Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/12/2013 21:12 # 1
nguyenthang_ktr
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 180/300 (60%)
Kĩ năng: 148/210 (70%)
Ngày gia nhập: 06/10/2011
Bài gởi: 4530
Được cảm ơn: 2248
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ / X1-HAAI


Phối cảnh tổng thể công trình

Kienviet.net – Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Do xưởng thiết kế X1-HAAI thực hiện, công trình được xây dựng hướng tới lể kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng là nơi tái hiện một bước ngoặt lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Công trình xây dựng với mục tiêu là một bảo tàng với hình thức kiến trúc hiện đại, tiếp cận và áp dụng được công nghệ kỹ thuật tiên tiến của chuyên ngành bảo tàng ngày nay. Hình tượng kiến trúc giàu tính bản sắc văn hóa địa phương, phù hợp với cảnh quan khu vực. 

Thông tin dự án:

Tên dự án: Công trình Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ nhiệm đồ án: TS.KTS. Nguyễn Tiến Thuận
Chủ trì thiết kế: Ths.KTS Nguyễn Đặng Giang
Tham gia:
Bộ môn kiến trúc: Ths. KTS. Nguyễn Đặng Giang (Chủ trì); Ths. KTS. Nguyễn Đông Giang; KTS. Nguyễn Văn Sơn; KTS. Lê Diệu Hương; KTS. Nguyễn Mạnh Linh; KTS. Phạm Minh Tiến; KTS. Vũ Hoàng Anh; Ths. KTS. Trần Trung Kiên; KTS. Đinh Anh Nam; KTS. Tạ Quang Huy; Ks. Trần Khánh Thư; Ks. Nguyễn Văn Duy
Bộ môn kết cấu: Ths. Ks. Vũ Huy Hoàng (Chủ trì) ; Ks. Phan Văn Dũng; Ks. Ngô Ngọc Việt; Ks. Trần Xuân Sinh; Ths. Ks. Trương Kỳ Khôi
Bộ môn điện: Ths. Ks. Nguyễn Văn Điền (Chủ trì)
Bộ môn nước: Ks. Trịnh Thị Tính (Chủ trì); Ks. Trần Tuấn Cường
Bộ môn Điều hòa không khí: Ks. Nguyễn Đức Hoàng (Chủ trì)
Bộ môn Điện nhẹ: Ks. Nguyễn Mạnh Cường (Chủ trì)
Bộ môn Phòng cháy chữa cháy: Ks. Nguyễn Văn Tuấn (Chủ trì)
Bộ môn Phòng chống mối: Ks. Nguyễn Minh Tánh (Chủ trì)
Địa điểm : Phường Mường Thanh – Thành phố Điện Biên – Điện Biên
Chủ đầu tư : Ban QLDA di tích Điện Biên Phủ
Năm thiết kế : 2012
Tổng diện tích sàn: 7.141m2; Diện tích xây dựng: 5.000m2 (mật độ xây dựng 22,49%) ; Phân khu chức năng cơ bản: Không gian đón tiếp, học tập, tương tác và dịch vụ, vui chơi giải trí (2.141m2)
Không gian trưng bày cố định và không gian panorama (4.334m2);Khối hành chính và nghiệp vụ bảo tàng (666m2)
Phần trưng bày ngoài trời có diện tích là 6.544m2)/Tổng mức đầu tư: 211.561.000.000 đồng

® X1-HAAI giữ bản quyền nội dung

Vị trí xây dựng, tính chất và quy mô công trình

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng trên khuôn viên khu đất của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũ (xây dựng năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – trên cơ sở hệ thép khung kho điển hình) tại phường Mường Thanh, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, đối diện với nghĩa trang liệt sỹ đồi A1. Diện tích khu đất: 22.234,00m2, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ thuộc thể loại bảo tàng sự kiện, chứng tích chiến tranh. Đây là một khu đất có 4 phía tiếp giáp với mặt đường, với tính chất và yêu cầu là một bảo tàng thực hiện chức năng trưng bày bổ trợ, trong hệ thống các di tích lịch sử của tổng thể khu di tích Điện Biên Phủ.

