Hướng dẫn trình bày bản vẽ:
Bản vẽ trình bày trên khổ giấy A1, giấy dày và loại tốt. Thể hiện các nội dung như sau:
+ Về bố cục: Chú ý căn chia tờ giấy A1 thành nhiều khu vực, mỗi khu vực thể hiện các chi tiết riêng, cần đưa được các thông tin sau:
- Sơ đồ khung ngang: cần có đầy đủ các kích thước theo phương đứng và phương ngang đã tính toán trong TM, có các cao trình cần thiết để tính tải trọng gió. Chú ý thể hiện theo 2 đến 3 đường kích thước;
- Hệ giằng thiết kế phải có đường đứt nét thể hiện vị trí đặt hệ giằng; với HG cột cần có cao trình đặt hệ giằng;
- Chi tiết toàn cột: thể hiện các kích thước của cột trên, cột dưới, trục định vị, chi tiết các thanh giằng xiên, giằng ngang trong cột …
- Mặt cắt cột trên, cột dưới cần thể hiện đúng kích thước đã thiết kế. Các mặt cắt đưa ra phải thể hiện được ý nghĩa về cái mình định thể hiện là những nội dung gì và cơ bản mỗi mặt cắt phải có những thông tin, ý nghĩa khác nhau về cái định thể hiện;
- Chi tiết vai cột và chân cột phải ghi đầy đủ các kích thước để có thể thi công được, chú ý các mặt đứng, mặt bằng và cả mặt bên phải có sự liên hệ với nhau. Thể hiện đầy đủ các đường hàn và nắm bắt các đường hàn đó là liên kết cái gì với cái gì …
- Kích thước và nội lực dàn mái phải có ghi chú và đơn vị;
- Chi tiết dàn mái phải thể hiện được tiết diện thanh, các bản đệm và thông tin kích thước tổng quát liên quan, ghi chú các mắt dàn …
- Chi tiết mắt dàn cần thể hiện tiết diện thanh dàn, kích thước các bản thép, vị trí các đường hàn, kích thước của đường hàn. Chú ý nét thấy và khuất ở các góc nhìn.
- Khung tên phải ghi đúng: tên trường, ngành, lớp, tên GVHD, tên SVTH, MSSV, tên học phần là : Đồ án kết cấu nhà thép, tên bản vẽ là: Khung ngang nhà công nghiệp một tầng, ngày bảo vệ, ngày nhận số liệu …tất cả phải đúng với yêu cầu của một khung tên bản vẽ kỹ thuật.
- Có thể tham khảo bố cục và tỷ lệ như sau:

+ Về đường nét: cần phải quản lý tốt hệ thống đường nét như: nét thấy, khuất, đường trục, đường kích thước, text, … cần khai báo nhiều loại chiều dày của các đường nét để bản vẽ được đẹp và thấy rõ. Nếu bản vẽ được copy từ nhiều bản vẽ khác nhau nên có quá nhiều Layer thì có thể dùng công cụ Layer Translator ở trong Menu Tools (Tools/CAD Standards/Layer Translator) để đưa các Layer về cùng các nhóm cho dễ quản lý. Một bản vẽ không nên dùng quá 10 Layer vì khó quản lý.
+ Về kích thước: cần phải rõ ràng và đầy đủ cho tất cả các thanh thép và bản thép, trong một bản vẽ cần dùng chung một dạng đường kích thước và các text trong đường kích thước phải có chiều cao bằng nhau.
+ Về tỷ lệ: một bản vẽ kỹ thuật có thể dùng nhiều tỷ lệ khác nhau tùy vào mục đích thể hiện. Trong bản vẽ thép không nhất thiết phải vẽ đúng tỷ lệ, chỉ cần khi in ra nhìn nó không quá khập khiểng (vì do các bạn không vẽ mà chỉ sửa bản vẽ mà thôi). Nhưng nhìn chung phải có sự cân xứng giữa các đối tượng được thể hiện.