Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
03/11/2021 23:11 # 1
thuphuong21
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 69/110 (63%)
Kĩ năng: 4/10 (40%)
Ngày gia nhập: 09/10/2020
Bài gởi: 619
Được cảm ơn: 4
Vai trò và các chức năng của hành vi tổ chức


Vai trò của hành vi tổ chức là gì?

Hành vi tổ chức hướng tới việc xem xét mối quan hệ giữa người lao động với tổ chức trong những vai trò khác nhau của người lao động. Hành vi tổ chức nhằm đảm bảo duy trì và phát triển quan hệ này một cách hiệu quả, giúp người lao động gắn bó hơn với tổ chức của mình, và có thể điều chỉnh thái độ và hành vi của mình cho phù hợp với mục tiêu và các giá trị mà tổ chức đề ra. Ngược lại, tổ chức cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tạo nên mối liên hệ gắn kết hơn với người lao động từ đó khuyến khích tính sáng tạo và tạo động lực cho người lao động. Vai trò của hành vi tổ chức được trình bày cụ thể như sau:

Thứ nhất, thông qua hành vi tổ chức sự gắn kết giữa người lao động và tổ chức sẽ được thiết lập dựa trên cơ sở đảm bảo mục tiêu và các giá trị mà tổ chức theo đuổi, đảm bảo sự tôn trọng, các giá trị và lợi ích cá nhân của người lao động trong tổ chức.

vai_tro_cua_hanh_vi_to_chuc_la_gi_luanvan2s
Vai trò của hành vi tổ chức là gì?

Thứ hai, hành vi tổ chức giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về người lao động để từ đó đề ra các chính sách, biện pháp phù hợp nhằm khuyến khích năng lực đổi mới, sáng tạo và tạo động lực cho người lao động. Thông qua đó, năng suất lao động và hiệu quả công việc của người lao động sẽ tăng lên.

Thứ ba, hành vi tổ chức giúp tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả trong tổ chức. Điều này được xây dựng trên cơ sở sự chia sẻ trách nhiệm và hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ chức, giữa lãnh đạo với nhân viên.

Thứ tư, hành vi tổ chức giúp đảm bảo sự cân bằng, tin tưởng và gắn kết giữa người lao động với tổ chức nói chung và với lãnh đạo tổ chức nói riêng. Thông qua hành vi tổ chức,  người lao động dần dần thay đổi được nhận thức, thái độ và do đó có hành vi ứng xử phù hợp với mục tiêu và giá trị mà tổ chức đề ra.

Nghiên cứu về hành vi tổ chức rất quan trọng đối với các nhà quản lý nói chung và quản lý nhân sự nói riêng vì nó giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, phát huy vai trò của con người trong tổ chức. Khai thác tối đa các nguồn nhân lực, tính sáng tạo của con người và tạo mối liên hệ gắn bó giữa con người với tổ chức.

Chức năng của hành vi tổ chức là gì?

Hành vi tổ chức có 3 chức năng chính đó là giúp "Giải thích, Dự đoán, Kiểm soát" về hành vi của con người trong một tổ chức. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các chức năng này, cụ thể:

chuc_nang_cua_hanh_vi_to_chuc_la_gi_luanvan2sChức năng của hành vi tổ chức là gì?

#1 Chức năng giải thích

Hành vi tổ chức giúp chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao một cá nhân hay một nhóm cá nhân làm một điều gì đó?" . Đây là chức năng giải thích của hành vi tổ chức. Mặc dù theo quan điểm của quản lý, chức năng giải thích được coi là một chức năng ít quan trọng nhất trong ba chức năng kể trên. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ về một hiện tượng, chúng ta cần tìm ra lời giải thích cho hiện tượng đó từ đó xác định ra nguyên nhân.

Ví dụ: khi có một nhân viên xin thôi việc, các nhà quản lý rất muốn biết nguyên nhân tại sao nhân viên đó lại nghỉ việc để từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng này. Có nhiều nguyên nhân xin thôi việc khác nhau nhưng nếu lời giải thích cho tỷ lệ thôi việc cao là do chế độ lương thưởng thấp hay công việc nhàm chán, các nhà quản lý sẽ đưa ra những chính sách điều chỉnh tiền lương, bố trí lại công việc để loại bỏ hiện tượng này trong tương lai.

#2 Chức năng dự đoán

Chức năng dự đoán của hành vi tổ chức là hướng đến các sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai bằng cách xác định một hành động cho trước sẽ dẫn đến những kết cục nào. Một ví dụ về chức năng dự đoán của hành vi tổ chức là khi một nhà quản lý của một nhà máy cố gắng dự đoán phản ứng của công nhân của nhà máy đó khi nhà máy quyết định đưa các thiết bị, máy móc tự động thay thế cho lực lượng lao động truyền thống. Điều này có nghĩa là lúc nhà quản lý nhà máy đó đang thực hiện hành vi dự đoán. Dựa vào kiến thức về hành vi tổ chức nhà quản lý nhà máy có khả năng dự đoán được những hành vi và phản ứng có thể xảy ra từ công nhân của họ trước sự thay đổi. Trên thực tế, sở dĩ nhà quản lý nhà máy cần thực hiện chức năng dự đoán trong trường hợp này là bởi vì họ có thể có rất nhiều phương án khác nhau để tiến hành một sự thay đổi nào đó. Do đó nhà quản lý sẽ đánh giá các phản ứng của công nhân đối với từng phương án khác nhau. Theo cách này, nhà quản lý có thể dự đoán được phương án sẽ gây ra mức độ phản kháng thấp nhất của công nhân và sử dụng thông tin đó để ra quyết định lựa chọn phương án tối ưu nhất.

#3 Chức năng kiểm soát

Kiểm soát tức là tác động đến người khác để đạt được những mục tiêu nhất định nào đó. Ví dụ, khi một nhà quản lý muốn tác động đến một người lao động để anh ta nỗ lực hơn trong công việc tức là nhà quản lý đang quan tâm đến việc thực hiện chức năng kiểm soát. Đây là chức năng gây tranh cãi nhiều nhất vì có nhiều quan điểm cho rằng việc kiểm soát hành vi của người lao động là vi phạm tự do cá nhân. Cố gắng kiểm soát người khác khi họ không biết mình bị kiểm soát bị coi là hành động không có đạo đức, không trong sáng. Tuy nhiên, đa số các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng việc kiểm soát hành vi trong khuôn khổ cho phép của tổ chức là điều hết sức cần thiết, không vi phạm quyền tự do cá nhân mà còn có tác dụng bảo vệ cá nhân và đảm bảo đạt được mục tiêu của tổ chức.

Hiện nay, các nhà quản lý áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ, kỹ thuật hiện đại để kiểm soát người lao động trong tổ chức của mình và họ đều đồng ý rằng mục tiêu kiểm soát là đóng góp giá trị nhất của hành vi tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả trong công việc của tổ chức.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024