Mặt bằng hiện trạng khu đất xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mặt bằng hiện trạng khu đất xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ – Ảnh(c) X1-HAAI

Các điểm khác biệt liên quan đến ý tưởng đề xuất

- Khu đất xây dựng Bảo tàng có thể xem là khá thuận lợi cho công tác xây dựng. Song, vị trí khu đất này lại nằm trong vùng phễu bay của sân bay Mường Thanh, nên chiều cao bị khống chế, so với cao độ mặt hè phố, không cao quá 13,2m.

- Ngược lại, theo chiều âm xuống mặt đất cũng không được thuận lợi. Hơn nữa, các hiện vật của Bảo tàng là vô giá. Việc xác định các không gian trưng bày cố định nằm âm dưới mặt đất là hết sức mạo hiểm và không thể chấp nhận được.

- Trong cơ cấu nội dung chức năng của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, không gian Panorama là một trong những không gian đặc thù của công trình này, mà không phải công trình nào cũng có cơ hội làm được điều này. Không gian Panorama với mục đích tái hiện lại toàn cảnh chiến trường xưa, điều mà quy luật phát triển của cuộc sống ngày nay, trên mảnh đất này đã không còn đủ dấu tích để chúng ta có thể cảm nhận được. Nói là “cơ hội” bởi lẽ, nội dung trưng bày theo hình thức này là một đề xuất đúng nơi, đúng chỗ. Sẽ là thiếu nếu đầu tư xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đợt này không có bức tranh Panorama của Điện Biên Phủ. Không gian Panarama rất cần được ưu tiên về chiều cao và tầm nhìn rộng. Có thể nói, khối tích của không gian này có ảnh hưởng rất lớn đến tạo hình không gian của công trình.

Với 3 điều khác biệt trên đây, có thể xem là những điều kiện ràng buộc, khống chế khi nghiên cứu đề xuất ý tưởng kiến trúc.

Phối cảnh công trình nhìn từ quốc lộ 279 – Ảnh(c) X1-HAAI

Phân tích lựa chọn ý tưởng thiết kế

Về biểu hiện sắc thái chung của Bảo tàng: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ dành riêng cho một sự kiện, chứng tích chiến tranh. Tính chất của nó khác hẳn với thể loại bảo tàng tổng hợp – bảo tàng khảo cứu địa phương. Tính biểu hiện của nó sao cho càng gắn liền với sự kiện mà nó bao chứa càng tốt. Trong hành trình của du khách, khi tiếp cận với Bảo tàng, các không gian kiến trúc của công trình càng gắn liền với cảm nhận sự kiện càng có hiệu quả. Do vậy, cấu trúc chung của không gian Bảo tàng thiên về biểu hiện không gian công sự, địa hình và thô mộc. Đây là sắc thái chung của Bảo tàng mà đồ án quan tâm để biểu hiện qua các giải pháp chi tiết.

Nói đến Điện Biên là nói đến một địa danh, một vùng đất nhiều đồi núi, nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ là nói đến hệ thống hầm, hào, ụ tác chiến dày đặc. Mặt khác, trong mối tương quan của không gian quy hoạch xây dựng, đồ án hướng tới việc giảm thiểu tối đa khối hình kiến trúc, sao cho nhìn từ xa là một khung cảnh địa hình, đồi đất, với những cảm nhận về hình ảnh của hầm, hào công sự. Vì thế, hệ thống ta luy cỏ được xem là yếu tố tạo hình quyết định sắc thái không gian kiến trúc của đồ án. Phát huy tối đa về diện tích cây cỏ màu xanh cho tổng thể khu Bảo tàng. Đây là sự lưỡng tiện của cả hai mục đích, cho phép đồ án nghĩ tới các tiêu chí của kiến trúc xanh. Đồ án thiết kế đã xem xét kỹ về yếu tố khí hậu và tiết kiệm năng lượng: hệ thống lưu thông không khí sẽ làm mát và giữ nhiệt độ ổn định cho các không gian bên trong của toà nhà, các khu trưng bày khép kín bên trong cũng dễ dàng bố trí hệ thống điều hòa không khí đảm bảo môi trường vi khí hậu và tiêu thụ ít năng lượng.

