dù họ nói nhanh vẫn có thể theo kịp được.

 

Chán cũng nghe

Trước khi thi, và đến giờ cũng thế, mình hay nghe bài trên 6 Minute English. Mỗi bài chỉ 6 phút, nói về một chủ đề nhất định và đều rất thú vị. Trước đây khi mình còn viết truyện, mình thậm chí còn nghe các bài này để tìm kiếm chủ đề cho truyện ngắn.

Mình tải các bài nghe trên này về máy (khi đó mình dùng iPod Nano để không bị xao nhãng bởi các ứng dụng khác, nghe là nghe thôi) và nghe trong lúc ngồi xe buýt, nghe trong lúc ăn cơm một mình, nghe trong lúc nghỉ giải lao, nghe trong lúc nấu ăn… thậm chí còn bật trên máy để nghe trong lúc nói chuyện với em gái.

Đại loại, mình nghe để quen với ngữ cảnh mà xung quanh là tiếng Anh. Kiểu như một đứa bé khi sinh ra không biết nói, nhưng nghe người lớn nói mãi thành ra cũng học được vài từ, bập bẹ rồi cứ thế học nói cả câu.

Mình nghe đi nghe lại cho đến khi mình có thể đọc thuộc bài đó mới chuyển sang bài khác. Thời gian đầu, mình nghe không hiểu hết, thấy rất khó chịu và muốn tắt đi. Nhưng mình cứ để đó, vì đã quyết tâm chán cũng nghe rồi mà. Nghe hoài cũng vỡ ra vài từ nữa, nhưng có những từ nghe mãi không vỡ. Đó là lúc mình dùng đến transcript mà trang cung cấp. Mình xem đó là từ gì và họ đọc theo cách nào và vì sao mình không nghe được/ nghe nhầm thành từ khác (vì sao nghe nhầm: thường là vì mình đọc từ đó nhầm; bằng cách nghe lại này mình học được cách đọc từ đó đúng luôn). Cứ thế, cho đến khi nghe đến đâu thuộc đến đấy.

Giọng trên kênh này sẽ là Anh-Anh, bạn cũng có thể tìm các kênh khác để nghe giọng Anh-Mỹ nếu muốn.

Cùng với nghe radio dạng này, mình nghĩ bạn cũng nên xem phim có phụ đề. Thực ra khi mình ôn thi mình không xem phim vì không có nhiều thời gian, nhưng đây là một cách rất hay để học ngoại ngữ, ngay cả khi đó không phải tiếng Anh. Khi mình ở Malaysia, mình đi xem phim ở rạp và thường có phụ đề bằng tiếng Malay và tiếng Trung. Ban đầu nhìn cho vui, nhưng dần dần, mình nối được từ tiếng Anh mà nghe được với từ tiếng Malay trên màn hình. Dần dần, có thêm một số vốn từ nhất định để những phim sau, nghe không được thì lại nhìn tiếng Malay để biết nghĩa.

Tập trung vào các chỗ thường khiến bạn mất điểm

Khi đã nghe hòm hòm, mình làm thử hai bài kiểm tra. Khi làm, mình phát hiện ra mình hay bị sai ở chỗ số nhiều/ số ít (có thêm “s” hay không). Nên ngoài những lúc nghe tạp, mình tập trung vào việc luyện nghe theo điểm yếu.

Cụ thể, mình chọn một bài nghe nào đó, và viết lại các danh từ có trong bài nghe đó, ghi rõ đó là số ít hay số nhiều. Sau đó nghe lại và xem transcript để biết mình đúng được bao nhiêu điểm và những câu mình sai thì vì sao mình sai (vì mình cứ tưởng họ sẽ đọc thế này, nhưng họ lại đọc thế khác; thực ra phải nói là họ đọc theo cách này nhưng mình cứ tưởng họ đọc theo cách khác, nên là mình sai).

Có một số bạn thường sai ở những chỗ có số (số điện thoại, số nhà). Có hai lỗi sai mà mình nghĩ các bạn có thể tập để tránh:

  • Lỗi số 1: Các bạn thường nhầm 15 với 50, 17 với 70. Kiểu thế. Các bạn nên xem lại cách đánh trọng âm của từ là một, ngoài ra nghe đi nghe lại cách người bản xứ đọc hai kiểu số đó và để ý sự khác nhau;
  • Lỗi số 2: Các bạn nghe số điện thoại/ mã số thẻ/… nhưng không ghi kịp. Ví dụ dãy số có 10 số nhưng các bạn mới ghi đến số thứ 4 thì họ đã đọc xong hết mất rồi. Nguyên nhân, mình đoán là các bạn khi nghe đã dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt rồi mới viết, rồi nghe tiếp. Nên mất khá nhiều thời gian. Ví dụ, họ đọc “Four-Seven-Eight-Three”, bạn nghĩ trong đầu “Four là Bốn, Seven là Bảy; ơ, hết rồi à?

Mình cũng từng mắc lỗi này khi mình học tiếng Pháp, và cách mình tập để khắc phục là nghe số nhiều nhiều nhiều. Nghe nhiều đến mức khi băng đọc các số bằng tiếng Pháp, mình tự viết số đó ra mà không cần dịch ra tiếng Việt nữa. Mình không nghĩ cái này cần thông minh, vì nếu cần thì mình đã không làm được. Cái này chỉ cần chăm. Kiểu cày đi cày lại thì nó thành đường.

 

Nói chuyện với Siri

Cái này không hẳn là kỹ năng nghe, nó liên quan nhiều đến kỹ năng nói. Nhưng mình muốn kể luôn ở đây. Đó là mình đã tập nói với Siri (có trên iPhone).

Mình nói và Siri phản hồi. Nếu Siri hiểu những từ mình nói, khả năng cao là mình đã phát âm đúng, hoặc ít nhất, phát âm đủ ổn. Những từ nào mình phát âm chưa ổn, thường sẽ được gạch chân dưới hoặc có gợi ý chỉnh sửa bằng cách gõ lại.

 

Ngoài ra, nếu có bạn nào muốn biết mình tập nói như thế nào thì mình tập bằng cách nói chuyện một mình. Mình rất hay nói chuyện một mình, thực sự là thế. Lúc lái xe mình nói chuyện một mình, lúc đi vệ sinh mình nói chuyện một mình… và mình nói bằng tiếng Anh. Không phải cái gì to tát hay nghiêm túc đâu, chỉ là mấy câu tạp nham và đôi khi vô nghĩa. Cũng có lúc mình nhắc lại vài chuyện trong ngày, cảm nghĩ của mình, kế hoạch cho ngày mai, kiểu thế.

Theo Góc nhỏ của Cây

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024