Về biểu hiện trạng thái của tổ hợp hình khối không gian Bảo tàng: Trước vấn đề “Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ”, một tư duy lô gic không thể không nghĩ đến, đó là hình ảnh một kiến trúc Bảo tàng với trạng thái “Động”, đồng nghĩa với việc ngợi ca chiến thắng, biểu hiện cho sự chiến thắng vĩ đại của sự kiện này.

Sau nhiều sự so sánh, lựa chọn, đồ án đã thiên về tạo hình trạng thái “Tĩnh”, đây là cách biểu hiện vừa hàm chứa nhiều ý nghĩa vừa ấn tượng hiệu quả hơn nhiều. Đó là một hình khối đơn giản, cô đọng, thể hiện sự tĩnh lặng, ngôn ngữ nghệ thuật có phần “Bi tráng” nhằm biểu hiện sự ẩn chứa sức căng, huy động tổng lực cho một trận đánh quyết định, với chiến dịch bủa vây, thể hiện thế mạnh của một bên chiến thắng, khẳng định sự tất yếu thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân… Đó là những gì điển hình nhất trong cách diễn đạt về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phối cảnh tổng thể công trình

Phối cảnh tổng thể công trình- Ảnh(c) X1-HAAI

Về biểu hiện gợi nghĩa của hình khối kiến trúc: Toàn cảnh công trình được ẩn chứa dưới dạng các ta luy của một đồi đất. Trên mặt bằng tổng thể bố cục tạo hình vòng xoáy bởi các đường giao thông, các đường xẻ khe như giao thông hào – thể hiện sự bủa vây của địa hình chiến trường xưa. Nhô lên ở giữa tâm của vòng xoáy là một khối tròn hình nón cụt, có hệ nan BTCT trần tạo hình quả trám, tượng trưng như chiếc mũ có lưới ngụy trang của anh bộ đội. Đây cũng gợi hình ảnh Bác Hồ đã cầm chiếc mũ úp xuống để tượng trưng, trong khi họp chỉ đạo về trận đánh này. Hình ảnh quả trám cũng là dấu ấn quen thuộc trên chiếc áo trấn thủ của anh bộ đội Điện Biên.

Một triết lý sâu xa của hình ảnh chiếc lưới, là cái bẫy của sự vây bắt quân địch, chúng không thể thoát được, bởi lưới trời đã định. Đây cũng chính là sự ngợi ca cách đánh và thể hiện sự chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với những hình ảnh gợi nghĩa đơn giản, gần gũi, cùng với chất liệu và màu sắc của vật liệu kiến trúc dễ dàng cho người ta liên hệ với các dấu ấn đã là đặc trưng của sự kiện địa phương. Điều này đã tạo cho công trình một bản săc riêng về Điện Biên.

Cơ cấu bố cục chức năng công trình theo đồ án thiết kế

Tầng trệt có diện tích 2.141m2 bao gồm các chức năng: sảnh đón cùng với các bộ phận của nó như quầy đón tiếp khách, hướng dẫn viên, bổ trợ sự kiện trưng bày trong nhà (trưng bày chuyên đề), phòng hội thảo lớn, bộ phận học tập tương tác và dịch vụ vui chơi giải trí, giải khát, không gian kể chuyện, thuyết trình, giao tiếp, giải lao … Không gian này xem như một tầng thoáng.

gioi thieu cac cong trinh thiet ke cho Dien Bien chen anh cong trinh-3_1600x1200

Ảnh(c) X1-HAAI

Tầng 1 có diện tích 5000m2, bao gồm các chức năng: Sảnh đón tiếp, không gian trưng bày cố định, bao gồm các khoang nội dung: Lịch sử từ 1945 – 1953; Đông Xuân 1953 – 1954; Chiến dịch Điện Biên Phủ; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ; Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ; Phòng tôn vinh. Khối hành chính, xưởng phục chế, kho bảo quản, tường vinh danh và các không gian đệm, giải lao và không gian Panorama diễn tả sự kiện lịch sử (diễn ra tại một thời điểm nhất định, kết hợp cùng với tranh có tạo hình nổi cảnh tượng sự kiện). Đây là một bức tranh tròn khép kín, đường kính 42m, chiều cao tranh 9,3m. Du khách xem tranh đi lên bằng thang bộ và thang máy tại tâm của vòng tròn. Không gian trưng bày của tầng một, cho phép linh hoạt trong công tác trưng bày các nội dung.

gioi thieu cac cong trinh thiet ke cho Dien Bien chen anh cong trinh-4_1600x1200

Ảnh(c) X1-HAAI

Ngoài các diện tích sàn cơ bản, trong khuôn viên của Bảo tàng còn được bố trí khu trưng bày ngoài trời. Các diện tích này là những thành phần tạo nên sự hài hoà, hấp dẫn của không gian quy hoạch, kiến trúc khuôn viên Bảo tàng.

Quan điểm về hiệu quả sử dụng và phát triển bền vững

Bảo tàng được thiết kế lồng ghép với các không gian có khả năng tương tác cho người xem giúp du khách cảm nhận được trực tiếp những giá trị đích thực của các sự kiện lịch sử và truyền thống văn hóa mà không gian trưng bày tĩnh không diễn tả hết được.

Mặt khác, tính tương tác của Bảo tàng cũng thường là yếu tố tạo ra khả năng sinh lợi cho Bảo tàng. Công trình hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách, khi công trình đưa vào khai thác sử dụng, nếu chỉ bằng nguồn thu bán vé thì không thể có khả năng “nuôi sống” và đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình. Chính vì vậy giải pháp đưa ra là tăng nguồn thu từ các hình thức đa dạng của hoạt động Bảo tàng. Nội dung các chức năng của tầng trệt thiết kế bố trí nhằm đáp ứng quan điểm như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên với khả năng cho phép linh hoạt trong khai thác sử dụng, Ban lãnh đạo Bảo tàng hoàn toàn có thể chủ động đưa ra các chương trình hoạt động và thường xuyên cập nhật thay đổi nhằm phát huy hiệu quả sử dụng cao nhất các không gian đã được xác định của bảo tàng.

Nội thất không gian Panorama

Nội thất không gian Panorama – Ảnh(c) X1-HAAI

Vật liệu và giải pháp kết cấu công trình

Công trình tuy có mặt bằng rộng, nhưng số tầng không cao, kết cấu chịu lực chính chủ yếu là hệ khung dầm BTCT truyền thống. Giải pháp xây dựng không có những khó khăn đặc biệt. Bộ phận đáng quan tâm hơn cả và xem là đặc biệt nhất của công trình này, là kết cấu mái vượt khẩu độ lớn của không gian Panorama. Với đường kính hình tròn 42m, nhưng không bị khống chế chiều cao (trong khi cần tận dụng tối đa chiều cao cho không gian này), giải pháp được lựa chọn là dầm thép bản tổ hợp hướng tâm. Bản mái được lợp bằng thép bản dày 5mm trên toàn bộ diện tích mái. Mái được cấu tạo đầy đủ các lớp cách âm, cách nhiệt, các lớp bảo vệ và chống thấm, với sự cập nhật công nghệ và vật liệu cao cấp, theo tiêu chuẩn của hãng Sika. Đây là giải pháp kiên cố, bền lâu với thời gian của Bảo tàng, có chiều cao kết cấu nhỏ nhất, để đạt được tối đa chiều cao thông thủy cho không gian Panorama bên dưới. Đây cũng có thể xem là giải pháp chưa có trong tiền lệ các công trình ở Việt Nam.

Phối cảnh công trình nhìn từ quốc lộ 279

Phối cảnh công trình ban đêm – Ảnh(c) X1-HAAI

Công trình ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn vật liệu tại chỗ của địa phương như đá lát, đá chẻ, đá hộc, sỏi cuội… Phần tường xiên là hình ảnh chủ yếu của kiến trúc mặt đứng công trình, được ốp bằng ngói đá Ardoise – là nguồn có sẵn ở khu vực này.

 Xem tất cả ảnh trong bài tại đây:

Biên tập: Tâm An – Kienviet.net

 



Nguyễn Anh Minh Thắng- K17 KTR3
Gmail: nguyenthang1593@gmail.com

...

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm 1 ngày sống để yêu thương!!!

 
Các thành viên đã Thank nguyenthang_ktr vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024